[Theo chân 300 chiến binh Spartans đến Thermopylae, Hy Lạp] Đi tìm ký ức tuổi thơ

Bộ phim Bemjamin Button – Người đi ngược thời gian do tài tử Brad Pitt thủ vai thường được chiếu vào Lễ tình nhân, nó mang lại những thông điệp đầy ý nghĩa và sâu sắc: đừng bỏ lỡ những gì mà cuộc sống trao cho bạn, bất kể chúng là hạnh phúc, niềm vui hay buồn đau, sẽ có lúc tình yêu vượt qua thời gian, vượt qua khoảng cách về tuổi tác…và cũng một phần nào ẩn dụ rằng người đàn ông khi về già thì sẽ có những suy nghĩ như một đứa trẻ hoặc ước muốn của họ khi đó không phải là danh vọng, tiền tài mà đơn giản chỉ được trở về với những ký ức tươi đẹp của tuổi thơ, không còn vướng bận những lo toan khắc nghiệt của cuộc sống, đó mới là hạnh phúc đích thực của đời người. 

Trong một điều kiện nào đó, nếu được đi du lịch đến những địa danh, vùng đất từng là một thời in sâu trong tâm trí, trong những trang sách truyện, trong những câu truyện thần thoại được bố mẹ kể hàng đêm, để được trở về với tuổi thơ ngày xưa đó, một thời hồn nhiên và đầy mộng mơ, hoài bão thì đáng phải thực hiện cho bằng được, Cổng Lửa Thermopylae, Hy Lạp là một trong số đó.

Hy Lạp hiện diện trong ký ức của tuổi thơ là bộ truyền thần thoại Hy Lạp, là những vòng nguyệt quế vinh quang, là câu chuyện về lịch sử Marathon, là giải đấu Olympic, là Achilles và ngựa thành Troy (thực ra hồi nhỏ rất ghét Achilles, nhân vật anh hùng thực sự mới là Hector),…và tất nhiên là khúc ca bi tráng của 300 chiến binh Spartans.

Ngày nay, Hy Lạp đời thực là một đất nước rơi vào khủng hoảng kinh tế do tham nhũng, đường phố sập xệ, biểu tình triền miên, khách du lịch gặp nhiều phiền toái với đám taxi, móc túi và lừa đảo. Nhưng đó là điều bình thường như cân đường hộp sữa khi du lịch ở Châu Âu, Rome, Paris, Barcelona mới khủng khiếp hơn Athens nhiều. Khách du lịch thập phương vẫn xem Hy Lạp là một điểm phải đến trong hành trình du lịch Châu Âu, không chỉ vì cảnh đẹp của đảo Santorini, Corfu, vẻ đẹp cổ kính của Athens và nền văn minh cổ đại Hy Lạp một thời, mà còn đến với những câu truyện từ thửa còn thơ.

Thermopylae là trận chiến nổi tiếng trong lịch sử Hy Lạp với sự chỉ huy của Vua Leonidas cùng 300 quân Spartans đối đầu với hơn một triệu quân của Xerxes, Vua của đế quốc Ba Tư cổ đại, một trận chiến bất tử. 300 Spartans là tiếng nói ca ngợi tự do và là khúc tráng ca của lòng yêu nước. Hollywood đã đưa nó đến với nhiều người biết đến trận chiến này hơn thông qua bộ phim “300 Spartans”  với những thước phim slow motion, những gam màu đầy ma mị và những chàng trai 6 múi cuồn cuộn, ngon chỉ muốn…cắn, chỉ muốn véo mông cho bỏ ghét.

Thermopylae hay còn gọi là Cổng Lửa cách Athens 198km, mất khoảng 2h chạy xe đến đây. Thermopylae được xếp vào danh mục tour về lịch sử chứ không phải tour về thắng cảnh nên khi đến đây nếu ta mong chờ nó phải có những khung hình so deep như trong bộ phim 300 chiến binh Spartans của tài tử Gerard Butler thì cực kỳ thất vọng. Một Cổng lửa danh tiếng, oai hùng ngày nào chỉ là một hẻm núi điêu tàn, chỉ có sỏi đá, cây dại và rác. Thấp thoáng là dãy nhà tạm bợ của người Hồi giáo tị nạn Afghanistan được chính phủ Hy Lạp bố trí ở đây theo chương trình di dân của EU. Chỉ có duy nhất một tượng nhỏ vua Leonidas còn hiện diện ở đây. Thật đáng tiếc một biểu tượng vĩ đại của lòng yêu nước lại bị lãng quên, giống như sự lụi tàn của chính phủ Hy Lạp vậy. Nếu ở Việt Nam thì sẽ có nhiều người nghĩ ra việc lập dự án du lịch, xây tượng đài ngàn tỷ…Đi một ngày học một sàng khôn, mới thấy dân Hy Lạp không nhanh nhạy trong làm ăn như dân Việt Nam ta.

Nếu để ý, ngay dưới chân tượng vua Leonidas có dòng chữ “Molon Labe”, tiếng Anh có nghĩa là “Come and take them” hoặc tạm hiểu theo nghĩa tiếng Việt là “Ngon thì đến đây mà lấy”, đây câu nói nổi tiếng, là lời đáp trả “cứng cựa” có thật từ Vua Leonidas khi Xerxes ra lệnh cho người Sparta quy hàng, giao nộp vũ khí. Chỉ một câu nói nhưng nó thể hiện khí chất của người Sparta dũng cảm và trung kiên. Đây cũng là khẩu hiệu của Quân đội Hy Lạp và rất nhiều đội quân, các CLB bóng đá, các đội thể thao sử dụng ngày nay. Còn ở Việt Nam thì có thểm một phiên bản biến tướng thành “Có biết Bố mày là ai không” của mấy thanh niên thông chốt, vi phạm giao thông.

Là dân mê Hiking nên làm một vòng cuốc bộ quanh hẻm núi Cổng lửa để thỏa ước mơ từ thửa nhỏ, mong mãi mới được đặt chân đến nơi đã từng diễn ra một trong mười trận chiến vĩ đại nhất trong lịch sử loài người. Giấc mơ từ bé đến hơn 40 tuổi mới được đặt chân đến nơi đã đưa tên tuổi của Vua Leonidas trở nên bất tử. Lúc đứng trên đỉnh hẻm Cổng lửa (giống như vua Leonidas ngày đầu đã leo lên đỉnh núi nhìn phong thủy để chuẩn bị thế trận cho trận đánh đầu tiên với quân của Xerxes) nhớ lại phân cảnh khi tiễn Leonidas ra trận, Hoàng hậu tặng nhà vua một chiếc dây chuyền và nói “Hãy trở về trong vinh quang với chiếc khiên của anh hoặc nằm trên nó. Tạm biệt tình yêu của em”. Một hình ảnh rất lãng mạn mà dân du lịch chỉ mong có được trước khi lên đường, mong Gấu chuẩn bị đồ, thuốc men, nhét cho vài ngàn Euro vào túi, đưa cho vài cái thẻ credit và nói “Ăn chơi tẹt ga nhé anh rồi về sớm…trả bài cho em”, thật là phấn khích nhưng cuối cùng thì nhận ra là đó chỉ là giấc mơ trưa hão huyền mà thôi.

Với đa phần trẻ nhỏ, có lẽ những bài học đầu tiên về thế giới xung quanh, mở mang trí óc tưởng tượng đều đến từ những câu chuyện thần thoại, những giấc mơ sẽ được nuôi dưỡng mỗi ngày theo năm tháng, khi lớn lên, những đứa trẻ này chắc chắn không bằng cách này hay bằng cách khác sẽ thực hiện được ước mơ của mình theo những câu truyện cổ tích được đọc khi xưa. 

“Ước mơ làm cho con người lớn thêm. Ước mơ thôi thúc người ta cố gắng vươn lên trong cuộc sống để biến nó thành hiện thực. Có những ước mơ xa vời và mãi mãi không thực hiện được nhưng cũng có những ước mơ rất giản dị song cũng hết sức đẹp đẽ và luôn trong tầm tay” – Trích dẫn những câu nói đẹp về ước mơ.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *