Ốc cối – Một trong những sinh vật chết chóc nhất hành tinh

ẨN TRONG LỚP VỎ BẮT MẮT THƯỜNG ĐƯỢC NHÌN THẤY TẠI KHẮP CÁC VÙNG BIỂN NHIỆT ĐỚI TRÊN THẾ GIỚI… LÀ MỘT TRONG NHỮNG TẠO VẬT NGUY HIỂM BẬC NHẤT CỦA TỰ NHIÊN.

Là một chi ốc săn mồi với cơ chế phóng lao độc có một không hai, cùng khả năng pha trộn và gia tăng liều lượng đến hàng trăm loại độc tố khác nhau trong cơ thể để áp dụng lên từng loại mục tiêu, ốc cối luôn là một thế lực đáng sợ mà đến cả những người đi biển dày dặn kinh nghiệm nhất cũng cần phải cực kỳ cẩn trọng. Chính bởi tập tính săn mồi bằng cách vùi mình dưới lớp cát và chỉ hướng xúc tu phóng lao độc lên trên, ốc cối đã gây nên rất nhiều ca tử vong đáng tiếc cho những người đi bơi tại các rạn, bãi nông. Bên cạnh đó, đã có một số ghi nhận về những cái chết thương tâm bắt nguồn từ việc thu lượm vỏ ốc cối còn sống nằm trên các bãi biển để làm đồ mĩ nghệ hoặc chỉ do cảm thấy thích mắt.

Tất cả hơn 600 loài ốc cối đều sở hữu độc tính chết người với đại diện tiêu biểu nhất chính là loài ốc cối địa lý, danh pháp khoa học: Conus Geographus. Lượng độc thần kinh conotoxin kèm insulin chứa trong 1 con ốc cối địa lý nhỏ có thể gây tử vong cho hơn 700 người trưởng thành. Ngoài ốc cối ra thì giới khoa học vẫn chưa ghi nhận bất cứ một loài động vật nào khác có khả năng sử dụng insulin nhằm làm tê liệt đối phương. Ốc cối địa lý cũng được cho là loài gây thiệt mạng cho con người nhiều nhất trong chi, được ghi nhận lên đến hàng chục ca. Có một giai thoại mang tính thậm xưng về việc một người đàn ông lực lưỡng chỉ có đủ thời gian để hút một điếu thuốc trước khi ngỏm vì bị loài ốc cối này chích. Trên thực tế thì chúng ta có khoảng từ 1 – 5 giờ đồng hồ để thực hiện các biện pháp duy trì sự sống.

Khác với phương thức chữa trị các nạn nhân bị những sinh vật biển kịch độc khác như rắn biển hay sứa hộp tấn công, y học hiện nay vẫn chưa tìm ra được loại antivenin đặc trị nào cho các trường hợp bị tấn công bởi ốc cối. Hầu hết những ca được chữa khỏi đều phải phụ thuộc vào sự nhanh chóng trong việc ngăn chặn phát tán, loại bỏ độc và khả năng tự phục hồi của nạn nhân.

Hãy tưởng tượng việc một người ra biển để tắm vào một buổi chiều và vô tình giẫm phải một con ốc cối. Về đến nhà, người này cảm thấy mỏi mệt và muốn được nghỉ ngơi, kế đó là sẽ không còn khả năng tỉnh dậy nữa. Sự ra đi này thường sẽ bị ngộ nhận là do “trúng gió” hoặc các nguyên nhân khác … Đó chính là sự nguy hiểm từ việc bị chích bởi ốc cối. Giới khoa học nhận định rằng có rất nhiều ca tử vong do ốc cối còn nằm ngoài ghi chép. Ở đại đa số các trường hợp, nạn nhân bị dính nọc của loại ốc này hầu như sẽ không thể cảm nhận được cú chích bởi các thành phần gây tê và giảm đau tồn tại trong độc, đi kèm với đó là lực ép của nước biển.

Các vụ việc tiêu biểu:

– Vào năm ngoái, một thanh niên người Queensland (Úc) với sở thích thu thập vỏ ốc biển đã có một trải nghiệm cận kề cái chết khi cậu thản nhiên cầm một con ốc cối vẫn còn sống lên bằng lòng bàn tay để quay Tiktok. Cậu không hề hay biết rằng thứ mà mình đang nắm trên tay là loài sinh vật được xếp thứ 4 trong bảng hạng các loài vật chết chóc nhất.

– Trước đó 5 năm, cũng tại Queensland, một trường hợp hướng dẫn viên du lịch bị ốc cối tấn công đã được ghi nhận. Anh này đã đi chân trần trên thềm cát biển nông vào lúc xảy ra vụ việc. May mắn thay, một chiếc trực thăng cứu hộ đã có thể xoay xở để đáp được lên bãi cát và đưa anh ta đến trạm cứu hộ gần đó.

Giữ an toàn trước ốc cối:

Cách duy nhất để bảo toàn tính mạng trước các loài ốc cối chính là quan sát một cách thận trọng, kể cả khi đang bơi hoặc khi đi trên bờ cát ướt. Nếu chẳng may bị tấn công bởi loài vật này, hãy thực hiện các biện pháp sau:

– Ngâm vùng cơ thể bị chích ngay vào nước nóng, ở nhiệt độ cao nhất mà bản thân có thể chịu được.

– Sử dụng băng ép hoặc vải để quấn chặt vùng chi nằm gần với tim hơn, tính từ điểm chích, để giảm sự phát tán độc.

– Tránh cử động

– Nếu tình hình nạn nhân có chuyển biến xấu trước khi đội ngũ y tế có mặt, có thể sử dụng biện pháp Hồi sức tim phổi (CPR) để duy trì tuần hoàn.

Inspired by Sasa Team Marine Animals Rescue.

Ốc cối địa lý – Loài có độc tính cao nhất trong chi ốc cối.
Khởi nguồn của cái tên này có lẽ là từ lớp vỏ có màu sắc giống với một tấm bản đồ địa lý. Ốc cối địa lý được tìm thấy tại VN ở hầu khắp các vùng biển từ Đà Nẵng đến Kiên Giang.
Mũi lao có độc tính chết người được phóng từ xúc tu của ốc cối (dưới kính hiển vi)
Các loại ốc cối thường được bắt gặp tại các vùng biển nhiệt đới

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *