VĂN MINH MESOPOTAMIA – BABYLON CHIẾN THẮNG
Nhắc lại các phần trước
Mesopotamia là vùng đất nằm giữa hai con sông lớn Euraphates và Tigris. Đây là nơi hình thành một trong những nền văn minh sớm nhất của nhân loại. Chủ nhân của nền văn minh ấy là người Sumer. Họ sống về phía nam của vùng Mesopotamia, xây dựng ở đó những thành phố của họ. Họ đã có những thành tựu về chữ viết, giáo dục, nghệ thuật, quản trị nhà nước, đã có hệ thống tín ngưỡng và thế giới quan tuy rằng sơ khai. Tất cả những cái đó sẽ là chất liệu cho những nền văn minh nối tiếp sau này.
Nhưng những thành bang của người Sumer không tồn tại mãi. Văn hoá của họ tuy phong phú nhưng quân sự thì yếu, nên bị người Semit thôn tính. Người Semit cũng không trụ được lâu lại bị người Amorite vùng Babylon nằm tại khu vực trung du Mesopotamia đánh dẹp. Và dưới đây là câu chuyện ấy.
NGƯỜI SEMIT VÀ ĐẾ QUỐC AKKAD
Người Sumer đã kiến thiết hạ tầng xã hội, kinh tế, và học thuật cơ bản cho xứ Mesopotamia, nhưng người Semit mới thiệt là nhân vật chính lan truyền văn hoá Sumer vượt khỏi biên giới hai dòng sông. Tương tác giữa người Sumer và người Semit trên thực tế cung cấp cho chúng ta những đầu mối sơ khai của một thứ hiện tượng mà ngày nay vẫn còn thấy. Lịch sử có nhiều bằng chứng cho thấy các sắc dân với những nguồn gốc khác nhau dần họp lại thành một nền văn hoá. Kết quả là nền văn mới ấy thường có hai hoặc nhiều bộ phận cũ. Đó chính là câu chuyện của xứ Mesopotamia năm 2331 TCN (lúc này Văn Lang của chúng ta mới chào đời đây). Tộc trưởng (chieftain, có thể gọi là tù trưởng) của tộc người Semit tên là Sargon đã chinh phạt Sumer và xây nên một đế chế mới. Để biểu dương chiến thắng của mình, ông ta xây hẳn kinh thành mới là thành phố Akkad. Sargon, “đại đế tiên khởi” của thế giới, dẫn quân càn khắp vùng Địa Trung Hải. Tuy đế chế của ông ta chỉ kéo dài vài thế hệ, nhưng nó đã kịp lây lan văn hoá Mesopotamia lên vùng mà ta đặt tên là Lưỡi liềm Màu mỡ (nhìn hình để hình dung nó nhé các fen), trải từ phía đông là Mesopotamia lên phía bắc tới Syria và sang phía tây tới Ai Cập.
BABYLON CHIẾN THẮNG
Tuy đế chế của Sargon rộng rãi là vậy nhưng mà lại đoản mệnh. Người Akkad cũng không giải quyết được bài toán địa lý và dân số của xứ Mesopotamia. Phải đợi tới người Babylon xuất hiện mới hợp nhất toàn xứ Mesopotamia về mặt chính trị và văn hoá.
Người Babylon có gốc Amorite, một nhánh dân Semit di cư khỏi vùng Ả Rập và định cư ở khu vực Babylon dọc miền trung du sống Euphrate, ngay đoạn cổ chai giữa con sông này với sông Tigris.
Xứ Babylon có địa thế thuận lợi, và rất thích hợp để trở thành kinh đô toàn vùng Lưỡng Hà. Nó thống trị nền thương mại trên hai con sông này: tất cả các thương vụ đến và đi từ Sumer và Akka đều phải ngang qua các tường thành của người Babylon. Babylon còn vươn ra thị trường quốc tế. Thương nhân xứ này ngược dòng Tigris lên phương bắc tới Assyria và Anatolia. Còn con sông Euphrates thì đưa họ tới Syrya, Palastine, và Địa Trung Hải. Thành bang Babylon lớn mạnh nhờ tiềm lực kinh tế.
Đã chiếm phần địa lợi, Babylon còn có lợi thế nhân hoà khi có một ông vua xuất sắc biết nhìn xa trông rộng là Hammurabi (sinh năm 1792 chết năm 1750 TCN, thọ 42 tuổi). Hammurabi đã làm được ba việc lớn: mang lại an ninh cho đế quốc Babylon, hợp nhất vùng Lưỡng Hà, và giành địa vị thống trị nền văn minh Lưỡng Hà cho người Babylon. Hai công trạng đầu ông thực hiện bằng cách chinh phạt Assyria ở phía bắc và Sumer với Akkad ở phía nam. Với cơ sở đó ông làm nốt công trạng thứ ba.
Về chính trị, Hammurabi lắp ghép tư tưởng tù trưởng của người Semit và khái niệm quân chủ của người Sumer lại với nhau. Về mặt văn hoá thì ông ta tích cực đẩy mạnh việc rêu rao các thần thoại giải thích rằng Marduk, thần của người Babylon, được chư thần xứ Mesopatamia chọn làm thần trên các vị thần. Và đương nhiên, khi thần của người Babylon đã làm chúa tể các vị thần thì người Babylon cũng nên cao trọng nhất trong vùng Mesopotamia, còn chính Babylon thì thành trung tâm tôn giáo. Với tài năng của Hammurabi, Babylon đã có đóng góp lớn cho văn hoá Lưỡng Hào – một nền văn hoá sáng lạn chói ngời đủ để tiêu hoá bất kỳ ảnh hưởng nào mới. Các cuộc chinh phạt của Hammurabi và hoạt động thương mại của người Babylon đã đưa nền văn hoá phong phú này đến tận Anatolia ở phía bắc và Syria, Palestine ở phía tây. (Bác nào bên đạo Thiên Chúa chắc cũng biết dân Do Thái bị người Babylon bắt đi làm nô lệ như nào.)
CUỘC SỐNG DƯỚI TRIỀU HAMURABI
Một trong những thành tựu chói lọi nhất của Hammurabi là ban hành bộ luật thành văn hẳn hoi. Với bộ luật này giúp ta biết được rất nhiều chuyện thường ngày của vùng Mesopotamia.
Nhưng cần tránh nhầm lẫn chỗ này, bộ luật của Hamurabi tuy nổi tiếng nhưng không phải là đầu tiên tại Mesopatamia. Bộ luật sớm nhất mà chúng ta tìm được có niên đại là năm 2100 TCN lận. Nói tiếp về ông vua này, cũng như nhiều nhà làm luật khác, Hamurabi tuyên bố rằng luật pháp của ông là thần linh ban cho “để dựng xây chánh pháp bằng ngôn ngữ xứ sở, mang lại ấm no cho con người.” Bộ luật của Hamurabi áp dụng nhiều hình phạt thảm khốc theo tiêu chuẩn của chúng ta bây giờ như là tùng xẻo, quất roi, và thiêu sống. Tuy khắc nghiệt nhưng bộ luật lại có tinh thần công lý và trách nhiệm. Hammurabi không biết tư duy thế nào nhưng nghĩ rằng trọng trách của ông ta là cai quản vùng Lưỡng Hà cho thật công bằng. Ông cố gắng điều chỉnh các mối quan hệ dân sự để dân chúng sống hoà đồng với nhau.
Bộ luật Hammurabi có hai đặc điểm kinh ngạc. Thứ nhất, nó sẽ thay đổi tuỳ theo địa vị xã hội của tội nhân. Giới quý tộc sẽ không bị phạt như giới bình dân, và bình dân thì sẽ khác nô lệ. Thứ hai, bộ luật yêu cầu hình phạt phải phù hợp với tội ác, đại khái kiểu “mắt đền mắt, răng đền răng”. Tuy nhiên, nếu một quý tộc phá huỷ mắt của một thường dân hay nô lệ thì chỉ cần đóng tiền phạt là đủ. Còn trong trường hợp nạn nhân và tội nhân có cùng địa vị xã hội thì cứ một đổi một không phải bàn cãi gì hết.
Bộ luật Hammurabi cũng là khởi đầu cho quy trình tư pháp. Chưa có các công tố viên hay luật sư, nên ai có oan ức gì thì cứ đế thẳng toà án kêu oan. Mỗi bên sẽ viết bản tường trình, có nhân chứng thì càng tốt. Trong trường hợp mưu sát thì nguyên cáo phải chứng minh bị cáo có tội; cay đắng ở chỗ nếu chứng minh không được thì nguyên cáo sẽ bị xử tử. Điều luật khắc nghiệt này là nhằm ngăn chặn người ta kiện cáo nhau bừa bãi.
Dân Mesopotamia rất kinh hãi với bùa chú và ma thuật. Bất kỳ ai bị buộc tội dùng bùa chú, cho dù không có bằng chứng gì hết, đều buộc phải trải qua cái gọi là ‘thử tội bằng nước’. Chính thần thánh sẽ quyết định vụ việc. Bị cáo sẽ bị quăng xuống sông Eupharates, con sông được coi là khí cụ của thần linh. Nếu mà chìm thì là có tội, nổi thì là vô tội. Không cần nói cũng biết phần lớn là chìm nghỉm.
Một quy định khác cho việc xét xử. Khi bản án đã được phán quyết thì sẽ không thay đổi nữa. Bất kỳ vị quan toà nào dám thay đổi sẽ bị phạt tiền và cắt chức. Tóm lại, bộ luật này cố gắng bảo đảm sự công bằng và minh bạch. Đó là điểm tiến bộ của bộ luật khiến nó được nhớ đến.
Cày cấy là kinh tế chủ lực của Mesopotamia, cho nên bộ luật Hammurabi đặc biệt quan tâm tới nông nghiệp. Việc thuê đất khá phổ biến, và người thuê trả tiền thuê hàng năm. Thay vì tiền thì họ sẽ trả một phần vụ mùa. Đất đai thì thường nhanh chóng khô cằn, trừ khi được chăm bón cực kỳ kỹ lưỡng. Vậy nên người thuê đất sẽ phải chịu án phạt nghiêm khắc nếu bỏ hoang đất đai hoặc lười biếng trồng cấy. Thuỷ lợi là yếu tố tối quan trọng của việc làm nông cho nên người thuê đất có trách nhiệm bảo quản kênh mương các thứ. Nếu không đất có thể sẽ bị lụt và vụ mùa thất thu. Bất kỳ ai bê trễ việc thuỷ lợi khiến cho mùa màng hư hại sẽ phải bồi thường mất mát. Ai thuê đất mà không đủ tiền trả sẽ phải đi làm nô lệ.
Hammurabi rất chú ý đến hôn nhân gia đình. Như nhiều nơi khác vùng Cận Đông, hôn nhân luôn mang màu sắc của buôn bán đổi chác. Chú rể và bố vợ tương lai sẽ thoả thuận mọi thứ. Nhà trai sẽ đề nghị sính lễ, bố vợ gật đầu thì sẽ gả con, kèm theo một món hồi môn nào đó. Sau hôn nhân thì món hồi môn đó trên danh nghĩa là của chị vợ và giúp chị ta còn có chút quyền hành và giá trị, nhưng trên thực tế thì các ông chồng thoải mái sử dụng.
Khi các vấn đề tài chính đã được hai ông, con rể và bố vợ, thỏa thuận đâu đấy thì họ phải lập hợp đồng hẳn hoi. Không có hợp đồng thì hôn nhân sẽ bất hợp pháp. Hợp đồng đã lập đàng hoàng mà bên nào hủy bỏ thì sẽ phải trả tiền phạt rất nặng. Các bậc phụ huynh thường lập hợp đồng hôn nhân ngay khi con cái họ dậy thì. Con gái thì cứ sống với bố mẹ cho đến khi ‘đủ lông đủ lá’, hoặc có thể về sống nhà chồng ngay cũng được. Khi nàng và chồng nàng ‘đến tuổi’ họ sẽ ra ở riêng.
Vợ phải chung thủy với chồng. Ngoại tình sẽ bị xử tử. Theo bộ luật Hammurabi thì: “Nếu người vợ bị bắt gian tại giường thì hãy trói cả hai lại mà quăng xuống sông.” Nhưng người chồng có thể cứu mạng cô vợ tằng tịu của mình bằng cách xin nhà vua ân xá. Ngoài ra, ông chồng còn có cái quyền buộc tội vợ ngoại tình dù không có bằng chứng gì cả. Trong trường hợp ấy thì nàng phải thanh minh cho mình trước khi hội đồng thành bang vào cuộc điều tra. Nếu nàng vô tội thì được phép lấy lại của hồi môn và lìa bỏ ông chồng đa nghi kia. Còn nếu nàng chọn cách giết quách ông chồng thì nàng sẽ bị xử tử bằng cách xuyên cọc từ hậu môn lên đỉnh đầu.
Về gia đạo thì người chồng là chủ. Ông ta có thể bán vợ và con cái làm nô lệ nếu kẹt tiền. Con cái không được cãi cha mẹ, còn dám đánh cha mẹ thì bị xử chặt tay. Các ông bố có thể nhận con nuôi tùy ý. Nghệ nhân đôi lúc cũng nhận con nuôi để truyền nghề cho chúng. Tuy quyền lực người cha lớn là thế nhưng ông ta không được tước quyền thừa kế của con cái nếu không có lý do chính đáng. Những trường hợp tước quyền thừa kế phải do thành bang quyết định, và luật pháp buộc tòa án phải tha cho người con nếu anh ta phạm tội lần đầu. Chỉ khi nào anh ta phạm tội lần thứ hai với cha mình thì mới bị tước quyền thừa kế.
Vô số các chúc thư và di nguyện cho thấy các ông chồng thường để lại tài sản cho vợ, rồi cuối cùng thì các bà vợ cũng để lại cho con cái mình. Như vậy là gia đình êm ấm. Luật Hammurabi phong tỏa thông tin bên ngoài và tập trung rao truyền những câu chuyện thần thánh. Tuy đời sống bấp bênh nhưng nhìn chung cư dân Mesopotamia có một nền văn hóa sáng lạn và đầy sáng tạo, để lại dấu ấn trên toàn vùng Trung Đông.
Trong phần tiếp theo sẽ giới thiệu nền văn minh cổ đại Ai Cập.