Bạn đã từng gặp qua người nào có tính tình lãnh đạm trời sinh chưa?

Con gái tôi năm nay 13 tuổi.

Con bé có một đôi mắt ngây thơ như nai con, sợi tóc mềm mại nhỏ nhắn, sờ vào rất là thích, đường nét khuôn mặt của con bé lúc nào cũng khiến người ta cảm thấy ôn hòa ấm áp. Con bé thích mặc quần áo đơn giản, gọn gàng, thích yên tĩnh, yêu đọc sách. Con bé không thích nói nhiều, nhưng mỗi khi nói ra nhất định sẽ khiến người khác kinh ngạc. Tôi nghĩ, con bé là một đứa trẻ có tính tình lãnh đạm trời sinh, chuyện này là do tôi suy đoán ra từ thái độ của con bé đối với một số chuyện nhỏ trong gia đình.

Bố mẹ chồng của tôi là những người rất hay khóc, chỉ một việc nhỏ thôi mà bọn họ cũng có thể cảm động đến rơm rớm nước mắt, trong lòng không thoải mái thì bọn họ có thể huhu khóc lớn luôn, không ngại gì cả.

Cho nên, từ trước tới giờ chồng tôi và bố mẹ chồng đều cho rằng nước mắt là biểu hiện của sự lương thiện, mềm lòng, tôi cũng nghĩ như vậy, cho đến khi con bé nói ra quan điểm của mình về việc này….

Bình thường thì vào mỗi kỳ nghỉ hè tôi sẽ dẫn con gái về nhà ông bà nội chơi mấy ngày. Hôm đó, lúc tiễn chúng tôi ra ngoài, bố chồng vẫn nghẹn nghào nói không nên lời, mọi người người xung quanh nhìn mà đau lòng đến mức phải chạy lại vỗ vai ông ấy, khuyên ông ấy đừng buồn nữa, sau này cháu gái sẽ lại về thăm ông thôi….

Nhưng con gái tôi không nói gì, vẻ mặt của con bé vẫn rất bình tĩnh nhìn mọi người câu tới câu lui an ủi lẫn nhau.

Sau đó, lúc chúng tôi lên xe đi rồi, con bé mới đột nhiên hỏi, “Mẹ à, tại sao ông nội phải khóc?”

Tôi nói, “Đương nhiên là vì ông ấy không nỡ rời xa chúng ta, không thấy thì sẽ rất nhớ, cho nên ông ấy mới khóc đó!”

Nhưng con gái tôi lại lắc đầu phản bác, “Không phải đâu mẹ, từ đây đến Bắc Kinh đi tàu cao tốc chỉ tốn 2 tiếng đồng hồ thôi. Nếu muốn gặp mặt thì rất dễ dàng, nhưng, bố mẹ mời ông bà đến nhà mình chơi nhiều lần rồi, ông bà đã đi lần nào đâu. Con nghĩ, ông bà không nhớ chúng ta đến mức khóc huhu như hồi nãy đâu. Vậy mà, lần nào họ cũng nghẹn ngào ly biệt như vậy thì có thể là do bọn họ mau nước mắt, dễ khóc, cũng dễ bị hoàn cảnh xung quanh tác động. Ví dụ như lúc nãy, khi ông nội khóc thì khóe mắt của ba bác hàng xóm nhà kế bên cũng hồng hồng theo, chẳng lẽ là do bọn họ cũng không nỡ xa chúng ta? Không phải, bọn họ chỉ là bị hoàn cảnh bên ngoài tác động nên mới khóc thôi.”

Những lí lẽ mà con bé đưa ra làm tôi rất kinh ngạc, thậm chí bản thân còn không thể phản bác được câu nào, sau đó tôi mới tiếp lời, “Ông bà nội con đều là những người mềm lòng, bọn họ hay khóc cũng là điều dễ hiểu, nói cho cùng thì có tình cảm nến mới khóc chứ, đúng không?”

Không ngờ, nghe tôi nói câu này xong con bé lại càng có hứng thú hơn, “Có nước mắt thì là có tình cảm? Không thể nói như vậy được, có những lúc nước mắt rơi không phải vì cảm xúc trong lòng, mà là vì nó chỉ đơn giản là một thứ vũ khí của ai đó dùng để đạt được mục đích mà thôi. Chẳng hạn như lần trước bố trách mẹ không điện về hỏi thăm bà nội, nói là bà nội ở nhà buồn đến mức khóc khàn cả giọng. Lúc đó, nước mắt không phải là tình cảm, mà là vũ khí để bà nội ép bố quay qua trách mắng mẹ!”

Thấy tôi sững sờ mà lại không có ý trách móc, con bé nói tiếp, “Cho nên, con không thích những người hay khóc, khóc và phàn nàn là một hành vi riêng tư, không nên phô bày ra người khác nghe thấy hay nhìn thấy. Nếu có ai đó cố ý làm như vậy, thì tức là bản thân họ đang vô tình áp đặt cảm xúc của mình lên người khác và lan tỏa những điều tiêu cực đến cộng đồng. Đôi khi, việc này chỉ là một kế hoạch của ai đó để đứng trên tầng cao đạo đức và đạt được những giá trị tinh thần hoặc là giá trị vật chất mà họ mong muốn.”

Nghe con gái nói xong, tôi vẫn luôn bơ phờ suy nghĩ, nhiều năm nay chồng tôi vẫn hay trách móc tôi là người đàn bà “tâm địa sắt đá”, “không hòa hợp được với nhà chồng, “ba mẹ tôi lương thiện như vậy mà cũng không “cảm hóa” được người như cô”, “bọn họ khóc nhiều như vậy mà cô không thấy áy náy à?”….

Lúc đó tôi không hiểu tại sao bản thân được “yêu thương” như vậy mà vẫn cảm thấy uất ức vô cớ.

Bây giờ thì tôi hiểu rồi. Trên đời này làm gì có loại “yêu thương” nào khiến bạn khó chịu đâu chứ, nếu có, thì đó không phải là yêu thương thật sự.

Haizzz, không ngờ tôi sống đến từng này tuổi rồi mà nhìn sự việc còn không rõ ràng bằng một đứa bé mới 13 tuổi, haha, già rồi, mắt kém quá…

Ở nhà bố mẹ chồng có một bác hàng xóm và một người cô rất thích chọc trẻ con. Bọn họ thấy con trai tôi thích cái gì thì sẽ đưa tay ra nói thẳng, “cho bà/cô cái này đi!”. Con trai cho thì bọn họ khen một câu “Thằng bé này ngoan quá, bà/cô không cần nữa, trả lại cho con nè.” Con trai không cho thì bọn họ lại đổi giọng, “Thằng bé này biết giữ của ghê ha, ích kỷ quá trời.” Lần nào cũng làm con tôi tức đến mức không nói được gì. Có một hôm, bọn họ lại chọc tiếp, lần này con trai không đưa thì bị bọn họ lại dán cái nhãn “ích kỷ” cho đứa bé mới tý tuổi đầu.

Con gái tôi ngồi bên cạnh đang chơi điện thoại đột nhiên ngẩng đầu lên nói chen vào, “Cô, cô đưa thẻ ngân hàng của cô cho con được không? Cô có thẻ ngân hàng mà đúng không?”

Em chồng bị hỏi bất ngờ nên hơi ngơ ra, “Con lấy thẻ của cô làm gì?”

Con gái nói tiếp, “Cô cứ đưa cho con đi, con đi rút tiền.”

Em chồng vẫn chưa hiểu chuyện gì, ngơ ngác hỏi tiếp, “Con nít con nôi lấy thẻ làm gì mà kêu cô đưa?”

Con gái tiếp lời ngay lập tức, “Vậy cô cũng rất ích kỷ đó, có mỗi cái thẻ thôi mà cũng không cho cháu gái được nữa!”

Tiếp đó, con bé lại quay qua nói với bác hàng xóm, “Bà à, bà đưa điện thoại của bà cho con đi.”

Bà bác đó hơi hơi nhăn mặt lại, sau đó mới ngại ngùng nói, “Con à, con nít thì lấy đồ của người lớn để làm gì?”

Con gái tôi trả lại nguyên văn cho bà ấy luôn, “Bà à, vậy thì người lớn ăn bánh của con nít để làm gì?”

Nói xong thì con bé đứng lên nắm lấy cái cánh tay mập mạp của em trai dẫn về phòng, vừa đi vừa nói, “Đồ của em, em muốn cho thì cho, không cho thì thôi, không ai có quyền chỉ trích hay đánh giá gì em hết, hiểu chưa?”

Tôi nhìn qua hai khuôn mặt xấu hổ rồi lại nhìn về một lớn một nhỏ đang đi đằng trước chợt cảm thấy trong lòng rất ấm áp.

[Tác giả update ngày 7 tháng 9]

Không ngờ lại được mọi người chú ý đến vậy, thôi thì hôm nay tôi kể thêm một chuyện nữa nha.

Bối cảnh: Tôi có một ông bác họ hàng xa ở Bắc Kinh. Ông ấy là người có tiếng nói trong tộc, tính cách rất tốt, rất nhiệt tình, trong tộc có người muốn lên Bắc Kinh tìm việc, hay có con cháu muốn lên đây học hành ông ấy đều sẽ giúp một tay. Nhiều năm nước, lúc tôi lên Bắc Kinh đi học bố mẹ vẫn thường hay nhắc tôi nhớ đi thăm vợ chồng bác ấy.

Lần đó là sinh nhật của bác trai, tôi có mua một hộp sữa không đường ít béo và một hộp mật ong được đóng gói rất đẹp để làm quà tặng, tốn tầm 200 tệ. Lúc đó còn là sinh viên nên nên 200 tệ đối với tôi là rất lớn rồi, nhưng đặt trước mặt những người chuyên dùng hàng hiệu đồ xịn như nhà bác ấy thì cũng không tính là gì. Lúc nhận quà bác ấy cười haha nói, “Sau này con không cần phải mua gì đâu, bác không cần gì hết, chỉ cần con chịu cố gắng học hành cho tốt là được rồi.”

Tôi là người hướng nội không giỏi giao tiếp, nghe bác ấy nói vậy tôi cũng không biết trả lời sao, sau đó thì đột nhiên bác gái chêm vào một câu, “Mấy món đồ của con tuy không đáng tiền thật nhưng cầm lên lại rất nặng đó nha haha…”

Mặt tôi bỗng chốc đỏ lên, lúng túng không biết làm sao thì bác trai vớt lại một câu, “Tôi thấy được mà, buổi sáng pha mật ong uống tốt cho sức khỏe, con gái giữ lại cho bác uống nhé, bác cám ơn.”

Rất nhiều năm sau, mỗi lần nhắc tới bà bác này là tôi lại nhớ đến cái câu “Mấy món đồ của con tuy không đáng tiền thật nhưng cầm lên lại rất nặng đó nha”. Lần nào nhớ lại là tôi lại khó chịu lần đó. Lâu lâu tôi sẽ nói đùa chuyện này với bố mẹ, nhưng lần nào hai người cũng thay bác ấy nói chuyện kiểu “Bác gái con cái tính nó vậy á, nói nhanh mà không chịu suy nghĩ, nghĩ gì là nói đó hà, nhìn vậy thôi chứ bác ấy tốt bụng lắm đấy”.

Hôm nghỉ lễ Lao động, bố mẹ dẫn cháu trai lên Bắc Kinh chơi, bọn họ cũng nhắc lại chuyện này, xong rồi lại kể thêm chuyện của anh họ cũng bị bác ấy nói cho cứng họng như này, “Không có họ hàng gì hết á, tôi không phải họ hàng của anh.” Bác ấy đã nói đến mức ấy rồi mà bố mẹ tôi vẫn nghĩ “bác ấy miệng nhanh lưỡi nhanh thế thôi chứ con người tốt bụng lắm.” Nghe xong câu này, con gái tôi trợn trắng mắt lầm bầm, “Thế giới này thật đáng sợ!” Mẹ tôi hỏi, “Cháu gái muốn nói gì hả?” Con gái vẫn lướt lướt điện thoại trả lời, “Thôi thôi, bỏ đi, bà đừng hỏi cháu nữa.”

Buổi tối trước khi ngủ tôi mới tò mò hỏi con bé, “Buổi sáng con nói cái gì mà thế giới này thật đáng sợ thế?”

Con gái dẩu dẩu môi nói, “Học vấn của bà ấy rất cao, tức là bà ấy biết chắc chắn lời nói của mình có thể gây tổn thương cho người khác. Vậy mà bà ấy vẫn cố ý nói nhiều lần, chuyện sai rành rành ra đó mà ai cũng nhắm mắt làm ngơ, miệng thì luôn nói hộ người ta, khen người ta tốt thế này tốt thế kia, bọn họ tốn sức như vậy để làm gì? Để móc nối quan hệ với nhà người ta chứ gì, ôi dào….:333 con thừa biết, trong lòng ai cũng nghĩ nếu đem mấy chuyện xấu xa nói thành lời hay ý đẹp thì sau này cũng kết thân được với nhà người ta chứ gì :3333…Xùy….”

Tôi vội nháy nháy mắt, ám chỉ con bé đừng nói nữa, để bà ngoại nghe được sẽ tức giận đó. Con gái vẫn nhẹ nhàng nói tiếp một câu, “Mẹ à, mẹ phải cố gắng lên nha, mẹ càng giỏi thì người ta càng nói tốt cho mẹ, mẹ không bằng ai thì chút chuyện nhỏ cũng bị người ta cắn chặt không buông!”

Chuyện này chắc cũng giống với câu “Bạn có nhiều hơn một phân tiền thì cuộc sống cũng ít đi một phân ác ý” nhỉ?

Chắc tôi sẽ không cập nhật tiếp đâu, dù sao thì con bé vẫn còn nhỏ, đôi khi sẽ làm người lớn nói đạo lý lớn, nhưng đôi khi con bé cũng sẽ tức giận vì không mua được gấu bông. Đương nhiên, con bé cũng không gánh nổi nhiều lời khen ngợi hay những lời ác ý bịa đặt nào khác. Tôi chỉ muốn con mình lớn lên trong yêu thương và tôn trọng lẫn nhau thôi, bản thân tôi sẽ cố gắng làm việc, cố gắng kiếm tiền để xây dựng nền móng cho các con trưởng thành. Cám ơn mọi người!!! Giải tán nha!!!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *