“Hiệu ứng bầy đàn” chỉ những suy nghĩ hoặc hành vi của con người thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi những người khác. Người ta thường chạy theo những cái mà số đông cho là hay, đúng và sáng suốt, nhưng bản thân lại không suy nghĩ về ý nghĩa của sự việc.
Tâm lý bầy đàn thể hiện rất rõ trong xã hội hiện nay qua hiện tượng sùng bái cá nhân, các trào lưu (trend) trên mạng xã hội, trào lưu thời trang, tiêu dùng… mà nếu không tỉnh táo có thể gây ra các hậu quả cho nền kinh tế và cả người dân chạy theo tâm lý này.
Điển hình cho tâm lý bầy đàn: Sự mua sắm điên cuồng vào Black Friday (Thứ Sáu Đen)
Black Friday là một trong những ngày mua sắm lớn nhất năm. Nó cũng là ngày mà bạn có thể thấy những người bình thường và ổn định nhất trở thành những con khỉ hoang dã với đôi mắt rồ dại sẵn sàng dẫm đạp lên người khác để giành lấy một chiếc TV màn hình phẳng. Tại sao ư? Tại sao mọi người lại hy sinh một ngày nghỉ ngơi thư giãn với bạn bè và gia đình để bị đấm vào mặt chỉ vì tranh giành một cái máy xay sinh tố giảm 30%?
Một nghiên cứu của Đại học Auburn cho thấy việc mua sắm có thể được nâng tầm nếu có một đám đông xung quanh bạn, biến một trải nghiệm tồi tệ thành vui vẻ. Những gì có vẻ là một ý kiến tồi về mặt khách quan sẽ trở thành một ý kiến hay với nhiều người quanh ta. Thế nhưng, dù là Black Friday hay một bữa tiệc sinh nhật 21 tuổi, những thứ vui vẻ có thể nhanh chóng biến thành một bãi ồn ào đầy tiếng thét, dứt tóc và khóc than nếu ta tư duy theo bản năng của động vật.
“Hiệu ứng bầy đàn”
Bầy đàn có tính rất tản mạn, bình thường khi ở bên nhau, động vật thường xuyên chen lấn, xô đẩy, nhưng khi “con đầu đàn” hành động, các “con khác” cũng không suy nghĩ mà hùa theo ngay, bất chấp phía trước có thể có “sói” đang rình rập. Chính vì vậy, “hiệu ứng bầy đàn” là thuật ngữ được dùng để miêu tả tâm lý hùa theo đám đông thông qua những hành vi nhất định mà họ cho là đúng, nhưng bản thân không suy nghĩ một cách thấu đáo. Tâm lý hùa theo đám đông này rất dễ dẫn đến việc bị “dắt mũi” hoặc đưa ra những quyết định mù quáng hoặc thậm chí có thể bị lừa.
Ví dụ: Có thể thấy rất rõ ở hành vi mua những sản phẩm công nghệ cao như máy điện thoại, iPod, hoặc các xu hướng mua cổ phiếu trên thị trường chứng khoán, mua quần áo thời trang, mua xe, cách trang trí nhà cửa… Trong môn tâm lí học xã hội còn có một số thuật ngữ khác cũng tương tự hiệu ứng đàn bầy.
Tâm lý bầy đàn và hành vi bầy đàn được dùng để mô tả hành vi con người từ khi loài người bắt đầu hình thành các bộ lạc, sống quần tụ thành nhóm và cùng nhau trồng trọt hay buôn bán. Những đúc kết về tâm lý và hành vi bầy đàn lần đầu tiên được nhà tâm lý học xã hội Pháp Gustave Le Bon nghiên cứu, đưa vào cuốn sách “Tâm lý học đám đông” từ thế kỷ 19 và cho đến nay đây vẫn là tác phẩm kinh điển trong lĩnh vực tâm lý xã hội.
Ngày nay, mạng xã hội trên Internet cho phép người tham gia dễ dàng bày tỏ ý kiến, thái độ và hầu hết là không cần nêu rõ danh tính. Với sự phát triển nhanh chóng của mạng xã hội, tâm lý bầy đàn có một môi trường thuận lợi để phát triển khi con người cảm thấy an toàn hơn và dễ dàng hùa theo đám đông một cách vô thức. Lúc đó, sự tỉnh táo và lý trí của một số người có thể bị làn sóng bầy đàn của cả đám đông nhấn chìm một cách không thương tiếc. Điều này tất nhiên là sẽ tác động đến cách nhìn nhận và đánh giá chung về một thương hiệu
Khó tin, nhưng…
Người ta đã từng làm một thí nghiệm như sau: Đặt một cây gậy nằm ngang trước một đàn dê, con dê đầu đàn nhảy qua, con dê thứ 2, thứ 3 cũng bắt chước nhảy qua. Sau đó người ta liền bỏ cây gậy đi, khi qua đây những con dê phía sau vẫn có động tác nhảy lên giống như những con dê đi trước, mặc dù cây gậy chặn đường không còn nằm ở đó. Đây chính là “hiệu ứng bầy đàn” hay “tâm lý đám đông”. Nhà sinh vật học người Pháp Henri Fabre đã từng làm một thí nghiệm với sâu róm, ông đặt một đàn sâu róm lên rìa của một bồn hoa, con nọ nối đuôi con kia thành vòng tròn, cạnh rìa bồn hoa. Sau đó Henri Fabre rải một ít lá thông mà sâu róm rất thích ăn vào trong bồn hoa. Đàn sâu róm bắt đầu nối đuôi nhau bò vòng quanh bồn hoa hết vòng nọ đến vòng kia. Chúng đi liền 7 ngày 7 đêm, và rồi đàn sâu róm đã chết dần do mệt và đói. Một điều đáng thương là, chỉ cần một con sâu róm trong đàn thay đổi một chút lộ trình là có thể ăn được lá thông ở ngay bên cạnh.
Vì sao nảy sinh “hiệu ứng bầy đàn”?
“Hiệu ứng bầy đàn” hay “tâm lý đám đông” là một hiện tượng thường gặp trong hoạt động thị trường của nhiều doanh nghiệp. Do không nắm bắt được đầy đủ thông tin, nhà đầu tư rất khó đưa ra lời dự đoán hợp lý về tính bất xác định của thị trường trong tương lai. Chính vì thế, họ thường thông qua việc quan sát hành vi của mọi người xung quanh để chắt lọc thông tin, vì luồng thông tin này được “truyền thông” liên tục; thông tin được mọi người nắm bắt về cơ bản là giống nhau, từ đó nảy sinh hành vi a dua theo đám đông.
Các nhà tâm lý học nghiên cứu và phát hiện ra rằng, nhân tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến đám đông là có bao nhiêu người giữ ý kiến đó, chứ không phải bản thân ý kiến đó như thế nào, báo chí đóng vai trò là nhân tố kích động cho “hiệu ứng bầy đàn”. Một luồng thông tin sau khi đã được đăng trên báo sẽ trở thành thực tế được công nhận,một quan điểm sau khi được đưa lên truyền hình có thể biến thành dân ý. Biểu tình, vận động tranh cử… đều là những hoạt động dựa vào “Hiệu ứng bầy đàn”
Số đông không phải lúc nào cũng đúng
Người phương Tây có câu: “The majority is not always right” – Số đông không phải lúc nào cũng đúng. Chúng ta vẫn thường xem chương trình “Ai là triệu phú” trên VTV3 và đôi lúc thấy rằng nhiều khi người chơi nghe theo ý kiến tư vấn của khán giả với số đông lên đến 80-90% nhưng kết quả cho thấy đáp án của số đông là sai. Đây phải là chân lý đầu tiên để nhà đầu tư xem xét trước khi quyết định một việc gì đó. Đừng bao giờ vội vàng hùa theo đám đông vì đám đông không phải lúc nào cũng đúng.
Chẳng hạn câu chuyện condotel đổ vỡ trong thời gian qua, nếu các nhà đầu tư tự đặt các câu hỏi tại sao lợi nhuận chủ đầu tư cam kết cao hơn nhiều so với lãi suất tiết kiệm của hệ thống ngân hàng hiện nay; tại sao hệ thống khách sạn hiện nay có tỷ suất lợi nhuận thấp mà chủ đầu tư lại cam kết quá cao thì sẽ tìm được câu trả lời cho chính mình.
Hãy là nhà đầu tư thông thái sẵn sàng nói “không” sau khi đã phân tích kỹ càng cơ hội đầu tư. Đừng luyến tiếc cơ hội đầu tư sau khi đã phân tích kỹ. Hãy tự tin với quyết định của mình cho dù bị đám đông lôi kéo. Cái khó nhất là thoát khỏi đám đông lôi kéo bởi cảm xúc là thứ mà con người dễ bị chi phối nhất.
Một vấn đề nữa là đừng nhìn hiện tượng mà quy kết bản chất. Hiện tượng đám đông nháo nhào mua bán đất đai, đổ xô trồng loại sản phẩm này, sản phẩm kia chưa chắc có cái bản chất bên trong là thị trường đang sôi động. Hãy bình tĩnh suy xét thấu đáo để tìm ra bản chất của hiện tượng đó là gì rồi mới đi đến quyết định.
Cuối cùng, Nhà nước không thể đứng ngoài cuộc để ngăn chặn tâm lý bầy đàn có hiệu ứng xấu, vì nếu không sẽ gây ra những tổn thất rất lớn cho nền kinh tế. Khi có mầm mống của hiệu ứng tâm lý bầy đàn, chính quyền cần phải công khai, minh bạch thông tin cho người dân biết về những bất hợp lý, cảnh báo hậu quả nếu chạy theo tâm lý bầy đàn để người dân và doanh nghiệp lưu ý chứ không nên thụ động như hiện nay.
Chính quyền có thể cung cấp các thông tin kinh tế về bất động sản, quy hoạch, du lịch, thị trường nông sản… để cảnh báo người dân khi chuẩn bị có hiệu ứng xấu về tâm lý bầy đàn.
“Hiệu ứng bầy đàn” trong cuộc sống
Có một câu chuyện vui như thế này: Có 1 “ông trùm” dầu mỏ lên thiên đường tham gia một hội nghị, vừa bước vào phòng hội nghị, phát hiện ra không còn chỗ trống nào nữa, “ông trùm” này liền nảy ra một kế, hét lớn một câu: “Địa ngục phát hiện ra dầu mỏ rồi!”. Và thế là tất cả các “ông trùm” dầu mỏ trên thiên đường bèn thi nhau chạy xuống địa ngục, chẳng mấy chốc trên thiên đường chỉ còn lại “ông trùm” đến cuối cùng. Lúc này “ông trùm” đến cuối cùng liền nghĩ, mọi người đã chạy đi hết rồi, có khi địa ngục phát hiện ra dầu mỏ thật chăng? Và thế là ông ta cũng vội vàng chạy về phía địa ngục.
Câu chuyện này cho thấy, có nhiều lúc chúng ta buộc phải từ bỏ cá tính của mình để chạy theo phong trào, bởi mỗi chúng ta không thể hiểu được tường tận mọi sự việc, đối với những sự việc không hiểu, không chắc chắn, chúng ta thường “chạy theo phong trào”. Người dân bình thường trong thị trường, thường dễ để mất đi khả năng phán đoán cơ bản. Những lúc như thế ánh mắt của mọi người thường đổ dồn về phía các phương tiện truyền thông để tìm kiếm sự tư vấn, mong muốn thông qua đó có được căn cứ phán đoán. Tuy nhiên, nhân viên làm việc trong các phương tiện truyền thông cũng là người bình thường, chính vì vậy, thu thập thông tin và phán đoán một cách nhạy bén là phương pháp tốt nhất có thể giúp người ta giảm thiểu những hành vi mù quáng. Lợi dụng và định hướng một cách hợp lý hành vi bầy đàn, có thể tạo nên thương hiệu cho khu vực và hình thành nên hiệu ứng quy mô, từ đó đạt được hiệu quả khá tốt. Tìm kiếm “con dê đầu đàn” tốt là yếu tố then chốt để lợi dụng hiệu ứng bầy đàn.
Đối với cá nhân, việc chạy theo người khác sẽ khó tránh khỏi cảnh ngộ bị “nuốt chửng” hoặc bị “loại bỏ”. Điều quan trọng nhất, phải có ý tưởng của mình, không đi con đường bình thường mới là con đường tắt để bạn trở nên xuất chúng. Dù là gia nhập một tổ chức hay tự mình lập nghiệp, giữ vững ý thức sáng tạo và khả năng tư duy độc lập là những yếu tố then chốt giúp bạn gặt hái được những thành công.
“Hiệu ứng bầy đàn” trong thị trường việc làm
Ở những ngành nghề “hot”, cạnh tranh gay gắt, rất dễ nảy sinh “hiệu ứng bầy đàn”. Khi thấy một công ty làm ăn gì đó kiếm được tiền, các công ty khác liền hùa làm theo mãi cho đến khi cung vượt quá cầu, thị trường bão hoà, quan hệ cung – cầu mất cân bằng. Mọi người đều thích mô phỏng hành vi của “con dê đầu đàn”, đôi khi khó tránh khỏi việc thiếu tầm mắt chiến lược lâu dài.
Đối với các bạn trẻ đang trong độ tuổi xin việc, cũng thường hay xuất hiện “hiệu ứng bầy đàn” làm ngành IT (công nghệ thông tin) kiếm được nhiều tiền, mọi người đều lao vào học nghành IT. Học tài chính, ngân hàng dễ xin việc, mọi người liền đổ xô đi học kinh tế, tài chính…
“Hiệu ứng bầy đàn” trên thị trường chứng khoán
“Hiệu ứng bầy đàn” xuất hiện trong tất cả thị trường chứng khoán thế giới, chứ không riêng gì ở quốc gia nào. Trong thị trường tư bản, “hiệu ứng bầy đàn” dùng để chỉ trong một nhóm các nhà đầu tư, nhà đầu tư riêng lẻ thường dựa vào hành động của các nhà đầu tư khác để hành động. Khi người ta mua vào, mình cũng mua vào, khi người ta bán ra mình cũng bán ra. Tâm lý đám đông cũng ồ ạt chạy theo một hướng và xuất hiện trong hai trường hợp: Một là, các nhà đầu tư quá hưng phấn; hai là các nhà đầu tư quá sợ hãi. cả hai trường hợp trên đều nguy hiểm như nhau. Quá hưng phấn sẽ dễ tạo ra giá ảo, không thực chất, còn quá sợ hãi thì bán tháo tất cả để “cắt lỗ”. Thậm chí nhiều khi “cắt lỗ” cả nhưng mã cổ phiếu tốt, có cơ hội hồi phục trong tương lai.
Khi thị trường có những biến động mạnh, để không bị cuốn vào cơn hoảng loạn, nhà đầu tư phải tự tìm cho mình lối đi riêng, tránh phụ thuộc vào tâm lý đám đông.
“Hiệu ứng bầy đàn” và Marketing
Có thể nói, “hiệu ứng bầy đàn” là một kỹ xảo khá tốt có thể áp dụng trong lĩnh vực marketing. Nó dùng để chỉ nhân viên tiếp thị ứng dụng khéo léo tâm lý chạy theo đám đông của khách hàng, để xoá bỏ mọi nghi ngờ, từ đó nhanh chóng đưa ra quyết sách. Cách này thích hợp với tất cả những người có tâm lý chạy theo đám đông.
Ưu điểm
- – Xoá bỏ sự nghi ngờ, lo ngại của khách hàng, giúp khách hàng cảm thấy yên tâm hơn;
- – Có thể khiến khách hàng nảy sinh tâm lý cấp bách, tức người khác đã mua rồi, chúng ta không mua sẽ rất phí;
- – Lôi kéo những người khác cùng mua, tạo nên phản ứng dây chuyền.
Nhược điểm
Có thể khiến khách hàng mua sản phẩm một cách mù quáng, chỉ vì thấy nhiều người mua mà coi nhẹ việc nghiên cứu bản thân sản phẩm. Hành vi mua này rất dễ khiến khách hàng cảm thấy hối hận sau khi bình tĩnh trở lại, điều này khó tránh khỏi việc gây ra những rắc rối không cần thiết cho công ty và nhân viên tiếp thị.
TÂM LÝ BẦY ĐÀN CÓ KHI NÀO LÀ TỐT KHÔNG ?
Mặc dù rất nhiều ví dụ về tâm lý bầy đàn có thể khá đáng sợ, nó không hẳn là tiêu cực. Nếu bạn cứ để nó tự nhiên, nó có thể là một thứ tuyệt vời.
Michael Bond, tác giả của cuốn “Sức Mạnh Của Những Người Khác: Áp Lực, Suy Nghĩ Theo Nhóm Và Cách Mọi Người Xung Quanh Ảnh Hưởng Tới Mọi Thứ Ta Làm” đã viết rằng hiệu ứng bầy đàn có thể thực sự “thay đổi lịch sử”. Bond viết: “Cách mạng Ai Cập vào cuối tháng Một, đầu tháng Hai năm 2011 là một ví dụ tuyệt hảo về sức mạnh của sự hợp tác (dù những thành tựu của nó đã bị hoang phí một phần). Hơn thế nữa, những người đã tập trung ở Quảng trường Tahrir yêu cầu sự phế truất Hosni Mubarak đã có được sự huy hoàng của cuộc đời họ. Một thương gia đã nghỉ hưu đã đi từ Alexandria, Ai Cập đến để tham gia vào nhóm biểu tình và nói với tôi rằng: “Tôi thấy một thứ rất đáng yêu. Có đủ loại người ở đây. Từ đại học, trung học đến tiểu học. Những người vô gia cư. Người với mọi tôn giáo. Mọi sự phân cách đều biến mất. Tất cả đều chung một mục đích. Tôi đã khóc, vì đây là lần đầu tôi thấy người Ai Cập không hề nao núng bởi bất kỳ điều gì “
Ngoài việc thay đổi bối cảnh chính trị, hiệu ứng bầy đàn còn có thể được dùng làm đòn bẩy với các khoản đầu tư của bạn – hay ít nhất là Warren Buffett nghĩ thế.
Ông nói “Hãy sợ hãi khi người khác tham lam và hãy tham lam khi người ta sợ hãi “
Điều ông muốn nói là bạn nên luôn luôn sẵn lòng chống lại bầy đàn khi việc đó liên quan đến khoản đầu tư của bạn. Người sẽ trở về lành lặn sau một vụ bong bóng vỡ hay sụp đổ thị trường là người giữ được một cái đầu tỉnh táo và không vứt hết cổ phiếu đi ngay lập tức.