Mình từng đọc câu này ở đâu đó trên mạng. Mình không nhớ đã đọc ở đâu hay có nguồn nào liên quan cả. Câu đó nói có đúng không nhỉ?
_____________________
u/SleepyScholar (88 points)
Chà, tôi thấy có hai bình luận mà bị xóa rồi nên cũng không rõ đó là gì, vậy nên giờ đến lượt tôi thử nhé. Nhưng trước hết, xin nói trước là tôi có nghiên cứu ẩm thực nên cũng biết chút về vấn đề này nhưng lại không chuyên về ẩm thực hoàng gia trung cổ nên còn phải tìm đọc thêm các nguồn mới nữa.
Đây là một câu hỏi thuộc về nhiều lĩnh vực khác nhau nên để trả lời chính xác, ta cần có một ai đó nắm rõ ẩm thực/dinh dưỡng thời xưa và một người am hiểu các thống kê sức khỏe và dinh dưỡng hiện đại.
Rõ là việc ăn uống tốt hơn khó mà bàn đấy. Việc tốt hơn này dựa trên đánh giá về giá trị dinh dưỡng hay là đánh giá về hương vị, sự đa dạng và số lượng?
Tôi sẽ đưa ra vài giả thiết để cụ thể hóa câu hỏi trên để trả lời dễ hơn. Mức độ giàu có và khả năng tiếp cận các nguồn thực phẩm khác nhau của các bậc vua chúa ngày xưa đều khác nhau, ví dụ như vua ở phía Tây Bắc sẽ khác với vua ở Đông Nam châu Âu.
Người nghèo cũng tương tự, tùy xem đối tượng ta chọn là ai mà kết quả nghiên cứu cũng sẽ khác nhau – những người ở dưới mức nghèo tại Canada có mức sống khác xa với 1% người nghèo nhất tại Ấn Độ. Rồi ok nha, tôi không quá ngốc đâu, tôi hiểu ý bạn mà cho nên giờ ta sẽ phân tích giá trị dinh dưỡng và sự đa dạng thực phẩm của quý tộc trung cổ tại Anh với một người Mỹ ở mức nghèo nhé (đây là dữ liệu mà tôi tìm được nè). Nghe ổn chứ?
Các tài liệu khảo cổ học về dinh dưỡng (hoặc thiếu hụt dinh dưỡng) không đưa ra nhiều thông tin về chế độ ăn thời trung cổ của giới thượng lưu, nhưng văn học nói về nghề nấu ăn cho giới nhà giàu hay quý tộc thì có. Theo Per Bovey (2015), yếu tố chủ chốt phân ra sự khác biệt giữa chế độ ăn của giới thượng lưu và dân thường chính là thịt tươi (bao gồm chim săn bắn, gia súc và cá) cũng như gia vị.
- Thịt thì đắt, nào là chi phí săn bắt, nuôi nhốt, rồi nấu chín (cần rất nhiều chất đốt) hoặc bảo quản. Hơn nữa, nhiều khu vực nơi có nhiều chim chóc để săn bắn thường là những nơi được kiểm soát bởi hoàng gia (Hanawalt & Wallace 1998).
- Gia vị cũng vậy. Phần lớn các loại gia vị có giá trị đều được nhập ngoại nên có giá thành đắt đỏ vì khó kiếm hơn. Một số gia vị ưa chuộng có nguồn gốc từ vùng Địa Trung Hải được mang về theo số lượng nhỏ để dùng làm xốt có gia vị (Bovey 2015). Đây cũng chính là một khía cạnh khác của ẩm thực quý tộc trung cổ: sự đa dạng và số lượng nhiều. Ngay từ thời đồ đồng tại châu Âu, tiệc tùng chính là một đặc trưng đi cùng với sự giàu có; thành viên trong các gia đình quý tộc sẽ có một phần khả năng có được nhiều cả về số lượng lẫn loại thịt và rau quả. Sự đa dạng chính là một trong những yếu tố quan trọng nhất của một chế độ ăn dinh dưỡng, là chìa khóa cho bữa ăn ngon. Dịch bị cách li lâu vậy rồi chắc mọi người cũng hiểu mà ha?
Vậy là cả về thịt lẫn gia vị thì giới quý tộc trung cổ đều có đầy đủ. Tuy nhiên, thú vị ở chỗ người giàu cũng hay mắc một số căn bệnh cụ thể chỉ gặp ở nhà giàu. Và mặc dù dữ liệu khảo cổ về một số nhà quý tộc cụ thể khó tìm hơn dữ liệu về dân số nói chung, năm 2017, Towle, Davenport, Irish và Groote đã kết luận rằng so với nhóm dân có chế độ ăn đơn dân dã với nguồn thực phẩm địa phương, nhóm dân tiếp cận được đa dạng các loại thức ăn có thể đã mắc nhiều bệnh về răng hơn. Đúng là nguồn dinh dưỡng càng đa dạng thì chất lượng cuộc sống càng được nâng cao, nhưng có lẽ cần cân nhắc về việc ăn nhiều đường trước khi ngành nha khoa ra đời nhỉ?
Giờ thì ta sẽ chuyển sang nói về sự đa dạng và khan hiếm thức ăn tại thời hiện đại trong các gia đình có thu nhập thấp. Theo một cách nào đó thì chúng ta đang sống trong một ngôi làng lớn với nguồn thực phẩm vô cùng đa dạng về mặt văn hóa. Một gia đình có thu nhập thấp có thể thoải mái mua thức ăn từ các nhà hàng món Trung, món Phi Criollo hay món Mexico. Nhìn qua thì có vẻ là đủ đa dạng đấy. Nhưng nếu xét về mặt dinh dưỡng, nhóm thực phẩm mà người thu nhập thấp tiêu thụ thực ra có phần giới hạn: họ ăn đồ được bảo quản và nấu sẵn thay vì mua nguyên liệu về để nấu ăn tại nhà. Dữ liệu mà tôi tìm được từ tài liệu của Nunnery, Labban và Dharod (2017) tập trung vào phụ nữ mang thai có thu nhập thấp đã góp phần chỉ ra sự thiếu dinh dưỡng ở các gia đình có thu nhập không cao: thu nhập càng giảm, sự đa dạng về mặt dinh dưỡng và an toàn thực phẩm cũng giảm. Nay ăn Panda Express mai ăn Taco Bell không có nghĩa là thực đơn của bạn thực sự đa dạng đâu nha.
Mức độ hài lòng của những người có thu nhập thấp thì khó để đưa ra kết luận hơn. Mỹ và các quốc gia phát triển khác từ lâu đã rất quan tâm đến thói quen ăn uống của dân thường. Đồng thời, ở dân số giàu có hơn thì yếu tố đa dạng không còn đóng vai trò chủ chốt nữa mà thay vào đó là sức khỏe (ví dụ như phong trào dùng thực phẩm organic hay gluten-free, cứ nhìn vào nguyên chuỗi Whole Foods là biết). Liệu các gia đình có thu nhập thấp có muốn ăn kiêng bằng tảo trong 30 ngày giống các influencer trên Instagram không? Có lẽ cần nhiều thông tin hơn, nhưng dựa trên những gì tôi thường đọc từ các nhà dân tộc học thì câu trả lời là Không. Sự khác biệt giai cấp đủ lớn để người Mỹ thời hiện đại thấy thích chế độ ăn của mình hơn cách người nhiều tiền ăn uống. Như vậy, chỉ có nhóm thu nhập thấp mới thường gặp vấn đề với an toàn thực phẩm. (T/n: mình hiểu ý hai đoạn trên là thu nhập thấp ăn uống thì cũng thoải mái nhiều món thôi nhưng không healthy như người giàu ăn và cũng không care mấy; fast food bên đó thì không phải đắt nên người thu nhập thấp afford được :?)
Phần phân tích trên nghe có vẻ nhì nhằng nhưng tôi sẽ tóm gọn ở đây:
- Xét về mức độ hài lòng thì khó kết luận; nhưng về sự thiếu an toàn thực phẩm thì khác. Người thu nhập thấp thời hiện đại (vốn đông nhiều hơn đa số mọi người vẫn nghĩ) có điều kiện về mặt này đủ tệ để tôi mong được làm một người giàu thời trung cổ hơn. Nói thế cơ mà tôi vừa phải có ca nhổ răng khá quan trọng vào mùa hè rồi nên tạ ơn trời đất là mình sống ở cái thời này.
- Về mặt dinh dưỡng cũng tương tự, thực phẩm dinh dưỡng đa dạng sẽ được tiêu thụ nhiều hơn hẳn bởi người Anh trung cổ hơn là dân Mỹ nghèo thời nay. Mong là có chuyên gia nào nói tiếp về ẩm thực trung cổ hoặc dinh dưỡng hiện đại cũng được nha.
1,314 – Nhớ đọc cả phản hồi của u/allfather69 trình bày chi tiết về chế độ ăn của người giàu thời trung cổ nhé!
Nguồn tham khảo theo thứ tự xuất hiện trên bài:
Bovey, A. 2015 The Medieval Diet, article published electronically at https://www.bl.uk/the-middle-ages/articles/the-medieval-diet
Hanawalt, B.A. & D. Wallace 1998 Medieval Crime and Social Control, University of Minnesota Press
Towle, I., C. Davenport, J. Irish, & I. De Groote 2017 Dietary and Behavioral Inferences from Dental Pathology and Non-Masticatory Wear on Dentitions from a British Medieval Town, published by the Cold Spring Harbor Laboratory, bioRxiv.
Nunnery, D.L., J.D. Labbam, & J.M. Dharod 2017 ‘Interralationship between food security status, home availability of vareity of fruits and vegetables, and their dietary intake among low-income pregnant women’ published electronically through PubMed.gov
Nếu có ai quan tâm về chủ đề này thì hãy tìm hiểu qua Carole M Counihan – một nhà nhân học giỏi và dễ giao lưu. Bà nghiên cứu về ẩm thực phương Tây hiện đại qua nhiều phương diện xã hội như giai cấp và giới tính.