Tư liệu gây chấn động về đời vị chủ tịch nước bị sát hại

Năm nay là kỉ niệm lần thứ 54 ngày xảy ra cái gọi là “Cuộc đại Cách mạng văn hóa vô sản” (1966-1976). Trong thời kỳ hỗn loạn mà người Trung Quốc gọi là “10 năm động loạn” ấy, xảy ra nhiều sự kiện trọng đại, trong đó có việc ông Lưu Thiếu Kỳ – Chủ tịch nước CHND Trung Hoa – bị sát hại.

Nhân dịp kỉ niệm 54 năm ngày nổ ra cuộc “Cách mạng Văn hóa”, báo điện tử “Minh Kính” ngày 19/5/2016 đã trích đăng lại một phần cuốn “27 ngày cuối cùng trong cuộc đời Lưu Thiếu Kỳ, Chủ tịch nước cộng hòa”.

Trút hơi cuối cùng

6h47 sáng 12/11/1969, ông Lưu Thiếu Kỳ trút hơi thở cuối cùng trong một căn buồng tối tăm tại trụ sở cũ của Hội đồng nhân dân thành phố Khai Phong, tỉnh Hà Nam. Tin tức về cái chết của ông Lưu Thiếu Kỳ bị chính quyền Trung Quốc khi đó phong tỏa tuyệt đối, không một trang hồ sơ nào lọt được ra ngoài, bởi họ biết rằng, mưu sát lãnh tụ của chính mình là một điều sỉ nhục đối với đảng và nhà nước.

Thế nhưng, thật may mắn có một người thầy thuốc vẫn còn lương tâm là Lưu Quân Y đã bí mật giúp mọi người ghi lại “nhật ký giám hộ” Lưu Thiếu Kỳ 27 ngày của ông ta.

Lưu Quân Y là bác sĩ Bệnh viện quân đội 155 Khai Phong. Nhật ký được ông bí mật ghi chép trong thời gian ông tham gia Tổ y tế chăm sóc Lưu Thiếu Kỳ. Sau khi Lưu Thiếu Kỳ được bình phản minh oan ông mới dám công bố.

Cuốn nhật ký này được coi là sử liệu quý giá, chân thực và đầy nhân tính, giúp người ta biết được những tình hình thực tế mà ông Lưu Thiếu Kỳ – người từng là nhân vật lãnh đạo số 2 của Trung Quốc phải chịu đựng. Dưới đây là những gì Lưu Quân Y ghi lại…

Nhật ký giám hộ:

Ngày 18/10/1969 (Ngày thứ hai).

Đến hôm nay tôi mới biết, thì ra người bệnh ấy là một nhân vật trước đây ở tầng lớp cao nhất, giờ đây lại nằm ở tầng đáy! Ông ta chẳng còn là một con người hoàn chỉnh nữa. Bệnh đến là nhiều, ngoài các bệnh về nội tạng, nhiều hơn là các bệnh về tinh thần và tâm lý.

Hệ thần kinh thực vật của ông đã bị loạn, xuất hiện toàn thân kinh giật, chân tay co rút. Tuy nhiên, thỉnh thoảng ông cũng tỉnh lại. Hôm nay, ông mở mắt ra được một lúc. Tôi cảm thấy ánh mắt ông tỏa ra sức mạnh và thần trí tỉnh táo.

19/10 (Ngày thứ ba).

Người vệ sĩ trưởng cũ (Lý Thái Hòa) từ Bắc Kinh về rất tận tình với ông, mỗi ngày anh ta đều nhiều lần vào phòng ông dưới sự giám sát. Sớm nay chứng viêm phổi của ông tái phát, ho ra máu và sốt cao. Bệnh này ông mắc phải trong hành trình cách mạng gian khổ.

Vệ sĩ trưởng thỉnh cầu cấp cứu. Hộ lý Tào tiêm cho ông mấy ống thuốc trị viêm phổi cô mang từ Bắc Kinh về. Đến lúc bình minh lên thì ông ngủ được. Buổi trưa, thấy Hộ lý Tào đút cho ông ăn cháo ngô. Ông không chịu ăn. Cô Tào nắm lấy tay ông lay nhẹ và khuyên nhủ: “Ây dà, ông ăn chút đi, đừng như thế! Ông nhất định phải sống, phải sống chứ!”. Ông mở mắt, nhìn tay Tào, có lẽ đã nhận ra đây là người theo ông từ Bắc Kinh xuống.

20/10 (Ngày thứ tư).

Hôm nay bệnh tình không có gì khác thường. Quyết định khôi phục lại việc cho bệnh nhân sử dụng D860.

23/10 (Ngày thứ bảy).

Bệnh nhân lại tái phát ho. Bác sĩ đề nghị tiến hành hóa nghiệm, siêu âm và chụp Xquang.

24/10 (Ngày thứ tám).

Cấp trên trả lời: có thể tiến hành hóa nghiệm, nhưng không chấp thuận siêu âm và chụp Xquang. Điều trị đành chỉ biết phục tùng.

25/10 (Ngày thứ chín).

9 giờ sáng lấy mẫu nước tiểu và máu của bệnh nhân. Có hai “khách” tháp tùng tôi theo xe con về Bệnh viện 155. Tôi đã cố giành lấy quyền lợi hóa nghiệm cho ông, nhưng được đối xử thế nào? Cho nhân viên vũ trang áp giải mẫu sinh phẩm bệnh nhân đi hóa nghiệm có lẽ là điều hiếm có trong lịch sử.

Qua hóa nghiệm có thể thấy khá rõ: bệnh của ông không phải là chứng gì nan y, chỉ là bởi không chữa chạy kịp thời nên gây nên nhiều biến chứng kèm theo. Cộng thêm việc bệnh nhân nằm liệt một nơi dài ngày khiến cơ bắp bị teo. Vai và mông do bị tiêm quá nhiều đều bị đâm nát khiến mạch máu toàn thân bị hoại tử cục bộ gây suy tim.

Thế nhưng sinh mệnh của ông vẫn rất ngoan cường. Đứng từ góc độ y học thì đây là điều thật khó giải thích.

26/10 (Ngày thứ mười).

Ăn sáng xong, đi thăm bệnh nhân. Hộ lý Tào đặt xoong cháo nhỏ trên bếp điện. Tôi cho cô ấy biết kết quả hóa nghiệm rồi đề nghị cô giới thiệu tình hình chăm sóc bệnh nhân ở Bắc Kinh.

Lúc đầu cô không dám nói, chỉ bảo trên có quy định. Tôi kiên trì nói muốn biết để tiện việc điều trị. Tào nhìn xung quanh thấy không có ai mới nói nhỏ kể về cảnh ngộ bi thảm của bệnh nhân trong những ngày tháng cuối cùng ở Trung Nam Hải.

Vị nguyên thủ quốc gia bị làm nhục, phê đấu tàn khốc, bị đấm đá… không thể tưởng tượng nổi, cho đến khi ông không gượng dậy nổi, không tự ăn được mới được phép đút cho ăn chút thức ăn lỏng. Chân ông luôn bị trói cố định trên giường.

Buổi trưa, triệu tập toàn thể nhân viên hộ lý tuyên bố kết quả hóa nghiệm. Tôi đề xuất: cần chú ý điều trị tổng hợp, chăm sóc tổng hợp, nhất là chú ý lật người, lau rửa, xoa bóp cho bệnh nhân để giúp tăng lưu thông máu, đề phòng cơ bắp tiếp tục co rút và hoại tử, đồng thời đề phòng tái phát sinh lở loét.

Một hộ lý hỏi: làm như thế là thực sự điều trị, liệu cấp trên có cho phép không? Tôi nói: đó là trách nhiệm tối thiểu của mỗi thầy thuốc chúng ta. Đã giao chúng ta chăm sóc thì chúng ta phải làm hết trách nhiệm. Ngoài ra tôi cũng chuẩn bị kiến nghị với người đặc phái viên cho tiến hành siêu âm và chụp Xquang cho ông, sau đó tổ chức một cuộc hội chẩn về cách điều trị là điều rất cần thiết.

27/10 (Ngày thứ mười một)

Hôm nay thời tiết đẹp hiếm thấy. Vệ sĩ trưởng và hộ lý Tào yêu cầu lật người, lau rửa cho bệnh nhân, tôi đồng ý. Vệ sĩ trưởng nhè nhẹ vỗ vào bàn tay bệnh nhân đang nắm chặt cái bình nhựa: lật người nào, nắm chặt cái hồ lô quý của ông nhé! Mọi người đều bật cười. Đây là lần đầu nơi này có tiếng cười, chắc hẳn có người không hài lòng.

Hộ lý Tào dùng khăn bông nhúng nước ấm lau rửa người cho bệnh nhân và bảo tôi: sớm nay ông ấy ăn được nửa bát cháo, tình hình có vẻ tốt lên. Trong lòng tôi dấy lên hy vọng. Tin rằng mỗi hộ lý cũng đều hy vọng sức khỏe của ông có thể tốt dần lên và bình phục dưới tay chúng tôi. Chúng tôi chỉ biết chữa bệnh cứu người. Nghe nhịp tim và mạch đập của ông thấy ổn định hơn hẳn khi mới đưa từ Bắc Kinh về.

Tôi bảo hộ lý Tào: phải tăng thêm liều lượng D860, tiếp tục dùng thuốc các cô mang từ Bắc Kinh về. Cô Tào lau xong người bệnh nhân, vừa quay người đi vào căn phòng để thuốc men thì bị một người chặn lại ở cửa: Mệnh lệnh cấp trên, không được sử dụng thuốc mang từ Bắc Kinh về nữa! Hộ lý Tào quay lại với tay không, mắt đỏ hoe.

Tôi cũng nghe thấy hết nên không hỏi thêm, chỉ nói: Thôi dùng thuốc ở đây của chúng tôi vậy. Vệ sĩ trưởng và hộ lý Tào lặng lẽ nhìn bệnh nhân trên giường. Họ đều biết, thuốc của viện 155 chúng tôi là thuốc nội, thuốc mang từ Bắc Kinh xuống là thuốc nhập ngoại, hiệu quả khác xa nhau.

29/10 (Ngày thứ mười ba).

Bệnh nhân tái phát ho. Tôi lại đề nghị siêu âm, chụp Xquang và hội chẩn.

30/10 (Ngày thứ mười bốn). Bệnh nhân sốt nhẹ, Cục Dược phẩm Khai Phong báo thiếu thuốc, thỉnh cầu các bệnh viện ở Thượng Hải hoặc Bắc Kinh chi viện thuốc. Cấp trên không phê chuẩn.

31/10 (Ngày thứ mười lăm).

Sáng, vẫn vệ sĩ trưởng và hộ lý Tào lật người và lau rửa cho bệnh nhân. Chiều, cấp trên thông báo: không cho phép siêu âm, chụp Xquang và hội chẩn; từ nay về sau đừng có nêu lại vấn đề này nữa.

1/11 (Ngày thứ mười sáu).

Đã qua 2 tuần. Gần 1 tuần nay tình hình bệnh nhân xấu đi rõ rệt có liên quan đến việc thuốc men giảm đi. Họ lại phủ quyết kiến nghị của tôi về siêu âm, chụp Xquang và hội chẩn.

Giờ thì tôi đã hiểu rõ, lẽ ra không nên gọi là trị liệu, mà phải gọi là giám sát – một nhiệm vụ chính trị khó khăn. Sáng ra, vệ sĩ trưởng đã đến cấp báo: thân nhiệt của ông đã tăng đến 40 độ. Chúng tôi vội tới phòng bệnh. Ông đã hôn mê, yết hầu phát ra tiếng khò khè, toàn thân co rút. Tôi lệnh cho hộ lý Tào dùng ngay máy hút đờm để lấy đờm cho ông. Tôi cũng lập tức tiêm thuốc. Đặc phái viên không biết đã vào từ bao giờ. Mỗi lần điều trị ông ta đều có mặt, thật là một người tận tụy với chức trách. Sau khi hút đờm, tôi bảo hộ lý Tào truyền dịch cho bệnh nhân. Bênh nhân đã ổn định trở lại.Ông rất nghe lời, chủ động phối hợp việc điều trị.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *