VÀI NÉT VỀ LỊCH SỬ THIÊN VĂN SƠ KHAI

VÀI NÉT VỀ LỊCH SỬ THIÊN VĂN SƠ KHAI

(Không bít lịch sử thiên văn có được cover trong các chủ đề của group nên nếu không phải thì thứ lỗi cho sự mạo muội này ạ. Mớ thông tin này là em tổng hợp từ một vài cuốn sách, còn hình ảnh là lượm trên mạng về cho các bác xem cho vui).
Không ai biết thiên văn học bắt đầu từ khi nào. Hàng triệu năm trước người nguyên thuỷ đã nhìn lên bầu trời và kinh ngạc với những gì trên ấy. Vậy theo một nghĩa nào đó họ cũng là những ‘nhà thiên văn’. Họ để ý những sự kiện bất thường như nhật thực, nguyệt thực. Và ngay từ bình minh lịch sử, lúc chữ viết mới phôi thai, thì con người đã biết ghi chép những phát hiện thiên văn của mình.
Từ ban đầu tất cả mọi dân tộc đều tin rằng Trái Đất phẳng, và đứng im. Còn toàn bộ bầu trời xoay quanh Trái Đất. Ý tưởng về một Trái Đất hình cầu, đường kính ~ 13 ngàn km, xoay quanh Mặt Trời với tốc độ hơn 100 ngàn km/giờ hoàn toàn xa vời.
Thay vào đó người cổ đại có những ý tưởng rất lạ lùng. Các tu sĩ Vệ Đà của Ấn Độ tin rằng Trái Đất được chống đỡ bằng 12 cây trụ khổng lồ; khi màn đêm buông xuống Mặt Trời sẽ đi luồn xuống dưới, khéo léo tránh va các cột trụ ấy.
Khó tin hơn nữa là lý thuyết của đạo Hindu, theo đó thì Trái Đất nằm trên lưng bốn con voi; bốn con voi lại cưỡi trên một con rùa; và con rùa này thì lại nằm phục trên lưng một con rắn bơi vô định trong một đại dương bất tận.
Tất nhiên ta đừng nên cười họ. Họ đã đặt những lý thuyết đầu tiên để giải thích vũ trụ. Và họ đã có nhiều quan sát đáng nể đến nay vẫn còn giá trị.
Trong số những “sinh viên ngành thiên văn” thì phải kể đến người Trung Quốc đầu tiên. 3000 năm TCN họ đã tính ra được 1 năm có 365 ngày để làm lịch. Tất nhiên họ không quan tâm Mặt Trời với Trái Đất cái nào xoay quanh cái nào, trong cả hai trường hợp kết quả vẫn cứ là 365. Các nhà thiên văn hoàng gia sẽ phải soạn lịch, và dự đoán khi nào xảy ra các hiện tượng thiên thực.
Mặt Trăng không tự toả sáng, và chỉ là một thiên thể rất nhỏ. Còn Mặt Trời thì to lớn hơn rất nhiều, nhưng vô tình khoảng cách của nó đến Trái Đất lại vừa đủ để ta nhìn thấy Mặt Trăng và Mặt Trời có kích thước bằng nhau. Vậy nên mới có thể xảy ra hiện tượng nhật thực khi Mặt Trời, Mặt Trăng, và Trái Đất cùng nằm trên một đường thẳng, và trên một mặt phẳng.
Nhưng nhật thực với người Trung Quốc thì không có rắc rối như vậy và họ hoàn toàn không cho rằng Mặt Trăng có liên quan gì trong trường hợp này. Người Trung Quốc tin rằng Mặt Trời bị một con rồng hung hăng nào đó nuốt chửng. Vậy nên để xua đuổi con rồng này người ta phải tạo ra tiếng ồn càng lớn càng tốt. Xong, nồi, kèn, trống… bất cứ cái gì phát ra âm thanh đều được phát huy tối đa. Thật may mắn là không có lần nào mà con rồng không chịu bỏ đi.
Tuy nhiên, người Trung Quốc lại tính được rằng cứ 18 năm 11 ngày mới xảy ra nhật thực một lần. Khoảng thời gian này gọi là saros. Tại sao lại phải tính? Là để họ sẵn sàng khi con rồng quay trở lại.
Lẽ ra thì nhật thực phải xảy ra hàng tháng, nhưng vì mặt phẳng quỹ đạo của Mặt Trăng lại hơi nghiêng nên là phải rất lâu Mặt Trăng mới vào đúng được vị trí thẳng hàng với Trái Đất và Mặt Trời.
Người Trung Quốc không chỉ ghi chép nhật thực. Họ còn ghi chép các sao chổi mà họ xem là điềm gở. Những ngôi sao sáng loà với cái đuôi rực rỡ kéo ngang qua bầu trời thường làm các đấng quân vương kinh hồn bạt vía, vì đại hạn, thiên tai, hay thậm chí là vương triều sụp đổ có thể xảy ra ngay sau đó.
Tiếp đến là người Ai Cập. Nhưng người Ai Cập chỉ ghi ghép những gì họ thấy thôi chứ không gán ghép ý nghĩa cho chúng. Có lẽ vì với họ các thiên thể là những đối tượng thiêng liêng. Vậy nên trong một khoảng thời gian rất rất dài thiên văn cứ bị pha tạp với lại chiêm tinh, một thứ mê tín về các vì sao. Ngay cả thời hiện đại ngày nay thứ mê tín ấy không những không mất đi, mà còn mạnh mẽ hơn.
Người Ai Cập tỏ ra là những nhà quan sát xuất sắc khi họ đo đạc được vị trí biểu kiến, tức là như mắt ta nhìn thấy, của các vì sao, và họ “căn thẳng hàng” Đại Kim Tự Tháp của họ với Sao Bắc Cực trên bầu trời.
Nhưng vì trục Trái Đất nghiêng nên là cứ sau một khoảng thời gian nhất định thì sao bắc cực đối với Trái Đất sẽ thay đổi. Vào thời kim tự tháp thì ngôi sao ấy là sao Thuban, mờ hơn nhiều so với sao bắc cực của chúng ta ngày nay.
Nối nghiệp người Ai Cập là người Hy Lạp với những nhà thiên văn xuất sắc. Đầu tiên trong danh sách này là Thales, sinh năm 624 TCN. Ông không chỉ ngắm nghía bầu trời, mà còn cố gắng giải thích những gì nhìn thấy. Có lẽ ông là người đầu tiên nhận ra Trái Đất hình cầu. Nhưng người đầu tiên lên tiếng phản bác lý thuyết Trái Đất phẳng là Aristotle, 300 năm sau Thales.
Aristotle chỉ ra rằng độ cao của các vì sao so với đường chân trời thay đổi khi vị trí người quan sát thay đổi. Đứng ở Hy Lạp thì sao Bắc Cực nằm trên cao, còn đi xuống Ai Cập thì lại ở dưới thấp. Đó là vì Hy Lạp nằm ở bán cầu bắc, còn Ai Cập thì đã gần tới xích đạo. Ngoài ra, ngôi sao Canopus rất sáng trên bầu trời Ai Cập thì đứng ở Hy Lạp lại không nhìn thấy. Kết quả tất yếu để thoả mãn những điều này là Trái Đất phải là hình cầu.
Người Hy Lạp tuy đã biết Trái Đất hình cầu, nhưng họ hoàn toàn tin tưởng rẳng Trái Đất cũng là trung tâm vũ trụ. Niềm tin ấy cản trở nghiêm trọng bước tiến của thiên văn học trong suốt chiều dài lịch sử.
Người đầu tiên cho rằng Trái Đất quay quanh Mặt Trời là Aristarchus. Rất tiếc, ý tưởng này của ông hoàn toàn bị bác bỏ bởi hai nhà thiên văn lỗi lạc thời ấy là Hipparchus và Ptolemy.
Hypparchus là người đã lập được danh mục sao chính xác. Ông còn phát hiện ra được sự tiến động, tức là sự dịch chuyển của cực bắc trên bầu trời.
Ptolemy mới thật là nhân vật nổi bật của thiên văn Hy Lạp. Một tác phẩm quan trọng của ông tên là Almagest ghi chép lại tất cả các công trình khoa học nổi tiếng có trước ông, vốn đã bị thất lạc toàn bộ khi thư viện cổ đại Alexandria bị tiêu huỷ trong chiến tranh.
Ptolemy là một nhà thiên văn và toán học xuất sắc. Ông nghiên cứu chuyển động của các thiên thể trong hệ Mặt Trời, và kết luận Trái Đất là trung tâm của vũ trụ. Mặt Trăng là thiên thể gần nhất, rồi đến sao Thuỷ, sao Kim, Mặt Trời, xa hơn là Sao Hảo, Sao Mộc, và Sao Thổ. Nằm ngoài Hệ Mặt Trời là các vì sao. Cách sắp xếp ấy được gọi tên là Hệ thống Ptolemy.
Tất nhiên cách mô tả ấy hoàn toàn sai lầm và gây ra rất nhiều khó khăn cho các nhà thiên văn sau này khi muốn tìm hiểu bầu trời. Vì Ptolemy là một cái tên lỗi lạc, nên hầu như không ai dám nghi ngờ ông mà hoàn toàn tin tưởng để nghiên cứu dựa trên những lý thuyết ông đã khẳng định.
Rồi Hy Lạp sụp đổ trước vó ngựa của đế chế Rome. Và người Rome thì rất ít hứng thú với học thuật. Vậy nên thiên văn học từ đây rơi vào giấc ngủ vùi kéo dài hàng thế kỷ. Để đến một ngày nó trỗi dậy mạnh mẽ tại xứ sở Ả Rập. Nhưng đó là câu chuyện khác.





Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *