Bài thơ Bắt nạt của nhà thơ Nguyễn Thế Hoàng Linh nằm trong sách ngữ văn lớp 6 (tập 1) thuộc chương trình giáo dục phổ thông mới do Nhà xuất bản Giáo dục phát hành.
Sau khi được đưa vào SGK, bài thơ đang gây ra những tranh cãi về nội dung, nghệ thuật. Ngay trên Facebook cá nhân của nhà thơ Nguyễn Thế Hoàng Linh cũng diễn ra cuộc tranh luận gay gắt giữa anh và nhiều người đọc.
Nguyên văn bài thơ:
“Bắt nạt là xấu lắm
Đừng bắt nạt, bạn ơi
Bất cứ ai trên đời
Đều không cần bắt nạt
Tại sao không học hát
Nhảy hip hop cho hay?
Thời gian trong một ngày
Đâu để dành bắt nạt
Sao không ăn mù tạt
Đối diện thử thách đi?
Thử kẻ yếu làm gì
Sao không trêu mù tạt?
Những bạn nào nhút nhát
Thì là giống thỏ non
Trông đáng yêu đấy chứ
Sao không yêu, lại còn…?
Đừng bắt nạt người lớn
Đừng bắt nạt trẻ con
Đừng bắt nạt nước khác
Trên khắp trái đất tròn
Đừng bắt nạt mèo, chó
Đừng bắt nạt cái cây
Đừng bắt nạt ai cả
Vì bắt nạt dễ lây
Bạn nào bắt nạt bạn
Cứ đưa bài thơ này
Bảo nếu cần bắt nạt
Thì đến gặp tớ ngay
Cứ đến bắt nạt tớ
Bị bắt nạt quen rồi
Vẫn không thích bắt nạt
Vì bắt nạt rất hôi!”
Một số dân mạng cho rằng bài thơ quá trẻ con và không hợp lý khi được đưa vào chương trình giảng dạy lớp 6. Ngoài ra, nhiều netizen bình luận về việc không cảm nhận được tính nghệ thuật, vần điệu và nhạc tính trong bài thơ, thậm chí một số người còn gay gắt nói bài thơ vô nghĩa.
Trước loạt phản ứng tiêu cực này, nhà thơ Nguyễn Thế Hoàng Linh đã giải thích trên trang cá nhân:
- Về việc bài thơ quá trẻ con: “Trong văn chương có những tác phẩm không giới hạn cho lứa tuổi nào. Cách đọc văn chương nhiều khi chỉ đơn giản là dùng sự trân trọng để thưởng thức cái hay từ những tác giả coi ngòi bút là thẩm mỹ, đẳng cấp và danh dự. Nhiều người lớn cũng rất thích “Ra vườn nhặt nắng” là vì vậy.
Các bạn lớp 6 hay bất cứ lớp nào cũng có thể học văn theo cách lấy một bài thơ từ một tập thơ ra và thưởng thức, phân tích. Hiểu như vậy sẽ thấy việc này là bình thường. Thơ trong “Ra vườn nhặt nắng” cũng đã được dùng để dạy ở đại học.” - Về nhận xét không có vần điệu: “Bạn không hiểu rằng, nói như vậy chính là cung cấp bằng chứng cho người đọc rằng bạn bị mất cảm thụ tự nhiên và cả thất học vì không thấy nổi vần điệu rất rõ ràng, đầy đặn và sắp xếp tinh tế trong văn bản.
Với năng lực như vậy, làm sao bạn nhân danh được ai về điều đúng đắn hay cảm thụ. May ra là nhân danh được cho những người đã cảm thụ kém còn khoe thái độ sai, coi thường thiên tài như bạn.
Và khi cùng hăm hở chống lại bài thơ, hăm hở nhân danh cảm thụ của trẻ em, của trẻ em lớp 6 dù họ không hề đề nghị, các bạn chỉ tập hợp nên một đám đông sai trái và mất cảm thụ muốn đi càn quét nghệ thuật thực thụ.
Còn nhiều thời gian để các bạn xem nhiều bạn lớp 6 nói gì mà!
Nhiều bạn đang không chấp nhận sự thật là trong hơn 6 năm qua, rất nhiều trẻ em đi học và chưa đi học cũng như nhiều người lớn cảm nhận tự nhiên, dễ dàng vần điệu rất cơ bản và thêm nhiều biến hoá của bài thơ.
Trẻ con bé tí còn cảm nhận rõ vần điệu của bài thơ và việc nhiều em học thuộc lòng dễ dàng là bằng chứng các bạn không theo kịp các em. Đã có vấn đề về cảm thụ rồi, muốn khá hơn thì phải cầu thị lắng nghe hơn chứ!
Bên cạnh vần chân ở cuối dòng, vần lưng ở giữa dòng, vần nối gần như tất cả các khổ thơ, còn có những cách tạo nhạc tính khác.
Các từ láy phụ âm đầu như HỌC HÁT, HÍP HÓP, NHÚT NHÁT, CÁI CÂY hay láy đuôi như BẮT NẠT cũng được sử dụng nhiều.
Biện pháp điệp từ “BẮT NẠT” và “ĐỪNG BẮT NẠT” cũng được sử dụng với tần suất cao giúp kết nối hơn âm thanh của các câu.”
Theo Thanh Niên/Doanh nghiệp & tiếp thị