Bạn đã từng nghe đến cụm từ “người bán dao chịu” bao giờ chưa?
Xuôi theo dòng chảy lịch sử của Trung Quốc, ta có thể dễ dàng bắt gặp rất nhiều câu chuyện thần bí xoay quanh người làm nghề “bán dao chịu” này. Và dẫu thời gian có đổi thay, những câu chuyện ấy vẫn luôn được lưu truyền cho đến tận ngày nay.
Trong lịch sử Trung Quốc, từng có người đem hết vật dụng nhà nông như dao, lưỡi liềm, cuốc, xẻng,… bán chịu cho những người cần dùng đến chúng, mà lạ thay lại không thu lấy một đồng, chỉ nhắn lại một lời tiên tri cho người mua chịu đồ, đợi đến khi lời tiên tri thành hiện thực, họ mới tới thu tiền.
Đây chính là “Người bán dao chịu” thần bí trong dân gian.
Chú hai tôi cũng là một người như vậy.
Ông sinh vào tháng 6 năm 1960 tại một vùng nông thôn nghèo. Do cuộc sống khó khăn, chú đã bỏ học, ra ngoài mưu sinh từ sớm.
Năm 15 tuổi, chú đi khắp nơi, từ phố to cho đến ngõ nhỏ để bán kem, nhưng cũng chẳng kiếm được bao nhiêu, vậy nên vẫn cứ vất vả, lam lũ, chẳng khá khẩm hơn xưa kia là bao.
Cho đến một ngày, chú gặp được một ông lão bán dao nọ.
Và người đàn ông ấy đã thay đổi cả cuộc đời chú.
Ông lão ấy, từ Nam ra Bắc đâu đâu cũng có mặt, thế nhưng, tuyệt nhiên không ai biết tên ông, cũng chẳng rõ năm nay ông bao nhiêu tuổi. Chỉ biết rằng, cả người ông nhem nhuốc, lang thang khắp chốn cùng một gánh đồ chứa đầy những dụng cụ làm bếp trên lưng.
Chú hai thương tình, biếu ông một que kem để giải nhiệt.
Kể từ giây phút ấy, chẳng biết vì lý do gì, có lẽ thấy chú tôi nghèo khổ, nên ông lão đã nhận làm đồ đệ, dạy chú hành nghề bán dao chịu trong suốt một năm trời.
Những gì học được từ ông lão, trước nay chú chưa từng nói với ai, và cũng không người nào biết chuyện chú đang theo cái nghề này cả.
Sau khi ông lão rời đi để tiếp tục cuộc đời lang bạt của mình, chú hai không còn nhập kem về bán nữa, mà chuyển hẳn sang hành nghề buôn dao.
Chú rong ruổi khắp làng, gặp ai cần, chú sẽ bán cho người đó.
Khi ấy, dân làng mới bắt đầu đồn đại rằng, chú hai đang làm nghề “bán dao chịu”.
Rời khỏi thôn làng hoang vu, hẻo lánh, mang theo gánh đồ nặng trĩu chỉ toàn dao làm bếp trên lưng, chú sải từng bước chân nặng nề hướng đến thôn bên – Vân Long.
“Bán cho tôi một con dao.” Một người phụ nữ đeo khăn trùm đầu bước tới, nói.
“Tôi không buôn lấy tiền, tôi là người bán dao chịu.”
“Bán dao chịu? Ông không sợ lỗ hay sao?”
“Lỗ thì đã lỗ rồi, tôi làm nghề buôn bán, còn sợ lỗ dăm ba đồng bạc hay sao?”
“Vậy được, tôi mua con dao này.” Người phụ nữ cầm một con dao lên, quan sát hồi lâu, cảm thấy không tồi nên ngỏ ý muốn lấy.
“Vậy, tôi nhắn cô một câu, đợi đến khi câu nói này thành hiện thực, tôi sẽ đến tìm cô tính tiền sau.”
“Được.” Người phụ nữ đáp.
Chú hai hỏi rõ địa chỉ cụ thể nơi người phụ nữ kia sinh sống, rồi ghi chép tỉ mỉ vào một quyển sổ, sau đó mới chậm rãi nói: “Đợi đến khi nước sông Nhị Long trong thôn này dâng cao, tôi sẽ đến tìm cô.”
Sông Nhị Long mà chú hai nói, giờ đây đã là một dải đất dài cằn cỗi. Ngày trước, nước sông chảy xiết vô cùng, tuy nhiên, do thượng lưu con sông phải hứng chịu nhiều đợt hạn hán, dẫn đến nước sông đã cạn khô, vì vậy mà sông Nhị Long sẽ không thể nào khôi phục lại trạng thái ban đầu, cuồn cuộn chảy xiết như trước kia.
Do đó, khi nghe chú hai nhắn gửi lời tiên tri như vậy, người phụ nữ liền mừng thầm trong lòng, đoán chắc mình sẽ chẳng phải mất đồng nào để mua con dao này, bởi, chuyện vô lý như thế sao có thể xảy ra được cơ chứ.
Cô nhanh nhảu trở về nhà, kể việc này cho người thân, hàng xóm, gặp ai cũng gọi vào buôn chuyện đôi ba câu.
Cứ như vậy, chỉ trong vòng một tiếng đồng hồ, tin tức về người bán dao chịu đã lan truyền khắp cả thôn.
Những năm tháng nghèo đói khi ấy, người dân ai ai cũng túng quẫn, trong người không có nổi mấy đồng bạc, vậy nên, dù chỉ là một con dao, nhưng đối với họ lại là thứ gì đó vô cùng xa xỉ.
Ấy vậy mà lại có người bán dao không lấy tiền như thế, quả là hiếm thấy. Vậy nên, vừa nghe được tin về chú hai, người dân trong thôn liền đổ xô đi tìm chú “mua” dao. Chỉ trong phút chốc, cả gánh hàng đã sạch bong, chẳng còn con dao nào sót lại.
Và thế là, chú vác đòn gánh nhẹ như không trở về nhà.
Khi chú trở về, cũng là lúc bà nội tôi vừa mới hay tin con trai bà chuyển sang làm cái nghề chẳng kiếm nổi ba cọc ba đồng này, giận đến nỗi suýt chút nữa lăn đùng ra ngất.
Đặt vào thời điểm khi ấy, chẳng ngoa khi nói rằng, hai gánh dao chính là một núi tiền khổng lồ.
Nhìn cái đòn gánh giờ trống không, bà nội ngồi bệt xuống đất, kêu gào thảm thiết.
“Mẹ, mẹ đừng lo, chẳng bao lâu nữa con sẽ có thể lấy khoản tiền nhiều gấp bội về mà.”
“Mày lấy về kiểu gì? Sông Nhị Long cạn khô mấy năm nay rồi, làm sao mà còn ngập nước lại được nữa? Chỗ tiền mày bỏ ra, mất trắng rồi con ơi!!!”
Nghe bà nói vậy, không những không sốt sắng, ngược lạ, chú hai còn lén cười thầm, sông Nhị Long nhất định sẽ ngập nước trở lại.
Thời gian thấm thoát trôi qua, tròn một tháng sau, chú hai chẳng còn con dao nào để bán nữa cả, nên đành ở nhà phụ giúp ông bà làm đồng.
Ngày nào bà nội cũng lôi chuyện bán dao chịu ra trách cứ, nhưng chú nghe vậy rồi vẫn để mặc ngoài tai.
Nhưng, đúng vào lúc này, trên núi đột nhiên đổ cơn mưa lớn.
Mưa dai dẳng, trắng xóa cả bầu trời.
Sau trận mưa, ông nội hào hứng hét vang nhà: “Ta vừa đi nghe ngóng tình hình, dân làng đang đồn nhau nước sông Nhị Long dâng lên rồi đấy!”
Bà nội nghe vậy, vui mừng không nói thành lời, vội vàng dẫn chú hai đến thôn Vân Long.
Đến nơi, quả nhiên, dòng sông khô cằn, nứt nẻ ngày nào giờ đây đã cuồn cuộn, mênh mông biển nước, tràn lên cả hai bên bờ. Chỉ mới mấy ngày, Nhị Long đã hoàn toàn lột xác, trở lại với dáng vẻ màu mỡ khi xưa của mình.
Đứng ngắm dòng sông chảy xiết, bà nội câm nín, không nói được lời gì.
“Lần này, có thể lấy tiền về rồi!”
“Vâng.” Chú hai đứng bên cạnh gật đầu.
Thế là, chú bắt đầu đi đến từng nhà, gõ cửa từng hộ lấy lại số tiền bán dao ngày trước. Dân làng nhận thấy lời tiên tri khi xưa đã thực sự trở thành hiện thực, cũng vui mừng chạy đến trả tiền.
Lần này, chú hai kiếm được một khoản không nhỏ.
Về sau, tên chú dần dần nổi tiếng khắp vùng. Rất nhiều người vì nghe danh mà tìm đến, muốn nhờ chú xem mệnh.
Nhưng chú hai từ chối.
Chú nói, chú chỉ bán dao chịu, chứ không xem mệnh cho ai cả.
Vài ngày sau đó, chú hai lại đi đến một làng khác.
Cũng như lần đầu, lần này, dân làng thấy chú bán dao chịu nên ai cũng chỉ ham hố lợi ích trước mắt là có dao miễn phí, chứ chẳng mấy ai chịu tin rằng chú hai có thể tiên tri được tương lai.
Dù vậy, chú cũng chẳng buồn giải thích nhiều lời, nghĩ ngợi một hồi, liền thốt ra một lời tiên tri nghe rất hoang đường .
“Giá gạo sẽ tăng hơn 5 tệ, còn giá thịt phải quá 10 tệ.”
Ở nông thôn vào thời điểm ấy, lời này nói ra, chẳng ai dám tin.
Bởi, giá gạo trong vùng lúc bấy giờ chẳng đến mấy hào, thịt cũng chỉ đáng vài tệ không hơn.
Tăng lên tận 10 tệ, quả là chuyện hết sức vô lý, không thể xảy ra!
Sau khi thấy chú tay trắng trở về, bà nội lại trách móc thêm lần nữa. Bà cho rằng, dù có tăng đi chăng nữa thì giá gạo thịt cũng không thể cao như vậy.
Chú hai nghe rồi cũng để lọt tai, chỉ nói lại một câu: “Vài năm nữa sẽ rõ, mẹ cứ chờ đi.”
“Còn muốn chờ thêm bao nhiêu năm? Mày không sợ người ta ăn quỵt, không trả tiền à?”
“Mẹ cứ yên tâm, con ghi chép kỹ càng vào sổ sách cả rồi, bọn họ nhất định sẽ trả tiền cho nhà ta thôi.”
Vài năm trôi qua trong chớp mắt, giá gạo thịt ấy vậy lại không tăng như lời chú hai phán.
Nhưng chú cũng chẳng để tâm, tiếp tục vác gánh hàng trên lưng, đi khắp các chốn từ Nam chí Bắc.
Vẫn như xưa, chú chỉ bán dao chịu, sau đó để lại một lời tiên tri cho người mua. Đợi đến khi lời dự báo thành hiện thực, mới giở quyển sổ ghi chép, lên đường đi thu tiền từng nhà.
Tuy nhiên, ngày nọ, chú gặp phải một tên làm đồ tể giết mổ lợn, dù có đòi như thế nào cũng nhất quyết không chịu trả tiền.
“Đừng tưởng tao không biết, mày với lũ lừa đảo cùng một giuộc cả! Một con dao mà bán 10 tệ? Mày thèm tiền đến phát điên rồi! Lại còn nói tiên tri này nọ, đã thành hiện thực quái đâu!”
Tên đồ tể này khinh thường người khác quá đáng. Rõ ràng không muốn đưa tiền đây mà!
Dù bị mắng chửi thậm tệ, chú hai cũng không thèm tranh cãi với hắn, chỉ nói: “Ông không trả tiền cho tôi cũng chẳng sao, nhưng, để mắt đến con trai ông, tính tình nó bộp chộp như vậy, sớm muộn cũng gây ra chuyện chẳng lành.”
“Con trai tao không cần mày lo!”
Mặc cho tên đồ tể mắng chửi, chú ngán ngẩm lắc đầu rời đi.
Tên quỵt tiền đó cũng không thèm để tâm đến lời chú hai nói, chỉ cho rằng đó là lời nhất thời nói ra lúc nóng giận mà thôi.
Nhưng chưa đến nửa năm sau, con trai lão thật sự xảy ra chuyện chẳng lành.
Bởi tính khí bốc đồng, hắn ta gây chuyện, cãi nhau bên ngoài, thậm chí còn ra tay đánh người ta máu me be bét. Cuối cùng, người kia bị thương nặng, chữa trị nhưng không qua khỏi.
Sau khi nghe tin con trai đã hại chết người, lão đồ tể ngất lịm tại chỗ.
Vừa mới tỉnh dậy, hắn đã gấp rút cầm tiền chạy đi tìm chú hai, hy vọng có thể cứu giúp gia đình ông.
Nghe ông ta cầu xin, chú hai thở dài, nhận lại tiền, sau đó nói: “Ngay từ đầu tôi đã cảnh cáo ông rồi, con trai ông tính tình nóng nảy, không sớm thì muộn cũng sẽ gây ra chuyện. Nhưng ông đâu có tin, không lo quản con mình cho tốt. Vậy nên mới phải nhận hậu quả như ngày hôm nay. Đến giờ phút này, chẳng ai cứu nổi nó đâu.”
Về sau, con trai lão bị phán tử hình. Không chịu nổi cú sốc, lão ta phiền muộn rồi sinh bệnh, nằm liệt giường mấy ngày trời, cuối cùng cũng rời xa nhân thế, sang thế giới bên kia gặp con trai.
Từ đó, trong thôn tôi, chú hai được tâng bốc như một nhân vật truyền kỳ.
Ngày thường, chú ở nhà, lau chùi, cúng bái pho tượng gỗ khắc hình một ông lão.
Không người nào biết rốt cuộc nhân vật đó là ai, nhưng cứ mỗi khi chuẩn bị gánh hàng đi bán, chú sẽ đến đó thành tâm thắp hương, khấn vái.
Cho đến một ngày, sau khi chú hai uống rượu say, đã vô tình nói ra sự thật.
Pho tượng mà chú vẫn một lòng cúng bái trước giờ, hóa ra chính là ông tổ nghề đoán mệnh, Qủy Cốc Tử.
Điều này khiến các bậc thầy dạy học trong làng choáng váng đến lặng người.
Quỷ Cốc Tử là nhân vật thần bí nhất thời kỳ Chiến Quốc, hơn nữa, chưa có bất kỳ một ai tận mắt nhìn thấy diện mạo của ông. Thậm chí, còn có nhiều người hoài nghi liệu ông có thật sự tồn tại hay chỉ được tô vẽ bởi người đời.
Tuy nhiên, theo tương truyền, Quỷ Cốc Tử có nhận vài người học trò. Và học trò của ông đều là những nhân vật tầm cỡ như Bàng Quyên, Tôn Tẫn, Tô Tần, Trương Nghị, một tay xoay chuyển thiên hạ thành bàn cờ, coi các nước chư hầu là quân cờ, oanh liệt ngang dọc cả một giai thoại lịch sử Chiến Quốc. Nhưng, cũng chính bởi động đến lợi ích của các nước chư hầu mà khiến dân chúng rơi vào cảnh lầm than, bị coi như con tốt thí trong ván cờ chính trị, do đó, họ đều cho rằng, Qủy Cốc Tử là kẻ bịp bợm, không đáng được lưu danh đến đời sau.
Thế nhưng, học thuyết của ông lại được dân gian tôn sùng, đặc biệt là vào giai đoạn chiến tranh loạn lạc, đói kém hoành hành. Trong nhân gian từ đó bắt đầu lưu truyền nhiều lời tiên tri và các bài đồng dao.
Đương nhiên, cũng có nhiều kẻ trong cuộc lợi dụng điều này để “học đòi”, tự đặt ra những lời tiên tri theo ý mình. Có thể kể đến một vài ví dụ như “Đan Thư Ngư Phúc”, “Câu Hỏa Hồ Ô” của Trần Thắng và Ngô Quảng.
Và, “người bán dao chịu” cũng ra đời như một lẽ tất yếu.
Bọn họ phiêu bạt xuyên suốt dòng chảy lịch sử, tựa như oan hồn không siêu thoát.
Không một ai biết chú hai đã học được những gì, và cũng có những người muốn xin theo chân để học nghề, nhưng đều bị chú từ chối. Chú nói, cái nghề này, có học cũng chưa chắc đã áp dụng được.
Năm 1994, tôi được sinh ra đời. Trước khi tôi bước chân vào thế giới này, chú hai đã cười tít mắt nói với bố tôi, tương lai, tôi nhất định sẽ trở thành một sinh viên đại học. Nghe vậy, bố tôi vui lắm, nhưng lời tiếp sau mà chú hai nói mới khiến ông cảm thấy bất ngờ hơn cả.
“Nhưng anh cũng đừng đắc ý quá, bởi trong tương lai, khắp nơi đều có người thi đỗ đại học.”
Bố tôi không tin cho lắm, bởi thời điểm ấy, số người thi đậu đại học chỉ đếm trên đầu ngón tay. Thôn này tuy chỉ có duy nhất một người đỗ đạt thành tài, nhưng cũng đủ gây xôn xao cả xóm làng.
Trong mắt nhiều người, một khi nhà có con cháu trở thành sinh viên đại học, nhất định phải mở tiệc linh đình để ăn mừng!
Sau khi tôi ra đời, bà nội bắt đầu tính dần đến việc cưới xin cho chú hai.
Năm đó, chú 34 tuổi. Cái thời lạc hậu khi ấy, với số tuổi như vậy, chú bị coi là ế vợ rồi. Thế nhưng, chú hai lại chẳng hề lo lắng, thậm chí còn từ chối lời mai mối của mọi người, nói với bà rằng, kiếp này chú đã để lộ quá nhiều thiên cơ (điều cơ mật không thể tiết lộ), do đó, phải hứng chịu “ngũ tệ tam khuyết” (Ngũ tệ là năm điều tệ hại: góa bụa, cô đơn, độc thân, điếc, tàn tật. Tam khuyết là ba điều thiếu thốn: tiền bạc, tuổi thọ, quyền lực.)
Kết hôn, là điều không thể.
Bà nghe vậy nhưng cũng chẳng tin, nhất quyết đòi tìm một cô gái để mai mối cho con trai.
Khuyên mẹ không được, chú cũng chẳng nỡ từ chối, không lâu sau đó, hai người đi đến bước đường hôn nhân. Chỉ có điều, mới kết hôn chưa đến nửa năm, con dâu của bà đã trốn mất.
Bà khóc lóc, bắt chú hai đi tìm vợ về cho bằng được. Nhưng chú không làm theo, chỉ thở dài một hơi, sau đó vác gánh hàng lên lưng, lại tiếp tục lên đường đi bán dao chịu.
Người bán dao chịu là oan hồn của lịch sử, nhìn tỏ mọi sự trên đời, vậy nên mỗi năm, trước khi thời khắc lịch sử xảy ra sự biến động, người bán dao chịu sẽ xuất hiện và ngầm ám hiệu cho mọi người.
Trong vòng mấy năm sau đó, chú hai lang bạt khắp chốn, không cố định ở đâu bao giờ.
Trên con đường phiêu du của mình, chú bán được vô số dao, nhưng chỉ giữ lại cho mình một quyển sổ, nhờ nó mà chú biết trước vào thời gian nào, nên đi đâu thu tiền, vì vậy, dù cho người nhận dao ở xa đến đâu, chú cũng kịp thời quẩy gánh hàng đến đó.
Vào năm tôi lên 2, ngày 4 tháng 6 năm 1996, chú hai trở về nhà, còn dẫn theo một người phụ nữ.
Chú nói, cô ấy mệnh tốt, có thể ở bên chú những ngày tháng về sau.
Trông cô trắng trẻo lại đậm người, bà nội rất ưng ý, cứ vậy liền trở thành người nhà, chung sống êm ấm ngày qua ngày.
Từ sau khi lấy cô gái ấy, chú hai không còn hành nghề cũ, mà chăm chỉ, cần cù ở nhà làm vườn.
Nhưng, chú vẫn giữ cuốn sổ ghi chép, mỗi lúc nhà hết tiền liền ra ngoài đi thu về một lượt.
Chẳng ai rõ, rốt cuộc chú đã bán được bao nhiêu dao. Chỉ biết rằng, tiếng tăm của chú vang xa khắp mọi miền.
Vài năm sau khi kết hôn, không biết cớ vì sao, vợ chồng chú vẫn chưa có lấy một mụn con.
Bà nội thì sốt sắng, nóng ruột, nhưng chú hai vẫn dửng dưng như không. Chú an ủi bà rằng, cưới được vợ đã là có phúc phần lắm rồi, cả đời này, sẽ không thể có con được nữa.
Bà không tin, nhưng sự thật lại chứng minh lời chú nói là đúng, bao nhiêu năm trôi qua, bà vẫn chưa có thêm đứa cháu nào để bồng ẵm.
Cho đến tháng 5 năm 2000, chú hai gánh dao đi bán chịu ở một cái thôn nhỏ, sau đó vô tình được một người đàn ông nhận ra.
Người này họ Lý, tên Lý Vệ. Anh ta đắc ý kể rằng mình cưới được một cô vợ xinh đẹp, hơn nữa còn sinh được một cậu con trai kháu khỉnh. Thế nhưng, dạo gần đây anh ta cứ thấy trong lòng râm ran như có lửa đốt. Bởi, anh chợt nhận ra, càng lớn cậu con trai càng trở nên giống ông hàng xóm gần nhà chứ không hề giống người làm bố là anh. Nhưng, cũng chẳng dám nói ra, chỉ âm thầm giữ suy nghĩ này ở trong lòng.
Gặp được chú hai – người nhìn thấu nhiều điều, anh ta muốn dẫn cậu con trai đến đây, hy vọng nhận được sự giúp đỡ, xem xem cậu bé có thực sự là con ruột anh không.
Chú hai vừa nhìn, liền cúi đầu trầm mặc, không thừa nhận cũng chẳng hề phủ nhận.
Thấy vậy, anh chàng kia bắt đầu giở trò quấy rầy, thậm chí còn giật lấy con dao chú hai đang cầm trong tay. Vậy là để yên thân, chú chỉ có thể mở miệng nói chuyện với anh ta.
“Tôi đây chỉ mong buôn bán đàng hoàng, không muốn dây dưa với ai. Nếu anh thật lòng muốn biết cậu bé có phải con mình hay không, vậy thì đến bệnh viện làm xét nghiệm ADN chẳng phải là xong rồi hay sao?”
Khi ấy, chú hai bâng quơ như vậy để tránh bị làm phiền, bởi, ở thời ấy, chỉ có bệnh viện lớn mới làm loại xét nghiệm này. Một người làm nông, buôn bán nhỏ lẻ thì lấy đâu ra tiền mà đi khám cơ chứ.
Thế nhưng, không ngờ rằng, vừa về đến nhà, Lý Vệ đã lôi đứa trẻ đến bệnh viện như lời chú bảo.
Kết quả cho thấy, đứa bé thực sự không phải con anh ta.
Lần thứ hai chú vô tình gặp lại Lý Vệ là khi cả người anh ta dính đầy máu, trong tay còn cầm một nắm tiền muốn trả chú.
“Rốt cuộc anh đã đi đâu, làm những gì vậy?” Chú hai hoài nghi gặng hỏi.
“Chuyện đó anh không cần can dự vào, cầm lấy, đây là tiền mua dao.”
Mặc cho người kia từ chối trả lời, chú hai vẫn định hỏi lại một lần nữa nhưng đã thấy anh ta chạy mất dạng rồi.
Ba ngày sau, thảm án mới được vén màn.
Sau khi Lý Vệ trở về nhà, anh ta cầm dao uy hiếp, ép vợ nói ra sự thật. Sau khi nghe ra mọi chuyện, nhận thấy đều giống như những gì anh suy đoán trước giờ, Lý Vệ suy sụp, điên cuồng lao vào chém giết người đầu ấp tay gối của mình.
Sau đó chạy sang nhà tên hàng xóm kia, xuống tay giết hại hắn ta.
Cuối cùng, vì chán ghét mọi thứ và trải qua cú sốc tâm lý quá lớn, Lý Vệ nhảy sông tự tử, bỏ lại đứa bé đang gào khóc vì đói khát và nhớ cha, nhớ mẹ.
Còn nhà người hàng xóm kia mất đi trụ cột, nguồn thu nhập chính, gia đình rơi vào cảnh nghèo đói khốn cùng.
Trong vở bi kịch ai oán này, không một ai là kẻ chiến thắng.
Sau khi biết mọi chuyện, chú hai chỉ biết thở dài, từ một kẻ đang hạnh phúc vô ngần vì vừa cưới được cô vợ xinh, sinh được cậu con trai kháu khỉnh, giờ đây lại tự tay đẩy mọi thứ xuống vực thẳm, dồn đứa bé vào đường cùng, rơi vào cảnh mồ côi, không ai chăm sóc.
Nghe câu chuyện thảm thương, mặc dù bà nội không muốn nhưng nghĩ đến cảnh vợ chồng chú hai sau này không có lấy một mụn con nối dõi, bà đành phải nhận đứa bé kia về làm cháu nội.
Về sau, chú hai nói với tôi, ngay từ đầu chú đã nhìn ra, Lý Vệ và cậu con trai thực sự không có mối quan hệ huyết thống nào. Thế nhưng không dám nói ra, sợ rằng bản thân sẽ cắt đứt một mối duyên phận.
Thảm cảnh cuối cùng ai cũng rõ, bi kịch vẫn cứ ập đến gia đình ấy.
Trong nhà giờ đây đã có thêm một đứa con, vậy nên khi nào mùa màng bận rộn chú sẽ ở nhà đỡ đần việc ruộng vườn, còn khi nào rảnh rỗi mới lên đường bán dao chịu.
Dường như trước giờ chú chẳng hề sợ việc tiền không cánh mà bay, không thu lại được. Thi thoảng mới thấy chú cầm quyển sổ ra ngoài nhận lại thù lao. Gần như lần nào cũng gặt hái được không ít.
Lần nào bố tôi cũng tò mò, hỏi chú hai làm nghề này, chẳng lẽ không sợ bị quỵt tiền dao hay sao?
Chú hai chỉ cười xòa cho qua, như thể rất chắc chắn sẽ thu được tiền.
Quay về nhà, chú hai tiếp tục làm ruộng, trồng lúa.
Cậu con trai nuôi cũng được chú yêu chiều hết mực.
Thím cũng vô cùng thương yêu chú. Ba người một nhà cứ thế vui vẻ sống qua ngày.
Khi đó, tôi đã được 6 tuổi, rất thích qua nhà chú chơi. Mỗi lần đến, đều được chú cho ăn kẹo, uống sữa. Vốn nghịch ngợm, nên cứ đến nhà là tôi sẽ nghịch pho tượng gỗ, và lần nào cũng bị chú mắng cho một trận, rồi nghiêm mặt dặn dò, đấy là pho tượng của ông tổ nghề Quỷ Cốc Tử, không được “làm phiền”.
Ngày 5 tháng 6 năm 2001, tôi lên tiểu học, chú hai đích thân dùng chiếc xe lừa đưa, đón tôi tới trường.
Trường tiểu học cách thôn khoảng 20km, chú hai nhìn lên trời, đột nhiên quay sang dặn dò tôi: “Một tuần tiếp theo, cho dù xảy ra chuyện gì đi chăng nữa, cũng không được đòi về nhà. Nếu về sẽ nguy hiểm đến tính mạng.”
Lúc đó, dù không tin nhưng tôi vẫn phải làm theo lời chú dặn. Một tuần dài đằng đẵng ở lại trường, nhìn những bạn nhỏ khác đều đã được đón về, chỉ còn mình tôi bơ vơ ở lại, tôi cũng muốn được về nhà.
Còn chú hai, cứ mấy hôm lại đến, đưa cho tôi mấy cái bánh bao thịt. Thấy tôi ăn ngon lành, chú nghiêm nghị dặn dò lại, khoảng thời gian này không được về thôn, tránh gặp chuyện nguy hiểm.
Thấy chú nghiêm mặt, tôi chỉ đành gật đầu nghe theo. Không lâu sau, một trận đại hồng thuỷ chưa từng có trong lịch sử đã ào ào trút xuống, nhấn chìm cả thôn trong biển nước mênh mông.
Bao quanh thôn đều là núi, cơn lũ lụt ập đến, cuốn theo lớp đất, dòng nước đục ngầu gây sạt lở khắp chân đồi.
Cảnh tượng thê lương chưa từng có.
Nhưng may mắn thay, do đã được chú hai cảnh báo trước, vậy nên người dân trong thôn đã di cư, bỏ nhà bỏ cửa chạy lên núi, thành ra thoát nạn.
Khi đó, vụ việc này đã thu hút sự chú ý của rất nhiều người, thậm chí còn có cả phóng viên đến phỏng vấn.
Nhưng chú hai lại giải thích rất đơn giản, rằng ông là nông dân lâu năm, quan sát trời đất sẽ có thể đoán được cơn mưa lớn sắp ập tới. Vì quá lo cho sự an toàn của mọi người nên mới đề nghị di cư lên vùng an toàn.
Khi đó dân làng ngờ vực, không hề tin lời chú tôi cảnh báo, nhưng do chú hết mực van xin, nài nỉ nên họ mới lên núi tránh nạn.
Lần này, chính chú hai đã cứu mạng của tất cả mọi người trong thôn.
Sau lần đó, tiếng tăm của chú vang xa lẫy lừng, thậm chí còn có một ông chủ lớn lái xe tìm đến tận nhà nhờ chú xem số.
Chú hai không màng đến những lời nhờ vả đó, chỉ chuyên tâm đi bán dao.
Thím thấy vậy, bất mãn, không chịu được liền cãi nhau với chú.
“Người ta là ông chủ lớn, ông giúp người ta xem một lần, chắc chắn kiếm được nhiều hơn so với việc gánh dao đi bán chứ, tại sao lại không đồng ý?”
“Tôi chỉ bán dao, không xem số. Vả lại cũng đâu có biết xem mà nhận lời người ta.”
“Ông không biết xem số, sao lần nào cũng nói trúng?”
“Tóm lại là tôi không biết.”
Sự cố chấp của chú khiến thím tôi vô cùng tức giận. Nhưng chú vẫn giữ nguyên quy tắc của mình, không làm việc vượt ra ngoài những chuẩn mực đã đề ra.
Và điều này cũng là nguồn cơn của nhiều trận cãi nhau giữa hai vợ chồng chú.
Nhưng thật ra, không phải chú tôi chưa từng xem số cho ai.
Vào ngày nọ, một cậu thanh niên lấm lem bùn đất, lôi thôi, luộm thuộm, tóc tai bù xù, ánh mắt vô định, lúc nhìn thấy chú hai, anh ta khổ sở cầu xin, mong chú có thể xem hộ mình một quẻ.
Chú hai ấy vậy mà lại phá lệ, đồng ý xem giúp.
Đầu tiên chú bảo thím bế con vào nhà, sau đó cầm lấy tay người kia và bắt đầu xem số.
Chú nói với chàng trai kia, anh còn trẻ, bất cẩn mới lầm đường lạc lối. Nếu vẫn cứ không tỉnh ra, thì sẽ rơi xuống vực thẳm, không ngóc đầu lên được.
Ngờ đâu chú vừa nói dứt câu, anh chàng kia liền quỳ xuống bật khóc.
Hoá ra đây là một tên tội phạm, do giúp bạn đánh nhau trả thù, nhưng lại vô tình đâm chết người. Vậy nên mới hoảng loạn chạy trốn đến đây.
Trước khi tìm đến chú hai, anh ta đã nhịn đói 3 ngày 3 đêm rồi.
Chú nấu cho anh ta một bát mỳ, còn thêm 3 quả trứng.
Sau đó đích thân dẫn anh ta đến đồn cảnh sát để tự thú. Cả quãng đường, anh chàng kia cứ nắm chặt lấy tay chú tôi, cúi gằm đầu không nói câu gì.
Cuối cùng, anh ta bị phán 20 năm tù. Thỉnh thoảng chú tôi vẫn còn vào thăm.
Người trong thôn rất tò mò, vì sao chú hai vừa nhìn đã biết đây là một tên tội phạm giết người?
Chú tôi đáp lại, không phải là ông nhận ra, chỉ là ông cảm thấy người trẻ tuổi này thật đáng thương mà thôi.
Nhưng chẳng ai tin lời chú.
Trong thôn có người đồn, chỉ cần nhìn lướt qua, chú hai đã có thể xem được tướng mặt của người đối diện.
Nhưng chú chưa bao giờ thừa nhận điều này, trước đây chưa từng, sau này cũng sẽ không bao giờ xem số cho người khác nữa.
Trước Tết năm đó, chú lại đi xa, lần này đến một vùng nông thôn ở Thiểm Tây.
Đến đó, chú để lại một lời tiên tri: “Thế giới có đường nhưng không ai đi, nông thôn có nhà nhưng không ai ở.”
Kết quả, chú suýt thì bị người dân ném đá đuổi đi.
Có người hỏi: “Đường không phải để cho người đi lại hay sao? Sao mọi người lại bỏ không được?”
“Nhà ở nông thôn nhiều như vậy, làm gì có chuyện không ai ở? Lẽ nào nhà hoang?”
Lúc bấy giờ đã là tháng 7 năm 2004. Chú hai không nói câu nào, chỉ lẳng lặng cầm quyển sổ đi về.
Khi đó chú đã xây được một căn nhà mái ngói.
Nghe thấy lời tiên tri của chú, thím xì mũi giễu cợt: “Nhà mái ngói đẹp đẽ không ở, lẽ nào ra ngoài đường ngủ?”
Chú cười khổ, không giải thích gì thêm.
Kể từ hôm đó, trông chú dường như ngày càng già đi.
Mấy lời tiên tri sau đó cũng đều không thành hiện thực.
Ví như 3 năm trước, chú từng đi ngang qua một đám cưới ở vùng nông thôn nọ, bán dao cho đầu bếp ở đó. Chú nghĩ ngợi một hồi rồi nói: “Đợi đến khi cưới vợ, cậu cần đến 180 nghìn tệ làm tiền sính lễ thì tôi sẽ đến thu tiền dao.”
Câu nói này của chú, khiến mọi người ở đó không khỏi kinh ngạc.
Lúc đó, có một người phụ nữ hét lên: “Úi giời! Tận 180 nghìn tệ! Rốt cuộc là thiên kim tiểu thư nhà nào mà lại đáng giá đến thế cơ chứ.”
“Cưới vợ thôi mà, mấy nghìn tệ là được rồi, cần lắm tiền như vậy để làm gì?”
“Đúng vậy, con trai tôi cưới vợ mất có 1000 tệ.”
Chú cũng chẳng giải thích gì thêm, quẩy đòn gánh rời đi.
Sau đó mấy năm, mặc dù tiền sính lễ cưới vợ có tăng cao, nhưng cùng lắm cũng chỉ thêm có mấy nghìn tệ. 180 nghìn tệ quả là con số không tưởng.
Mấy lần tiên tri thất bại, có người nói chú đã già rồi, không còn minh mẫn, nhìn thấu mọi thứ được như trước.
Cũng có người nói, do chú tôi tiết lộ thiên cơ nên gặp phải báo ứng.
Nhưng cho dù người đời có nói gì, chú cũng đều im lặng không đáp trả. Chỉ là từ đó về sau, chú không làm nghề này nữa, dăm bữa nửa tháng chỉ cầm theo sổ ghi nợ đi thu tiền. Phần lớn thời gian, chú cũng như bao người dân khác trong thôn, ngày mùa bận rộn thì ở nhà làm nông, thời gian rảnh rỗi sau mùa vụ thì lên thành phố kiếm tiền.
Dần dần, càng ngày càng nhiều thanh niên trai tráng rời bỏ quê hương, lên thành phố làm ăn, bỏ lại trẻ em và người già. Có người bắt đầu nhận ra, lời tiên tri của chú nay đã thành sự thực.
Nông thôn giờ đây thực sự đã trở thành thế giới riêng biệt “có đường nhưng không ai đi rồi”!
Ngày 5 tháng 8 năm 2010, năm đó tôi vào cấp 3, ở lại ký túc xá của trường, chỉ đến cuối tuần mới có thời gian về nhà. Khi đó, tôi thường đi thăm chú.
“Chú à, chú còn bán dao chịu nữa không?”
“Không làm nữa rồi.”
“Tại sao ạ?”
“Không đòi được tiền người ta nữa.”
“Sao thế ạ? Không phải chú nói người nông thôn chất phác, thật thà hay sao?”
“Không liên quan gì đến cái đó.” Chú đặt chén rượu xuống, mắt đỏ lừ nhìn tôi, giọng nói thoáng chút đượm buồn: “Là do thời nay không giống thời xưa nữa rồi.”
Tôi không hiểu nhưng vẫn tiếp tục gặng hỏi điều mà bản thân muốn nghe chú giải đáp nhất:
“Vậy rốt cuộc chú đã học được gì từ ông lão truyền nghề thế ạ?”
Đây cũng là điều rất nhiều người muốn biết, từ ban đầu, chú vốn không phải là người làm nghề bán dao chịu, gặp phải ông lão kia mà mới theo nghề.
“Học được một số thứ linh tinh thôi.”
“Có thể dạy cho cháu được không ạ?”
“Cháu học mấy cái đó không để làm gì đâu!” Chú bỗng hét lên, ánh mắt có chút không cam tâm.
Tôi không biết vì sao bỗng dưng chú lại như vậy, nhưng sau đó chú cứ ngồi im lặng, uống rượu một mình, không thèm để ý đến tôi nữa.
Sau đó một thời gian, mỗi tuần tôi đều đến thăm chú, có lẽ cũng là vì vô cùng tò mò về nghề bán dao chịu.
Lẽ nào người làm nghề này quả thực có khả năng tiên tri? Không thì sao chú có thể dự đoán được thời tiết, thậm chí còn giúp cả thôn thoát được một kiếp nạn.
Nhưng chú không trả lời, chỉ nói với tôi rằng, bán dao chịu chỉ là một nghề bán hàng, không có năng lực cao siêu như vậy.
Có một lần, trong lúc say rượu, chú bỗng quát lên: “Ai cũng nói tao biết xem số! Nếu tao mà biết xem, thì đã đi đánh lô rồi, làm cái nghề này làm cái quái gì nữa?!”
Chú nói đến đây, mắt chợt ửng đỏ.
Người ở lại thôn ngày một ít. Cứ mỗi lần về quê, tôi đều nhận ra thôn mình ngày một hiu quạnh.
Tìm bừa một người hỏi lý do vì sao, câu trả lời tất nhiên là ai nấy đều lên thành phố làm ăn.
Còn tiền sính lễ ở đây, cũng không ngừng tăng lên, cần đến 180 nghìn tệ để cưới vợ, đã là chuyện hết sức bình thường.
Lời tiên tri của chú lại một lần nữa thành hiện thực, chỉ là lần này, chú không đi thu tiền nữa.
Khi đó tôi rất tò mò, vậy nên đã hỏi chú.
Chú đưa cho tôi một quyển sổ nhỏ, bảo tôi đi thu tiền hộ. Nói nếu thành công sẽ chia cho tôi một nửa.
Tôi cầm theo quyển số, hí hửng đi gõ cửa từng nhà.
Biết được tôi là con cháu người bán dao chịu, những người có tuổi đều hoảng hốt trả tiền cho tôi, còn nằng nặc đòi đưa thêm.
Nhưng có những người trẻ tuổi, lại không tin câu chuyện này, thậm chí còn cười chế giễu, nói: “Một con dao m cậu bán tận 20 tệ, trong cửa hàng người ta cũng chỉ bán có 2 tệ.”
“Nhưng con dao này, chú tôi bán chịu 20 năm rồi mà!”
Nghe vậy, cậu thanh niên kia không nói được gì thêm, đành lấy tiền trả cho tôi.
Thế nhưng, phần lớn số tiền ghi trong sổ, tôi vẫn không thu về được. Bởi họ đều đã dọn lên thành phố sống.
Đi một vòng, chỉ thu được ⅕ số tiền trong sổ, cuối cùng tôi cũng đã hiểu vì sao chú nói với tôi rằng không thu được tiền nữa.
Không phải là mọi người không giữ chữ tín, mà là trong 8 năm ngắn ngủi này, mọi thứ đã thay đổi quá nhiều.
Năm đó tôi 18 tuổi.
Sau khi tốt nghiệp cấp 3, cuối cùng tôi cũng thi đỗ vào ngôi trường đại học mà mình yêu thích. Không chỉ vậy, còn quen được một cô bạn gái cùng trường.
Đại học năm nhất, chú hai đến thăm, tiện thể cho tôi tiền sinh hoạt. Chú nay đã già rồi, tóc bạc trắng, cả người nhìn gầy guộc ốm yếu. Ở trong quán ăn nhỏ, tôi cùng chú ngồi ăn bánh chẻo với nhau. Tôi trước giờ vẫn rất tôn trọng và xem chú là một vị tiền bối hiểu cao biết rộng, cần noi gương và học tập trong cuộc sống.
Vậy nên, tôi chẳng ngần ngại mà kể cho chú nghe tất cả những phiền muộn ở môi trường đại học.
Chú không nói gì, chỉ nhìn tôi rồi khuyên mau mau chia tay với cô bạn gái kia đi, chúng tôi sẽ không thể đi đến hôn nhân, kiếp này định sẵn không thể ở bên nhau.
Tôi chỉ cười, không để trong lòng.
Không lâu sau, tôi và bạn gái thật sự chia tay nhau. Cô ấy là người thành phố, vừa chia tay tôi đã qua lại với người con trai khác. Gã này là con nhà giàu, trong tay sở hữu đến 5 ngôi nhà.
Đau buồn một thời gian dài, rất lâu sau đó tôi mới có thể buông bỏ đoạn tình cảm này.
Tôi học ngành quản lý kinh tế, vậy nên bài tập cũng rất nhiều. Hôm đó, thầy đặt cho tôi một câu hỏi nghiên cứu về những rủi ro khi đầu tư. Khoảnh khắc đó, tôi nhớ ngay đến người bán dao chịu. Tôi quyết tâm dùng những kiến thức kinh tế đã được học để giải thích về thứ nghề dân gian này, thật lòng muốn vén tấm màn bí mật về người bán dao chịu!
Không lâu sau, bí mật đã được chính tôi hé mở.
Bán dao chịu thực ra là một thủ đoạn marketing vượt thời đại, người bán lợi dụng lời tiên tri, tỏ ra thần bí để nâng giá bán dao, tuy rằng lúc bán không lấy đồng nào, nhưng giá bán dao của họ cao hơn bình thường gấp nhiều lần. Nếu để đấy nhiều năm, sẽ thu được lợi nhuận lớn hơn tiền vốn rất nhiều.
Đầu tiên, giá dao của người bán chịu phải cao gấp nhiều lần so với giá bình thường.
Thứ hai, người bán chịu không bao giờ vào những nơi dân cư có tính lưu động cao hay không ổn định để bán. Bởi như thế mới có thể đảm bảo tỷ lệ thu hồi tiền duy trì ở mức cao.
Vì thế những nơi dân cư có tính lưu động thấp như nông thôn, lại chính là nơi thích hợp nhất. Nhưng hiện nay, cùng với sự phát triển chóng mặt của xã hội, nông thôn giờ đây lại không còn là lựa chọn tối ưu như những ngày đầu. Vậy nên những người bán chịu dao đã mất đi không gian sinh tồn.
Hèn chi sau đó chú hai lại bỏ, không làm nghề này nữa.
Vậy tại sao chú lại biết trước được tương lai? Trên thực tế, những vật tồn tại trên đời đều có một quy luật tuần hoàn nhất định.
Những người bán dao chịu đi từ Nam ra Bắc, vì vậy có thể nắm bắt được nhiều thông tin từ những cuộc trò chuyện dọc đường. Sau đó họ sẽ tổng hợp lại những thông tin này, rồi đưa ra những suy đoán. Tuy nhiên, không phải là cứ bán chịu cho một người là sẽ đưa ra một lời tiên tri hoàn toàn mới. Sẽ có 2 đến 3 lời tiên tri ứng nghiệm.
Thực tế họ cũng là một người đánh cược rất thông minh. Nếu thua kèo, cùng lắm chỉ mất một con dao, nhưng nếu thắng, vậy thì sẽ có thù lao hơn gấp 10 lần, thậm chí còn cao hơn rất nhiều.
Vậy nên suy cho cùng, tôi cho rằng người bán dao chịu, chính là những nhà đầu tư tiên phong ở Trung Quốc!
Ngày 3 tháng 5 năm 2019, tôi về quê thăm họ hàng, chuẩn bị sang nhà chú hai chơi.
Vẫn là cái thôn nhỏ đó, chỉ có điều nhìn từ xa đã có thể thấy rõ sự heo hút đến thê lương của nó.
Không chỉ riêng bố mẹ tôi, mà rất nhiều họ hàng khác cũng đã dọn lên thành phố sinh sống. Bây giờ người thân còn ở lại thôn, chỉ còn mỗi chú hai.
Lái xe, ngắm nhìn cảnh vật tiêu điều xung quanh, lòng tôi có chút hụt hẫng.
Về đến thôn, chú vui mừng chạy ra đón, còn thím thì nấu liền mấy món ngon để tiếp đãi, tôi liền vui vẻ ngồi vội vào mâm, cùng chú nhấp mấy chén.
Vừa uống rượu, tôi vừa hỏi chú về tình hình trong thôn.
Chú thở dài nói, phần lớn mọi người ở đây đều đã rời đi cả.
“Thế ai chăm ruộng ạ?”
“Đều do một tay Lý Lão Tam ở đầu làng chăm bẵm, ông ta giỏi gớm, một mình trồng 100 mẫu đất.”
Tôi gật đầu, trong lòng không khỏi chua xót.
Phút chốc sau đó, hai chú cháu tôi đã uống say đến đỏ cả mặt. Tôi quay sang hỏi chú về cậu em họ.
Chú thở dài, bất lực nói: “Giống cháu, cũng chuyển lên thành phố rồi. Tết cũng chẳng thèm về.”
Tôi gật đầu không nói gì.
Đang có men rượu trong người, tôi hào hứng kể chú nghe về luận văn đại học của mình.
Chú nghe xong cười lớn, vỗ vào vai tôi mấy phát khen: “Quả nhiên vẫn là thằng cháu chú thông minh. Hóa ra mấy thủ đoạn của chú đều đã bị mày nắm thóp hết. Thế này thì không lừa được ai nữa rồi!”
Nói xong chú lại cầm quyển sổ, chỉ vào danh sách trong đó nói: “Có khoảng ⅓ số nợ trong này chú vẫn chưa đòi được, không biết là lỗ hay là lời.”
“Rủi ro đầu tư chính là vậy đấy chú, có thành công, ắt cũng sẽ có thất bại.” Tôi nói.
Chú hai gật đầu, tiếp tục ngồi uống.
Hai chú cháu uống say sưa, say bí tỉ, ngủ mãi đến trưa hôm sau mới tỉnh.
Do hôm sau có chuyến bay lên thành phố, nên tôi phải đi ngay.
“Nhìn sắc mặt cháu không được tốt, hay là nghỉ thêm đi.”
“Dạ thôi ạ, mai cháu còn có công chuyện.”
“Nhìn cháu không ổn lắm đâu, nghỉ thêm rồi hẵng đi.”
Vậy là chú nằng nặc giữ tôi ở lại, không tiện từ chối nên tôi đành ngồi lại uống trà với chú.
Lúc này chú mới đắc ý mà kể cho tôi, năm đó khuyên tôi chia tay với bạn gái, là bởi nghe thấy gia cảnh và điều kiện sống của cô bé đó, biết chắc chúng tôi không có khả năng đi đến bước đường hôn nhân.
Tôi gật đầu, cảm thấy mắt nhìn người của chú.
Nhưng ngồi được một lúc, chú bỗng lại đuổi tôi đi.
“Được rồi, cháu đi được rồi đấy!”
Tôi lái xe được 10 phút, bỗng phải dừng lại do đường phía trước đã bị chặn.
Một vị cảnh sát giao thông đi tới, ra hiệu cho tôi dừng xe.
Tôi đỗ xe cạnh đường: “Có chuyện gì xảy ra vậy?”
“Phía trước không đi được nữa đâu, một tảng đá to bỗng rơi từ trên núi xuống, chặn hết đường rồi. May mà ở dưới không có xe qua lại, nếu không đã xảy ra chuyện lớn.”
Đầu tôi ong lên một tiếng, bỗng cảm thấy lạnh buốt cả sống lưng, nếu không nhờ có chú cố giữ lại, thì lúc này tôi đã…
Lẽ nào trên thế giới này, thật sự có người có thể nhìn xuyên qua lớp sương mù ngăn cách tương lai, dự đoán được điềm báo?
Tôi đờ đẫn.
Khi quay đầu nhìn lại, hình bóng thôn nhỏ dần nhoè đi trước mắt.
Nghề bán chịu dao đã tồn tại đã hàng nghìn năm nay, thân phận thần bí, hành tung bí ẩn, nghe nói không những có thể dự đoán sự tăng – giảm của giá cả, mà thậm chí còn có thể báo trước thời thế thịnh hay suy. Mỗi khi thời cuộc thay đổi, sẽ ám hiệu cho người đời. Tất nhiên, đây chỉ là suy đoán, còn về thân phận thần bí thực sự của những người bán dao chịu, không một ai có thể minh chứng, tất cả chìm sâu vào bão cát lịch sử…
-HẾT-