[+22624] Việc học tập ở nước ngoài có tác động rất lớn đến tôi, và nó có thể giúp tôi đạt đến trình độ mà lớp người bản xứ không thể đạt được trong đời.
Tôi đến từ Vũ Hán, bố mẹ tôi là những người có thu nhập thuộc hàng “đáy” trong thành phố. Trường tiểu học, trung học cơ sở lẫn trung học phổ thông của tôi cực kỳ đơn giản. Đó là khi kỳ thi tuyển sinh đại học của tôi diễn ra, với khoản nợ 7 vạn, không tiền đặt cọc, và tổng thu nhập của cả bố mẹ là khoảng 3 nghìn tệ. Tôi được nhận vào Đại học Vũ Hán trong kỳ thi tuyển sinh đại học. Học phí khoảng 4800 đến 5800 một năm. Tiền ăn ở và các khoản phí khác khoảng 2000. Ban đầu mẹ muốn cho tôi 800 để trang trải chi phí sinh hoạt mỗi tháng, nhưng tôi nhất quyết chỉ lấy 600 tệ. Vốn dĩ tôi muốn đi làm thêm ở trường hoặc một số công việc bán thời gian, giảm bớt một chút gánh nặng chi phí cho bố mẹ, vì tôi biết rằng chỉ cần 200 tệ là họ đủ tiêu chi tiêu cho cả tuần. Có lẽ tất cả số tiền cộng lại không phải là khoản chi lớn đối với những gia đình bình thường ở thành phố chúng tôi, dù vậy thì bố mẹ vẫn lo lắng về học phí của tôi. Cuối cùng, dì tôi đã cho tôi vay 1 vạn để nhập học.
Tuy nhiên, số phận của tôi đã thay đổi, sau khi nhập học, tôi tham gia kỳ thi tuyển chọn của Chương trình Học bổng Chính phủ Singapore và trúng tuyển. Vào thời điểm đó, có 13 trường trong số 985 trường đại học và cao đẳng trên cả nước có chương trình này, và hơn 300 người đã được nhận trên toàn quốc, trường của chúng tôi có 30 người trúng tuyển. Dự án này về cơ bản đã giải quyết được tất cả các vấn đề trong gia đình tôi. Khoản học bổng này bao gồm 4 năm học phí tại Singapore, sinh hoạt phí hàng tháng 500 SGD (khoảng 2500 tệ), ăn ở và bảo hiểm.
Sau đó, mọi việc đều suôn sẻ, năm thứ hai tôi sang châu Âu trao đổi nửa năm, rồi đi Pháp, Đức, Bỉ, Luxembourg, Czechia, Tây Ban Nha, Thụy Điển và Na Uy. Vào mùa hè năm cuối, tôi đến trụ sở châu Á – Thái Bình Dương của một công ty nằm trong danh sách Fortune 500 ở Mỹ để thực tập. Tôi tốt nghiệp loạt xuất sắc và đầu quân cho trụ sở châu Á – Thái Bình Dương của một công ty fintech khác trong danh sách Fortune 500 với tư cách một kỹ sư. Hiện tại, tôi có thể đi du lịch các hòn đảo nổi tiếng ở Đông Nam Á trong kỳ nghỉ ngắn ngày và tới châu Âu, Mỹ, Úc cho những kỳ nghỉ dài ngày. Và cuối cùng tôi cũng mua được một căn nhà nhỏ ở quê cho bố mẹ, lúc ký hợp đồng mẹ tôi đã suýt khóc, bà nói cả cuộc đời nếu không phải sống cùng bà nội thì là sống cùng bà ngoại, chưa từng có nơi nào thuộc về mình.
Bây giờ nhìn lại, nếu không có chương trình học bổng hỗ trợ ra nước ngoài, có lẽ tôi đang học đại học ban đầu, với hoàn cảnh bố mẹ không có quyền cũng chẳng có tiền thì chưa chắc đến năm 3 tôi đã tìm được một công việc thực tập tốt, ra trường cũng không vào được công ty tốt. So với những người bạn đại học cũ, tôi thật sự may mắn. Ngay cả khi lọt vào công ty top 500 và trở thành kỹ sư, tôi cũng không thể tự lập và phụ giúp bố mẹ một cách nhanh chóng với mức lương khi đó. Đây là chiếc phao đã cứu mạng cho những đứa trẻ xuất thân từ gia đình bình thường như chúng tôi.
Cập nhật ngày 22/06/2017: Cực kỳ cảm ơn năng lượng tích cực của các bạn ở khu vực bình luận, tôi thực sự thích điều các bạn nhắn nhủ “những người làm việc chăm chỉ sẽ có cơ hội”. Nhiều người cùng dự án còn giỏi và chăm chỉ hơn tôi đã động viên tôi tiếp tục nỗ lực. Tôi rất may mắn khi có được môi trường học tập và làm việc như vậy.
Cập nhật ngày 12/06/2021: 4 năm qua tôi nhận được rất nhiều lời tâm tình và chúc phúc, khi buồn tôi đều quay lại và đọc những bình luận này, mọi người đã động viên và truyền cảm hứng cho tôi rất nhiều. Cảm ơn tất cả các bạn.
Trong 4 năm qua, tôi sống một cuộc sống bình thường, được thăng chức, tăng lương, cải thiện điều kiện kinh tế, lập gia đình và sinh con. Du học quả thực đã thay đổi cuộc đời tôi, nhưng thực tế, bất kỳ quyết định nhỏ nào cũng có thể thay đổi quỹ đạo cuộc sống của chúng ta mà thôi. Có thể tôi sẽ đưa các con trở lại quê hương để sinh sống và học tập, để chúng tham gia kỳ thi đại học như tôi ngày trước. Chúng có thể sẽ gặp được cơ hội để dấn thân vào một cuộc sống mới mà tôi thậm chí không thể tưởng tượng nổi vào lúc này. Nhưng ít nhất tôi có thể đảm bảo rằng sự cân nhắc đầu tiên của con trong bất kỳ quyết định nào sẽ không phải vấn đề kinh tế. Đây cũng là một trong những ý nghĩa quan trọng nhất trong suốt hành trình nỗ lực hơn mười năm qua của tôi.
Cảm ơn tất cả các bạn, chúc mọi người luôn được hạnh phúc (và tôi cũng vậy).
[+8016] (Người trả lời là thạc sĩ Tài chính tại Đại học St Andrews, Scotland)
Bạn sẽ phát hiện hóa ra trên đời còn có kiểu bạn học thế này:
Hơn 20 tuổi, hơn 30 tuổi, hơn 50 tuổi;
Da đen, da trắng, da vàng;
Tóc đen, tóc đỏ, tóc trắng, tóc vàng;
Thích người khác giới, thích người đồng giới, thích cả người khác giới và đồng giới;
Không ăn thịt, không ăn rau, không ăn tinh bột;
Biết lướt sóng, biết chơi golf, biết đấu vật, biết lặn, biết lái trực thăng;
Từng tham gia Olympic, từng săn gấu, từng ra chiến trường, từng đi khai thác.
Bạn sẽ phát hiện hóa ra còn có cách học như vậy:
Không có giáo sư chỉ tận nơi các kiến thức, không có sách giáo khoa, và không có cái gọi là “đáp án chuẩn”;
Giáo sư cứ đưa ra hết chủ đề này đến chủ đề khác để thảo luận, phân tích, chứng minh;
Tạp chí, báo, sách được xuất bản mới nhất và tiên tiến nhất trong nhiều lĩnh vực khác nhau cho bạn biết những điều mới được khám phá;
Tất cả các lý thuyết đều là một loại thách thức, chỉ cần bạn có thể đưa ra đủ bằng chứng thực nghiệm và hỗ trợ nghiên cứu.
Bạn sẽ phát hiện hóa ra còn có thể sống như thế này:
Có người đã học xong ba bằng thạc sĩ vẫn muốn tiếp tục đăng ký học thạc sĩ;
Có những người tài sản gia đình lên tới hàng chục tỷ nhưng vẫn lao vào học hành;
Có người nhân kỳ nghỉ sẽ đến khu bảo tồn thiên nhiên làm tình nguyện viên bảo vệ động vật hoang dã;
Có người từng là CEO với mức lương hàng chục triệu một năm bỏ việc để học cao học;
Có người sẵn sàng đình công và phản đối khi xảy ra bất đồng.
Chỉ cần bạn sẵn sàng nhảy ra khỏi vòng vây của mình, cẩn thận quan sát mọi người và mọi vật xung quanh cùng với chăm chỉ học tập, thì việc du học sẽ có tác động rất lớn đến cuộc sống của bạn.
Bởi vì tất cả những người và những điều bạn gặp ở nước ngoài sẽ cho bạn biết theo những cách khác nhau: có rất nhiều cách để sống trên thế giới này, bạn phải suy nghĩ rõ ràng xem bản thân muốn gì nhất.
Bạn không cần phải gò bó mình trong một khuôn khổ, một truyền thống hay một khu vực hoặc một quốc gia nào.
Bạn không cần phải đi theo con đường tốt nhưng do người khác chỉ định sẵn, bạn không cần sống theo định nghĩa thành công trong mắt người khác, cũng không cần bị xã hội đẩy ra xa hoặc bị áp lực của bạn bè ép phải làm việc chăm chỉ.
Thế giới vô cùng rộng lớn, sinh ra là một con người, hãy ra ngoài và nhìn ngắm nhiều hơn, cũng như nỗ lực làm việc chỉ vì hạnh phúc mà chính mình thực sự muốn.
[+5307] Còn nhớ trước khi ra nước ngoài một ngày, tôi đã hối hận.
Tối hôm đó, cả gia đình chúng tôi nằm trên một chiếc giường lớn, không hiểu sao mà trí óc tôi toàn là hình ảnh sau khi trở về bản thân mình đang ôm bố mẹ ở sân bay.
Trong bóng tối, nước mắt tôi bất giác trào ra. Tôi cố làm dịu hơi thở của mình nhưng vẫn bị mẹ phát hiện. Bà an ủi tôi: “Hay là chúng ta không đi nữa.”
Tôi biết mình không thể quay đầu nữa rồi. Từ lúc bắt đầu xin offer, cả nhà đều vì tôi mà vui mừng, giúp tôi thu dọn hành lý, chuẩn bị tài liệu. Lúc đó tôi đã biết mình không có thể dừng lại được nữa.
Tôi biết tôi là niềm hy vọng của cả gia đình, thời của họ không có cơ hội ra nước ngoài, tôi chính là nơi để họ gửi gắm. Tôi muốn thay bố mẹ đến những nơi mà họ chưa từng đến.
Vì vậy, dù từ nhỏ đã được chiều chuộng, tôi vẫn phải tự mình đối mặt với tất cả mọi việc, mặc dù tôi rất sợ cô đơn thì cũng phải chịu đựng một mình. Hay dù có kém cỏi, bất lực thế nào cũng phải tự mình giải quyết… Ở cửa hải quan, tôi biết sẽ luôn có khoảnh khắc này. Nhưng tôi thật sự không muốn ôm họ, sợ mình không nhịn được và cũng sợ bố mẹ không nỡ. Tôi và bố mẹ ôm nhau một lúc rồi chia tay, tôi không dám nhìn vào mắt họ hay nói bất cứ lời nào, lập tức đẩy hành lý của mình vào trong.
Mẹ tôi là một người phụ nữ mạnh mẽ, bà chưa bao giờ rơi nước mắt trước mặt tôi, nhưng tôi cảm nhận rõ ràng sự mong manh của mẹ ngay lúc đó.
Tôi biết lúc này bên ngoài bố mẹ chắc hẳn vẫn còn đứng lại rất lâu, có lẽ bố đang giúp mẹ lau nước mắt. Nhìn sân bay rộng lớn, tôi biết rằng con đường phía trước chỉ còn một mình mình đi tiếp.
Vaasa, một thành phố nhỏ ở cực tây Phần Lan. Bay từ Vũ Hán đến Bắc Kinh, lại chuyển tiếp từ Bắc Kinh sang Nga, đến Helsinki, rồi đi xe bus đến Vaasa, sau đó được trợ giảng tới đón về ký túc xá.
Tháng hai ở Phần Lan là mùa đông giá rét khắc nghiệt. Tôi không biết thành phố này có thể mang lại cho mình bao nhiêu ấm áp, hay bao nhiêu rắc rối từ các bài tập ở trường và những vấn đề vụn vặt trong cuộc sống. Khi thực sự đã ở nước ngoài, tôi thấy mình không đến nỗi bơ vơ như trong tưởng tượng, tôi khá bất ngờ bởi sự điềm tĩnh và khả năng thích nghi của mình.
Tôi không nhớ đã bao lâu rồi không nhìn thấy mặt trời, đôi khi tuyết ngừng rơi và tôi cảm thấy khá hơn một chút. Đêm tối kéo dài từ năm giờ chiều đến tận mười giờ sáng, làm việc gì cũng không còn sức lực.
Khi trời tối, bạn sẽ luôn bị những cảm xúc u buồn tràn ngập trong tâm trí, và sự cô đơn sẽ nuốt chửng bạn từng chút một. Tôi thực sự muốn về nhà, rất muốn ăn đồ ăn mẹ nấu, rất muốn nhìn thấy mặt trời ở quê nhà. Trong quãng thời gian đó, không biết tôi đã khóc bao nhiêu lần, nhưng mỗi lần gọi video với gia đình, tôi đều giả vờ bình tĩnh và nói rằng mọi chuyện vẫn ổn. Vừa phải đối mặt với mọi thứ một mình, vừa mỉm cười mà ôm lấy bố mẹ.
Trong khoảng thời gian đó, tôi thường mơ thấy mình là người duy nhất còn lại trên thế giới băng giá, dù tôi có khóc lóc, la hét thế nào cũng không ai đáp lại, lần nào cũng tỉnh dậy với đôi mắt đẫm lệ.
Tại một đất nước xa lạ, ngôn ngữ đã trở thành trở ngại lớn nhất. Chỉ dựa vào trình độ tiếng Anh được dạy ở trường, tôi chưa bao giờ sống trong môi trường nói tiếng Anh, điều này càng khiến tôi khó chịu đựng hơn. Không chỉ khó hiểu về kiến thức chuyên môn trên lớp, mà ngay cả những buổi tiệc với người nước ngoài cũng chỉ có thể chăm chú đứng một bên lắng nghe, sau đó đáp lại bằng một nụ cười lịch sự. Sau mỗi lần tụ tập, tôi không cảm thấy thoải mái hay vui vẻ, mà thường rơi vào sự tự ti và trốn tránh bản thân hơn, ngày càng ít tham gia và ngày càng giống tự kỷ.
Có lẽ cũng chưa phải quá muộn để thay đổi. Nhìn băng tuyết ngoài cửa sổ tôi chỉ muốn ở một mình, đắp chăn đọc sách bên tách trà nóng, dưới ánh đèn vàng, bồi dưỡng cho bản thân. Nghĩ lại thì bản thân chưa hề đọc hết một cuốn sách tiếng Anh, mặc dù cũng từng thử nhưng nhận thấy có quá nhiều từ mới thì liền bỏ cuộc. Vậy là tôi phải tiếp tục mở rộng vốn từ vựng. Tôi chọn sách theo sở thích và vốn từ vựng của mình, để có thể tra cứu những từ không hiểu bất cứ lúc nào. Tôi dần dần khám phá ra rằng đọc sách tiếng Anh thực sự là cách hiệu quả nhất để ghi nhớ từ.
Cho đến một ngày tôi phát hiện, bản thân mình đã có thể tán gẫu với người nước ngoài, cuối tuần cùng họ uống trà chiều và không còn chỉ khách sáo đứng một bên nở nụ cười nữa.
Khi cô đơn, nấu ăn dường như là cách tốt nhất để gi.ết thời gian. Đi siêu thị vào cuối tuần để mua sắm đã trở thành nguồn dinh dưỡng tinh thần của tôi trong suốt cả tuần. Tôi cũng đã trải nghiệm được vẻ đẹp và sự khác biệt văn hóa của hầu hết các thành phố ở châu Âu, và làm qua rất nhiều việc lần đầu tiên trong đời.
Tôi học cách tự sắp xếp giữa việc học và nghỉ ngơi, giải trí. Cũng học được cách làm quen với mọi việc và trở nên mạnh mẽ. Tôi biết rằng không phải mọi thứ đều sẽ phát triển như bạn tưởng tượng, nhưng nhìn lại thì nó là một tài sản quý giá của cuộc đời.
Sau đó tôi trở về nhà với đầy ắp những kỷ niệm đẹp về Phần Lan. Khi tôi lao ra khỏi sân bay đã nhìn thấy khuôn mặt tươi cười của bố mẹ, họ vẫy tay chào tôi. Cảnh tượng này giống hệt với tưởng tượng của tôi trước khi ra nước ngoài. Tôi vẫn nhớ những nếp nhăn hằn sâu nơi khóe mặt của bố và nụ cười mãn nguyện của mẹ.
Tôi nghĩ rằng, ý nghĩa thực sự của việc ra nước ngoài có lẽ là: khi bạn thấy cuộc sống của mình không như mong đợi, bạn sẽ nỗ lực không ngừng để thay đổi nó.
Cập nhật: Câu trả lời cách đây hai năm, cảm ơn mọi người đã bình luận, thực sự rất cảm động trước sự động viên và đồng cảm của mọi người.
Tôi đã đến Phần Lan để trao đổi học kỳ hai năm trước và hiện đã về nước. Vì các chuyên ngành về năng lượng và môi trường ở Bắc Âu rất có ảnh hưởng trên thế giới, họ cũng quan tâm nhiều hơn đến học thuật so với Hoa Kỳ, và chi phí thấp hơn, cộng với tôi đã trải nghiệm và quen thuộc với cuộc sống của các nước Bắc Âu, nên tôi chọn tiếp tục đến các nước Bắc Âu để lấy bằng thạc sĩ. Chuẩn bị đi học chương trình thạc sĩ chung của Liên minh năm trường Bắc Âu (N5T), năm nhất tại Đại học Aalto ở Phần Lan, năm thứ hai tại Học viện Công nghệ Hoàng gia ở Thụy Điển, bằng kép.