NHẬT BẢN TỪNG KHÔNG COI TRỌNG MANGA !!??

Nhân dịp Black Jack của bác Tezuka Osamu được NXB Trẻ phát hành, tui kể chuyện về cuộc cạnh tranh giữa bác Tezuka(được coi Là ông tổ ngành manga) và bác Shirato Sanpei

Năm 1964, tạp chí GARO ra đời, chủ yếu là để đăng truyện Kamui Den – tác phẩm lifework của bác Shirato Sanpei.
Chính sự ra đời của GARO đã thôi thúc bác Tezuka cho ra đời tạp chí COM (Do Tezuka Production – công ty của bác Tezuka – chủ biên và phát hành) vào năm 1967, với tham vọng cạnh tranh với bác Shirato Sanpei.

Vậy GARO và Shirato Sanpei là gì và là ai mà lại khiến Thánh Manga Tezuka ganh tị và bằng mọi giá cho ra đời tạp chí COM với sự chuẩn bị chỉ có 1 tháng, và trong lúc bác bận túi bụi đến không kịp thở vì mớ bản thảo cho các tạp chí truyện tranh ăn khách lúc bấy giờ?

Bác Shirato Sanpei:
Vào giữa thập niên 60, bác Shirato được giới học sinh sinh viên – vốn được xem là tầng lớp tinh hoa của xã hội – yêu thích và ủng hộ, vì các tác phẩm của bác được đánh giá là có nét vẽ tả thực, ẩn chứa triết lý chủ nghĩa Mác, và nội dung trần trụi tàn khốc.
Đây là những yếu tố hoàn toàn đi ngược lại khuynh hướng truyện tranh mainstream lúc bấy giờ: nét vẽ tròn trịa đơn giản, nội dung lạc quan và lý tưởng. Hay nói cách khác là phong cách Disney, phong cách Tezuka.
Vì sao có sự khác biệt này?
Vì trước khi Shirato Sanpei được đại chúng quan tâm, hay nói theo phong cách RAP Việt là từ underground trồi lên mainstream, thì truyện Manga mainstream được xem là SẢN PHẨM DÀNH CHO THIẾU NHI. Và bác Tezuka là biểu tượng nổi bật cho dòng này.
Ngược lại bác Shirato vốn xuất thân từ Gekiga – dòng truyện underground (sẽ viết kỹ ở post khác về Gekiga). Trước khi bác Shirato nổi tiếng thì dòng truyện underground này chủ yếu do các nxb tư nhân nhỏ lẻ xuất bản và cung cấp cho các tiệm cho thuê sách rẻ tiền, chứ không hề được các nxb mainstream lớn như Kodansha hay Shogakukan để mắt đến.
Cho đến khi loạt truyện Kamui của bác Shirato được giới sinh viên ủng hộ, nhất là sinh viên tham gia các hoạt động biểu tình phản chiến, thì các mangaka giới mainstream xem bác là đối trọng, trong đó có cả bác Tezuka.
Bác Tezuka vốn có tính ganh đua rất cao trong việc sáng tác, bác luôn khao khát thử nghiệm nhiều phong cách và thủ pháp mới, nhưng vô hình chung phong cách sáng tác của bác được gán mác TRUYỆN TRANH THIẾU NHI, đặc biệt là về nét vẽ, nên bác vẫn luôn mong muốn sáng tác theo phong cách Gekiga sao cho giới sinh viên – đại diện cho lớp đọc giả người lớn có trí thức – yêu thích. Chính vì vậy khi thấy GARO ra đời bác đứng ngồi không yên.

Thế là tuy hơi muộn màng nhưng năm 1967 tạp chí COM ra đời đã trở thành phương tiện cho các mangaka phong cách Tezuka được thử sức với các phong cách sáng tác mới, phù hợp với đối tượng đọc trưởng thành hơn.

Tạp chí GARO
tên tạp chí được đặt theo tên 1 nhân vật trong tác phẩm của bác Shirato Sanpei.

Tạp chí này là tâm huyết của bác Shirato Sanpei và bác Nagai Katsuichi – chủ công ty xuất bản Seishindo kiêm tổng biên tập. Trong 1 năm đầu, hơn 2/3 số trang của tạp chí này chỉ để đăng truyện của bác Shirato (50-80 trang), phần còn lại là cho các họa sĩ trẻ underground. Và với từng ấy trang bản thảo cho mỗi tháng nhưng bác Shirato KHÔNG TÍNH MỘT XU TIỀN NHUẬN BÚT NÀO. Bác sống bằng tiền đăng truyện trên các tạp chí mainstream khác, còn GARO là nơi bác thử nghiệm các tác phẩm với nội dung hướng đến đọc giả trí thức tuổi trưởng thành – một mảng mà lúc bấy giờ khó có tạp chí mainstream nào cho phép đăng. Vì cho đến thời điểm đó Manga vẫn bị Nhật đánh giá là thứ nội dung trẻ con, hoặc là văn hóa phẩm độc hại, người lớn nào mà đọc Manga sẽ bị xã hội đánh giá là chưa trưởng thành về mặt nhận thức…

Và cho đến năm 1969 trở đi thì hình ảnh Manga ở Nhật đã thay đổi, Manga đã trở thành một thể loại xuất bản mới, không chỉ trẻ em mà mọi lứa tuổi đều có tác phẩm phù hợp.
Xã hội Nhật Bản đã công nhận Manga là 1 hình thức nghệ thuật một cách rộng rãi cũng là từ lúc này.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *