Ở phần 1, mình đã nói về việc tại sao khi một người im lặng biến mất trong một mối quan hệ. Và các ghosters nghĩ như thế nào khi rời bỏ người khác trong im lặng.
Ghosting hay một “bóng ma”, nghĩa là một người nào đó bỗng dưng cắt đứt liên lạc với một người khác sau một thời gian qua lại với nhau (trong tình bạn, tình yêu,..), họ im rằng rời đi để tránh cảm xúc khó chịu khi phải trực tiếp nói lời tạm biệt. Hành vi “lặn mất tăm” này thường khiến người còn lại ngẩn ngơ, bối rối không hiểu và thậm chí có thể gây ra các hậu quả tâm lý nặng nề hơn, hoặc để lại 1 bài học trưởng thành sâu sắc cho người kia.
HÀNH VI RỜI ĐI IM LẶNG ẤY GÂY ĐAU ĐỚN TÂM LÝ LÊN NGƯỜI KIA NHƯ THẾ NÀO ?
Người ở lại không biết làm sao để phản ứng lại sau khi nhận ra sự thay đổi lạnh lùng của người kia. Nó khiến họ cảm thấy mơ hồ, và tự đặt câu hỏi cho chính mình: Liệu điều gì đã xảy đến với họ? Liệu mình có nên lo lắng cho mối quan hệ này? Liệu mình đã làm gì sai hay khiến người ấy khó chịu? Hay là họ chỉ đang bận rộn một chút, và họ sẽ lại vui vẻ với mình ngay thôi? Hay họ có gặp các vấn đề nghiêm trọng trong cuộc sống hay không?
Theo Cynthia và các đồng sự (2004), việc giữ sự kết nối với những người khác là một điều quan trọng đối với sự tồn tại của mỗi người trong xã hội. Não của chúng ta đã được tiến hoá để có một hệ thống giám sát xã hội, có chức năng quét mọi thông tin ở môi trường sống xung quanh để ta biết cách phản ứng trong cách tình huống xảy ra trong cuộc sống và các mối liên hệ với người khác.
Các “tín hiệu” xung quanh mà ta thu thập được từ người khác cho phép chúng ta điều chỉnh hành vi của mình để phù hợp với từng tình huống xã hội khác nhau. Tuy nhiên, khi bị một ai đó “ghost” , họ làm mất đi những tín hiệu thông thường (ví dụ như khi một người sắp rời đi, họ sẽ có các dấu hiệu trước đó như sẽ tranh cãi , mâu thuẫn, lạnh nhạt, bạo hành,…nhưng người “ghost” lại chỉ đùng đùng quay đi), khiến người ở lại cảm thấy bị rối loạn trong cách điều chỉnh cảm xúc, và cảm thấy mình như bị mất khả năng kiểm soát tình huống đó (Gardner et al, 2005).
Một trong những khía cạnh gây ra đau đớn ngầm của việc bị ghost là nó không chỉ khiến người ở lại phải tự mâu thuẫn và nghi ngờ sự vững chắc của mối quan hệ, mà nó còn khiến họ phải tự vấn bản thân rất nhiều. Một loạt các thay đổi mang theo sự bối rối trong các câu hỏi như “tại sao mình không biết bất cứ dấu hiệu gì của việc họ sẽ chấm dứt?” “Tại sao mình lại kém cỏi trong việc thấu hiểu người khác như vậy?” “ Mình đã làm gì để mối quan hệ đi đến mức này??” “Làm sao để bảo vệ trái tim tổn thương này khỏi bước vào tình cảnh này một lần nữa?”
Sự tự vấn này là kết quả của quá trình các hệ thống tâm lý cơ bản của con người theo dõi “vị thế” của họ ở các mối quan hệ xã hội thông qua kí ức, suy nghĩ, trí tưởng tượng,… sau đó chuyển thông tin trở lại dưới hình thức người đó cảm nhận giá trị về bản thân và lòng tự trọng của họ. (Đọc thêm về psychological systems). Khi bị từ chối, bị bỏ lại một cách đột ngột trong khi không có vấn đề gì lớn xảy ra trong mối quan hệ, sẽ khiến lòng tự trọng của một người bị sụt giảm nặng nề. Nếu người đó đã từng bị ghost nhiều lần trước kia, hay lòng tự trọng của họ đã vốn dĩ thấp sẵn vì các vấn đề đau thương từng xảy ra trong quá khứ; họ sẽ cảm thấy đau đớn hơn gấp bội khi bị từ chối và sẽ phải mất nhiều thời gian hơn để vượt qua nó.
Như đã nói ở bài trước, các nghiên cứu tâm lý đề xuất rằng việc bị từ chối bởi xã hội (social rejection) có khả năng kích hoạt một nỗi đau tương tự như cơn đau lên thể xác. Những người có lòng tự trọng thấp có xu hướng tiết ra ít opioid ( chất giúp giảm đau khi bị chấn thương) bên trong não hơn sau khi bị từ chối (Krossa et al, 2011). Nói một cách khác, những người có lòng tự trọng thấp có khả năng chịu đựng nỗi đau bị ruồng bỏ thấp hơn nhiều những người khác..
“Lòng tự trọng” là sự tôn trọng và sự thừa nhận mà ta dành cho bản thân mình. Một người có lòng tự trọng thấp, họ không thể yêu thích bản thân mình mà còn gặp khó khăn trong việc thừa nhận những gì thuộc về chính mình như tính cách, năng lực, nền tảng gia đình, điểm mạnh điểm yếu và có cái nhìn tiêu cực về bản thân. Và khi bị bỏ rơi, sự thừa nhận của họ dành cho chính mình lại càng rơi vào hố sâu.
Các nhà trị liệu tâm lý cho “chiến thuật im lặng” như ghosting là một trong những hình thức cực kỳ tàn nhẫn về mặt tình cảm. Nói tóm lại, nó khiến người ở lại cảm thấy bất lực, vì không có một chút thông tin rõ ràng để phân tích tình huống, họ rơi vào tình thế không thể bộc lộ cảm xúc như thế nào, vì thế cảm xúc của họ cũng không được lắng nghe và thấu hiểu bởi chính họ.
Với những người lớn lên từ quá khứ với nhiều stress, trải qua cácSang chấn tâm lý thời thơ ấu (Adverse Childhood Experiences) ví dụ như bị bạo hành cảm xúc và cơ thể, bố mẹ vô tâm hoặc đặt kỳ vọng quá lớn, gia đình không êm ấm, thiếu vắng tình cảm,… Khi họ yêu một người, chỉ cần người yêu của họ vô tình bận rộn hay có các hành vi khiến họ đánh giá là “vô tâm”, họ sẽ tự liên hệ những cảm giác lo sợ và thiếu an toàn này với những nỗi đau trong quá khứ. Hệ thống stress này sẽ kích hoạt cho tình huống hiện tại, họ trở nên sợ hãi bị bỏ rơi, cơ thể rơi vào chức năng phòng vệ, có các hành vi và lời nói dễ gây ra sự tổn thương cho người họ yêu. Trong tình huống bị ghost khi trưởng thành, họ sẽ vô thức lặp lại các hành vi mà họ từng dùng để níu kéo tình cảm của bố mẹ từ nhỏ như sẽ cố gắng chất vấn hay liên tục tìm kiếm câu trả lời từ người gây ra vấn đề cho họ. Đó có thể là lí do sau khi bị ghost, người đó có thể sẽ liên tục tìm kiếm người kia để hỏi câu trả lời, hoặc để hi vọng rằng người kia vẫn quan tâm đến họ và cho họ thêm 1 cơ hội.
Ở bài viết trước, có rất nhiều bạn comment rằng khi họ ghost người khác, người khác nên hiểu đó là một lời tạm biệt. Người kia nên tự hiểu rằng cả 2 không hợp nhau thì nên cho nhau lối đi riêng và đừng làm phiền người kia. Tuy nhiên, đến đây có lẽ bạn đã hiểu một phần nào đó.Khi những nỗi đau mới đè lên vết thương cũ, liệu một người có đủ lí trí để xuy xét và phân tích vấn đề như vậy không?
LÀM SAO ĐỂ VƯỢT QUA KHI NGƯỜI QUAN TRỌNG RỜI ĐI TRONG IM LẶNG?
- Nhìn nhận câu chuyện và chủ động làm chủ tình huống
Theo nhà tâm lý học Sherry Cormier (https://www.sherrycormierphd.com/) : đầu tiên, bạn hãy nhìn nhận rõ vấn đề và đặt tên cho tình huống đó. Hãy nghĩ rõ về diễn biến đã và đang xảy ra “mình đã bị bỏ lại”, “người đó đã không còn muốn tiếp tục nữa”. Việc này giúp bạn lấy lại quyền chủ động, vì khi bạn nghĩ thế bạn đang xác định lại cảm xúc của bạn về tình huống ấy. Bạn thấy được bạn cảm nhận như thế nào, bạn thấy rằngbạn đang rất lạc lõng, bơ vơ và bối rối vì người bạn nghĩ rằng rất quan tâm bạn thực ra lại không hề như vậy. Ngừng lại khi thấy rằng bạn đang kết luận rằng việc này là do mình “mình quá tồi tệ và yếu kém nên mới bị bỏ rơi”, “mình không bao giờ xứng đáng gặp bất kì người nào tốt hơn cả” – đây là dòng suy nghĩ sẽ đưa bạn lún sâu vào vòng xoáy tiêu cực và khiến cảm giác bị bỏ rơi của bạn trào dâng càng mạnh liệt và khó điều khiển hơn.
Theo nhà thôi miên trị liệu và huấn luyện tâm lý Wendy Merron (https://thecenterofsuccess.com/): một điều cần thiết khác trong quá trình chữa lành vết thương chính là việc thừa nhận và hiểu rõ rằng khi bị ghost, bạn không phải là lí do, bạn không phải là vấn đề gây ra sự đổ vỡ. Khi một người bị bỏ rơi, họ có xu hướng cho rằng mình không đáng được yêu thương, không ai có thể thấu hiểu và yêu thương mình được. Chỉ khi ta nhìn nhận bản thân một cách khách quan, rằng sẽ có những điểm tốt và xấu bên trong mình, và việc người kia bỏ đi không liên quan đến việc bản thân ta yếu kém, mà là vì người kia không tìm được những nhu cầu và mong muốn gì đó của họ ở mối quan hệ này. Họ ra đi xuất phát từ suy nghĩ riêng của họ, không liên quan gì đến chúng ta cả, và ta sẽ luôn có thể được ai đó công nhận và yêu thương. - Xác định cảm xúc và cho phép bản thân được cảm nhận bất cứ cảm xúc nào dâng trào bên trong, và tìm kiếm cách thể hiện cảm xúc tích cực.
Nhà trị liệu hôn nhân và gia đình Heidi Mcbain ( https://heidimcbain.com/) đề xuất rằng: một trong những điều quan trọng khi đối diện với việc bị bỏ lại là ý thức được rằng bản thân người đó đang đau khổ, đang bị nhấn chìm trong cảm xúc. Hãy biết rằng chuyện bạn đang gặp phải thực sự là một vấn đề khó khăn, nhưng nó sẽ không kéo dài mãi mãi, nhận biết rằng cảm xúc hiện tại rồi sẽ dần vơi đi và bạn sẽ đủ mạnh mẽ để bước tiếp. Đừng để cảm xúc đánh lừa rằng bạn sẽ không bao giờ cảm nhận niềm vui được nữa khi người đó bỏ đi.
Theo chuyên gia về sức khoẻ Caleb Backe (https://www.calebbacke.com/) : “Điều quan trọng không kém để vượt qua tổn thương là tìm một cách lành mạnh và tích cực để đối mặt với cảm xúc và sự sợ hãi”. Trong tình huống đau khổ, nhiều người thường chọn cách trốn tránh cảm xúc. Thay vì nhận ra cảm xúc của mình, họ lao vào làm những việc khác như công việc, hay chấ.t kíc.h thí.ch hoặc bất cứ điều gì giúp họ lờ đi nỗi đau. Tuy nhiên, khi làm xong những điều đó, liệu cảm xúc đau khổ có mất đi hay nó vẫn sẽ ở yên đó nhìn chằm chằm vào bạn?
Hãy cho bản thân thời gian để thực sự gặm nhấm nỗi đau. Bên cạnh việc tìm ai đó thực tin tưởng để ở cùng bạn và lắng nghe bạn trong thời điểm lạc lỏng . Hãy dành thời gian để đau buồn, để cảm nhận sự mất mát, hãy khóc nếu bạn muốn khóc, hãy thẩn thờ nếu bạn có thể thẩn thờ; hãy điên cuồng nếu có thể; hãy bày tỏ cảm xúc bằng bất cứ giá nào như việc lập một facebook clone để viết ra hết những gì bạn nghĩ, hay viết nhật kí, hay ghi âm vào điện thoại nếu không có ai lắng nghe. Hãy đọc ra hết những gì bạn nghĩ trong đầu, và những gì bạn cảm thấy.
Cho phép bản thân được cảm nhận sự tiếc nuối về những điều mà bạn đã hi vọng có thể làm cùng họ, nhưng nay đã vỡ tan tành. Và nhắc nhở bản thân rằng bạn đang trải qua một trong những quá trình chuyển đổi cảm xúc rất lớn trong cuộc đời. Hãy nhắc nhở bản thân rằng, hạnh phúc vẫn sẽ luôn xuất hiện và bạn luôn có một cơ hội khác. Nhưng bạn cần thời gian để thực hiện từng bước, để trải qua cảm xúc đau đớn một cách chậm rãi.
“You forgot me at the end, but at least you noticed me once, so I want to thank you for this moment.”
Có thể người đó đã quên mất ta, nhưng ít nhất họ cũng từng đặt sự chú ý lên ta, cho nên ít nhất giữa 2 người cũng từng có những khoảnh khoắc thật đáng cảm kích.
Cho dù họ không thể mang đến một kết thúc ít đau đớn hơn, nhưng ít nhất họ đã từng thực lòng quan tâm đến bạn. Trong một giây phút nào đó của cuộc đời, trong mắt họ từng có bạn, họ từng quan tâm bạn và dành thời gian cho bạn. Họ từng quan tâm bạn đến vậy, tại sao bạn lại có thể oán hận được họ đây? Chúng ta không thể cứ mong muốn người khác nghĩ cho mình mãi, ai cũng sẽ có những suy nghĩ riêng và phải tìm cách đối diện với cảm xúc của họ. Những điều họ từng làm cho bạn, có lẽ đã đủ để bạn mỉm cười và ghi nhớ họ như một kỉ niệm đẹp.