Tempura được xem là một trong những món ăn điển hình tại đất nước Nhật Bản. Gồm các loại hải sản hoặc rau củ tẩm bột chiên ngập trong dầu. Đây là một món ăn rất phổ biến trong bữa ăn của người Nhật, từ bữa ăn dạng Bento thường ngày cho tới các bữa tiệc chiêu đãi cao cấp. Tempura cùng với Sushi là 2 món ăn được biết đến nhiều nhất tại Nhật Bản.
Tempura được các nhà truyền giáo Bồ Đào Nha mang tới Nhật Bản từ thế kỷ 16. Bắt nguồn từ cách thức ăn chay của đạo Công Giáo vào Tuần Lễ Chay Đầu Mùa (tiếng Anh : Ember days và tiếng Latin: Quatutor Tempora)
Vào thế kỷ 16, khi các giáo sĩ Bồ Đào Nha đến Nagasaki, Nhật Bản. Các ngài giữ Chay vào tuần Lễ đầu Mùa và đã tìm cách làm cho món chay ngon hơn bằng việc chiên những con tôm tẩm hỗn hợp bột mì và bột bắp ngập trong dầu bắt chước theo món ăn chay truyền thống Bồ Đào Nha có tên là “peixinhos da horta” (nghĩa là “Những chú cá nhỏ trong vườn”) là đậu Hà Lan chưa lột vỏ tẩm bột rồi chiên ngập dầu. Người Nhật đã học theo phương pháp chế biến này cho các loại thủy hải sản và rau củ các loại và từ đó hình thành nên món “Tempura” ngày nay. Ngay cả tên món ăn này cũng xuất phát từ thuật ngữ Latin “Quatutor Tempora”
TUẦN LỄ CHAY ĐẦU MÙA (“QUATUTOR TEMPORA” HAY CÒN GỌI LÀ “EMBER DAYS”)
Thời sơ khai, Giáo Hội quy định ba ngày Thứ Tư, Thứ Sáu và Thứ Bảy trong tuần đầu tiên của bốn mùa (Xuân, Hạ, Thu, Đông) trong năm làm những ngày lễ giữ Chay. Đức Giáo Hoàng Lêô Cả vào thế kỷ thứ 5 đã chỉ ra rằng những ngày lễ này có nguồn gốc từ thời Cựu Ước và truyền thống các Tông đồ.
Thánh Thomas Aquinas đã mô tả thiên đàng là nơi có “sự rực rỡ của Mùa Xuân, sự tươi sáng của Mùa Hè, sự no ấm của Mùa Thu, sự yên bình của Mùa Đông”. Tuần Lễ Chay Đầu Mùa cũng thường là những ngày cử hành lễ truyền chức thánh và cũng nhắc nhở người Kitô hữu noi gương sống của các Tông đồ và luôn nhớ đến sự sáng tạo kỳ diệu Thiên Chúa.
Vào tuần Chay đầu Mùa Xuân, Giáo Hội cầu xin Chúa cho ruộng đồng tươi tốt. Vào tuần Chay đầu Mùa Hạ, Giáo Hội cầu Chúa cho thời tiết tốt đẹp để cho mùa màng tốt tươi. Vào tuần Chay đầu Mùa Thu, Giáo Hội tạ ơn Chúa cho vụ mùa bội thu để ta gặt hái và cất chứa. Vào tuần Chay đầu Mùa Đông ta dâng lên Chúa những của của lễtạ ơn. Con người sống nhờ sản phẩm nông nghiệp, không có mùa màng thì không có những sản phẩm đó.
Những việc mà Kitô hữu thường làm trong Tuần Chay Đầu Mùa :
- Tập trung vào việc Tạ ơn Chúa và dâng Lễ vật
- Bố thí cho người nghèo
- Ăn chay, cầu nguyện cho các linh mục, tu sĩ.
Dù Tuần Lễ Chay Đầu Mùa không phải là truyền thống Công giáo quan trọng nhất, và ít được thực hành ngày nay nhất là ở các vùng ngoài Châu Âu, có thể do những khác biệt về mùa màng và khí hậu. Nhưng khi tìm hiểu về những truyền thống xa xưa này của Giáo Hội có thể giúp chúng ta lý giải nguồn gốc những cử hành phụng vụ của Giáo Hội cùng những ảnh hưởng hòa nhập nền văn hóa của các dân tộc khác.