𝗖𝗢𝗗𝗘𝗣𝗘𝗡𝗗𝗘𝗡𝗧 𝗥𝗘𝗟𝗔𝗧𝗜𝗢𝗡𝗦𝗛𝗜𝗣 – BẠN CÓ ĐANG BỊ PHỤ THUỘC VÀO MỘT AI ĐÓ HOẶC MỘT MỐI QUAN HỆ ?

Bạn có bao giờ nhìn thấy một người hi sinh quá nhiều cho người khác, sẵn sàng đánh đổi tất cả sức lực và tâm lý để người bên cạnh họ được hạnh phúc (người yêu/gia đình/bạn bè,..) ? Họ luôn mong muốn người khác cũng CẦN lại họ thật nhiều. Họ CẦN cảm giác được người khác cũ CẦN họ.
Và đó là cách mà những người bị phụ thuộc vào người khác thường làm để tìm kiếm chính mình. Vòng tròn của người phụ thuộc vào mối quan hệ luôn là hi sinh bản thân mình để nhận lại lòng tự trọng, cảm giác an toàn, cảm giác có giá trị từ một người luôn THÍCH THÚ KHI NHẬN LẤY SỰ HI SINH CỦA NGƯỜI KIA.
Nghe thật hài hước nhưng lại hơi đau lòng đúng không? Họ PHẢI chạy theo hoặc thậm chí phục tùng người khác để được CẢM NHẬN CHÍNH MÌNH, cảm nhận chính giá trị và bản chất con người mình. Họ thậm chí xem việc sống vì người khác là mục đích của cuộc đời, vì những điều mà họ làm cho người khác mang lại cho họ cảm giác đang sống.
Mối quan hệ phụ thuộc là một sự đeo bám không lành mạnh, ở đó sẽ có một bên không có khả năng
tự túc, tự vun vén cho bản thân mà cần đến người còn lại để có thể cảm nhận được điều đó. – Tiến sẽ Scott Wetzler từ trường Cao Đẳng Y Dược Albert Einstein
Khi một người phụ thuộc vào mối quan hệ, cảm giác tội lỗi luôn bám theo họ. Cảm giác tội lỗi, cảm giác mọi chuyện đều do mình gây nên luôn xuất hiện trong mỗi tình huống căng thẳng trong cuộc sống. Họ tránh việc phải đối diện với vấn đề vì họ sợ sẽ mất đi người kia. Họ sợ bị chối bỏ. Họ sợ bị bỏ rơi, bị lạnh nhạt, Họ biết rõ làm như thế nào sẽ khiến người kia vui vẻ, nhưng họ cảm thấy mơ hồ về việc mình muốn gì và thấy thiếu an toàn về việc làm sao để nâng niu chính mình.
NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ MỐI QUAN HỆ PHỤ THUỘC

  • Mối quan hệ này có thể là giữa bạn bè, người thân, người yêu,.. bất cứ người quan trọng nào.
  • Thông thường mối quan hệ kiểu này sẽ bao gồm cả sự ngược đãi về cả tinh thần lẫn thể xác.
  • “Mong muốn được phụ thuộc vào người khác” đôi khi là một tín hiệu tiêu cực. Tuy nhiên, khi một người cảm thấy vô giá trị nếu như người khác không cần mình – và hi sinh quyết liệt cho người giúp họ “kích hoạt” cảm giác được hi sinh và có giá trị.
  • “Mong muốn phụ thuộc đơn thuần” : những người trong mối quan hệ coi trọng nhau, tuy nhiên họ vẫn có thể tìm thấy hứng thú bên ngoài mối quan hệ đó. Ví dụ như sở thích riêng, có bạn bè, có niềm vui,… Thế nhưng, ở những người “phụ thuộc” trong bài viết này nhắc đến, họ sẽ không cảm thấy hứng thú vào bất cứ điều gì bên ngoài NGƯỜI MÀ HỌ QUAN TÂM.
  • “Mong muốn phụ thuộc đơn thuần” :những người trong mối quan hệ có thể giải bày. Cảm xúc và chia sẻ nhu cầu lẫn nhau cho người kia và tìm cách làm cả 2 vui vẻ, hạnh phúc. Ở người có xu hướng phụ thuộc quá nhiều, người đó sẽ cảm thấy rằng mong muốn và nhu cầu của bản thân không hề quan trọng và không muốn bày tỏ điều đó cho người kia biết. Họ có lẽ gặp khó khăn trong việc nhận ra bản thân mình đang thực sự cần gì.
    NHỮNG DẤU HIỆU CHO THẤY MỘT NGƯỜI ĐANG LẠC VÀO MỐI QUAN HỆ PHỤ THUỘC
  • Người đó không có khả năng tìm kiếm sự hứng thú trong cuộc sống nếu như thiếu đi một người khác (họ không có khả năng cảm nhận niềm vui, sự thích thú một mình mà cần phải có người kia).
  • Người đó nhận ra các hành vi xấu của người bên cạnh mình nhưng vẫn chọn ở lại bên cạnh họ.
  • Người đó hỗ trợ người họ yêu bằng mọi cách, kể cả phải đánh đổi tâm lý, sức khoẻ và cảm xúc của chính mình.
  • Luôn luôn trong trạng thái lo lắng về mối quan hệ của họ vì họ luôn mong mỏi người kia vui vẻ với mình.
    ĐI NGƯỢC VỀ QUÁ KHỨ
    Mối quan hệ đầy tổn thương giữa họ và gia đình
    Tiến sĩ tâm lý Shawn Burn từ trường Đại Học California Polytechnic State nói rằng: những đứa trẻ thuở nhỏ được dạy phải che giấu đi những mong muốn cá nhân để làm hài lòng bố mẹ, điều đó thiết lập cho họ một khuôn mẫu lâu dài rằng họ sẽ giành được tình yêu và sự công nhận từ người khác,”
    Họ có thể được dạy rằng: mong muốn của họ ít quan trọng hơn nhu cầu của bố mẹ, hoặc không hề quan trọng một tí nào. Đứa trẻ được dạy rằng có một điều gì đó quan trọng hơn bản thân chúng, điều đó có thể là “mặt mũi” của gia đình, hay “sự tự hào” của bố mẹ,… Những người bố,mẹ ấy có lẽ thiếu mất sự trưởng thành trong quá trình phát triển cảm xúc, dẫn đến nhu cầu tự coi mình là trung tâm của họ. Bạn lớn lên từ một môi trường nơi bạn thường xuyên bị đổ lỗi hoặc bị đối xử như bạn không đủ tốt, hành vi, lời nói của bạn luôn bị cho là không phù hợp. điều đó khiến bạn ít tin tưởng vào bản thân khi trưởng thành.
    Nếu bạn lớn lên trong một gia đình mà phương pháp giao tiếp “giận cá chém thớt”, những hành vi thể hiện cảm xúc tiêu cực một cách gián tiếp, không lộ liễu luôn được bố mẹ sử dụng. Khi lớn. lên, bạn không có các kĩ năng giải quyết xung đột một cách hiệu quả. Bạn có khả năng sẽ làm tất cả những điều cần thiết dù đúng hay sai, dù tổn thương đến mình, mà bạn nghĩ sẽ giữ được hoà bình với người khác.
    Sự phụ thuộc trong một mối quan hệ cũng có thể là kết quả của việc chăm sóc một người nào đó quá lâu, một người cần được chăm sóc trong một thời gian dài như bị bệnh, mất đi khả năng sinh hoạt và cần người giám sát thường xuyên.Việc giữ vai trò người chăm sóc, đặc biệt là khi còn nhỏ, có thể khiến người trẻ bỏ qua nhu cầu của bản thân và hình thành thói quen chỉ giúp đỡ người khác. Tất nhiên, không phải ai cũng sẽ như vậy, đây chỉ là một trong những lí do.
    Một nguyên nhân thường xuyên xuất hiện trong các vấn đề tâm lý: SỰ BẠO HÀNH.
    Một đứa trẻ hoặc thanh thiếu niên bị bạo hành cảm xúc, tinh thần có lẽ sẽ học cách kìm nén cảm xúc của mình như một cơ chế phòng vệ chống lại nỗi đau bị lạm dụng. Khi trưởng thành, họ học được từ những hành vi kiềm nén này dẫn đến việc chỉ quan tâm đến cảm xúc của người khác và không thừa nhận nhu cầu của chính mình.
    Thậm chí những người có quá khứ bị bạo hành sẽ dễ tìm đến các mối quan hệ ngược đãi lên chính mình khi lớn lên, vì họ đã quá quen với kiểu quan hệ không lành mạnh từ thời thơ trẻ.
    TÁC HẠI CỦA MỐI QUAN HỆ PHỤ THUỘC
    Tất nhiên, từ bỏ đi chính mình để trao điều tốt đẹp cho người khác sẽ luôn có hậu quả về sau.
    Người đó sẽ trở nên kiệt sức, mệt mỏi và bắt đầu bỏ bê những mối quan hệ quan trọng khác trong cuộc sống. Và nếu người mà họ hi sinh, một người để người kia làm mọi thứ vì mình mà từ bỏ bản thân nghĩa là đang thúc đẩy sự rối loạn chức năng trong tâm lý của người kia. Cũng như ngăn cản người đó học được những bài học cần thiết từ cuộc sống, học về chính mình.
    Và nếu bạn biết một ai đó đang lạc lối trong vòng tròn đau khổ với những mối quan hệ không lối thoát, họ cần hiểu rằng họ đã từng chịu nhiều ấm ức, đau lòng trong quá khứ và nên bắt đầu tìm hiểu những nhu cầu của chính mình, thay vì luôn vì người khác. Và điều này không hề dễ dàng.
    Người đó phải chấp nhận sự không hoàn hảo của mình, phải đối diện với những nỗi sợ hãi bên trong mình, và phải ngừng vứt bỏ chính mình.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *