Khi còn học cấp hai, có lẽ bạn cũng đã từng chết mê chết mệt bộ manga Rurouni Kenshin

Khi series này được làm thành phim điện ảnh live action, chất lượng của nó cũng đã nhận được nhiều ý kiến khen chê trái chiều. Tuy nhiên, phần cuối trong loạt phim điện ảnh này, mang tên Rurouni Kenshin: The Beginning lại là một đoạn kết đặc biệt mỹ mãn dành cho người hâm mộ.

The Beginning là phần phim kể về quá khứ của Kenshin, từ khi vẫn còn là sát thủ của phái Duy Tân chí sĩ và về mối tình đầy duyên nợ của anh với người vợ quá cố. Đây là một trong những hồi xuất sắc nhất trong cả bộ truyện. Đồng thời, một không khí ảm đạm, u ám trong những năm tháng nội chiến cuối cùng thời Mạc Mạt (Bakumatsu) cũng là một cú chuyển ấn tượng, khiến người xem cảm nhận được đây giống một bộ phim samurai nhiều hơn. 

The Beginning hay hơn các phần phim điện ảnh trước, phần nhiều vì các nhân vật trong phim đã không còn phải cố diễn lố để thực hiện những biểu cảm vốn chỉ hợp lý trong phim hoạt hình. Đồng thời, phần này có ít nhân vật hơn, chính vì thế mà phim cũng có đủ thời gian để xây dựng mạch cảm xúc của người xem đối với từng nhân vật một cách đầy đủ. Hơn hết, nhân vật nữ chính, dù không quá xinh đẹp nhưng lại lột tả thành công được khí chất của Tomoe trong truyện. Có lẽ chỉ riêng phần đó là đã đủ để làm rất nhiều fan hài lòng. 

Điểm ấn tượng nhất trong tất cả các phần phim điện ảnh về Rurouni Kenshin chắc chắn chính là các pha hành động. Phim có kha khá đại cảnh chiến đấu bằng kiếm Nhật với sự tham gia của rất nhiều diễn viên trong khung hình. 

Tôi không biết là các diễn viên đã phải luyện tập nhiều thế nào để thực hiện được những cảnh quay phối hợp khó như vậy, nhưng nhờ họ mà thành quả sau cùng mà người xem được chiêm ngưỡng, chính là những thước phim hành động tốc độ cao, tàn khốc và cực kỳ mãn nhãn.

Có lẽ, chỉ riêng việc hiện thực hoá được các chiêu thức của trường phái Phi Thiên Ngự Kiếm trong truyện thành các pha hành động thực tế được đã là một thành công lớn của đội ngũ làm phim rồi. Phiên bản điện ảnh của Kenshin vì thế mà đã bù khuyết được cho phần trước đây vốn là yếu nhất trong truyện tranh.

Cảnh cuối cùng trong phim cũng chính là cảnh mở đầu của phần phim điện ảnh đầu tiên. Nhưng chắc chắn rằng sau khi xem Rurouni Kenshin: The Beginning, bạn sẽ có một cảm nhận hoàn toàn mới về nó.

Hầu hết mọi người đều đọc Rurouni Kenshin khi còn nhỏ, thế nên vẫn chưa để ý được nhiều ẩn ý và những sự kiện lịch sử thú vị trong series này. 

Mãi sau này lớn lên, tôi mới biết câu chuyện về lãng khách Kiếm Tâm thực sự vốn được xây dựng dựa trên một giai đoạn lịch sử có thật của nước Nhật. Bộ phim The Last Samurai của đạo diễn Edward Zwick cũng chính là được đặt trong bối cảnh những năm tháng đầu tiên của thời Minh Trị. 

Giai đoạn này dù không mang nhiều màu sắc thần thoại như thời chiến quốc, nhưng lại là một thời kỳ chuyển mình rất lớn của nước Nhật, làm xáo trộn về thứ tự của các giai cấp trong xã hội. 

Nếu hiểu hơn về nó, bạn sẽ thấy Kenshin thật ra chính là một câu chuyện về nỗi buồn của chiến tranh, về cả cách mà tầng lớp võ sĩ của nước Nhật, đã trải qua thời huy hoàng và trở nên lạc lõng thế nào trong xã hội mới.

Nếu bạn quan tâm đến điều này, hãy đón đọc bài viết longform tiếp theo của Mann up, giới thiệu về một góc nhìn của người lớn, dành cho câu chuyện lịch sử trong Rurouni Kenshin vào thứ 5 tuần này trên Mây.

– Wick –

Nguồn: Mann Up

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *