BỐ ĐỊNH NHƯ THẾ ĐẾN BAO GIỜ?

Mười hai giờ kém. 

Nó đang thiu thiu  ngủ, tiếng  chuông điện thoại vang lên hồi dài  không dứt, làm nó tỉnh giấc. 

Một đứa xa quê như nó thực sự rất sợ những cuộc gọi lúc nửa đêm. 

Bố gọi. Thế nhưng nó lại chần chừ chẳng muốn nghe máy. 

-Alo bố ạ.

Không nằm ngoài dự đoán, đầu dây bên kia vang lên một giọng nói rệu rạo say xỉn, câu được câu không. Nó như bị ám ảnh cái giọng nói đấy, còn cảm nhận rõ mùi bia rượu nồng nặc quanh đây, nó rùng mình.

-Bố…của mày đây… bố mày… khổ lắm chứ mày tưởng á, ở cái nhà này chả ai coi tao ra cái gì nữa rồi…

Nó im lặng vì nó biết nó chẳng còn đủ sức để cãi nhau với một người say. 

Bố nó rất ít nói nhưng cứ rượu vào là lời ra tiếng vào, lại kể về những câu chuyện đã rất lâu rồi, phải chăng người đàn ông  ấy có quá nhiều tâm sự chẳng thể kể cho ai . 

Nó cũng cố gắng để thấu hiểu và lắng nghe, đặt mình vào đó nhưng đến một lúc nào đó sự kiên nhẫn của con người cũng có giới hạn.

-Bố định như thế này đến bao giờ nữa?

Nó cố gắng giữ bình tĩnh, hai răng nghiền chặt vào nhau, giọng nó có đôi phần bất lực. 

-À, con này mày giỏi… cho mày ăn học lắm giờ mày lớn tiếng với tao đấy à…

-Bố có bao giờ từng nghĩ cho bọn con một chút nào chưa? Bố khổ, con cũng khổ. Bố đã từng sống trong một gia đình lúc nào cũng cãi nhau, say xỉn bọn con chịu đựng và khó xử như thế nào không?  Đã bao giờ bố có nhà mà  không muốn về chưa? 

Từng giọt nước mắt lăn dài trên đôi gò má.

-Tao khác.. mày khác…

-Đúng. Con khác, bố khác vì  bố là bố của con nên con phải chịu đựng đúng không? Thế đã bao giờ bố coi con là con của bố chưa? Bố có thể không nghĩ cho con cũng được nhưng có thể nghĩ cho bản thân mình một chút  được không? Bố uống bia rượu, thuốc lá, hại sức khỏe là bố, bố đau chứ con không đau. Bố nghĩ nhiều hậm hực bố khổ chứ con không hề khổ. 

-Tao biết là như thế, nhưng tao không thay đổi được. Mày tưởng tao không muốn bỏ rượu bỏ thuốc à.

-Bố không thay đổi được, thế tại sao bố bắt bọn con phải thay đổi để hiểu bố, con cũng không làm được. Mai sau con mà lập gia đình thì con với bố cũng chẳng còn thời gian ngồi nói chuyện với nhau như thế này nữa đâu, con cũng phải lo cuộc sống của riêng mình. Sao không vui vẻ bỏ qua chuyện cũ mà sống, cuộc sống chỉ có một lần thôi. Con xin bố đấy. Bố định như thế này đến bao giờ nữa?

Đầu dây bên kia im lặng, tiếng nấc kèm với nước mắt của nó phá tan màn đêm tĩnh mịch, sức chịu đựng của nó bấy lâu nay cũng đến một ngày như quả bom nổ chậm mà vỡ òa.

Một giờ ba mươi lăm phút. Bố nó tắt máy. 

Nó cũng chẳng ngủ được nữa, miên man với hàng vạn suy nghĩ. 

Ai cũng có những nỗi khổ riêng, ai cũng phải có trách nghiệm với cuộc đời mình, chúng ta không thể bám víu vào từ người thân mà làm khổ nhau mãi được. 

Không biết đã bao nhiêu lần, đi trên đường thấy người ta bị tai nạn nó đã phải chạy thật nhanh vào để xem có phải người thân của mình hay không, rồi lại rơi nước mắt vì một gia đình nào đó mẹ già mất con,vợ mất chồng, con mất cha vì bia rượu.

Cũng không biết đã bao nhiêu gia đình tan nát, bạo hành, những đứa trẻ sống trong cảnh ám ảnh đến tận khi trưởng thành. 

Từ hôm đấy, nó không còn nhận được cuộc điện thoại nào giữa đêm nữa. Chẳng phải vì cái tính lỳ của nó, trời không chịu đất thì đất phải chịu trời. 

Đương nhiên bố nó cũng không phải vì một vài ba câu nói mà thay đổi luôn được, cái gì cũng phải cần thời gian. Chỉ là những cuộc nhậu nhẹt giảm dần đi, sức khỏe yếu quá nên cũng sợ rồi. Con người mà, lúc mất đi sức khỏe rồi mới sợ hãi bấu víu vào, mới trân trọng nó. 

Thật tâm, đôi lời muốn gửi cho những người “bố” tương lai, rượu có thể uống, nhưng đừng say,  phải có chừng mực và biết điểm dừng, cuộc vui nào cũng có hồi kết, mà cái kết đó lại chính là tương lai và mạng sống của chính mình.

Sưu tầm

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *