🍰🍰 NGUỒN GỐC CHIẾC BÁNH CƯỚI 🍰🍰

Lịch sử của chiếc bánh cưới bắt nguồn từ thời La Mã cổ đại. Lễ cưới của họ thường được kết thúc bằng cách bẻ một chiếc bánh làm từ lúa mì hoặc lúa mạch (mustaceum) trên đầu cô dâu như một biểu tượng của sự may mắn và chắc chắn rằng cô sẽ sớm có tin vui. Một số nơi còn có phong tục úp chiếc bánh lên đầu cô dâu, tuy nhiên hành động này không đẹp mắt và có phần “bạo lực” với cô dâu nên đã được sửa đổi.
Cặp vợ chồng mới cưới sẽ ăn một vài mẩu bánh vụn theo phong tục được gọi là “confarreatio – ăn cùng nhau”. Và những vị khách đến dự đám cưới sẽ gom những mảnh vụn như một lời chúc may mắn. Nhà thơ và nhà triết học La Mã Lucretius, trong cuốn De Rerum Natura (Bản chất của vạn vật), đã viết rằng việc chiếc bánh phủ lên đầu cô dâu khi vỡ vụn sẽ mang đến những điều ngọt ngào cho cô trong con đường hôn nhân sắp tới.
Khi dùng hết bánh, các vị khách được cung cấp một nắm hoa giấy, một hỗn hợp ngọt của các loại hạt, trái cây sấy khô và hạnh nhân tẩm mật ong. Những món ngọt này là một phần quan trọng trong phong tục của tiệc cưới và tiếp tục như vậy trong hàng trăm năm.
Khi người La Mã xâm lược Anh vào năm 43 Sau Công Nguyên, nhiều phong tục và truyền thống của họ đã trở thành một phần trong cuộc sống của người Anh. Cuộc xâm lược của người Norman năm 1066 (là tộc người vùng Normandy ở miền bắc nước Pháp, họ là con cháu của những người Viking đã chinh phục lãnh thổ này cùng với dân cư bản địa gốc Frank và Gallo-Roman), đã mang nhiều ảnh hưởng của người Pháp đến người Anh. Theo dòng lịch sử, nhiều truyền thống trong đám cưới bao gồm cả bánh cưới cũng đã dần thay đổi, bánh được chuyển thành dạng bánh ngọt mềm mại, bao phủ bởi lớp kem xốp và trang trí xung quanh.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *