TẠI SAO ĐÔI KHI TIN TƯỞNG CÒN KHÓ HƠN CẢ TÌNH YÊU?

1.

Tôi vẫn luôn cho rằng, tin tưởng là thứ tình cảm duy nhất còn đẹp đẽ hơn cả tình yêu. Có nhiều lúc, chúng ta yêu một người, nhưng lại chẳng có cách nào để luôn tin người ấy 100%. Sự tồn tại của chúng ta trên cuộc đời này luôn cần phải được kết nối với người khác, nhưng bất luận chúng ta có ở bên ai, cũng không có cách nào nhìn rõ mọi suy nghĩ của đối phương, và mối quan hệ luôn phải đối mặt với vài góc tối. Là sự tin tưởng cho chúng ta lòng tin, để mối quan hệ có thể vượt qua sự nghi ngờ và tăm tối. Một khi mối quan hệ tin cậy thực sự được hình thành, bạn sẽ cảm nhận được cảm giác đồng hành và an toàn để chống lại sự cô đơn luôn hiện hữu. Từ đó, bạn sẽ được yêu thương và sẽ không bị bỏ lại.

Hôm nay, chúng ta sẽ nói về sự tin tưởng.

2.

Từ “trust” – tin tưởng trong tiếng Anh có nguồn gốc từ Âu cổ là “drout”, có nghĩa là “vững chắc” và “lâu dài”. Trong Trong tiếng Anh cổ, từ này cũng có nghĩa là “tự tin” và “phụ thuộc”. Vào thế kỷ 14, từ “trust” lần đầu tiên xuất hiện, có nghĩa là “tính chắc chắn cơ bản và cảm giác hy vọng bắt nguồn từ sâu bên trong” (Pogosyan, 2017).

Đây chẳng phải là bản chất của sự tin tưởng sao? Tin tưởng chính là tính chắc chắn cơ bản mà chúng ta có thể nắm giữ được, thứ mà trong một thế giới không có gì chắc chắn cả, và bắt đầu từ tin tưởng, chúng ta có được cảm giác hy vọng từ sâu bên trong.

Điều đặc biệt của tin tưởng là, nó sẽ chỉ xảy ra khi phát sinh những rủi ro mong manh và không chắc chắn – khi mọi thứ đều chắc chắn, hoặc khi mọi thứ nằm trong tầm kiểm soát, chúng ta sẽ không có cảm giác tin tưởng mạnh mẽ vào người khác. Vì lúc này chúng ta có thể tồn tại độc lập và không cần dựa dẫm vào người khác. Và chỉ khi chúng ta cần người khác, khi đối phương có khả năng làm trái ý ta, nhưng ta biết rằng họ đã lựa chọn bảo vệ ta, thì sự tin tưởng mới xảy ra. Hoặc nhấn mạnh hơn, sự xuất hiện của tin tưởng đòi hỏi phải vượt qua một bài kiểm tra. Chỉ có cách để cho mối quan hệ của các bạn trải qua một số tình huống đánh giá sự tin tưởng, thì tin tưởng mới có thể được sinh ra.

3.

Chúng ta đánh giá một người liệu có đáng tin hay không, ở mức độ tiềm thức có 4 khía cạnh (McKnight, & Chervany, 1996):

– Năng lực (Competence): Liệu đối phương có đủ năng lực để làm những điều mà chúng ta cần họ làm không;

– Lương thiện (Benevolence): Đối phương có phải người tốt, đối xử tử tế với người khác. Họ không phải tình cờ hay có mục đích thì mới đối xử tốt với người khác, mà là một người luôn sẵn sàng xem xét cảm nhận và lợi ích của người khác;

– Chính trực (Integrity): Đối phương có nói sự thật không, lời nói có đáng tin, có chính xác không;

– Tính có thể dự đoán/ Tính nhất quán (Predictability): Lời nói và hành động của đối phương có nhất quán hay không, liệu bạn có thể dự đoán được phản ứng của đối phương trong các tình huống khác nhau hay không.

Nói cách khác, nếu chúng ta muốn nâng cao lòng tin của người khác đối với mình, chúng ta cũng cần phải nỗ lực cả bốn phương diện trên.

4.

Nghiên cứu tâm lý đã phát hiện ra rằng nếu chúng ta có những cảm xúc tiêu cực đối với một người, chúng ta không thể có cảm giác tin tưởng vào người đó. Điều này nghĩa là, niềm tin mang tính cảm tính. Chúng ta dễ dàng tin tưởng những người mang lại cảm xúc tích cực cho bản thân hơn.

Ngoài ra, trong mối quan hệ, bên yếu hơn sẽ không tin tưởng bên mạnh hơn. Sự mất cân bằng về ý thức quyền lực có thể xuất phát từ khoảng cách khách quan giữa hai bên như chênh lệch thu nhập, chênh lệch gia cảnh, v.v … cũng có thể do cảm nhận chủ quan, chẳng hạn như “Em thấy mình không xứng với anh” hoặc “Em thấy em yêu quá nhiều, trước mặt anh lúc nào em cũng thật thấp kém”.

Khi mọi người cảm thấy rằng họ thấp kém và dễ bị tổn thương hơn trước đối phương của mình, theo bản năng họ sẽ cảm thấy bất an về mọi thứ. Họ cảm thấy rằng họ có nhiều khả năng bị tổn thương trong mối quan hệ này hơn là một đối phương mạnh mẽ (Kirshenbaum, 2012).

5.

Phụ nữ thường tình nguyện đưa ra những lựa chọn không làm phụ sự tin tưởng của người khác hơn. Đây là một trong những kết luận được tìm thấy trong thí nghiệm tâm lý học cổ điển Trust Game.

Trong tâm lý học, người ta thường dùng một trò chơi tin tưởng đơn giản để đo lòng tin giữa con người với nhau. Trust Game nói chung là phiên bản đầu tiên được thiết kế bởi Berg, Dickhaut và Mc Cabe vào năm 1995, sau nhiều lần phát triển khác nhau, được thiết kế để đo lường mức độ sẵn sàng tin tưởng lẫn nhau của mọi người (Johnson, & Mislin, 2011).

Trong phiên bản ban đầu của thí nghiệm, các tình nguyện viên được chia ngẫu nhiên thành 2 nhóm người gửi (sender) và người nhận (receiver).

Bước 1: Người gửi được nhận 10$ từ ban tổ chức. Sau đó cả hai bên được thông báo ban tổ chức sẽ đưa cho người nhận số tiền gấp 3 số tiền mà người nhận đã nhận được từ người gửi.

Bước 2: Lúc này người gửi có thể lựa chọn không quyên góp goặc quyên góp cho người nhận bất kì số tiền nào trên số tiền được nhận từ ban tổ chức.

Bước 3: Sau khi được nhân 3 số tiền, người nhận có thể lựa chọn không trả lại hoặc trả lại bất kì số tiền trên tay mình lúc đó. Kết thúc thí nghiệm, ban tổ chức đếm số tiền còn lại trên tay người gửi và người nhận.

Điều này có nghĩa là, nếu sự tin tưởng xảy ra, người gửi sẽ đưa số tiền cao hơn, vì họ tin rằng người nhận sẽ thưởng cao hơn cho họ khi nhận được 3 lần số tiền từ ban tổ chức.

Thông qua thí nghiệm này, các nhà tâm lý học đã thu được một loạt kết luận thú vị về lòng tin (Pogosyan, 2017):

– Có một loại hormone gọi là oxytocin có thể làm tăng sự tin tưởng.

– Khi rơi vào cảm xúc tiêu cực, chúng ta ít tin tưởng người khác hơn.

– Chúng ta sẽ đánh giá liệu mọi người có đáng tin cậy hay không dựa trên sức hấp dẫn của họ, chẳng hạn như mức độ tương đồng với chúng ta và một số đặc điểm trên khuôn mặt của họ.

– Với tư cách là bên nhận tiền, nữ giới có nhiều khả năng đưa ra quyết định cùng có lợi là trả lại tiền cho bên kia hơn là nam giới.

– Di truyền và gen có tác động đến cách mọi người tin tưởng người khác và cách họ đáp lại sự tin tưởng.

6.

Chúng ta không thể lấy được lòng tin của người khác bằng cách giả vờ “tốt hơn”.

Khi chúng ta giả vờ “tốt hơn” bản thân, đến một lúc nào đó chúng ta sẽ luôn quay trở lại con người của chúng ta. Lúc này, sự nhất quán bị phá vỡ và đối phương sẽ bắt đầu nghi ngờ về sự chính trực của chúng ta. Do đó, nếu mục tiêu của bạn là thiết lập một mối quan hệ tin cậy lâu dài và ổn định với một người, thì thể hiện bản thân thực sự là con đường duy nhất.

7.

Nhưng có một số người thật sự không đáng tin cậy. Nếu một người có những đặc điểm được mô tả dưới đây, chúng ta phải cẩn thận khi trao niềm tin cho họ:

– Lật lọng, thay đổi lời hứa

– Lời nói và hành vi bất nhất. Lời họ tự mô tả về bản thân không giống với thực tế. Ví dụ, họ thường nói với người khác rằng mình là một người khoan dung, nhưng bạn quan sát thấy họ trên thực tế lại tính toán chi li hoặc cực kỳ thù dai.

– Khả năng đồng cảm kém. Họ khó quan tâm và thấu hiểu, và thường phớt lờ cảm xúc của người khác. Ví dụ khi bạn đang buồn, họ sẽ nói: “Anh thật sự chẳng hiểu nổi có gì mà em buồn đến thế.”

– Đối xử ác ý với người khác. Ví dụ như vô duyên vô cớ nói xấu người khác. Có thể lúc không có bạn, họ cũng sẽ có những lời đánh giá bạn một cách ác ý vậy.

– Không tin tưởng bạn mà chẳng có nguyên do, cho rằng bạn đang lừa gạt họ. Nếu có một người luôn nghi ngờ bạn lừa dối họ, nhưng thực chất bạn không hề, điều đó rất có thể là người đó đang phóng chiếu những đặc điểm không trung thực ở họ lên bạn. Mọi người thường có xu hướng dùng hoàn cảnh của mình để suy đoán về người khác, nếu đối phương luôn cho rằng bạn lừa dối họ thì rất có thể đối phương thường lừa dối người khác.

8.

Có một số người không thể tin tưởng người khác, căn nguyên của vấn đề là họ không có khả năng tin tưởng vào chính mình. Họ không tin vào giá trị của bản thân, không tin rằng mình đủ tốt, vì vậy họ luôn cảm thấy rằng mọi người không thích họ và có thể làm tổn thương họ. Ngay cả khi đối phương tốt với họ, những người không tin tưởng vào giá trị của bản thân sẽ luôn hoài nghi lòng tốt này: “Tại sao anh tốt với em? Chắc chắn phải có mục đích gì khác.”

9.

Niềm tin là thứ có thể mất đi nhưng cũng có thể xây dựng lại. Cách để xây dựng lại là để đối phương lần nữa vượt qua bài kiểm tra về lòng tin.

Ví dụ, một người ngoại tình, nếu người ngoại tình muốn xây dựng lại lòng tin của người còn lại, thì họ cần phải nỗ lực và phối hợp với sự đánh giá của đối phương. Ví dụ, từ bỏ ranh giới của mình ở một mức độ nhất định, để đối phương kiểm tra tài khoản mạng xã hội của mình, v.v.

Sau khi niềm tin bị phá hủy, để có thể xây dựng lại bắt buộc phải thông qua một quá trình. Nếu chỉ xin lỗi và sau đó buộc tội đối phương vì sao không thể ngay lập tức xây dựng lại sự tin tưởng nơi họ, muốn vượt qua bài kiểm tra nhưng lại không phối hợp với tiêu chuẩn đánh giá của đối phương – loại hành vi này là tính côn đồ.

10.

Để tăng sự tin tưởng trong mối quan hệ, bạn có thể thử những cách sau:

– Thảo luận với đối phương của bạn về cách cải thiện lòng tin của họ, chẳng hạn như hỏi họ: “Anh có thể làm gì để em tin tưởng anh hơn?”

– Đừng hứa những gì bạn không thể làm. Đừng đồng ý những gì bạn không thể làm chỉ để làm hài lòng đối phương lúc đó và cho họ kỳ vọng; trong tương lai nếu bạn không thực hiện được lời hứa của mình, đối phương sẽ cảm thấy bạn không đáng tin và giảm lòng tin với bạn.

– Hãy luôn trung thực trong những điều nhỏ nhặt. Trung thực trong những chuyện quan trọng là chưa đủ. Đôi khi đối phương nói một lời nói dối nhỏ trong mối quan hệ, chúng ta cũng sẽ nghĩ rằng họ đó là người không đáng tin cậy và không trung thực (Rempel và cộng sự, 1985).

– Nếu bạn nói dối và bị phát hiện, hãy thừa nhận. Tất cả chúng ta đều có lúc nói dối trong cuộc sống. Sau khi thừa nhận nói dối, bạn cần chân thành xin lỗi và giải thích động cơ cũng như sự cân nhắc khi nói dối, để đối phương hiểu rằng bạn là người đáng tin cậy và sẽ không nói dối vô cớ.

– Khi đối phương tâm sự với bạn, hãy lắng nghe và phản hồi. Bằng cách này, họ sẽ dần tin rằng, “khi em thổ lộ mặt thành thật của mình, anh vẫn luôn đáp lại bằng sự tôn trọng và tử tế”, do đó họ mới dám thành thật với bạn.

– Giữ bí mật cho đối phương của bạn. Những gì họ nói riêng với bạn về họ, bạn phải giữ bí mật cho họ, đừng tùy tiện nói với người khác, kể cả đó là bạn chung của cả hai. Ở nơi công cộng, trừ khi đối phương của bạn chủ động tiết lộ những điều về bản thân, nếu không, bạn không nên nói ra chuyện riêng tư của họ. Vì nếu không, họ sẽ nghĩ rằng bạn không thể giữ bí mật cho họ, và họ sẽ phải chọn cách giấu bạn điều gì đó.

“Niềm tin là sự thật của những gì được mong đợi, là bằng chứng của những gì chưa được nhìn thấy.” Tôi hy vọng tất cả các bạn có thể có được niềm tin vào mối quan hệ của mình ~

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *