Có thể bạn chưa biết: Cô tiên trên chiếc đĩa này là ai?

Hình ảnh vị tiên nữ in trên đĩa mà nhiều người quen thuộc này chính là tiên nữ Ma Cô, một vị nữ thọ tiên của Trung Quốc. Ngoài ra, vị tiên nữ này còn liên quan đến một câu thành ngữ quen thuộc mà hầu như ai cũng biết: “Bãi bể nương dâu” hay “Thương hải tang điền”, đã được nhiều tác giả đưa vào tác phẩm thơ văn của mình, như Truyện Kiều có câu: “Trải qua một cuộc bể dâu/Những điều trông thấy mà đau đớn lòng” cũng xuất phát từ điển tích này.

Nữ thọ tiên Ma Cô được ghi chép rõ nhất trong Thần tiên truyện của Cát Hồng. Mình tóm tắt thế này: Tương truyền vào thời Đông Hán bên Tàu, một hôm có vị tiên nhân tên Vương Phương Bình và tiên nữ Ma Cô giáng xuống nhà ông Tế Thái (sau này cũng đắc đạo thành tiên) để gặp gỡ và đàm đạo. Khi đang trò chuyện với Vương Phương Bình, Ma Cô có nói rằng: “接侍以来,已见 东海三为桑田” [Tiếp thị dĩ lai, dĩ kiến Đông hải tam vi tang điền], nghĩa là từ lần gặp trước đến nay, cô đã 3 lần thấy biển Đông hoá thành ruộng dâu.

Phải mất cả trăm năm, ngàn năm, biển xanh bồi lấp rồi nông dân trồng trọt mới có thể tạo thành ruộng dâu, lại thêm trăm/ngàn năm nữa ruộng dâu lại bị nhấn chìm xuống biển, vậy mà Ma Cô được miêu tả như là một cô gái 18-19 tuổi đã thấy biển hoá nương dâu tới 3 lần, thử hỏi Ma Cô đã sống được bao nhiêu năm?

Người đời suy tụng Ma Cô trở thành nữ thọ tiên và câu “thương hải tang điền” được dùng để chỉ một khoảng thời gian dài, nhiều biến cố. Câu này có một số cách nói khác như: Bãi bể nương dâu, bể dâu, tang hải khách (chỉ người có cuộc đời nhiều biến cố).

[Có tác giả cho rằng Thần tiên truyện viết: “tam thập niên vi nhất, thương hải biến vi tang điền”, tuy nhiên khi mình tìm cụm từ này bằng tiếng Trung trên Baidu thì không có kết quả.]

Tương truyền cứ vào mỗi mùng 3 tháng 3 hàng năm, Ma Cô tiên nữ sẽ dâng lễ mừng thọ Tây Vương Mẫu. Hình tượng Ma Cô được mô tả nhiều nhất cũng qua câu chuyện này bởi bức “Ma Cô hiến thọ đồ”. Ma Cô được miêu tả là một vị tiên nữ với dải áo bay phấp phới, chân cưỡi mây, dắt chim hạc hoặc cưỡi trên lưng thần lộc (nai?). Dáng người cao, gương mặt hoan hỷ, bàn tay búp sen bưng đào tiên hay thọ tửu.

“Ma Cô hiến thọ đồ” được sử dụng trang trí đầu tiên vào thời Khang Hy nhà Thanh, về sau dần phổ biến. Từ đó, Ma Cô hiến thọ đồ cũng được sử dụng rộng rãi trên các sản phẩm đồ sứ sau này như các loại ấm, chén, dĩa mà chúng ta thường thấy. Thường trên đĩa có hình Ma Cô sẽ có đề chữ “麻姑献寿”- Ma Cô hiến thọ.

Thông tin thêm: Tác giả Thần tiên truyện – Cát Hồng là quan nhà Tấn (thời kỳ này Việt Nam vẫn còn bị Bắc thuộc), ông này là một Đạo gia. Cát Hồng từng làm huyện lệnh ở Câu Lậu và luyện thuốc trường sinh ở núi Câu Lậu (núi Tây Phương), hiện nay thuộc huyện Thạch Thất, Hà Nội.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *