Sử dụng chính tính cách con người để tạo nên hành vi trong cuộc trò chuyện.
Hãy tưởng tượng bạn được hỏi là: “Vụ đắm tàu Titanic là người ngoài hành tinh làm phải không?” Một mặt, bạn đang cười khúc khích và hơi hoài nghi. Mặt khác, bạn cũng bỏ công nghiên cứu và tìm câu trả lời. Vậy chuyện gì đã xảy ra?
Câu trả lời khá đơn giản. Đó là một thử nghiệm truyền thông xã hội cho thấy những phát hiện bất thường khi bạn cố tình không biết hoặc hỏi điều gì đó hoàn toàn sai.
Nói chung, tâm trí của chúng ta có xu hướng sửa chữa mọi thứ khi nó đã trôi qua trong cuộc sống. Theo một nhà nghiên cứu, xu hướng sửa sai người khác của con người có thể được sử dụng như một công cụ chiến lược để tăng 80% sự tương tác của học sinh.
Thật kỳ lạ, điều này có thể được áp dụng bên ngoài trường học và nó không chỉ là câu hỏi mà còn là hành động. Ví dụ, khi tôi còn nhỏ không muốn làm việc nhà, tôi sẽ mò mẫm làm như một con ngốc cho đến khi mẹ tôi bực bội và làm việc đó cho tôi. Tùy thuộc vào cách bạn sử dụng thủ thuật thông minh này, nó có thể tạo ra một cuộc trò chuyện khó quên hoặc một công cụ hữu ích để đạt được những gì bạn muốn.
Nhưng làm thế nào mà nói điều sai lại làm cuộc trò chuyện thú vị hơn? Điều này được gọi là “Quy luật Cunningham” và nó được cho là có ảnh hưởng đến hành vi của con người khi đang trò chuyện.
Hỏi những điều ngu ngốc để nhận được câu trả lời thông minh
Quy luật Cunningham hoạt động theo nguyên tắc lôi kéo sự chú ý của bạn chỉ với một phần nhỏ khảo sát hoặc một dữ liệu gây mâu thuẫn, dẫn đến sự tương tác.
Ngay cả Sherlock Holmes trong The Great Game cũng nói: “Mọi người không thích nói với bạn những điều bạn muốn nghe, họ thích mâu thuẫn với bạn ”. Do đó, nếu bạn muốn nhận được câu trả lời thông minh, đừng đặt câu hỏi. Thay vào đó, hãy đưa ra một câu nói sai hoặc đặt một câu hỏi chứa thông tin sai. Khả năng cao là mọi người sẽ sửa bạn.
Mọi người có thể không muốn trở thành người có ích, nhưng luôn muốn trở thành người thông minh nhất.
Cách sử dụng Quy luật Cunningham
Tôi dùng quy luật Cunningham bằng cách đặt những câu hỏi có lỗi để thu hút sự phản hồi. Ban đầu, tôi nghĩ kết quả sẽ rất tệ. Tuy nhiên, điều đó đã không xảy ra. Chuyện là tôi đăng ký làm giáo viên dạy tiếng Anh giao tiếp cho học sinh Nhật Bản. Điều khó khăn là khi tôi đặt câu hỏi, bọn trẻ toàn im lặng hoặc chỉ cho tôi câu trả lời một từ. Khi tôi cho một đứa trẻ xem hình một con voi và hỏi “đây là cái gì?”. Đứa trẻ cảm thấy buồn chán, khóc lóc hoặc làm việc khác mà không trả lời câu hỏi của tôi. Nhưng nếu tôi nói “đây là một con hươu cao cổ”, tất cả bọn trẻ sẽ đứng lên và hét “không, đó là một con voi!”
Bằng cách nói sai về một chủ đề mà người nghe am hiểu, điều đó mang lại cho họ một số quyền hạn trong cuộc trò chuyện và xây dựng sự tự tin của họ.
Nó cũng hoạt động hiệu quả đáng ngạc nhiên đối với người lớn.
Nếu tôi hỏi một người “Hãy kể cho tôi nghe về công việc của bạn”, họ thường sẽ trả lời là “Tôi thiết kế hệ thống”. Sau đó tôi phải đặt ra vô số câu hỏi và nhận lại câu trả lời chỉ có một câu. Đây điều mà không ai muốn. Bây giờ, nếu tôi nói điều gì đó không chính xác: “Vậy, bạn là một kỹ sư. Điều đó có nghĩa là bạn chế tạo động cơ, phải không? ” Họ sẽ ngay lập tức sửa chữa lời nói của tôi, và đi vào giải thích chi tiết kỹ sư là gì, không phải là gì, họ là người như thế nào. Tất cả những gì tôi phải làm là cứ sau vài phút thì nói: “bạn có chắc không?” họ sẽ nói liên tục và làm chủ cuộc trò chuyện về sau.
Thật là điên rồ khi bạn có thể đặt một câu hỏi với chủ ý giả định là dữ liệu không chính xác và ảnh hưởng đến hành vi của một người.
Nhưng thực tế cho thấy nhiều người thích tham gia vào cuộc trò chuyện mà họ cảm thấy bản thân mình làm chủ được cuộc trò chuyện đó.
Công bằng mà nói, người nghe sẽ không biết được lý do tại sao bạn lại đưa ra một thông tin sai, và việc bạn đang thao túng tâm lý họ. Nhưng nó đã cho thấy một kết quả rất tích cực. Nên nếu bạn thường xuyên gặp phải những tình huống nói chuyện nhàm chán, hãy áp dụng thử điều này vào lần tới khi bạn muốn khơi gợi một cuộc trò chuyện thú vị.
Dịch: Đặng Thùy Trang