Trước khi vào chi tiết mình mong là các bạn ở đây những ai đang đọc topic này sẽ có cái nhìn cởi mở. Không phải công ty nước ngoài nào cũng xấu nhưng cũng có những công ty nhìn bề ngoài văn hoá “tốt” nhưng thực tế chỉ muốn dùng người mình để đánh người mình.
Sau mấy ngày rảnh rỗi vì vừa kết thúc công việc cũ và chuẩn bị cho công việc mới. Mình có nằm suy nghĩ và tự nhận ra một số điểm như sau. Chẳng biết có ai giống mình không nhưng mình cứ sẽ viết ra đây, vì im lặng là cách mà những kẻ độc tài chuyên quyền muốn bạn làm, muốn bạn im lặng chịu đựng để họ tiếp tục đàn áp người khác.
1. Leader bạn nếu là người Việt thường sẽ không có tiếng nói
Điều này chắc khá là rõ ràng với những ai đi làm công ty có vốn nước ngoài hoặc sếp tổng người nước ngoài. Sếp của bạn, nói ra thì buồn chứ thường được thuê về để theo dõi, quan sát và báo cáo chứ không phải thuê về để support hay hỗ trợ team tận tâm. Vì vốn dĩ họ không tin người Việt nhưng muốn dùng người của mình đóng vai “cảnh sát hắc ám” – bad cops
để họ đường hoàng đóng vai tốt. Hầu như nếu sếp bạn là người thông tuệ, hiểu biết thì team bạn đỡ bị thiệt, bị đày ải còn nếu sếp bạn chỉ là người “nghe lệnh” thì mình xin chia buồn rằng cuộc đời đi làm của bạn sẽ có hơi gồ ghề hơn người khác rồi.
2. Bạn ít có team tại Việt Nam, nếu có đi nữa chính là mỗi người 1 team
Vì sao lại như vậy? Bởi vì họ lo sợ, nếu bạn quá đoàn kết với người của bạn thì bạn sẽ có những bất đồng, bàn tán và biết đâu bạn sẽ nghiệm ra được điều gì đó mà họ không muốn bạn biết. Đây là cách mà một số công ty tự phong là đa quốc gia đang thực hiện. Bạn hãy thử quan sát, nếu bạn 1 team và các thành viên cùng chức năng đều team khác và được dẫn dắt bởi 1 nhóm người ngoại quốc không có mặt ở Việt Nam. Bạn hãy thử mở lòng chia sẻ nói chuyện thêm với đồng nghiệp đi, bạn sẽ biết được họ cũng sẽ có những điều giống bạn đó. Đừng để bị chia rẽ bởi lời nói và ca từ mị hoặc, họ không trân trọng người mình như bạn tưởng.
3. Văn hoá Việt Nam không được đề cao nhưng được khuyên hãy thể hiện
Điều này chắc hẳn là đã quá rõ, mình chỉ xin phép giải thích thêm 1 ít thôi. Hãy để ý mỗi lần bạn chia sẻ về văn hoá của mình, cách bạn làm việc với khách hàng, đồng nghiệp ở đây. Hãy quan sát biểu hiện của họ, xem thử họ có thực sự lắng nghe hay chỉ vờ vịt nghe qua loa và sau đó tìm cách để bỏ qua ý kiến của bạn. Trong tư tưởng của những người này, người Việt mình chưa giỏi và người mình còn thiếu sót, mình không phủ nhận điều này 100% nhưng mình chắc chắn người Việt mình giỏi và có tâm khi làm việc, làm gì cũng tỉ mỉ chi tiết và rất biết nhìn đại cuộc. Có lẽ đây là những điều mà họ lo sợ nên muốn che đậy đi. Bạn đừng nghĩ người nước ngoài là giỏi, họ cũng có những điểm tầm thường mà thậm chí khi làm việc cùng mình còn chê ngược lại.
4. Luôn có những người tin tưởng và tôn thờ công ty một cách mù quáng
Nói ra điều này chắc ai cũng hiểu rõ, vì sao mà biết bao đời nhân viên nhưng tuyển mãi vẫn không được? Vốn dĩ văn hoá vắt kiệt, tận dụng và thực dụng của tư bản đã khiến nhân viên rời đi và không quay trở lại. Sau mỗi lần đưa tiễn như vậy là một màn tâm tình gửi gắm ỉ ôi, nhưng càng làm càng giả tạo. Mình thật may mắn khi không bao giờ đồng ý hay mềm lòng trước những sự tẩy não này. Ấy vậy, mà vẫn có những kiểu người cùng là người Việt nhưng họ bài xích tẩy chay người mình và chọn đu theo những người đến từ nơi khác? Nơi mà thậm chí họ còn chưa đặt chân tới và biết mặt. Chỉ để “hưởng lộc ảo từ cơn mưa lời khen” của các sếp bên vùng, nghĩ mà nực cười họ khen nhưng cũng đồng thời cho rằng bạn nợ họ đó thôi. Vui vẻ gì cơ chứ
Mình hy vọng những ai đang có triệu chứng sính ngoại này, hãy tận tâm nhìn lại bản thân, bạn thích họ ở điểm gì chưa chắc họ thích lại bạn ở điểm đó. Tâm thế của họ vốn dĩ luôn xem bạn thấp hơn, bạn là người cầu xin chứ không phải người xứng đáng. Bạn có gì mà tự hào? Chỉ có bạn và người của bạn mới công nhận nhau mà thôi, chỉ có về 1 khối bạn mới có tiếng nói.
5. Luôn có một lối thoát, dành cho những ai biết nhìn nhận
Đúng vậy, dù là trong những ngày tăm tối nhất bạn vẫn có thể tìm thấy lối ra. Dù cho bạn có được trả “hậu hĩnh” nhưng đừng quên bạn cũng là bán sức bán thời gian, thậm chí cũng có những người bán hẳn linh hồn mình cho quý công ty
nên hãy cho mình một đường lui, tự để dành tiền, tích luỹ kinh nghiệm và quan sát cơ hội xung quanh. Một công ty không phải là tất cả, và dĩ nhiên không phải là cả cuộc đời của bạn. Tự tạo may mắn cho chính mình vì bạn nên hiểu rằng, các công ty bản chất đã là bóc lột thì tới ngày lụi tàn họ vẫn là bóc lột.
Earn money, yes! But don’t sell your soul for it. – Đúng vậy, hãy kiếm tiền! Nhưng đừng bán linh hồn mình cho nó.