Lê Sát chuyên quyền, lạm sát công thần triều Lê

Lê Sát là một trong những công thần khai quốc của nhà Lê Sơ, người Lam Sơn, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa.
Năm 1418, khi Lê Lợi xưng Bình Định vương, phát động cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, ông là một trong những người đầu tiên tham gia khởi nghĩa, theo Lê Lợi tác chiến những lúc hiểm nghèo khắp các vùng núi của xứ Thanh.
Lê Sát nổi tiếng là một vị tướng dũng mãnh, lập nhiều chiến công lừng lẫy trong cuộc chiến chống giặc Minh xâm lược, liên tục bẻ gãy thế tấn công như vũ bão của quân địch, giết và bắt sống cả nghìn tên. Năm 1424, trong trận Khả Lưu, Lê Sát cùng Đinh Lễ, Phạm Vấn hăng hái đi trước, đánh tan quân Minh do Trần Trí, Sơn Thọ chỉ huy, chém được tiên phong Hoàng Thành, bắt được đô úy Chu Kiệt. Ngày 20 tháng 9, hai bên lại đụng nhau ở Chi Lăng, Trần Lựa thua chạy. Liễu Thăng dẫn theo một đoàn quân tinh nhuệ tiến lên phía trước, Lê Sát và Lưu Nhân Chú đổ ra đánh, chém được Liễu Thăng ở núi Mã Yên cùng hơn 1 vạn quân Minh.
Ngày 25 tháng 9, Lê Sát cùng các tướng lại xung trận, đánh thắng quân Minh một trận nữa, giết được tướng Lương Minh. Tháng 10 âm lịch năm 1427, quân Lam Sơn tổng tấn công, thắng quân Minh 1 trận lớn, tiêu diệt 5 vạn địch, bắt sống Thôi Tụ, Hoàng Phúc cùng hơn 3 vạn quân, đánh đuổi hoàn toàn quân xâm lược. Lê Sát có công đầu trong trận này.
Lê Sát là một vị tướng giỏi, lập nhiều chiến công.
Do lập được nhiều chiến công hiển hách, năm 1428, Lê Lợi lên ngôi vua, đã phong cho Lê Sát làm Kiểm hiệu tư khấu. Năm 1429, khi Lê Thái Tổ sai khắc biển công thần, Lê Sát xếp hàng thứ 2, được phong làm Huyện hương hầu. Lê Sát được sự tín nhiệm của Lê Thái Tổ trong việc ủy thác phò trợ con nhỏ là thái tử Lê Nguyên Long mới lên 10 tuổi. Do đó, năm 1433, ông được Lê Thái Tổ gia phong làm Dương Vũ tĩnh nạn công thần, thăng làm đại tư đồ. Tháng 8 âm lịch cùng năm, Lê Thái Tổ mất, Lê Sát nhận di chiếu giúp vua mới Lê Thái Tông lúc đó mới 11 tuổi. Lê Sát cho con gái là Lê Thị Ngọc Dao vào cung làm vợ vua. Ngọc Dao được phong làm nguyên phi.
Tuy là một vị tướng tài ba nhưng Lê Sát vốn dĩ ít học, lại nóng tính nên khi có quyền lực trong tay, ông thường quyết định mọi thứ theo ý riêng, nhiều việc xử lý quá khắt khe, làm bừa không cân nhắc. Vốn có thù riêng với Lưu Nhân Chú từ trước, Lê Sát đã vu khống và đánh thuốc độc giết chết Nhân Chú rồi đuổi em Nhân Chú là Khắc Phục từ chức Hành khiển Nam đạo ra làm Phán đại chính lý. Lê Sát còn dùng nhiều hình phạt tàn bạo khiến các quan lại dưới quyền e sợ.
Bị dân chúng đồn đại là chủ mưu đầu độc chết Nhân Chú, Lê Sát muốn mượn người khác gánh tội thay nên bắt nghi can loan tin là giám sinh Nguyễn Đức Minh, tra khảo bắt y phải nhận tội chủ mưu nhưng Minh thà chết không thừa nhận. Lê Sát vẫn định mang nghi can đi xử tử nhưng vì hình quan cho rằng tội trạng không rõ ràng nên Đức Minh chỉ bị đày viễn xứ và tịch biên tài sản. Sau đó, Lê Sát còn làm nhiều việc xây cất khiến thợ thuyền phải lao động vô cùng cực nhọc, thường xuyên oán thán. Ông cũng bắt thợ mộc Cao Sư Đãng mang xử chém mặc dù vua và các đại thần ra sức can ngăn.
Cùng thời với Lê Sát có công thần đồng tri Bắc đạo là Bùi Ư Đài muốn chọn những bậc kỳ lão vào cung giúp can gián vua nhỏ và tiến cử một chức sư phó để chỉ huy trăm quan. Lê Sát thấy ý định đó đụng chạm đến quyền lợi trong tay mình liền sai bắt Ư Đài tống giam, kết vào tội ly gián vua tôi. Tuy Lê Thái Tông không đồng tình nhưng vì Lê Sát cứ tâu đi tâu lại nhiều lần, ép phải khép tội Ư Đài, Thái Tông bất đắc dĩ phải lưu đày Ư Đài ra nơi viễn xứ. Nhưng cũng từ đó, trong lòng vua ngày càng ghét viên đại thần chuyên quyền này.
Đứng về phe Lê Sát còn có các gian thần Trình Hoàng Bá, Lê Quốc Khí, Đinh Bang Bản, Nguyễn Tông Chí, Lê Đức Dư. Khi Lê Thái Tổ còn sống, chúng thay nhau gièm pha Phạm Văn Xảo, Trần Nguyên Hãn khiến Thái Tổ giết nhầm hai công thần này. Trước khi mất, Thái Tổ ân hận, dặn không được trọng dụng những người gièm pha đó. Lê Sát muốn cất nhắc người cùng cánh nên ra sức tiến cử mấy người đó với Lê Thái Tông. Các đại thần Bùi Cầm Hổ, Nguyễn Thiên Tích ra sức can ngăn, khuyên vua nên theo lời di huấn của cha. Lê Thái Tông bèn bác lời tâu của Lê Sát. Vì vậy Lê Sát ghét Bùi Cầm Hổ, điều Cầm Hổ ra làm An phủ sứ trấn Lạng Sơn.
Năm 1435, Lê Sát lại tâu Lê Thái Tông phải giết hoạn quan Nguyễn Cung mà Thái Tông ưa dùng nhưng vua kiên quyết không nghe theo. Năm Lê Thái Tông lên 14 tuổi, thấy vua nhỏ ham chơi muông thú trong điện, Lê Sát đến tận nơi dùng lời lẽ gay gắt, thái độ nóng nảy, không phân biệt vua tôi để can gián khiến nhà vua đã ghét lại càng thêm ghét. Nhưng vì vua Thái Tông bên ngoài vẫn tỏ vẻ bao dung với cố mệnh đại thần cho nên Lê Sát vẫn có ý tự đắc chuyên quyền không nể sợ một ai.
Tháng 6 năm 1437, khi vua Thái Tông khôn lớn, trưởng thành, tự quyết định việc triều chính đã bàn với các cận thần việc triệu Trịnh Khả là người từng bị Lê Sát đuổi ra làm quan ở ngoài về kinh giữ chức Đồng tổng quản, cầm cấm binh để hạn chế bớt quyền hành của viên đại thần họ Lê. Mấy ngày sau, các cận thần của vua làm sớ tâu Lê Sát chuyên quyền, tội không thể dung tha được. Vua nhận sớ tâu, sai bắt Lê Sát, giao cho hình quan xét hỏi.
Sau đó, vua ra lệnh bắt giam người cùng phe Lê Sát là Đặng Đắc, cho Bùi Ư Đài phục chức, triệu Bùi Cầm Hổ về kinh, cử tư khấu Lê Ngân thay Lê Sát chấp chính. Lê Sát hận Lê Ngân lấy mất chức của mình, nuôi nhiều võ sỹ định dùng làm thích khách để mưu giết Lê Ngân. Việc đó nhanh chóng bại lộ. Tháng 7 năm 1437, Lê Thái Tông ra lệnh phế truất con gái ông là Nguyên phi Lê Ngọc Dao làm dân thường, rồi ra chiếu kết tội Lê Sát và những người cùng cánh. Vì trước đây, Lê Sát có nhiều công trạng nên Thái Tông cho tự tử tại nhà, tịch thu điền sản.
Tiếc thay cho một vị tướng tài, bao phen cùng nghĩa quân Lam Sơn vào sinh ra tử nơi trận mạc, đuổi đánh tên giặc cuối cùng của nhà Minh ra khỏi bờ cõi nhưng cuối cùng lại bị quyền lực làm tha hóa đạo đức, trở thành một tên gian thần, người đời khinh ghét. Trong việc vu vạ và hạ độc Lưu Nhân Chú, Lê Sát mặc dù hành động kín kẽ nhưng vẫn không qua mắt được các công thần cùng những người dân chân lấm tay bùn nhưng luôn biết rõ đâu là quan tốt đâu là quan tham.
Trong trường hợp này, việc làm của Lê Sát xét về tình và lý đều sai trái, bất nhân bất nghĩa, không thể dung tha. Bởi về tình, Lưu Nhân Chú với Lê Sát là đồng đội vào sinh ra tử trên chiến trường, đã bao phen sát cánh bên nhau lập chiến công hiển hách, đánh tan quân xâm lược nhưng ai cũng biết vì lo ngại Nhân Chú sẽ lấn lướt mình trong việc triều chính nên đã thẳng tay hạ độc thủ giết chết một vị tướng tài của nhà Lê. Về lý, Lê Sát đã phạm vào tội giết người.
Không dừng lại ở việc đầu độc chết Lưu Nhân Chú, Lê Sát còn âm mưu trừ khử hoặc dùng sức ép buộc nhà vua phải ra lệnh xử tử với nhiều công thần khác bằng cách vu khống cho họ những tội lỗi tày đình.
Lê Sát đã lạm dụng quyền lợi của mình, đuổi em Nhân Chú là Khắc Phục từ chức Hành khiển Nam đạo ra làm Phán đại chính lý, vu cho Nguyễn Đức Minh tội đầu độc chết Nhân Chú, xử chém thợ mộc Cao Ư Đãng một cách oan uổng, bắt tôi trung Ư Đài tống giam, kết vào tội ly gián vua tôi, hãm hại công thần Bùi Cẩm Hổ, che chở, nâng đỡ cho bọn gian thần thả sức lộng hành, lũng đoạn triều chính… Trong thời gian nắm quyền của mình, Lê Sát đã vu oan cho không biết bao nhiêu công thần của triều Lê khiến bao người hoặc bị tội chết hoặc bị tù đày, cách chức, chịu bao nỗi khổ đau, oan uổng.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *