Sự may mắn của vua Gia Long có thể nói là cực kỳ, cực kỳ lớn. Câu chuyện vị vua đầu triều Nguyễn này nhiều lần thoát chết ngoạn mục như trong phim vậy, điểm sơ qua vài sự kiện để minh chứng điều mà ai cũng nói “ Số ông ấy là phải làm Vua” không ai cản được.
Lần 1:
Năm 1777 cả gia tộc bị thảm sát, mình Nguyễn Ánh sống sót. Ổng mới 17 tuổi chạy ra Phú Quốc trốn thì quân Tây Sơn lùng sục khắp nơi. Nguyễn Ánh thiếu thốn đủ thứ, chỉ còn biết cầu nguyện: “Nếu trời cho ta làm vua thì hãy ban nước ngọt và lương thực”. Trong lúc tuyệt vọng, ổng dùng gươm cắm sâu xuống khe đá. Chỗ mũi kiếm cắm xuống đá nứt ra nước ngọt từ dưới lòng đất tuôn ào ạt. Chưa hết, cá ở đâu từ biển nổi lên trên mặt nước vô số kể, giúp Ánh có lương thực để chống đói. Loại cá này sau đó được gọi là cá cơm. Để ghi nhớ sự kỳ diệu này, dân trong vùng gọi đây Giếng Tiên.
Lần 2:
Có lúc Nguyễn Ánh phải sống như ăn mày, Nguyễn Văn Thành chấp nhận dẹp bỏ sĩ diện của một người nho nhã, đi làm cướp để nuôi Ánh đến nỗi bị dân đánh suýt chết.
Lần 3:
Nguyễn Ánh trực tiếp so tài cùng Nguyễn Huệ, bị Huệ đánh tơi bời hoa lá hẹ. Thuyền chiến của Ánh, kể cả xịn hay dỏm, lớn hay nhỏ, đều bị Huệ đánh chìm và tịch thu. Binh sĩ Ánh sợ Tây Sơn liền bỏ chạy, còn mỗi Ánh xui xẻo bị kẹt lại ở Định Tường do ngựa sa lầy xuống bùn. May sao Nguyễn Huỳnh Đức liều chết quay lại cứu. Huỳnh Đức một mình lớn tiếng thách thức quân Tây Sơn lại gần. Tiếng nói của ông vang dội cả rừng, khiến quân Tây Sơn sinh khó hiểu, sợ có mai phục nên rút lui. Nhờ vậy mà Nguyễn Ánh thoát được. Đêm đó Nguyễn Ánh ngủ gục trên đùi Huỳnh Đức, ông thức trắng đêm đuổi muỗi cho chúa. Cảm động vì sự trung thành và tận tuỵ, chúa Nguyễn Ánh ban quốc tính họ Nguyễn cho ông, đối đãi ông như thành viên của hoàng gia. Trong một lần giao tranh, Huỳnh Đức bị chính tay trùm cuối Nguyễn Huệ bắt sống. Huệ cũng rất thích ông nên thu dụng, nhưng ông bảo là chỉ đánh quân Trịnh chứ quyết không phản Nguyễn Ánh. Về sau khi cùng Nguyễn Huệ thành công đánh quân Trịnh rồi, đã trả cái ơn không giết, Huỳnh Đức rời bỏ Tây Sơn sang đất Thái để tìm chúa cũ. Ông bất ngờ khi Nguyễn Ánh vừa về Sài Gòn. Vua Thái muốn giữ ông lại nhưng ông vẫn ra đi để tìm cho được Nguyễn Ánh phò tá mới thôi.
Lần 4:
Nguyễn Ánh sau khi liên tiếp bị đánh bại 2 trận lớn ở Cần Giờ và Đồng Tuyên thì lực lượng tan rã gần hết. Các tướng chủ chốt mỗi người chạy một ngả. Nguyễn Ánh chạy đến Lật Giang thì không có thuyền phải cỡi trâu qua sông. Sau đó lênh đênh trên biển mấy ngày, sắp chết khát thì gặp lúc… sông Cửu Long đổ nước ngọt ra khơi.
Lần 5:
Thủy quân Tây Sơn do Trương Văn Đa rút kinh nghiệm nên càng tổ chức vây chặt đảo Cổ Long. Đảo bị vây 3 vòng mà Nguyễn Ánh không còn cả quân thủy lẫn bộ để bật lại. Đúng lúc đó bão lớn đến, thuyền Tây Sơn bị đắm phải quay về, trong khi ổng hì hục chèo một mình giữa biển cả mênh mông chạy sang đảo Cổ Cốt thì lại thoát.
Lần 6:
Ánh đóng giả ngư dân trốn Tây Sơn ở cù lao Ông Chưởng, tuy nhiên khi thấy một cô gái sắp chết đuối liền ga lăng bay ra cứu. Sau màn thể hiện đầy nam tính vừa rồi, cô gái tên Tố Lan đổ cái rầm như một cây chuối bị sét đánh và Ánh bị kéo về nhà làm chồng theo tục lệ nơi đây. Ông cha vợ nuôi ăn ở, giúp che giấu, đồng thời đi tìm các tướng đang lưu lạc cho Ánh.
Lần 7:
Tây Sơn phát hiện nơi ẩn náu ở Đá Chồng, sắp tóm được Ánh thì Lê Phước Điển tình nguyện mặc đồ ổng để ra hy sinh lừa Tây Sơn. Điển bị chém đầu, còn ổng tiếp tục thoát sang đảo Cổ Long.
Lần 8:
Nguyễn Ánh bại trận ở sông Ngã Bảy phải chạy qua nước Chân Lạp. Tây Sơn đuổi theo, bắt vua quan Chân Lạp hàng phục và buộc tất cả những người Việt ở đấy phải về nước nhưng Nguyễn Ánh lại trốn kịp.
Lần 9:
Trận Rạch Gầm – Xoài Mút, Nguyễn Ánh có linh cảm bọn Xiêm sẽ bại trận nên bỏ đi trước. Quân Xiêm chỉ trong một ngày bị giết đến quá nửa thậm chí tướng rất thân của Nguyễn Ánh là Châu Văn Tiếp cũng tử trận. Nguyễn Ánh bị một tướng Tây Sơn tên Trân bắt, nhưng vì có ân tình trước đó nên lại được thả. Ánh lại tung tăng cùng cuộc phiêu lưu còn dài phía trước.
Lần 10:
Bất chấp Nguyễn Ánh khi đó chả có cái vẹo gì trong tay, toàn thua tới thua lui, giám mục Bá Đa Lộc cầu viện Pháp không được, liền tự bỏ tiền túi ra đồng thời đi vận động bà con cô bác gần xa làm từ thiện quyên tiền giúp đỡ Ánh.
Lần 11:
Nguyễn Huệ đánh vào Gia Định 4 lần không bắt được Nguyễn Ánh, như kiểu Tom và Jerry rượt nhau suốt ngày. Đến nỗi Huệ ức chế không hiểu vì sao hắn may mắn thế, cuối cùng phá hủy hết lăng mộ 8 đời chúa Nguyễn để cắt “long mạch”, ngăn tổ tiên hô hấp nhân tạo cho Ánh.
Lần 12:
Nguyễn Huệ chuẩn bị đánh Gia Định lần thứ 5, quyết chơi khô máu với Ánh thì gặp gió ngược nên chưa thể vào nam. Tới khi sắp có gió thuận thì bỗng nhiên đột tử.
Lần 13:
Nguyễn Ánh chiếm được thành Quy Nhơn. Tướng Tây Sơn Nguyễn Quang Huy đánh thẳng một mạch hạ đến 25 tướng của Nguyễn Ánh, kéo tới ngay trước chân thành thách thức. Nguyễn Ánh tò mò bèn lên thành đứng xem. Quang Huy nhìn thấy ngay lập tức rút cung sắt bắn thẳng lên thành, trúng ngay vai trái khiến Ánh bất tỉnh tại chỗ. Vết thương khá nặng nhưng không chết. Ánh sau đó lại chạy thoát về miền nam.
Lần 14:
Nguyễn Ánh chạy bộ còn quân Tây Sơn do Nguyễn Văn Trương thì cưỡi ngựa đuổi theo. Khi Nguyễn Ánh vừa chạy qua khỏi một đoạn đường hẹp thì có một thân cây lớn mục nát đổ xuống chắn ngang đường, kỵ binh Tây Sơn không sao qua được. Nhờ vậy mà Nguyễn Ánh thoát nạn. Nguyễn Văn Trương sau việc trên cũng đã linh tính về chân mệnh thiên tử của chàng thanh niên này. Nên về sau khi Nguyễn Ánh trở lại Nam Bộ, ông đã xin hàng và trở thành một trong ngũ hổ tướng thân tín nhất, khai quốc công thần Nguyễn triều, lập rất nhiều công to.
Lần 15:
Trong đại chiến Thị Nại, lúc thuyền chở Nguyễn Ánh chèo vào giữa biển lửa thì đúng ngay tầm bắn của hai pháo đài Gành Ráng và Phương Mai, đại bác nã như xả đạn vào đầm. Tướng Võ Di Nguy của ổng bị một phát bay đầu, binh lính chết từa lưa hột dưa, nhưng riêng ổng vẫn sống nhăn, chả sứt mẻ gì. Tử thần cũng bất lự.
Lần 16:
Võ Tánh tình nguyện tử thủ Quy Nhơn, chịu chết để thu hút lực lượng Tây Sơn đến đây, giúp chúa rảnh tay vượt biển đánh úp Phú Xuân.
Lần 17:
Nguyễn Ánh giao tranh kịch liệt với Bùi Thị Xuân ở Trấn Ninh, đang gần thua thì vua Tây Sơn Quang Toản sợ hãi bảo rút lui, thế là lật kèo, thắng ngoạn mục và từ đó tiêu diệt luôn Tây Sơn.
Lần 18:
Lúc Gia Long ra công trường để giám sát việc xây lăng, đang ngồi trong nhà thì bỗng gió giật một phát đổ sụp xuống. Hai hoàng tử bị trọng thương, nhiều quan khác chết tại chỗ. Thế nhưng ổng vẫn sống nhờ kịp chui xuống hố chỉ bị dập chân, u đầu do xà rơi trúng.
Và còn rất rất nhiều lần bị Tây Sơn dí, phải núp, bơi trên sông mà vẫn thoát, chưa kể còn được nhiều quý nhân cứu giúp và hỗ trợ (25 năm lưu lạc cơ mà). Nói chung trời cho ông Ánh này quá nhiều cơ hội, không làm vua cũng hơi phí. Mỗi tội cõng rắn cắn gà nên hậu thế chả ai ưa. ??