TIẾNG SÁO CỦA THẰNG NHÓC HÀNG XÓM ĐÃ KHỎA LẤP TÂM HỒN CÔ ĐƠN CỦA TÔI

Con trai mất khi bé chỉ mới 10 tuổi, tôi và chồng cũng ly hôn cùng năm ấy. Trong nhà đột nhiên thiếu đi hai người thương, trái tim tôi cũng trở nên trống vắng đến cùng cực.

Dạo ấy, đứa trẻ nhà hàng xóm thường hay thổi sáo. Tiếng sáo vang lên vào khoảng 3 giờ mỗi buổi chiều bớt nắng. Có lẽ nó chọn khung giờ này là để không ảnh hưởng đến người khác nghỉ ngơi và làm việc cũng nên.

Nhưng mà nói thật thì tôi còn mong nó sẽ thổi sáo lúc 5 giờ sáng hoặc 11 giờ tối cơ, để tôi có lí do bước ra cửa, mắng một câu “Đừng thổi nữa!”. Haha, tiếng sáo thực sự quá khó nghe mà!

Cơ mà thằng nhỏ tính toán rất là hay, mỗi ngày chỉ thổi đúng nửa tiếng. Khoảng thời gian ấy vừa đủ để làm người nghe bực nhọc, khó chịu, nhưng lại vẫn chưa tới đỉnh điểm tức giận để phải xông ra mắng té tát đến thậm tệ.

Vậy nên, mỗi lần ra ngoài mà gặp phải thằng nhóc này, tôi luôn tỏ vẻ khó chịu ra mặt.

“Con chào dì!”

Dì, dì… con khỉ! Nhóc thối tha!

Tôi bèn cố ý khịa nó: “Nhóc nhạc sĩ, hôm nay có thổi sáo không đấy? Em thổi rất hay đó, ngày nào chị mà không nghe là lòng tự nhiên cảm thấy trống trãi…”

Tôi cứ nghĩ là nó sẽ mặt đỏ lên, xấu hổ các kiểu,… nhưng không ngờ thằng nhóc thối này lại khiếm khuyết khả năng nghe hiểu, còn tưởng rằng tôi khen nó thật, hùng hồn chạy lại, vỗ vỗ ngực nói: “Dì yên tâm, sau này ngày nào con cũng thổi cho dì nghe!”

Gọi chị nha, thằng nhóc thối kia!!!

Cơ mà từ đó về sau, tiếng sáo cũng đã thay đổi hẳn, thanh âm uyển chuyển mượt mà hơn nhiều, cứ thế vang vọng réo rắt vào lòng người.

Có lần ra ngoài, nhìn thấy bố mẹ nó, tôi lại chào hỏi và cười nói: “Kĩ thuật thổi sáo của con trai nhà anh chị cũng tiến bộ nhiều đấy ạ!”

Mặt ông bố bỗng đỏ lên, dáng người cao hơn 1m80 thế mà cũng biết ngại ngùng: “Mấy ngày nay là tôi thổi đó”.

Tôi cũng hơi xấu hổ, “Không ngờ là anh cũng có sở thích này nữa ạ!”

“Không có, không có”, ông bố hàng xóm đưa tay ra sau xoa xoa gáy đầu, “Con trai tôi bị tai nạn xe, nó vẫn đang nằm trong bệnh viện. Nó năn nỉ tôi 3 giờ chiều mỗi ngày phải thổi sáo thay nó.”

Tôi giật mình: “Tại sao ạ?”

Ông bố đáp: “Thằng nhóc nói gì gì đó tôi không hiểu lắm, tóm lại là cứ lải nhải hoài thôi, bảo rằng tôi cứ đồng ý với nó là được rồi, nếu không nó sẽ cô đơn lắm,… Haizz, cũng không biết ở đâu ra mấy suy nghĩ ngu ngốc này nữa…”

Giây phút ấy, không biết phải diễn tả cảm giác thế nào nữa, giống như một sự chua chát tủi thân dâng trào, nghẹn ngào nơi khóe mắt ấy.

Qua mấy ngày, tiếng sáo dở ẹc kia lại vang lên, thanh âm lạc điệu, khiến người khác khó mà chịu đựng nổi. Nhưng lạ thay, khi tiếng sáo lọt vào trong căn phòng lạnh lẽo này, bỗng nhiên tôi không còn cảm giác nơi đây quá trống vắng nữa, trong lòng lấp đầy những sự ấm áp thuần khiết vốn đã mất đi từ lâu.

bữa tôi xem được 1 vid nội dung như thế này: anh A cách ly ở nhà, một hôm bỗng nhiên nghe được tiếng piano hàng xóm, chơi không chuyên như rất hay, ảnh quyết định để một tờ note trước cửa nhà hàng xóm để rủ họ chơi cùng – anh sẽ chơi 1 đoạn, và người đó sẽ chơi đoạn tiếp theo. nhiều ngày liên tục như vậy. không biết nhau – người bên này vách tường và người bên kia vách tường cùng nhau hoàn thành một bản nhạc. một ngày nọ, ảnh chịu hết nổi, bèn qua chào hỏi để xem người hợp tấu với mình bấy lâu nay là ai, thì ảnh phát hiện ra, đó là một cụ ông lớn tuổi, vợ ông vừa mất vì covid, giờ ông thui thủi ở nhà một mình. sau đó, mỗi ngày bên này anh trẻ và bên kia chú già cứ cùng nhau chơi, tới một ngày nọ, ông chú già mất. ảnh đàn một bản ảnh sáng tác riêng để tiễn người bạn đặc biệt này đoạn đường cuối cùng. tôi coi tới khúc đó xém khóc.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *