Có mấy cuốn này mình đọc thấy khá thú vị, giới thiệu cho mọi người, ai thấy thích thì có thể mua đọc nhé.
1/ HỌC THUYẾT KINH VEDA – ĐỨC THÁNH ÂN
Có thể gọi Kinh Veda là Thánh Kinh Hindu (Ấn Độ giáo). Veda nghĩa là tri thức, và được cho là tri thức khởi thủy. Theo học thuyết này, chừng nào loài người còn ở trạng thái bị ước định thì tri thức của họ còn nhiều nhược điểm. Nhược điểm thứ nhất là mắc sai lầm, 2 là sa vào ảo tưởng, 3 là hay lừa dối, và cuối cùng là tri giác không hoàn thiện.
Kinh Veda không phải là sáng tạo của trí tuệ con người, mà đến từ trí tuệ linh giới, hay Krishna. Theo đó, những người Ấn Độ giáo tin rằng Krishna là cội nguồn nguyên thủy sản sinh ra mọi thứ.
Đọc cuốn sách này thì cho mình hiểu hơn về thế giới vật chất mà chúng ta đang sống, một thế giới maya bị ước định trong lập trình nhị nguyên dẫn đến rất nhiều đau khổ. Và có một thế giới tinh thần rộng lớn hơn, mà thông qua Kinh Veda, bạn đọc phần nào đó tự vấn hoặc tự trả lời câu hỏi cho chính mình.
2/ SỰ SỐNG BẮT NGUỒN TỪ SỰ SỐNG – ĐỨC THÁNH ÂN
Ngày nay, nhiều nhà khoa học tuyên truyền học thuyết sự sống bắt nguồn từ vật chất. Các cuốn sách khoa học nổi tiếng cùng các giáo trình khẳng định sự sống nảy sinh từ các hợp chất hóa học có trong thành phần nước cốt đầu tiên. Song khoa học không thể chứng minh giả thiết này bằng cả thực nghiệm lẫn lý thuyết.
Nhà bác học Albert Einstein từng nói: Bất cứ ai nghiêm túc nghiên cứu khoa học cũng thấy rõ là các quy luật của vũ trụ mang trên mình dấu tích của trí tuệ tối cao vượt trội trí tuệ con người tới mức mà họ, cùng với những khả năng khiêm tốn của mình, phải rạp mình sùng kính.
Theo đây, cuốn sách khẳng định chúng sinh không phải vật chất, mặc dù nằm trong cơ thể vật chất. Linh hồn không phụ thuộc vào thế giới vật chất (tập hợp của 5 nguyên tố thổ, thủy, hỏa, khí, không và 3 nguyên tố vi tế là tuệ, lý và ngụy ngã).
3/ SUY TƯỞNG – PASCAL
Như trang chú Phạm Việt Hưng có chia sẻ, muốn hiểu Pascal, phải đọc PENSÉES (Suy tưởng), tác phẩm nổi tiếng nhất của ông, được xuất bản lần đầu tiên năm 1669, 7 năm sau khi ông mất.
Năm Pascal 31 tuổi, một sự kiện đặc biệt đã xảy ra trong đời ông, vĩnh viễn làm thay đổi con người ông: Pascal đã có một cuộc gặp gỡ bất ngờ với Chúa! Trải nghiệm tâm linh mạnh mẽ ấy xẩy ra vào đêm ngày 23 tháng 11 năm 1654, kéo dài hai tiếng đồng hồ, từ 10 giờ 30 tối đến 12 giờ 30 đêm, và ông lập tức ghi chép lại những gì ông đã chứng kiến, để ghi nhớ cho chính mình. Trong bản ghi nhớ đó, ông mô tả những gì ông nhìn thấy như Lửa cháy, nhưng ông nhận biết rõ ràng đó là Chúa. Các tác phẩm triết học từ triết luận “Về tinh thần hình học và về nghệ thuật thuyết phục” cho đến PENSÉES, đều được viết sau “Đêm Lửa” ấy.
Trực giác là công cụ giúp con người nắm bắt được sự thật ở bên kia tầm với. Đó là tư tưởng của Pascal.
Với mình, đọc Suy tưởng giống như đọc một cuốn nhật ký nặng ký vậy. Bởi không dễ mà hiểu Pascal đang nói gì, đang nhắm đến điều gì, chiều sâu ra sao trong mỗi bài viết. Dù sao, đối với mình, đây là cuốn sách giống như “Suy niệm mỗi ngày” của Tolstoy, mỗi ngày đọc một đoạn thôi cũng được.
4/ TỨ DIỆU ĐẾ – DALAI LAMA
Đây là cuốn sách mình đang đọc lại, nghiền ngẫm lại để hiểu sâu hơn.
Tứ diệu đế là nền tảng cho mọi giáo pháp của Đức Phật, bản mình cầm bao gồm có cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt. Ai muốn đi sâu trên con đường Phật, muốn tìm hiểu Phật giáo thì Tứ diệu đế là cuốn sách chẳng thể bỏ qua được.
Trong này, các nguyên lý cơ bản của Phật giáo được trình bày một cách khúc chiết dễ hiểu, từ Quy y và phát tâm bồ đề; Duyên khởi (Tất cả mọi sự việc có điều kiện trong vũ trụ đều chỉ là kết quả của sự tương tác giữa nhiều nguyên do (nhân) và điều kiện (duyên) – nhiều trạng thái tinh thần và cảm xúc dường như rất thật nhưng thực ra chỉ là ảo tưởng; Nhị đế (nghĩa là hai loại chân lý bao gồm tục đế và chân đế); chân lý về khổ đau (gồm có ba loại là khổ vì đau khổ, khổ vì thay đổi, và khổ vì duyên sinh).; Trung đạo,…
Cuốn sách sẽ mở ra cho chúng ta một con đường dẫn đến minh triết.
Nguồn: Trang PS