Loài sinh vật đã tháo gỡ “Nút thắt thần bí của Gordian”.

Vừa rồi mình có bài viết về “Những loài côn trùng đã lâu không còn xuất hiện”, trong đó có nói về các con bọ ngựa. Đối với mình đây là một loài côn trùng thú vị, vậy mà đọc các bình luận, rất nhiều bạn tỏ ra “kỳ thị” chúng. Nguyên nhân đến từ một clip từng xuất hiện trên mạng cách đây vài năm: Clip thả một con bọ ngựa vào khay nước, sau đó xuất hiện con sán bò ra từ nó.
Clip đó hẳn nhiều bạn trong đây đã từng xem hoặc có thể là clip khác nhưng cũng có nội dung tương tự.
Với hầu hết mọi người, đây rõ ràng là một hình ảnh đầy ám ảnh, có gì đó creepy. “Xem xong rùng mình, thấy sợ sán, sợ bất kỳ thứ gì ký sinh và chui ra từ một cơ thể khác” – là những gì nhiều người chia sẻ sau khi xem clip.
Hiện tại, clip đó đã có hơn 10 triệu view, ít nhiều thay đổi góc nhìn của mọi người về bọ ngựa. Nếu trước đây, gặp một con bọ ngựa, nhiều người cảm thấy thích thú, thường chụp ảnh với loài côn trùng đẹp đẽ này, giờ đây một số bạn tỏ ra dè chừng, hay cực đoan hơn đã xảy ra một vài trường hợp giết hại chúng với lý do “sợ có các con sán bò ra bất kỳ lúc nào”.
Mình hay tham gia một số buổi dã ngoại tìm hiểu về thiên nhiên cho các gia đình có trẻ em, thường đứng ở vai trò chia sẻ kiến thức miễn phí cho các bạn nhỏ. Có lần, một vị phụ huynh đã cấm con của mình ko đụng vào bọ ngựa, anh này nói “sán sẽ bò ra và chui vào người tụi con đó”.
Điều này vô tình làm sai lệch kiến thức tự nhiên cho con trẻ, vừa khiến chúng mất đi một cơ hội trải nghiệm với một trong những loài côn trùng thông minh bậc nhất tự nhiên, đi ngược lại với mục đích khám phá tự nhiên mà các bậc cha mẹ muốn con mình tham gia.
Chúng từ một loài côn trùng có ích, thiên địch có lợi cho con người thì nay bị “kỳ thị” ghê sợ. Dù rằng việc này chỉ là con số hi hữu, chưa phổ biến đến mức trở thành hiện tượng hay xu hướng chung nhưng mình nghĩ đã đến lúc làm sáng tỏ sự việc.
Do vậy, hôm nay mình viết bài này để các bạn hiểu rõ hơn toàn bộ câu chuyện. Loài sán kia là gì? Tất cả bọ ngựa đều có sán hay không? Chúng có chui vào và gây nguy hiểm với con người không? Mọi thứ sẽ được giải đáp trong bài viết này.
p.s: Toàn bộ bài viết chứa nhiều hình ảnh về giun sán. Mình sẽ dẫn truyện dài một chút bằng các hình ko liên quan để các bạn chuẩn bị tâm lý trước, cân nhắc có nên đọc bài ko nha.

Trước mặt các bạn là Gordian knot – “Nút thắt Gordian” nổi tiếng. Thần thoại kể lại rằng, nhà vua Gordias – vua xứ Phrygian trước khi chết đã để lại một cái nút thắt Gordias (Godian knot) với lời tiên tri: “Ai cởi được nó sẽ là người thống trị cả Châu Á”.

Rất nhiều người đã tìm cách tháo gỡ cái nút vô cùng phức tạp này, nhưng chưa một ai thành công. Cho đến năm 333 TCN, vua Alexander xứ Macedoin đã dừng chân tại đây. Được nghe kể về cái nút tiên tri này, ông đã tìm cách tháo gỡ nó.

Alexander tìm đủ mọi cách, loay hoay mãi vẫn chưa thành công. Bất chợt một ý nghĩ táo bạo lóe lên trong đầu. Ông rút phăng cây kiếm của mình ra, chặt đứt đôi cái nút thắt – câu trả lời hàng thế kỷ đã được giải quyết đơn giản chỉ bằng một nhát kiếm.

Sau khi chặt đứt nút thắt, ông nói ” Định mệnh không phải do tiên tri mang lại mà phải mở đường bằng thanh kiếm của chính mình”. Sau đó thì mọi người đã biết, ông trở thành Alexander đại đế, chinh phục toàn bộ Châu Á như chính lời tiên tri.

Rất nhiều người không phục Alexander về cách làm đó, theo họ phải gỡ bằng tay mới có ý nghĩa, còn dùng kiếm chém là sai cmnr. Nói theo ngôn ngữ cư dân mạng ngày nay “khôn như mày quê tao bị exiter chích điện hết rồi”.

Tuy nhiên, nhìn kết quả đạt được, cách làm của Alexander không hề sai, mà chính những ý niệm ràng buộc phải thế này, phải thế kia trong tâm trí mọi người mới chính là những nút thắt không bao giờ có thể gỡ bỏ.

Từ đó, khái niệm Gordian knot – là một cách ẩn dụ để nói về phương pháp giải quyết các vấn đề mà tưởng chừng như không thể vượt qua. Kích thích mọi người tư duy và giải quyết các vướng mắc, các khó khăn không theo các đường lối sẵn có hay các nguyên tắc ràng buộc.

Thật trùng hợp, khi nhân vật ngày hôm nay cũng có cái tên Gordian, một loài giun sống dưới nước nhưng lại chủ yếu phát triển bên trong cơ thể các loài côn trùng chuyên sống trên cạn. Và nó, chính xác đã dùng đúng cách của Alexander đại đế năm xưa để giải quyết vấn đề sinh tồn tưởng chừng như không thể vượt qua.

Loài sán mà các bạn nhìn thấy trong clip mà mình nói ở trên là một con giun ký sinh. Vậy gọi nó là “giun” hay “sán”?

Trong tiếng Việt, tùy địa phương có cách gọi khác nhau, nhưng thông thường những con có thân mình tròn thì gọi là Giun, ví dụ giun đũa, giun tóc, giun kim, giun lươn, giun xoắn…
Còn những con có thân mình dẹt gọi là Sán, chẳng hạn: sán lá gan, sán lợn, sán lá phổi, sán kim…

Theo quốc tế, họ gọi bằng tên khoa học, không có khái niệm “giun” hay “sán” như chúng ta. Tuy nhiên mình viết bài thì nên chọn một cái tên theo suốt nội dung. Như vậy, theo định nghĩa trên, mình tạm gọi nhân vật trong bài là Giun nhé, vì nó có hình dáng tròn và thon dài.

Con giun chui ra từ cơ thể bọ ngựa là loài giun trong Ngành Nematomorpha. Có khoảng 350 loài đã được mô tả trong nhóm này. Chúng đều là các loài giun ký sinh trên cơ thể các loài động vật chân khớp, động vật thân mềm…

Bất kỳ nơi nào trên thế giới có nguồn nước ngọt như ao hồ, sông suối đều có mặt bọn giun ký sinh này, trừ Nam Cực chưa từng ghi nhận.

Tên chung của nhóm giun Nematomorpha là “Giun bờm ngựa” – Horsehair worm, cái tên mà nhiều người cũng đã biết.

Nguồn gốc của tên cũng khá buồn cười.

Thời xa xưa, ngựa là loài vật phổ biến nhất chỉ sau các loài gia súc, gia cầm. Là động vật di chuyển liên tục, nên việc lông của chúng rơi vãi khắp nơi cũng là điều bình thường.

Người ta thấy các con giun này bơi lội tung tăng dưới nước, ở các con suối, ao hồ. Một số loài có kích thước nhỏ, trắng và mảnh như sợi chỉ. Nhưng hầu hết có kích thước trưởng thành khá lớn, dài từ vài chục cm cho đến cả mét, đường kính cơ thể từ 1-3mm, thường có màu nâu sậm hoặc đen.

Vô tình chúng vừa vặn giống với những sợi lông trên cơ thể con ngựa, chủ yếu ở các bộ phận bờm và đuôi ngựa (2 khu vực có lông dài nhất). Nên họ đặt tên chúng là Horsehair worm, dịch chính xác là “Loài giun giống như lông ngựa”, người Việt mình dịch ra “Giun bờm ngựa” nghe thật soang choảnh và nâng tầm vĩ mô. Nếu thích, bạn có thể dịch là Giun đuôi ngựa, giun tóc ngựa, giun lông nách ngựa… cũng chẳng ai bắt bẻ gì.

Đã có lúc, nhiều người tin rằng cái tên Horsehair worm là do mấy con ngựa làm rơi lông xuống nước, các sợi lông sống lại và bơi đi. Họ thật thà đến mức nhổ lông ngựa cho vào những cái lọ đầy nước rồi theo dõi qua thời gian nó có chuyển động và biến thành con giun hay không?

Quả thật vứt cái lông ngựa xuống nước, bên cạnh một con giun bờm ngựa, bạn sẽ khó mà phân biệt được nếu như con giun đứng yên.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *