NHỮNG GIAI ĐOẠN ĐỜI NGƯỜI

Một quãng thời gian rong ruổi mới thực sự hình thành bản thân mình bây giờ. Hôm trước, ngồi với một người chị, chị bảo rằng, ai ai cũng dạy ta không nên nóng giận vì nóng giận thực sự có hại cho ta và cho người. Nhưng chị nghĩ, nếu ta không từng thực sự giận hết mình thì làm sao biết tác hại cơn giận rồi đi đến giai đoạn làm chủ cơn giận. Cuộc đời con người cũng vậy, tuổi trẻ tìm về tuổi trẻ, quy luật lượng chất đã nói, ta không thể nhảy cóc trong hành trình sống của mình. 

Quy luật tiến hóa đã chỉ ra nhận thức của mỗi người là không giống nhau. Trải qua hằng hà kiếp sống, chúng ta đi từ giống người chưa phát triển về mặt cảm xúc, đến phát triển về cảm xúc, rồi lý trí và đến trí tuệ. Tất cả đều đang đi trên cùng một con đường, về cùng một hướng, chỉ là người đi nhanh, người đi chậm, người ở mức tiến hóa cao, người ở mức tiến hóa thấp hơn. 

Một người bạn của tôi nói rằng đạo Phật không dành cho tất cả. Nhưng tôi nghĩ đạo Phật dành cho tất cả, chỉ là phù hợp ở những giai đoạn khác nhau trên tiến trình tiến hóa của con người. Có người có nhân duyên với Phật ở kiếp này, nhưng có người phải chờ nhiều kiếp sau thì tiếng gọi ấy mới thực sự mạnh mẽ. Trong một sự so sánh giữa ba đạo là Phật, Lão-Trang và Khổng, thì Phật giáo được coi là gốc rễ, Lão-Trang là thân, còn Khổng như những tán lá cây. Nói thế để nhấn mạnh về việc tôi cho rằng Phật giáo là tôn giáo đi sâu được tận cùng bản chất đời sống. Phật giáo không chỉ là tôn giáo, mà là khoa học. Những nhà khoa học không thể tin những điều “kỳ lạ” trong Phật giáo vì nhận thức của họ vẫn hạn chế, chỉ khi một người làm khoa học giác ngộ như Gautama Buddha thì họ mới thấy toàn bộ điều Phật nói là chân lý. 

Hôm trước, trong một cuộc trò chuyện khác, người bạn của tôi nói: “Chị nghĩ có thể đến một lúc nào đó chị phát khởi tâm linh, nhưng giờ đây, chị vẫn chưa thực sự hiểu cuộc đời, chị cần trải nghiệm thêm.” Điều chị nói thật sự phù hợp với quy luật tiến hóa đã nêu. Không thể bắt ép một người vô thần một sớm một chiều tin nghe những người hữu thần. Chỉ có một cách thức tốt đẹp là để họ tự trải nghiệm. Không thể bắt ép một người theo đạo Thiên Chúa tin ngay những điều có trong kinh Phật, chỉ bằng trải nghiệm mới khiến họ mở rộng góc nhìn. Như trong cuốn “Hành trình về phương Đông”, kể về những trải nghiệm của một đoàn khoa học gồm các chuyên gia hàng đầu của Hội Khoa Học Hoàng Gia Anh được cử sang Ấn Độ nghiên cứu về huyền học và những khả năng siêu nhiên của con người. Trong vô số người đọc cuốn này, nhiều người nghi ngờ, và ngay cả những người không nghi ngờ, thì cũng chỉ có thể thông qua trải nghiệm mới đi đến tận cùng sự thật.

Cách đây không lâu, một người anh chia sẻ cho tôi về câu chuyện Đức Phật, lúc đó, tôi không hiểu. Nhưng tôi vẫn lắng tai nghe với một tâm thế mở, dù cũng thú thật là có nhiều chút nghi ngờ. Nhưng chỉ độ khoảng hơn một năm sau, tôi mới nhận ra mình đang nghiên cứu và trải nghiệm những điều anh chia sẻ. Tôi nghĩ anh đã khuấy động điều gì đó tiềm tàng bên trong tâm thức mình để càng đọc, tôi càng cảm thấy gần gũi và đồng điệu. Giống như có một ai đó đã nói, tôi và có thể nhiều người khác, lĩnh hội kiến thức hiện đại một phần nhưng phần lớn tiềm năng là khai thác phần ẩn trong lịch sử, tức những gì đã trải qua trong vô lượng kiếp, kết hợp chìa khóa hiện tại, linh cảm, xác nhận và tìm hiểu nhiều lĩnh vực hội tụ hiện đại khiến chúng ta cảm nhận như vừa trải qua thật nhiều điều trong cuộc sống. 

Chính những trải nghiệm lẫn cơ may lĩnh hội minh triết đời sống bắt buộc quá trình đi của bản thân phải thật từ tốn và kiên nhẫn hơn nhiều so với trước. Điều đó bao hàm việc loại bỏ/tạm lánh những điều không thật sự cần thiết ra khỏi cuộc sống; và không đua đuổi kiến thức. Tôi nghĩ, biết một trong số những điều cần thiết cho cuộc sống thì quan trọng hơn nhiều là chạy đua biết cho thật nhiều. Nhưng biết thì chưa thể giúp ích gì cho người biết cả, phải là thực hành điều biết, vì thực hành mới biến mình thành nhân. 

Có một người mà tôi yêu mến là Lev Tostoy, nhà văn Nga lừng danh được biến đến là cha đẻ của hai tuyệt tác “Chiến tranh và hòa bình” và “Anna Karenina”, nhưng công trình mà ông yêu quý nhất trong cuộc đời mình là “Suy niệm mỗi ngày”, cũng là cuốn cuối cùng mà ông viết trong 8 năm, đánh dấu hành trình thức tỉnh tâm linh mạnh mẽ của mình. Được biết, từ năm 1885 thì Tostoy chuyển sang ăn chay trường. Nói thế để nhấn mạnh rằng, với những người thức tỉnh tâm linh mạnh mẽ như Tostoy thì những gì họ viết ra xuất phát từ một tâm thức như vậy, những gì họ chia sẻ từ nay về sau luôn luôn về minh triết đời sống. 

Ta thấy rằng những cuốn sách do sư ông Thích Nhất Hạnh viết rất được phương Tây yêu chuộng vì thông điệp nhẹ nhàng và mang tính chữa lành, phù hợp với những người phần lớn không theo đạo Phật ở đây. Nhưng nếu để họ tiếp cận với kho tàng kinh Phật thì thật khó để họ hiểu, thậm chí sốc hay tác dụng ngược. Họ cần thời gian (không biết bao lâu) để rơi vào trạng thái sẵn sàng đón nhận. Nhưng với những người đã có nhận thức tiến hóa hơn, thì chưa hẳn họ đã đón nhận sách của sư ông, họ sẽ muốn tìm đến kho tàng kinh điển từ lời Đức Phật dạy để lĩnh hội. 

Trong các buổi chia sẻ, tôi vẫn thường nói với mọi người rằng ở đây, nhận thức của chúng ta không giống nhau, có người sẽ hiểu, có người sẽ chưa thật sự hiểu, hoặc thậm chí nghi ngờ và rối loạn, nhưng tất cả đều là hạt mầm gieo vào tâm thức, nếu có cơ duyên, sẽ đào bới những tiềm tàng khuất ẩn bên trong, để những lúc quay về bên trong, họ có thể nắm bắt một cách tự nhiên. 

Tri thức là những gì ta thu nạp từ bên ngoài, nhưng con đường tinh thần là sự phát triển trí tuệ (phát ra từ bên trong ta) và lòng từ bi. Một người chị kể cho tôi về việc chị có một người bạn. Nhưng mỗi lần gặp bạn, chị lại có cảm giác rằng mình thật dốt. Vì mỗi lúc chị nói cái gì đó, thì bạn lại bảo không đúng và trích một điều nào đó trong sách ra để phản biện. Mắc kẹt trong tri thức rất tai hại. Nó khiến họ không biết lắng nghe và thấu hiểu người khác, hơn thế nữa, cứ luôn ở trong tâm thế phản biện. Như vậy, bản ngã của họ lại càng lớn hơn mỗi ngày. 

Bạn không cần phải rời xa cuộc sống xô bồ để không còn cảm thấy mâu thuẫn, vì hòa nhập vào cuộc sống xô bồ giúp bạn nhìn rõ được những mâu thuẫn bên trong mình, đóng vai trò như lửa rèn kim cương bên trong bạn. Nhờ những mâu thuẫn ấy, bạn có cơ hội tôi rèn nội tâm của mình thật vững chãi. Khi vượt ra khỏi dần dần các mâu thuẫn, thì định lực càng mạnh. 

Trên con đường tinh thần đòi hỏi người ta phải giữ thái độ thật khiêm tốn và mở lòng. Nắm bắt giai đoạn phát triển của chính mình, chúng ta mở lòng làm học trò của vũ trụ, và khoảnh khắc nào cũng học hết, như vậy ta mới tinh tấn bền vững trên hành trình đầy chông gai này.

Nguồn: Trang PS

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *