Có thể nói, gạo là thức sản vật mà người Việt Nam chúng ta vô cùng trân quý. Bởi gạo là nguồn lương thực chính, là thực phẩm thiết yếu, quan trọng trong đời sống của người dân Việt Nam. Từ những bữa cơm hàng ngày, những bát cháo khi bệnh, hay những bát phở, bún, hủ tiếu ăn vội…tất cả đều làm từ gạo. Và với tôi, gạo còn là tuổi thơ với bao kỷ niệm khó mà quên cho được. Ngoài những chén cơm nóng hổi, thơm nức mũi, thì tôi còn mê đắm mê đuối cái thức uống thuở nhỏ mẹ hay trút ra mỗi khi nồi cơm đang sôi, đó là nước cơm.
Món nước cơm thực chất là phần nước màu trắng đục đang sôi trong quá trình cơm được nấu chín, còn thường được gọi là sữa gạo. Hồi đó, những nhà nào ở miền quê hầu như đều nấu cơm bằng bếp củi chứ làm gì có nồi cơm điện hiện đại như bây giờ. Chưa kể việc nhà sinh nhiều con, kinh tế lại không đủ nên các bà, các mẹ thường lấy nước cơm để nguội cho mấy đứa nhỏ trong nhà uống thay cho sữa.
Tôi còn nhớ, trước khi nấu cơm mẹ thường đong gạo. Nhà thì 4 người mẹ đong khoảng 2 lon sữa, rồi mang vào sàn nước ngồi vo. Thường dù là vo một lần nước hay 2 lần nước, không chỉ tôi, mà chắc có lẽ nhiều gia đình vẫn thường đổ ào đi không thương tiếc. Nhưng với mẹ, mẹ lại trút nó vào một cái thau rồi để một bên. Tôi có hỏi sao mẹ chừa lại vậy, mẹ bảo “để đó lát rửa chén, không thì đem đi gội đầu sạch gàu với mượt tóc lắm”. Hóa ra, thứ tưởng chừng như nước lã kia lại có những công dụng đặc biệt tới vậy
Rồi mẹ bắt cơm lên bếp, tôi thấy nước trong nồi nhiều lắm, những tưởng để nấu cháo, dè đâu mẹ nói “đợi cho cơm nói sôi lát múc ra để uống”. Nghĩ cũng lạ, nên tôi cũng ráng chờ xem vị nó như nào mà mẹ lại bảo ngon lắm. Cái bếp than rực cả lửa đỏ, còn cơm trong nồi đua kêu “ùn ục”. Mẹ từ tốn lấy muôi múc từng cái một, cho vào bát rồi bảo tôi lấy đường cho vào rồi khuấy đều lên mà uống.
Tôi uống từng ngụm một, rồi ngẫm thấy cũng lạ, bát nước cơm đặc sánh như bột, có màu trắng ngần, lại có vị thơm, vị béo của gạo, đôi khi có lẫn một vài hạt gạo đã mềm, sao mà nó ngon thế kia, ngon không tả hết được. Cái mùi nồng của khói quyện với vị ngọt bùi của gạo và đường làm tôi thấy thích lắm, thích vô cùng cái món thức uống lạ kỳ mà đầy ngọt ngào này.
Chỉ là bát nước cơm chứ đâu cao sang gì như sữa bột hay sữa tươi bây giờ. Vậy mà ngày ấy, mỗi khi đưa bát nước cơm lên miệng, tôi lại cảm nhận được tình yêu thương của mẹ và những bà mẹ nghèo quê mình. Cuộc sống quê tôi ngày ấy đói kém, lam lũ quanh năm, có được gạo, sắn, ngô, khoai ăn cho no bụng là quý lắm rồi chứ chúng tôi chẳng dám mơ đến những thức quà xa xỉ như ngày nay. Bát nước cơm tuy tỏa ra vị thơm ngọt của gạo quê nhưng không hiểu sao tôi còn lắng nghe được vị nghèo lam lũ.
Và rồi sau này cuộc sống khá hơn, cơm được nấu bằng nồi điện và có đủ thứ sữa, bánh nên tôi không còn uống nước cơm pha đường nữa. Nhưng đối với tôi, nước cơm của mẹ nấu luôn thơm ngon hơn bất kỳ thứ quà bánh nào. Tôi vẫn nhớ bát nước cơm nghi ngút khói, nhớ cái vị nồng thơm của gạo và tình thương bao la của người mẹ nghèo đã nuôi lớn tuổi thơ tôi
. Để rồi thỉnh thoảng, nhớ mẹ, tôi vẫn chắt nước cơm, tự nhấm nháp để nhớ về những ngày xưa cũ, nhưng vị không như ngày ấy, không như ngày mẹ hun nồi cơm đầy ắp khói mịt mù.
Còn bạn, bạn đã thử hay chưa bát nước cơm đầy ngọt bùi này
Cre: Lê Thanh Lượng