XE NƯỚC SÂM ĐẬU TRƯỚC NHÀ TRONG NẮNG XẾ

“Nghe nhạc buồn để đi thấu đáy của buồn, cuối buồn là có thể bước qua vui…”

XE NƯỚC SÂM ĐẬU TRƯỚC NHÀ TRONG NẮNG XẾ…

(Nguyễn Ngọc Tư)

.

Có những bài hát nghe hàng trăm lần, nghe thuộc như cháo, nghe phát ngán, mà chẳng biết nó hay chỗ nào, chẳng biết tại sao ta lại nghe, nghe hồi nào?

Thì đây, lịch sử là đây.

Ngày xửa ngày xưa, một bữa xe nước sâm lại đậu trước nhà ta. Xe nước sâm không thèm rao rống lên “Ai… nước sâm đây!”, không thèm thiu thỉu kiểu “Bánh mì Sài Gòn đặc ruột thơm bơ”, không thèm nhừa nhựa “sò… lông sò lông… lông”, không thèm khè vô cái micro cái giọng khê nồng, “người nào chồng bỏ chồng chê, mua túi… long nảo chồng mê tới già”. Xe nước sâm hiện đại hơn, “nội tâm” hơn, những trưa ngủ dậy, xe nước sâm hát rằng “tình cờ gặp lại nhau, dường như lâu lắm rất quen nhau. Gặp lại nhau mắt vương niềm đau. Gặp lại nhau lúc sắp xa nhau. Gặp lại nhau, tóc xanh phai màu…”. Nghe ứa gan không? Sến không chịu nổi. Nhưng xe nước sâm lớn tiếng quá, nó vống lên. Nó làm tắt lịm âm thanh một bộ phim trong ti vi, làm những bản hòa tấu chìm lỉm, làm nhòa đi những tiếng còi xe, tiếng động cơ, tiếng người cãi vả. Ta đành ngồi đó ngẩn ngơ, chịu đựng.

Xe nước sâm còn nhiều bài giữa trưa dã man hơn nữa. Nó khoét vào nỗi trống rỗng sau giấc trưa hoang hoải, nó gặm nhấm những ý nghĩ vui vẻ của người ta, nó cứ réo lên những nỗi buồn tình tan tình vỡ. “Ai hay giữa chợ đời. Chữ tình ai tháo bỏ như chơi”. Hay “bến cũ đò xưa sao người quên bến đò xưa. Chiều im tiếng gió mà nỉ non ai khóc một mình. Anh buông chèo, chứ ai chèo em lái qua truông…”. Những bài hát phát ra từ dàn âm thanh xài bình acquy dở bẹt, lè xè, những giọng hát lẫn vào nhau, không phân biệt được cô Cẩm hay cô Như, hay cô Hương, hay anh Trường, anh Mạnh… mà thê thiết. Nhiều bài không biết tác giả, chả hiểu họ có yêu bằng ta không mà viết những bài hát buồn này. Những bài hát phơi nắng phơi mưa trên đường, vào tận cùng những hẻm sâu ngõ vắng, con nít bà già cũng thuộc lòng. Nhưng có một điều quá rõ ràng, là xe nước sâm đậu trước nhà hai giờ đồng hồ thì ít nhất lòng ta cũng bị khứa vài ba lần bằng những câu kiểu như “Dậy ra coi lòng hết đau chưa?”

Lộn gan lộn ruột. Xe nước sâm vẫn than thở những cuộc tình đau thì cái nắng xế phai dần, nhạt dần trên đường. Như thể xe nước sâm đang lồng nhạc cho một một phim có tông màu vàng vọt, hiu hắt. Và bộ phim này cứ vài ba ngày là dí vào mắt, vào tai ta, đến sợ, đến hãi hùng.

Ông già mọt sách bạn ta nói, con người phụ thuộc, gắn kết và phản ứng thiên nhiên bằng những giác quan nào đó, bằng những sợi dây thần kinh nào đó. Đa số là ghét mưa, ghét sự ẩm ướt, khó chịu của nó, cũng nhiều người ghét cái nắng nóng bỏng giữa trưa, nhưng ghét nắng phai như ta thì hơi… khác thường.

Ta ghét nắng vì nắng làm ta buồn. Buồn vậy thôi. Man mác. Mà nẫu nuộc. Đến nỗi ta luôn nghĩ, sau này mình sẽ chết vì cái nắng này chứ chẳng bệnh tật chi hết. Nỗi buồn liêu xiêu, xao xác, mụ mị, chẳng vì ai, chẳng vì cái gì. Mịt mù như đang nhớ ông bà ông vãi xa xưa, nhớ người… đi mở cõi vậy. Chẳng muốn làm gì hết, chẳng thể làm gì, viết cũng không, đọc sách cũng không, miệng nhạt nhẻo, nói ra câu nào cũng ngượng ngập, ỉu xìu, ăn cái gì cũng chẳng thấy ngon.

Nắng như đổ lửa, mưa như trút nước, ta coi thường. Nhưng cái màu nắng này, trời ơi, gom bao nhiêu chữ nghĩa cũng không diễn tả được. Nhắm mắt lại vẫn thấy rờn rờn quanh đây cái nắng phai. Đóng tất cả cửa, sập tất cả rèm cũng không khép được cảm giác nắng đang lạt đi ngoài kia.

Và trên cái nền phim quá chừng hoang vắng, ngưng đọng, lười nhác, chậm chạp đó, xe nước sâm phối một bài nhạc “Ngoài đồng cây lúa chết khô. Con sáo bay lẻ bạn bên trời. kêu tiếng kêu ơi hời. Ơi hỡi bạn lòng ơi…”, chen giữa tiếng hát của cô ca sỹ là tiếng sáo trúc, tiếng đàn bầu, đàn tranh, có khi đang ca tân nhạc ngon lành bỗng lẳn tẳn mấy ngón đờn vọng cổ xuống xề. Muốn chết giấc. Nhưng hình ảnh và âm thanh trong phim hợp không chịu nổi. Thắt thẻo không chịu nổi.

Một bữa bước ra nhìn xe nước sâm, hỏi ông già luộm thuộm và lam lũ đó, sao xài nhạc chi buồn quá chừng vậy bác Hai. Ông già cười, nghe nhạc buồn để đi thấu đáy của buồn, cuối buồn là có thể bước qua vui. Ta không tin cái kiểu triết lý này, nhưng nếu đúng vậy, thì ông già kia hình như đã thấu qua được nỗi buồn, mưu sinh nhọc nhằn trên đôi chân mỏi mà ta luôn thấy ông cười móm mém, đôi lúc ông còn ư ử hát chơi.

Có thể ông già nói chơi thôi, ta tự nhủ. Nhưng bỗng dưng có cảm giác ngóng trông cái ‘phim” xe nước sâm vào những chiều nắng xế. Hay là ta cũng muốn thấu đáy nỗi buồn, chạm nóc nỗi buồn để tìm lại những ngày vui. Có thể ông già nói chơi thôi, hy vọng gì…

(Ảnh: Cao Anh Tuấn)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *