“Trong cái yên tĩnh tuyệt đối, tưởng mình có thể nhìn thấu lòng, thoải mái viết ra những cảm xúc đã được dồn nén…”
—
TUYỆT ĐỐI YÊN TĨNH
(Nguyễn Ngọc Tư)
.
Có cái gì đó thật bất thường, trong những ngày này. Mọi thứ bỗng ngưng đọng, bỗng chậm rãi như một thước phim quay chậm. Tôi mở cửa sổ, gió lùa vào thiu thỉu. Trang giấy trắng lơ phơ trên bàn cũng là một dấu hiệu không bình thường.
Ơ, chẳng phải mình đã từng ao ước có một chỗ yên tĩnh như thế này, ao ước đến cháy lòng sao. Chẳng phải mình đã quá phiền não với không khí ồn ả đến khê đặc của nhà mình sao, đã rêu rao “Tui mà kiếm được một chỗ vắng vẻ, tui viết cho thấy đẹp”.
Bây giờ thì thoả nguyện rồi, bây giờ thì chẳng ai quấy rối. Cũng phải tính toán vất vả lắm mới dứt bao nhiêu là mối lo, bao nhiêu là công việc chỉ để ra đây viết… tiểu thuyết. Vậy mà trang giấy vẫn kiên nhẫn trắng, tôi sốt ruột quá, ngơ ngẩn không hiểu vì sao không viết được dòng nào, chữ nào. Cái chỗ này đúng là chỗ viết văn đây, không khí quá phù hợp để những dòng văn chương chảy ra lai láng. Ngày đầu tôi sướng mê mụ đi, rối rít cảm ơn đứa bạn đã nhường cho một chỗ tuyệt vời. Đó là căn chòi nằm trên cánh đồng vắng ngắt, không một bóng người. Lâu lắm mới có tiếng gà gáy, nghe xa xắc, eo óc. Lâu lắm mới nghe tiếng trẻ nít gọi nhau ới lên một tiếng, rồi nín bặt. Lặng phắt. Chờ mãi chỉ nghe được tiếng con chim nào bay ngang hót vang. Nhưng đám chim cũng đi mất. Giữa cơn nín thở của đất trời, tưởng như nghe được tiếng thân cây nứt ra để nhú cành mới và con châu chấu nào đó nhảy chồm chồm trên bờ cỏ xanh rờn. Như có thể nghe kiến bò theo vách lá, và thằn lằn chạy cũng bắt… giật mình. Trong cái yên tĩnh tuyệt đối, tưởng mình có thể nhìn thấu lòng, thoải mái viết ra những cảm xúc đã được dồn nén. Vậy mà chẳng viết được, thiệt tức. Hôm thứ hai, lãng đãng trong căn chòi là cảm giác chờ đợi, nhớ tiếc, bồn chồn. Sang ngày thứ ba, nghe heo kêu éc lên mị trong vườn, tôi thấy mình… mừng húm, bỗng dưng.
Tôi hay nhìn về phía mặt trời, coi chỗ đứng của nó, và nhìn màu nắng, trong lòng day đi day lại cái câu, “giờ này ở nhà mình…”. Nằm giữa hừng đông, xốn xang nhớ, giờ này ở nhà mình, hai vợ chồng ông già mù bán vé số đã rao văng vẳng trên đường, thằng con lồm cồm ngồi dậy, rối rít, “thức dậy, mẹ ơi, bữa nay đi học hay đi ngoại?”. Rồi hàng xóm cũng thức, cửa sắt rít lên chói lói, có đứa con nít khóc nhoi. Chợ phường nằm bên kia đường, mấy chị bán cá tranh nhau níu kéo mời khách, bao nhiêu người là bấy nhiêu giọng, có ngọt có chua, có người nói nghe chói lói, ngồi ở nhà mà biết sáng nay chợ có cá gì. Cô bán cà phê bên nhà đập nước đá nghe giòn tan trong mớ âm thanh hỗn độn của xe cộ, tiếng động cơ xà quần với tiếng còi, bỗng tay chơi nào rú ga chiếc Su – sport, nghe tẹt tẹt như người ta xé vải. Chùng trong giây lát, mấy xe hàng rong lại lũ lượt đi qua mở nhạc bùng xoè.
Mặt trời đổi sắc, dòng âm thanh cũng biến chuyển. Giữa trưa thánh thót tiếng rao chè, nghe thích hơn ông bánh mì Sài Gòn chẳng bằng trắc gì cứ đều đều bắt buồn ngủ, lâu lâu nghe ông xe ôm kêu giựt giọng “Ê đi hôn…”, nhắm mắt, trùm tám lớp mền cũng thấy thằng cha đen nhẻm, với vẻ mặt chờ đợi và hy vọng, ngón tay trỏ hướng lên trời. Chợ bên ấy tan rồi, nghe lạc xạc tiếng chổi quét dọn, những thau chậu va vào nhau. Chiều xuống mau, thằng bé tật nguyền cầm xấp vé số ế trên tay khóc thút tha thút thít cuống quýt chạy qua. Tốp công chức đi làm về xuề xòa trong quán nhậu, đập khăn lốp bốp, giòn hơn cả tiếng vỏ chai bia rơi dưới đáy thùng. Và ngày tan mất, nhưng âm thanh cuộc sống chưa một phút ngừng. Cho dù chương trình trong ti vi đã hết, người hàng xóm đã tua mấy bận cuốn băng cassette Trường Vũ hát thiu thỉu, rền rền. Cho dù quán nhậu bên đường đã đóng cửa, xe cộ đã thưa. Ngủ một giấc, thức dậy đã nghe tiếng chổi quét đường xao xác, trẻ con lại khóc ré lên, đám cưới gần chơi vơi giọng đờn ca lẫn trong tiếng heo kêu hoeng hoéc. Cuộc sống dường như chưa bao giờ lặng tắt.
Lấy chồng bảy năm, bảy năm bỏ quê ra thành, bảy năm trôi trong dòng âm thanh hỗn độn, bảy năm thấy ngộp thở, bảy năm ao ước sự yên lặng, bảy năm nghĩ ở môi trường nào đó mình có thể viết hay hơn… Vậy mà giữa lúc thinh lặng trong căn chòi giữa đồng lại thấy trống vắng, nhạt nhẽo, thấy chới với như con cá bị bắt khỏi nước, thấy việc chui ra đây hơi bị… cầu kỳ. Con người ta đúng là hay đứng núi này trông núi nọ, nghĩ lại không biết chừng nào mình mới yêu quý, thoả mãn những cái mình có đây.
May nhờ có những ngày này, thênh thang giữa đồng khơi, mình với mình cun cút vắng tanh mới nhận ra việc chồng hiền, nhà xấu, nhà nghèo, hoàn cảnh chung quanh tác động chẳng ăn nhập gì với chuyện viết… dở. Dở là dở, chẳng tại ai hết…
(Ảnh: Hoàng Tước)