Sự cố “đôi giày đỏ” trong lịch sử châu Âu: 400 người không ngừng nhảy và chết đi vì kiệt sức không rõ nguyên nhân

1. TỪ TRUYỆN CỔ ANDERSEN

Karen là một cô gái nghèo đến độ phải đi chân đất và ước mơ lớn nhất của cô ta là một đôi giày. Một hôm có một bà lão tặng cho cô một đôi giày màu đỏ cũ, Karen vui lắm và muốn đem đi khoe với tất cả mọi người.

Ngày hôm sau, mẹ của Karen mất, cô bé vô cùng buồn khổ. Động lòng thương trước gia cảnh của Karen, một bà lão nhận nuôi cô. Bà chăm sóc cô, cho cô học hành… Tuy nhiên, bà dặn dò cô rằng: “Con không được mang đôi giày này tới nhà thờ” bởi điều đó thể hiện cho sự cao ngạo, thiếu tôn trọng.

Karen bỏ qua lời căn dặn, cô bé vẫn đi đôi giày tới buổi cầu nguyện. Tại đó, cô được một người lạ mặt nhắc nhở một câu tương tự. Thế nhưng cô bé bướng bỉnh không khá hơn, vẫn thách thức tất cả khi tiếp tục mang đôi giày ấy tới nhà thờ trong những tuần tiếp theo.

Một hôm nọ, chuyện kỳ lạ xảy ra, khi vừa ra khỏi nhà thờ, đôi giày của Karen bỗng nhảy múa. Đôi giày ma quái kéo cô gái tội nghiệp qua rừng sâu, hang đá, con suối… Khi đã quá đau đớn, Karen đã cầu xin một tay đao phủ chặt đi đôi chân của cô ta. Sau khi bị chặt chân, đôi chân vẫn tiếp tục quay cuồng mang theo đôi giày đỏ, chạy thẳng vào rừng.

Quá hối hận, Karen cố đến nhà thờ để ăn năn cầu mong Thiên Chúa tha thứ vì tính ngạo mạn, ngang bướng của mình. Từ đó, Karen trở nên trầm tính và luôn khuyên nhủ những đứa bé tránh xa những thói xấu.

Có dị bản ghi lại rằng, cô vẫn luôn cầu nguyện, những giọt nước mắt đã làm cho thiên thần động lòng. Thiên thần xuất hiện nói với cô rằng, Thượng đế đã xá tội cho cô. Cô vô cùng vui sướng và linh hồn Karen bay lên thiên đường.

2. ĐẾN THẢM HỌA KINH HOÀNG

Vào mùa hè năm 1518, tại Strasbourg của châu Âu (nay là Pháp), một người phụ nữ tên là Lophia bất ngờ nhảy múa trên đường trở về nhà sau khi đi mua thức ăn ở chợ, thu hút vô số người xem.

Khi đến gần, mọi người thấy Lophia nhảy rất sung sướng, giống như lạc vào thế giới của riêng mình, hoàn toàn không để ý tới những người xung quanh. Cô nhảy từ ban ngày đến đêm, cho đến khi ngã xuống đất, cơ thể của cô vẫn còn động đậy theo một điệu nhảy như thể bị điều khiển bởi một lực lượng siêu nhiên nào đó không xác định.

Sau đó, những người nhảy như Lophia lần lượt xuất hiện, chỉ trong một tháng đã có 400 người như vậy xuất hiện ở Strasbourg. Ban đầu những người cai trị Strasbourg nghĩ rằng họ đã bị tà ma nhập và nhốt họ trong tu viện.

Ít lâu sau khi sự việc được lắng xuống, một số bản làng xa xôi cũng xảy ra trường hợp như vậy. Sau bữa trưa, một người phụ nữ tên Frau bất ngờ chạy xuống ruộng và nhảy múa, thu hút nhiều người dân trong làng đến xem.

Hai tiếng sau, cô vẫn tiếp tục nhảy, lúc này trưởng làng nhận thấy có gì đó không ổn nên kêu mọi người tiến lên xem xét. Ngay cả khi không còn thở nữa, gương mặt cô vẫn ngập tràn niềm vui sướng.

Cũng giống như câu chuyện trước, lần này lại xuất hiện những người nhảy múa liên tục. Một số cho rằng ai đó đã xúc phạm đến quỷ thần. Những bác sĩ trong vùng cũng không thể lý giải được hiện tượng này.

Tuy nhiên, với khoa học kỹ thuật tiên tiến hiện đại, các nhà khoa học đã nghiên cứu sâu hơn về sự việc này, cho rằng các nạn nhân đã bị nhiễm một loại vi khuẩn có khả năng kích thích não và tiểu não của con người, khiến thần kinh của nạn nhân bị hưng phấn quá mức. Một ý kiến khác cho rằng đây là hiện tượng ngộ độc thực phẩm.

Mặc dù thế, cho đến ngày nay, nguyên nhân của sự cố 400 người “đi giày đỏ” vẫn còn chưa được giải đáp thỏa đáng.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *