1. Nằm nghĩ mãi trời cũng sáng, thật thương cho mọi người thật thương cho chính mình. Mấy nghìn năm mơ mộng, bàn tay ta làm nên tất cả rồi cải tạo tự nhiên, uốn dòng chảy sông, lấn biển làm nhà…. Loài người vĩnh viễn đắm chìm trong ảo tưởng, hệt như cậu bé biết xếp logo rồi tin rằng mình sẽ sắp xếp được thế giới.
Chúng ta ở trọ nơi này – tức trái đất – chúng ta chưa bao giờ là chủ nơi này. Thời gian ở trọ dài hay ngắn tuỳ thuộc vào bạn, trái đất là một ông chủ nhà trọ rất dân chơi. Thi thoảng một nhóm người ở trọ hiềm khích mang vũ khí hạt nhân ra quánh lộn, khiến dãy nhà trọ bị hư hại một phần, ông chủ nhà trọ vẫn thản nhiên coi như không.
Một cơn covid – cho chúng ta thấy – sự nhỏ bé và yếu đuối của chính mình. Tất cả các quốc gia đều run rẩy, từ những gã khổng lồ đến những người nghèo đói, đều như nhau trong bối cảnh này. Người Châu Âu không mang khẩu trang đi xem Euro vừa rồi cũng đâu khác người Việt đi xem V-League trước đó là mấy.
Trạng thái đang tự do bay nhảy đi lại đến co cụm đóng cửa nhà là rất gần. Thậm chí, là chỉ qua một đêm.
Năm xưa đọc rồi nghĩ, ngày mai luôn là một ngày khác. Nay, thì đúng như vậy rồi. Không ai dám chắc sau một đêm ngủ dậy sẽ không căng dây. Đã bắt đầu có nhiều hơn những người thân, những người mình biết trở thành F0. Có người, vẫn phải ở nhà chờ sự giúp đỡ của các nhân viên y tế, dẫu đã F0.
2. Những năm tháng tươi đẹp của chúng ta đã qua rồi, vĩnh viễn dừng lại ở tháng 10-2019, khi mà virus Corona vẫn chưa biến Vũ Hán thành điểm dịch đầu tiên của thế giới.
Chúng ta đọc lịch sử, chúng ta hiểu một cách tương đối những chặng đường mà con người đi qua. Lửa, đá, đồng, vua, tổng thống… những hình thái xã hội mới, những lựa chọn mới.
Có lẽ, mấy nghìn rồi mấy trăm năm trước tiền nhân cũng có khao khát như chúng ta. Khao khát trở về một cuộc sống bình thường mà họ vốn quen thuộc. Nhưng, niềm mơ ước của đám đông chưa bao giờ là điểm tựa để hiện thực hiện hữu.
Thế nên, chúng ta buộc phải chấp nhận, thế giới đã thay đổi, chúng ta phải khác đi.
Có phải bây giờ, chúng ta sợ khi thấy một ai đó quên đeo khẩu trang trên phố?!
Có phải bây giờ, chúng ta sợ khi thấy những nhân viên y tế xuất hiện trong bộ đồ kín mít xanh phơn phớt.
Có phải bây giờ, chúng ta cảm thấy khuôn mặt mình trống trơn mỗi lúc khoá cửa ngoài, trống đến mức phải đeo vào một cái khẩu trang.
Có phải bây giờ, chúng ta lục tìm khẩu trang rồi mới tìm đến điện thoại, ví, chìa khoá xe mỗi lần có việc cần thiết phải ra ngoài.
Rất buồn bã nhưng phải thừa nhận, những tháng ngày êm đẹp đã qua đi rồi.
3. Chúng ta đang chìm trong đại dịch, vượt ra khỏi đại dịch chúng ta lại phải bắt đầu kiến thiết, tái thiết lại cuộc sống. Đó là quãng thời gian không hề dễ dàng gì, nhất là những thay đổi sinh hoạt, cắt giảm chi tiêu… Thậm chí, phải từ bỏ những mối quan hệ hoặc sắp xếp lại các mối quan hệ.
Đó là thời điểm, mỗi cá nhân cần phải tự xoay sở rất nhiều để điều chỉnh mình lẫn gia đình sao cho phù hợp nhất, không thể khác được, bởi chúng ta sẽ đón chào một giai đoạn sống khác của loài người.
Những ông quý tộc già mơ mộng vàng son ảo tưởng, những bà mệnh phụ hoài cổ… mà chúng ta hay xem trong phim ảnh hoặc đọc sẽ là chúng ta nếu chúng ta không thay đổi.
Chúng ta rất không muốn – nhưng biết sao được khi lịch sử lựa chọn chúng ta là những người chứng kiến.
Chi tiêu tiết kiệm hết mức có thể, cố gắng dành dụm để chờ ngày mai, là điều rất nên làm trong bối cảnh này.
4. Điều tốt nhất luôn ở tương lai và điều không tốt cũng vậy.
Ý thức được mình, ý thức được thế giới xung quanh, cũng là những bước chuẩn bị cần thiết.
Chúng ta chỉ có thể an toàn khi biết nguồn gốc của virus, biết được nguồn gốc thì mới có vaccine và thuốc điều trị hữu hiệu.
Còn hiện tại, vẫn là những giải pháp tình thế.
NGÔ NGUYỆT HỮU
Ảnh: “Mặt trời Cô-Vít” ám trong tim – sáng tác của hoạ sĩ Hoa Kỳ Randall Enos