NGHĨ LỚN QUA CÁC GÓC NHÌN VĨ MÔ

Khi hiểu được các mối tương tác trong xã hội, một người sẽ nhanh chóng hiểu được vị trí của mình trong xã hội, cũng như vạch ra được hướng đi phù hợp của mình trong xã hội đó. 

“Nghĩ lớn” có lẽ không còn là khái niệm “hot” nữa cho nên gần đây mình theo dõi báo chí thấy ít được nhắc đến. Thời Việt Nam mới hội nhập khi vào được WTO, cụm từ “nghĩ lớn” được dùng nhiều trên truyền thông và hay đi kèm với hình ảnh so sánh “con thuyền nhỏ của Việt Nam vươn ra biển lớn”. 

Mình gần đây mới bắt đầu suy nghĩ về thế nào là nghĩ lớn, làm sao để đạt được đến trình độ gọi là “có tầm nhìn” và “suy nghĩ chiến lược”. Có được những điều đó, một người có thể hiểu được xã hội và môi trường mình đang sống, từ đó vạch ra được các bước đi tiếp theo cho mình. Mình nghĩ rằng để nghĩ lớn, một người cần rèn luyện để có thể nhìn xã hội dước góc độ vĩ mô. Bài viết này sẽ giải thích tại sao.

Chúng ta biết rằng hiện nay nạn săn bắn lấy sừng tê giác hay ngà voi diễn ra rất nghiêm trọng và đang đẩy hai giống loài này đến con đường tuyệt chủng. Ở Việt Nam, tê giác một sừng đã chính thức tuyệt chủng vào năm 2011. Nạn săn bắn ngà voi cũng gây ra thảm cảnh tương tự cho loài voi, khi làm giảm dân số loài này trên toàn cầu từ mức vài triệu cá thể hồi đầu thế kỷ 20 xuống còn khoảng 450,000 – 700,000 vào đầu thế kỷ 21.

Các chính phủ đã làm gì để ngăn chặn điều này? 

Ngoài việc lập ra các đội bảo vệ động vật hoang dã và giáo dục người dân, chính phủ rất quyết liệt trong việc tịch thu hàng hóa của dân buôn sừng tê giác, ngà voi. Sau khi bị tịch thu, số hàng này sẽ bị tiêu hủy trước sự chứng kiến của công chúng để giúp phát đi tín hiệu mạnh mẽ cho việc phản đối việc tiêu thụ những hàng hóa này. Đó là một hành động đánh vào ý thức cũng như tinh thần đạo đức của người dân.

Tuy vậy Jean Tirole tranh luận rằng ngoài ý thức và tinh thần đạo đức, con người còn bị chi phối bởi các động cơ. Chính sách ở trên không hiệu quả, với bằng chứng là nạn săn bắn tê giác và voi vẫn không giảm, là vì nó không đánh thẳng vào động cơ của những người tham gia vào đường dây săn bắn và tiêu thụ sản phẩm này: TIỀN.

Các nhà kinh tế học đã nghiên cứu và tìm ra một giải pháp họ tin rất hiệu quả nhưng sẽ chẳng chính phủ nào dùng. Giải pháp đó là: bán phá giá sừng tê giác và ngà voi trên thị trường thay vì tiêu hủy chúng.

Như đã nói ở trên, động cơ đẩy những kẻ tham gia vào đường dây buôn lậu sừng tê giác và ngà voi là vì họ sẽ thu được rất rất nhiều tiền. Nếu chính phủ thay vì tịch thu mà cứ bán ra thị trường hàng trăm tấn sừng tê giác và ngà voi bị tịch thu, khiến cho nhà nhà ai cũng mua được, ai cũng có thể sở hữu những món hàng xa xỉ này, thì giá của chúng sẽ rớt thê thảm. Sẽ chẳng còn ai muốn duy trì một đường dây buôn bán sừng tê giác rất mắc tiền từ châu Phi qua châu Á khi mà giá các mặt hàng đã giảm gấp 20, 30 lần. 

Ngoài ra, lý do thứ hai cho việc ủng hộ chính sách này là việc những người dân thu nhập thấp cũng có thể mua được ngà voi và sừng tê giác khiến chúng từ hàng xa xỉ bỗng chốc trở thành “bình dân” và những lão trọc phú sẽ chẳng còn thích theo đuổi sở thích đó nữa. 

Và lý do thứ ba, những cơ quan chống buôn lậu, bảo vệ động vật hoang dã sẽ có thêm tiền để tăng lương cho cán bộ, từ đó giúp cán bộ có đời sống vật chất tốt hơn để làm việc hiệu quả hơn.

Nhưng đây là chính sách bất khả thi. Lý do là vì người dân hiện giờ sẽ không chấp nhận điều đó. Hãy tưởng tượng bạn đọc báo Vietnamnet và thấy tựa đề (hay chúng ta gọi là “giật tít”):

“Tịch thu sừng tê giác, ngà voi buôn lậu xong bán cho dân!!!”

Bạn hãy tưởng tượng cuộc tranh cãi trên mạng xã hội và ngoài đời sẽ diễn ra dữ dội như thế nào. Rồi các trang mạng xã hội sẽ bóp méo tin tức và truyền tải thông điệp bị bóp méo ra sao. Trong đời sống hằng ngày chúng ta gọi hành động đó là đạo đức giả, nghĩa là một mặt một người chỉ trích hành động nào đó, nhưng mặt khác anh ta âm thầm thực hiện các hành động đó. Sẽ có những tiếng la ó, giễu cợt về chính phủ xấu xa, chính phủ đạo đức giả, chính phủ là băng đảng tội phạm có tổ chức. 

Cái rủi ro với hình ảnh chính phủ là quá lớn để họ chấp nhận thực hiện chính sách nêu trên, và các nhà kinh tế học cũng biết điều đó. 

Dưới góc độ cá nhân, chúng ta dễ dàng quy chụp các hiện tượng, vấn đề mà không hiểu bản chất của nó.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *