Bổ sung Loại PG vào mức “Phân loại phim” theo độ tuổi; Phim truyền hình cũng phải phân loại phim?! – Điểm mới trong Dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi

Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) thay thế Luật Điện ảnh 2006 (sửa đổi 2009) đã khá lỗi thời dự kiến sẽ được đưa ra bàn luận tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa 15 (10/2021) và được thông qua vào Kỳ họp thứ 3. Dự thảo Luật mới được Chính phủ kỳ vọng sẽ tạo sức bật cho nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam phát triển. Trong đó có 1 số điểm mới đáng chú ý:

BỔ SUNG CẤP PHÂN LOẠI PHIM MỚI “LOẠI PG”

Hiện nay, ở Việt Nam từ 2017 đang áp dụng hệ thống phân loại phim 4 mức theo Quy định của Cục Điện ảnh là: PC13C16 và C18. Theo Dự thảo Luật Điện ảnh mới quy định tại Điều 27 Chương IV, các mức phân loại độ tuổi phổ biến phim sắp tới sẽ gồm 6 mức:

  • P: Phổ biến mọi đối tượng
  • PG (mới): Cho phép trẻ dưới 13 được xem phim C13 với điều kiện đi cùng cha, mẹ / người giám hộ
  • C13: Cấm dưới 13
  • C16: Cấm dưới 16
  • C18: Cấm dưới 18
  • C: Cấm mọi đối tượng

Cuối năm ngoái 2020 trong buổi lấy ý kiến của Bộ VHTTDL, từng có kiến nghị bổ sung thêm mức phân loại C21: Cấm dưới 21 tuổi nữa. Tuy nhiên bản Dự thảo mới ko thấy có.

PHIM TRUYỀN HÌNH CŨNG PHẢI “PHÂN LOẠI ĐỘ TUỔI”?

Ngoài mảng Phim điện ảnh đã nói trên, Điều 18 về “Phổ biến phim trên hệ thống truyền hình” trong Dự thảo Luật điện ảnh lần này cũng có bổ sung thêm quy định so với Luật điện ảnh 2006 cũ:

“Phải có cảnh báo và hiển thị mức phân loại phổ biến phim”

Điều này cũng không phải quá mới mẻ. Nếu ai đã từng cày khá nhiều các bộ phim drama Hàn Quốc thì đều sẽ để ý thấy, đầu các tập phim ở bất kỳ đài nào họ cũng đều có hiển thị khung hình “15 세…” (C15) khuyến nghị các bố mẹ nên cân nhắc cho bé dưới 15 tuổi. Quy định này nếu được thông qua ở Việt Nam sẽ giúp cho việc trẻ nhỏ không còn dễ dàng tự ý xem những bộ phim nhạy cảm như: “Quỳnh Búp Bê” về đề tài gái ngành hay “Người Phán Xử” về đề tài giang hồ… (dĩ nhiên nó vẫn chỉ mang tính khuyến cáo, phần lớn vẫn nằm ở các bố mẹ).

NGOÀI 2 ĐIỂM TRÊN, DỰ THẢO LUẬT ĐIỆN ẢNH SẮP TỚI CŨNG CÓ NHIỀU ĐIỂM CHÚ Ý KHÁC, NHƯ:

(1.) Điều 19. Phổ biến phim trên không gian mạng quy định các phim được phổ biến trên Internet:

  • Cũng phải có cảnh báo và hiển thị mức phân loại phổ biến phim
  • Và các Doanh nghiệp nước ngoài hoạt động phổ biến phim trên Internet tại Việt Nam phải đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam.

Các nền tảng video trực tuyến OTT hiện nay ngày càng nổi như: Netflix, Amazon, Iqiyi, WeTV, Mango…. thu hút số lượng người xem phim trực tuyến đang dần áp đảo hơn hẳn các loại hình truyền thống. Các nền tảng trên đều đang kinh doanh khá ổn từ người dùng Việt thông qua việc bán các gói cước. Nhưng có điểm bất cập là đều không hề đóng thuế cho nhà nước Việt Nam. Quy định mới này nếu được thông qua thì những nền tảng này để chính thức được vào Việt Nam đều cần phải có chi nhánh hoặc VPĐD.

(2.) Phân cấp việc Cấp phép phổ biến & phân loại phim xuống cho các Tỉnh và Cơ quan báo chí.

Việc thẩm định & cấp giấy phép Phim sẽ được phân cấp mạnh mẽ hơn xuống địa phương. Hoạt động cấp Giấy phép phổ biến & phân loại phim (gồm cả phim tự làm lẫn phim nhập) thay vì đều thuộc về Bộ VHTTDL thì sẽ được phân cấp cho cả UBND các tỉnh và các Cơ quan báo chí quyết định.

(3.) Quy định về việc Phổ biến phim tại các địa điểm công cộng: Ngoài trời, Nhà hàng, Khách sạn, Cửa hàng, Cửa hiệu, Quán giải khát, Khu vui chơi, Trung tâm thương mại, Nhà văn hóa, Sân vận động…

Các địa điểm công cộng này “Chỉ được phổ biến phim được cấp Giấy phép phổ biến & phân loại phim, hoặc được biên tập bởi các Cơ quan báo chí có giấy phép” và cần “Thông báo bằng văn bản tới địa phương trước thời điểm tổ chức ít nhất 10 ngày làm việc”. Điều này cũng tức là các quán ‘Cafe chiếu phim’ tổ chức chiếu công cộng những bộ phim CẤM / chưa được cấp phép (ví dụ như Bụi Đời Chợ Lớn) hoàn toàn có thể vi phạm pháp luật.

(4.) Thành lập “Quỹ Hỗ Trợ Phát Triển Điện Ảnh”

Thực ra “Quỹ Hỗ Trợ Phát Triển Điện Ảnh” đã được nhắc đến sơ sài trong Luật Điển ảnh cũ 2006-2009, tuy nhiên trải qua 15 năm nó vẫn chỉ nằm trên… giấy; Quỹ chưa hề được thành lập và cũng chưa từng có bộ phim nào được tài trợ. Đến mức, các báo như Báo Văn Hóa điện tử, Đại Đoàn Kết, Lao Động… cũng phải lên bài. Dự thảo Luật Điện ảnh mới lần này đã dành hẳn 1 Mục với 3 Điều quy định cụ thể hơn về: nguồn thu, mục đích & nguyên tắc hoạt động của Quỹ. Trong đó quy định:

  • Là quỹ ngoài ngân sách, có tư cách pháp nhân, con dấu, tài khoản riêng & được miễn thuế, khoản nộp ngân sách.
  • Nguồn thu của Quỹ đến từ: Vốn điều lệ do ngân sách cấp. Phần trăm trên tổng thuế VAT thu được từ các hoạt động kinh doanh điện ảnh. Tiền phát hành các phim sử dụng ngân sách để sản xuất & Tiền tài trợ từ các DN, tổ chức, cá nhân cả trong & ngoài nước.
  • Đối tượng hỗ trợPhim thể nghiệm, phim đầu tay của tác giả trẻ. Tác phẩm tiếp theo của những NSX / Đạo diễn mà có phim đạt hiệu quả cao, có giá trị tư tưởng nghệ thuật. Các hoạt động quảng bá phổ biến phim Việt trong & ngoài nước. Đào tạo bồi dưỡng các nhân lực trẻ.

(5.) Lần đầu đưa ra khái niệm “Công nghiệp điện ảnh” và chủ trương “Xây dựng nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và hội nhập quốc tế”Điều 37 cũng quy định khuyến khích các đoàn làm phim nước ngoài hợp tác sản xuất phim tại Việt Nam và sẽ được hưởng ưu đãi về: thuế xuất nhập khẩu thiết bị, máy móc phục vụ hoạt động sản xuất.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *