Ngôi đền Hindu cổ đại đã tồn tại tới 1200 năm, toàn bộ ngôi đền có diện tích lớn gấp đôi đền Parthenon của Hy Lạp.
Đền Kailasa ở Maharashtra, Ấn Độ là công trình kiến trúc nguyên khối lớn nhất thế giới được chạm khắc hoàn toàn thủ công từ một tảng đá duy nhất. Đây được đánh giá là một trong những công trình đáng kinh ngạc nhất trong lịch sử kiến trúc.
Đền Kailasa là công trình thứ 16 trong quần thể 34 tu viện và đền thờ thuộc hang động Ellora, nằm trong các vách đá ở Aurangabad, Maharashtra, Ấn Độ. Quần thể công trình này được đào cạnh nhau trong khu vực 2 km của một vách đá bazan ở thung lũng Sahyadari.
Ngôi đền được xây dựng để thờ phụng thần Shiva mang phong cách Pallava và có nét tương đồng với kiến trúc Dravidian. Nơi đây được bắt đầu xây dựng vào thế kỷ thứ 8 bởi vua Rashtrakuta Krishna I. Theo các nhà khảo cổ học, để hoàn thành được công trình này, đã có hơn 400.000 tấn đất đá được đẽo gọt và vận chuyển đi nơi khác. Rất có thể những người cổ đại với những công cụ lao động thô sơ đã phải mất tới hàng thế kỷ mới có thể hoàn thành được công trình vĩ đại này. Người ta vẫn chưa thể lý giải được làm cách nào mà người cổ đại có thể tách được những tảng đá khổng lồ ra khỏi ngọn núi đá cao hơn 30 mét với một tỉ lệ hoàn hảo đến vậy.
L.A (Theo Mysteryofindia)