CHÍNH SÁCH TIỀN TỆ ĐÀNG TRONG VÀ NHỮNG MẦMMỐNG SỤP ĐỔ

CHÍNH SÁCH TIỀN TỆ ĐÀNG TRONG VÀ NHỮNG MẦMMỐNG SỤP ĐỔ

CHÍNH SÁCH TIỀN TỆ ĐÀNG TRONG VÀ NHỮNG MẦM
MỐNG SỤP ĐỔ
Từ trước đến nay, vũ lực vẫn thường được coi là nhân tố chính quyết định kết quả chiến tranh thời cổ đại, tức là quân đội hai bên lao vào nhau giao chiến mà thôi, nhưng thực ra không hẳn như vậy. Chiến tranh thời xưa cũng dùng cả quyền lực mềm, dùng tác động kinh tế để đánh bại đối phương. Điều tưởng chừng chỉ có ở thời hiện đại ấy đã từng xảy ra tại Việt Nam vào nửa cuối thế kỷ XVIII; và thậm chí quyền lực mềm cộng với ảnh hưởng kinh tế
còn là căn nguyên dẫn tới cuộc khởi nghĩa của Tây Sơn chống lại Chúa Nguyễn.
Những người đọc Sử hầu như đều biết cuộc chiến Đàng Trong và Đàng Ngoài, đây là cuộc nội chiến dai dẳng nhất trong lịch sử Việt Nam thậm chí còn dẫn đến ý thức hệ Đàng Trong là một quốc gia riêng biệt và tách ra khỏi Đàng Ngoài dưới sự kiểm soát của Vua Lê – Chúa Trịnh.
Chúa Nguyễn, mà tiên khởi là Nguyễn Hoàng, vì để tránh sự truy sát của ông anh rể quý hóa họ Trịnh mà phải bôn tẩu về miền biên viễn trấn thủ đất Thuận-hóa. Từ đấy, lấy sông Gianh làm ranh giới chia thành 2 miền Nam Hà và Bắc Hà, cùng nhau trải qua hơn 200 năm nắm quyền cũng như mở rộng bờ cõi và củng cố quyền lực.
Nam Hà và Bắc Hà sau này lại quy về một mối với sự tiếp nối của nhà Nguyễn. Dấu gạch nối để thống nhất thành một thể là cuộc khởi nghĩa của nhà Tây Sơn, với thiên tài quân sự Nguyễn Huệ cùng các chiến công đánh đuổi quân Xiêm, đánh bại nhà Thanh (chính là Càn Long Đại Đế bố củaNgũ A Ca).
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến một cuộc khởi nghĩa và nổi dậy chống chính quyền, chẳng hạn như sưu cao thuế nặng, mất mùa đói kém, tham nhũng quan liêu, dột từ nóc dột xuống… Khởi nghĩa Tây Sơn cũng không nằm ngoài những nguyên nhân đó.
Nhưng một trong những vấn đề trực tiếp dẫn đến việc làm cho nền kinh tế suy thoái, thóc cao gạo kém chính là chính sách tiền tệ không được kiểm soát chặt chẽ kết hợp với sự chuyên quyền và quản lý yếu kém. Trong bối cảnh đó, cách mạng là điều tất yếu. Mọi sự có lẽ bắt đầu từ năm 1746 dưới thời của vị Chúa thứ 8 thuộc dòng họ Nguyễn.
1 – TIỀN ĐỒNG, TIỀN KẼM VÀ LẠM PHÁT Ở
ĐÀNG TRONG
Năm 1746, Chúa Nguyễn Phúc Khoát đề ra chính sách đúc tiền mới nhằm thay thế tiền Đồng do việc nhập đồng từ Trung Hoa và Nhật Bản bị sụt giảm nghiêm trọng.
Đại Nam Thực Lục chép: “[1746] Bắt đầu đúc tiền kẽm trắng. Trước là Túc tông sai đúc tiền đồng, sở phí rất nhiều mà dân gian lại nhiều người phá để làm đồ dùng, số tiền đồng ngày thêm hao giảm. Đến đây người nước Thanh là họ Hoàng (không rõ tên) xin mua kẽm trắng của Tây để đúc tiền cho rộng việc tiêu dùng. Chúa nghe lời, mở cục đúc tiền ở Lương Quán. Vành tiền và giữ để theo thể thức tiền Tường Phù nhà Tống. Lại nghiêm cấm đúc riêng. Từ đó tiền của lưu thông, công tư đều tiện. Sau lại đúc thêm tiền Thiên Minh thông bảo, pha lẫn kẽm xanh, vành lại mỏng, vật giá vì đó vụt cao lên.”
Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quý Đôn chép: “Hai xứ Thuận
Quảng không có mỏ đồng. Nước Nhật-bản thổ sản đồng đỏ. Mỗi năm có tầu người Nhật đến, họ Nguyễn mua mỗi 100 cân đồng giá cổ tiền (tiền cũ) 45 quan. Còn tầu ở các nơi Thượng-hải, Phúc-kiến, Quảng-đông chở đồng đến đều phải khai báo, sau khi nhà nước đã mua rồi, mới được phép bán cho nguời tư nhân. Thứ tiền Khai-nguyên về đời Đường và thứ tiền Thuần-hóa và thứ tiền Tường-phù về đời Tống đều đúc bằng thứ đồng tốt, chôn xuống đất cũng không nát. Thứ tiền về đời Tống phần nhiều là chữ ngự thự (chữ nhà vua viết). Truớc năm Canh-Thân, thứ tiền ấy còn lưu hành ở 4 trấn, nhưng từ năm Quý Hợi [1743] và Giáp Tý [1744] thì thấy ít dần dần không rõ vì duyên cớ gì mà thứ tiền ấy lại ít đi như thế. Năm Giáp Ngọ, quân nhà vua vào Thuận-hóa, tịch thu ở kho được hơn 30 vạn quan đều là hạng tiền tốt (tiền ấy xâu bằng lạt mây). Hạng tiền ấy do từ truớc các tầu buôn mang đến. Nay nguời Nghệ-an gọi là “tiền cái” không tiêu dùng. Nguời ở Thuận-hóa cũng theo mà không tiêu. Thế thì chả phải là ngu lắm sao ? Khi ấy họ Mạc đúc tiền “tiêu
gián” có đề chữ “Thái bình an pháp”, tiền ấy thuờng mang trộm vào Thuận-hóa. Họ Nguyễn theo hình dáng ấy đúc tiền “tiêu gián” cũng đề chữ “Thái bình” hiện nay cũng còn thấy 5, 3 đồng ấy ở trong dân gian, cứ 3 đồng tiền ấy ăn 1 đồng tiền thường dùng”
“Họ Nguyễn vẫn tiêu tiền cũ là thứ tiền Khang-hy. Những dân tham lợi thường phá hủy tiền ấy để làm đồ dùng, cho nên tiền ấy càng ngày càng hiếm. Đời Nguyễn-phúc-Chu có đúc tiền đồng, nhưng phí tổn quá nhiều. Đời Nguyễn-phúc-Khoát nghe lời người Khách họ Hoàng mua á diên của nguời Hòa-lan để đúc tiền, mở trường đúc tiền ở làng Lương-quán, cứ 100 cân á diên giá là 8 quan thì đúc được 20 quan tiền (đó là đã trừ phí tổn công người đúc vàtiền củi lửa). Khuôn khổ và hình dáng theo như tiền Tường-phù đời Tống. Khi mới đúc, rất dầy và bền, đem đốt cũng không gẫy được. Lại cấm đúc riêng, công và tư
tiêu dùng rất tiện. Thứ tiền đồng ấy chứa để trong kho, không tiêu dùng ra ngoài. Lâu ngày, những kẻ có quyền thế xin mở lò, đến hơn 100 lò đúc, tiền ấy gọi là ‘Thiên minh thông bảo’, nấu lẫn thứ thiếc xấu, ngày càng nhỏ và mỏng, nhân dân chê thứ tiền ấy không mua bán được. Trước kia 1 đồng tiền kẽm ăn một đồng tiền đồng, đến đây 3 đồng tiền kẽm ăn 1 đồng tiền đồng mà còn bị từ chối không chịu tiêu. Các tầu buôn nước ngoài cũng không nhận tiền ấy. Người ta mua gạo và muối bằng cách đổi hàng hóa và vàng bạc. Các nhà giầu không ai chịu bán thóc gạo để lấy tiền ấy, thành thử giá gạo vọt lên cao.”
Trong cuốn Việt Nam – Lịch sử thời Tây
Sơn của sử gia Tạ Chí Đại Trường có đoạn như sau: “An ninh không được chính quyền lưu tâm, trộm cướp tha hồ hoành hành. Rồi đói khổ, mất mùa càng làm cho dân chúng cùng quẫn. Chưa phải những trận đói kinh hồn của Cương mục, Thục lục tả vắn tắt, của các giáo sĩ ở Huế, Quảng Nam kể tỉ mỉ vào cuối năm 1774, đầu
1775. Đó là hậu quả của chiến tranh hơn là nguyên nhân của chiến tranh. Đói kém bắt đầu từ năm 1768 vì một sự sai lầm về chính sách tiền tệ: tiền kẽm được tha hồ đúc từ vua chí dân gây nên một tình trạng lạm phát khiến dân chúng mất tin tưởng, đua nhau với đám đúc tiền lậu mua lúa tích trữ, trong khi nhà giàu không dám tung gạo ra. Tệ trạng ấy kéo dài từ Phú Xuân đến Ba Thắc trong cả những năm không mất mùa [38]. Lại thêm tham vọng của Mạc Thiên Tứ,vùng Hà Tiên phải lâm vào cảnh chiến tranh với Xiêm, ảnh hưởng đến tình trạng sản xuất của một vùng vốn được coi là ‘vựa lúa của quốc gia”.
Trong cuốn Cuộc nổi dậy của nhà Tây Sơn,
George Dutton cũng có những nhận định về việc thay đổi chính sách tiền tệ của Chúa Nguyễn đã gây ảnh hưởng như thế nào tới đời sống của nhân dân: “Không có mỏ đồng riêng, các Chúa Nguyễn phải lệ thuộc vào kim loại nhập khẩu, và vào đầu thế kỷ XVII, khi giá trị tiền đồng ở Nhật Bản và Trung Quốc tăng lên, lượng tiền đồng ở Đàng Trong giảm đi rất nhiều. Cuối cùng, họ chỉ chọn một bước đi là nhắm vào đồng tiền của riêng mình, song đúc bằng kẽm thay vì bằng đồng, một sự thay đổi dẫn đến một loạt vấn đề mới. Để chuyển sang một kim loại mới, các Chúa Nguyễn muốn rằng tiền kẽm phải ngang giá với tiền đồng. Tuy nhiên, hình như đa số người dân chống lại đòi hỏi đó. Nhiều người thích tích trữ lúa gạo hơn là bán lấy tiền kẽm, và giá gạo tăng lên khi nguồn cung cấp giảm xuống, dẫn đến tình trạng thiếu lương thực một số nơi.”
Chúng ta thấy gì qua bốn đoạn trích trên?
Thứ nhất, việc đổi tiền Đồng qua tiền Kẽm trong khoảng thời gian đầu năm 1746 là do nguồn cung về đồng bị sụt giảm nghiêm trọng, lượng nhập khẩu đồng đã ngày càng thiếu hụt mà dân thì lại còn phá tiền để đem đi nấu làm đồ dùng (bằng đồng). Trong tình cảnh đó, việc cho đúc tiền Kẽm là đúng đắn, với mục tiêu nhằm giảm tải cho nhu cầu về đồng đang quá lớn.
Thứ hai, tiền Kẽm trắng ban đầu (được đúc theo đề xuất của kẻ họ Hoàng, người Thanh) không gây nên xáo trộn quá lớn. Chúa Nguyễn lúc này mặc dù đã tăng lượng tiền lưu thông trên thị trường nhưng tác động của chính sách này vẫn trong mức chấp nhận được. Lí do là (i) Khuôn khổ và hình dáng theo như tiền Tường-phù đời Tống,
tiền Kẽm trắng này lại “rất dầy và bền, đem đốt cũng không gẫy được”
=> Tạo cho người dân cảm giác tin tưởng để tiêu dùng nó; (ii) Chúa Nguyễn “cấm đúc riêng”, kiểm soát tuyệt đối lượng tiền mới được phát hành; (iii) Lượng tiền mới xuất hiện trên thị trường không quá nhiều (cứ bỏ ra 8 quan tiền đồng để mua kẽm, cộng chi phí nhân công, củi lửa thì đúc được 20 quan tiền kẽm – trong khi tỷ giá quy đổi là 1 đồng tiền kẽm ăn một đồng tiền đồng => Tính ra lượng tiền trên thị trường bằng (20-8)/8 = 150% lượng tiền ban đầu).
Nếu như lí do (ii), (iii) là để cho vật giá không leo thang quá nhanh, giúp thị trường từ từ thích ứng với tiền mới, các loại sản phẩm tự tìm được điểm cân bằng mới về giá; thì lí do (i) lại thúc đẩy đồng tiền kẽm trắng hòa nhập vào lưu thông, tránh tình trạng người dân cảm thấy tiền mới là vô giá trị và chê không dùng (thời nhà Hồ, khi phát hành tiền giấy, cũng phát sinh tình trạng “người buôn bán phần nhiều chê tiền giấy”, triều đình phải “lập điều luật để xử tội không tiêu tiền giấy” – theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư). Có thể thấy trong giai đoạn phát hành tiền Kẽm trắng, Chúa Nguyễn đã thành công hơn nhà Hồ khi đồng tiền mới này được dân chúng đón nhận và thị trường chưa phát sinh những ảnh hưởng quá tiêu cực.
Thứ ba, sự việc chỉ ngày càng xấu đi khi nhà nước trung ương buông lỏng quyền kiểm soát phát hành tiền. Những kẻ quyền thế lại được cho phép mở lò đúc tiền làm cho tiền kẽm mới tràn lan. Nhà Chúa vừa không kiểm soát được số lượng tiền mới, lại cũng không kiểm soát được chất lượng, khi mà đồng Thiên Minh thông bảo sau này lại “pha lẫn kẽm xanh, vành lại mỏng”, khiến cho cảm nhận của người dân về giá trị của đồng tiền này tụt giảm, đến mức từ chối giao dịch, nhiều khu vực kinh tế thậm chí quay về tình trạng hàng đổi hàng. Lạm phát lúc này
tăng cao khi mà 3 đồng tiền kẽm xanh mới ăn được 1 đồng tiền đồng. Nhưng nguy hại hơn là nền kinh tế đình trệ vì sự mất niềm tin của người dân vào tiền mới. Hệ
quả tất yếu là việc tích trữ và giảm lưu thông các nhu yếu phẩm như gạo. Giá gạo tăng cộng với tâm lý tích trữ gạo đã khiến nhiều nơi thiếu lương thực, nạn đói đã bắt đầu xuất hiện.
Năm 1765, vị Chúa thứ 9 – Nguyễn Phúc Thuần nối ngôi. Sự chuyên quyền của Trương Phúc Loan càng làm cho tình hình kinh tế của Đàng Trong đi xuống và mâu thuẫn xã hội bị đẩy lên cao hơn. Với việc mua quan bán tước, dùng tiền để không phải chịu sung quân, thuế bị áp đặt cao hơn thì quả bom cách mạng đã chính thức được kích nổ.
Đại Nam Thực lục chép lại phân tích của Ngô Thế Lân năm 1770 bàn về ảnh hưởng của tiền tệ trong giai đoạn này như sau: “Từ năm 1768 tới nay giá thóc cao vọt, nhân dân đói kém, không phải là thiếu thóc mà chính vì đồng tiền kẽm gây nên vậy.
Dân tình ai cũng ưa cái bền chắc, ghét cái chóng hư. Nay lấy đồng tiền Kẽm chóng hư mà thay đồng tiền Đồng bền chắc, cho nên dân đua nhau chứa thóc mà không chịu chứa tiền. Tuy nhiên, cái tệ tiền Kẽm đã lâu rồi, nay muốn đổi đi, thế rất là khó, mà nạn đói của dân thế lại rất gấp…”
Rồi sau đó:
“Năm 1773, giặc Tây Sơn là Nguyễn Văn Nhạc nổi loạn, giữ thành Quy Nhơn. Nhạc là người thôn Tây Sơn, huyện Phù Ly (nay là Phù Cát) phủ Quy Nhơn, trước làm biện lại, tiêu mất thuế tuần, bèn cùng mưu với em là Lữ và Huệ vào núi dựa thế hiểm làm giặc, bè đảng ngày một đông, địa phương không thể ngăn giữ được.
Năm 1774, mùa đông, tháng 10, Thuận-hóa bị đói to, mỗi lẻ gạo trị giá một tiền, ngoài đường có xác chết đói, người nhà có khi ăn thịt nhau.
Quân Trịnh qua sông Gianh.”
Biến cố liên tục với thù trong cùng giặc ngoài, năm 1773 thì Tây Sơn nổi dậy chiếm vùng Bình Định, năm 1774 thì quân Trịnh vượt sông Gianh – điều mà cả hơn 100 năm chưa từng có tướng lĩnh Đàng Ngoài nào làm được. Bánh xe lịch sử của Đàng Trong đã rẽ đến những khúc ngoặt quan trọng nhất.
2 – CHIẾN TRANH KINH TẾ DO ĐÀNG NGOÀI PHÁT ĐỘNG?
Ngoài những vấn đề mang tính thời cuộc hay cơ chế, thì việc quận Trịnh qua được sông Gianh năm 1774 có một phần góp sức không nhỏ từ sự kiện trước đó: nhà Trịnh đã dùng quyền lực mềm là tiền Đồng để phá hoại nền kinh tế Đàng Trong.
Sau hai đợt đúc tiền mới (tiền Kẽm trắng và tiền Thiên Minh thông bảo có pha lẫn kẽm xanh), những hệ lụy đã bắt đầu lộ ra. Năm 1770, Ngô Thế Lân đề xuất hai phương án giải quyết: (i) Trong ngắn hạn, để ứng phó với nạn thiếu lương thực và vật giá tăng cao, ông đề nghị lập kho thường bình với chức năng bình ổn giá cả: “định giá thường bình, hễ thóc rẻ thì theo giá mà đong vào, hễ thóc đắt thì theo giá mà bán ra”. (ii) Trong dài hạn,
“sẽ dần dần sửa đổi cái tệ tiền kẽm”, ý chỉ việc chính quyền sẽ dần dần nâng cao chất lượng đồng tiền kẽm nhằm cải thiện niềm tin của người dân vào đồng tiền này; kết hợp với việc chính quyền cũng tham gia mua bán lương thực bằng tiền kẽm (qua kho thường bình), dần dần sẽ tạo thành thói quen tiêu dùng tiền kẽm.
Mặc dù vậy, Chúa Nguyễn không sử dụng ý kiến này. Thay vào đó, chính quyền Đàng Trong lựa chọn một phương án khác, theo Phủ Biên Tạp Lục mô tả là “ra lệnh đúc tiền đồng mới, có ý bỏ hẳn tiền kẽm”. Như vậy, Đàng Trong xuất hiện đợt đúc tiền lần thứ ba: quay lại với tiền đồng. Nhưng kết quả của chính sách này là gì? Lê Quý Đôn cho hay: “Số đồng thì nhiều mà đúc ra tiền không được mấy tí, và số tiền ấy cũng theo thuyền ở Thanh, Nghệ,Sơn-nam mà biến hết”.
Chi tiết này đặt ra nhiều nghi vấn. Dân Đàng Trong vốn bài xích tiền kẽm xanh, như vậy đúng lý mà nói, khi Chúa Nguyễn phát hành tiền đồng trở lại, nó phải được lưu thông rộng rãi. Nhưng tại sao lượng tiền đồng trên thị trường Đàng trong vẫn rất ít? Vậy số tiền đó đi đâu? Rất có khả năng là nó đã bị thu mua bởi chính quyền Đàng Ngoài, bởi đội thuyền buôn ở Thanh, Nghệ, Sơn-nam. Nhiều khả năng Đàng Ngoài đã dùng hàng hóa (chẳng hạn sản vật Bắc Hà như cánh kiến, trầu, cau, thuốc lá…) để đổi sạch số tiền đồng vừa mới xuất hiện này nhằm phá hủy nỗ lực bình ổn thị trường của Đàng Trong. Khi tiền đồng mới đúc vẫn không xuất hiện trên thị trường đủ nhiều, tiền kẽm vẫn tràn lan bởi các lò đúc tư nhân, thì Đàng Trong vẫn sẽ tiếp tục phải đối mặt với sự đình trệ và
tích trữ nhu yếu phẩm bởi thị trường vẫn thiếu vắng một loại tiền tệ được người dân tin tưởng sử dụng.
Đến lượt mình, với lượng tiền đồng vừa thu được, các thương lái Đàng Ngoài sẽ tiếp tục giong buồm vào nam để thu mua lúa gạo chuyển ra bắc hòng tiếp tục khoét sâu vào vấn nạn khan hiếm lương thực. Đó là chưa kể Bắc Hà cũng có mỏ đồng và không khó hiểu nếu Đàng Ngoài chủ động đúc thêm tiền đồng nhằm mua hết lúa gạo của Đàng Trong. Phủ Biên Tạp Lục cho hay, khi vừa chiếm được Thuận Hóa năm 1774 và bắt được các súng đồng ở đây, chính quyền Đàng Ngoài đã cho phép hủy các súng này để “lấy đồng ấy đúc tiền chứa vào kho” – có thể động thái này chính là để bù đắp cho lượng tiền đồng hao hụt vì mua sạch lương thực của Đàng Trong những năm trước đó, cũng như để dự phòng nhằm bình ổn lại thị trường hoặc “để phòng việc ngoài biên”. Việc
Đàng Ngoài cẩn thận lên danh sách về số lượng tiền đúc thêm cho thấy họ có kinh nghiệm và sự đề phòng nhất định đối với các thủ đoạn tấn công kinh tế. Dòng chảy
của hàng hóa và tiền đồng rồi sẽ tiếp tục len lỏi vào sâu hơn nữa tới tận Gia Định- vựa lúa của cả vương quốc Đàng Trong.
Sai lầm trong kinh tế sẽ là con dao chĩa vào yết hầu của bất cứ quốc gia nào trong bất kỳ thời đại nào. Đàng Trong với việc phụ thuộc nhập khẩu kim loại, thể chế bị lũng đoạn, gian thương tham nhũng, sưu cao thuế nặng, đã hoàn toàn bị đánh gục chỉ trong một khoảng thời gian hơn 30 năm. Bên trong thì có Tây Sơn với thành phần quá nửa là dân đói ăn bị bức thuế cao. Bên ngoài thì bị Chúa Trịnh dùng quyền lực mềm là kinh tế lũng đoạn đánh bại để rồi khi đã thất bại hoàn toàn về kinh tế thì việc quân Trịnh vượt qua được sông Gianh chiếm được đô thành Thuận-hóa là điều tất yếu.
Chiến tranh không chỉ xuất hiện trên bình diện vũ lực. Nó còn là sự tổng hòa của các miếng đánh từ ngoại giao đến kinh tế- chính trị. Sự thua trận và thất bại của cả một quốc gia vì vậy thường là sự sụp đổ toàn diện của nhiều lĩnh vực chứ hiếm khi chỉ đơn thuần là do các thất bại
quân sự.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1.
Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại
Nam Thực Lục.
2.
Lê Qúy Đôn, Phủ Biên Tạp Lục.
3.
Tạ Chí Đại Trường, Việt Nam – Lịch
sử thời Tây Sơn.
4.
George Dutton, Cuộc nổi dậy của
nhà Tây Sơn.
5.
Ngô Sĩ Liên, Đại Việt Sử Ký
Toàn Thư.


Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *