Mình đã hiến máu 4 lần, và lần này là lần thứ 5. Tuy nhiên, lần này lại đặc biệt hơn vì mình hiến cho một bệnh nhân duy nhất chứ không phải là hiến máu đưa vào ngân hàng máu như mọi lần.
Mọi chuyện bắt đầu là khi mình nhận được cuộc gọi trực tiếp từ Viện Huyết học truyền máu Trung ương, đề nghị mình hiến máu cho một bệnh nhân duy nhất mắc bệnh về máu với lời giải thích là máu của mình phù hợp hoàn toàn với bạn ấy. Mình đồng ý, tuy nhiên vẫn băn khoăn là sao lại gọi điện đích danh mình?
Đến ngày hôm nay, lúc mình đi hiến, được trưởng điểm hiến máu giải thích rõ ràng thì mình mới hiểu những khó khăn của bệnh nhân mắc bệnh về máu. Anh trưởng điểm nói rằng mình đi hiến máu là kiểu hiến phenotype vì biểu đồ kháng nguyên tế bào máu của mình phù hợp hoàn toàn với bạn bệnh nhân kia. Đối với người bình thường truyền máu vài lần thì chỉ cần quan tâm chính đến nhóm máu và kháng nguyên Rh+/Rh-, nhưng với các bệnh nhân mắc bệnh về máu phải truyền máu đều đặn và thường xuyên thì sau nhiều lần truyền máu, sự khác biệt của kháng nguyên sẽ ảnh hưởng nặng, đến mức có thể kháng nguyên của người nhận sẽ phá hủy hồng cầu trong tế bào máu của người cho, như vậy, càng truyền nhiều sẽ càng giảm tác dụng. Với các bệnh nhân về máu, thích hợp nhất là tìm được những người hiến có biểu đồ kháng nguyên phù hợp hoàn toàn, như vậy máu mà người bệnh tiếp nhận sẽ không bị kháng nguyên của bệnh nhân đó phá hủy. Tuy nhiên, anh ấy cũng nói rằng rất khó tìm được những người hiến máu phù hợp hoàn toàn như vậy, hàng trăm nghìn người hiến có khi chỉ có một người mà thôi. Trong trường hợp không có người hiến phù hợp, biện pháp nhân tạo là lọc hết kháng thể trong máu dùng để truyền, nhưng chi phí rất đắt, lên đến vài trăm triệu cho một lần như vậy, không mấy bệnh nhân đủ khả năng chi trả.
Đến lúc ra về, mình vẫn nhớ câu nói của anh trưởng điểm: “Những người như bạn bệnh nhân tiếp nhận máu của em là những người sống nhờ vào máu của người khác. Càng nhiều người tham gia hiến máu thì khả năng tìm được máu có biểu đồ kháng nguyên phù hợp càng cao, hy vọng sống của họ cũng sẽ cao lên. Bạn nhận máu của em chỉ duy trì lượng máu bằng 1/3 lượng máu trung bình của một người khỏe mạnh tương đương độ tuổi, tìm được một người hiến máu phenotype là điều may mắn cho bạn ấy.”
Mình viết hơi dài, nếu bạn đã đọc đến đây thì rất cảm ơn bạn. Mình hy vọng sẽ có nhiều người hiến máu hơn nữa, vừa để cung cấp máu cho ngân hàng máu, vừa có thể tăng hy vọng cho những bệnh nhân mắc bệnh về máu tìm được người hiến máu phenotype phù hợp. Mình không học về y nên có thể hiểu chưa đúng và đủ các kiến thức về máu, tuy nhiên, mình vẫn mong muốn câu chuyện của mình sẽ tiếp thêm động lực để mọi người tham gia hiến máu cứu người
Mình bị bệnh máu, đi truyền máu định kì 1 tháng 1 lần. Mình cũng là máu chọn phenotype, mỗi lần đi phải gọi hẹn trước nếu không sẽ không có máu ấy. Đợt covid do không có máu nên mình phải lùi hẹn, ở nhà trong lo sợ. Bị bệnh máu khổ lắm mn ạ. Đã thuốc không chữa được, chỉ truyền được máu mà truyền xong vẫn phải uống đủ loại thuốc bổ gan không thì hại gan ấy. Mong mn hãy đi hiến máu nếu có thể. Có thể 1 đơn vị máu đối với các bạn chả là gì, nhưng đối với chúng mình là một điều gì đó hết sức thiêng liêng và quý giá mà từng giọt máu đều phải trân trọng. Thực sự cảm ơn các bạn rất nhiều.
Mình chia sẻ 1 số điều về hiến máu. Các bạn like cho bài lên trên giùm mình nhe. Cần hỏi gì thêm mình sẵn lòng trả lời
1. Lịch hiến máu ở đâu: Liên hệ hội chữ thập đỏ địa phương bạn.
2. Giấy chứng nhận hiến máu để làm gì? Khi bạn có hữu sự sẽ trả đủ lượng máu bạn đã hiến theo giấy chứng nhận. Không dùng cho người khác, ai hiến trả người đó.
3. Tại sao bệnh nhân phải trả phí nhận máu? Đó là chi phí tách chiết, lưu trữ máu, không phải bệnh viện bán lấy lời. Thực tế nhà nước đã trợ phí rất nhiều, người bệnh chỉ trả 1 phần.
4. Người hiến có quyền lợi gì? Giấy chứng nhận (như trên mình nói) + 180k (hiến 250ml), 230k (350ml), 280k (450ml). Có thể được địa phương hỗ trợ thêm tùy nơi.
5. Hiến có đau ko? Đau lúc hiến nhưng ko nhiều, tiêm vào gân nên rút ra 30p là hết, ko đau thốn như tiêm thuốc vào mông :)).
6. Trước khi hiến làm gì? Ngồi nghỉ chút hãy vào, uống trà đường ngta chuẩn bị sẵn, 3-4 ly tùy người.
7. Hiến xong làm gì? Ngồi ghế bố ngả về sau nghỉ 15p, tay giữ gòn, đừng vội đi. Nhiều người ỷ y bị choáng, ngã đập đầu rất nguy hiểm.
8. Lúc hiến choáng, đổ mồ hôi trộm, thở gấp thì sao? Báo nhân viên y tế liền, bình tĩnh hít thở sau. Do cơ thể chưa quen hoặc mệt mỏi (do hôm trước bạn vận động nhiều), 1 lúc sẽ bình thường lại.
9. Hiến máu ở lần 3, 5, 10, 15, 20, 30, 40,…các bạn được địa phương tổ chức tôn vinh. Hiến nhiều sẽ được cấp cao hơn tôn vinh (giấy khen và tiền). Có 2 phần tôn vinh: cá nhân và gia đình (2 người cùng hộ khẩu cũng đc tính, ko cần cả nhà)
Mình hiến máu 9 lần rồi, 8 lần là do trường ĐH tổ chức cứ 1 học kỳ hiến 1 lần, lần thứ 9 là đi theo project mà fandom mình tổ chức ở bv hôm đi hiến lần thứ 9, bác sĩ kiểm tra hệ thống thấy mình hiến 8 lần rồi nên kiểu ngạc nhiên wowwwww làm mình mắc cười quá trời :)))) 8 lần hiến ở trường chắc do đông sinh viên quá nên hiến xong mình không thấy ai liên hệ gì, mà lúc hiến lần 9 ở bv, 1 thời gian ngắn sau mình nhận đc tin nhắn là máu của bạn đã được sử dụng và cảm ơn mình, làm mình thấy vui và ấm lòng lắm khi máu mình hiến đã có ích giúp đc cho người khác
Có thể bạn ko biết: Có tới hơn 30 hệ nhóm máu khác nhau. Các hệ nhóm máu này được phân loại dựa trên đặc tính kháng nguyên trên màng hồng cầu hoặc kháng thể trong huyết thanh của người. Mọi bất đồng về kháng nguyên kháng thể đều có thể dẫn tới tai biến trong truyền máu. Tuy nhiên tỷ lệ tai biến sẽ khác nhau, và dựa trên lâm sàng thì hai hệ nhóm máu có tỉ lệ tai biến cao nhất là hệ ABO và hệ Rh được ưu tiên sàng lọc. Ở các nước có nền y tế phát triển và lịch sử Huyết học-Truyền máu lâu đời thì mỗi người sẽ có 1 cái thẻ, bao gồm tất cả thông tin về các hệ nhóm máu của người đó, đảm bảo giảm thiểu tối đa tai biến xảy ra khi truyền máu. Tại Việt Nam hiện tại chỉ mới quan tâm nhất tới hai hệ ABO và Rh, nếu vẫn xảy ra phản ứng ngưng kết thì trung tâm Huyết học-Truyền máu sẽ làm phản ứng chéo trên số lượng lớn các đơn vị máu để tìm ra đơn vị máu phù hợp với bệnh nhân. Cái này được gọi là Chọn máu. Do hiện tại phần lớn các chế phẩm máu được truyền là các chế phẩm riêng biệt (ví dụ như Khối hồng cầu, khối huyết tương tươi,…) nên tỉ lệ tai biến cũng giảm nhiều so với truyền máu toàn phần. Bạn biết thêm 1 điều nữa: Máu của bạn hiến sẽ ko được truyền trực tiếp mà sẽ được tách thành nhiều thành phần để truyền cho các bệnh nhân khác nhau. Chúc mn mạnh khỏe và hiến máu khi có đủ điều kiện. Một giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại .