Câu chuyện này được viết bởi một nữ sinh viên tài năng của trường đại học Bắc Kinh-Trương Bồi Tường, không có lời lẽ hoa mỹ, nhưng đọc vào lại khiến người khác phải xót xa. Tác giả đã qua đời vì căn bệnh ung thư máu vào 17 năm trước rồi. Cuộc sống khó khăn là vậy, cuối cùng vẫn chẳng thể buông tha cho cô ấy một lần.
———–
01.
Trời vừa tờ mờ sáng, mẹ đã gọi tôi dậy: “Quỳnh Bảo, hôm nay ở đây có họp chợ, chúng ta mang ít gạo ra chợ bán, kiếm chút tiền mua thuốc cho cha con đi.”
Tôi mơ hồ mở mắt, nhìn ra ngoài cửa sổ, mặt trời vẫn chưa ló dạng. Vì đang trong cơn buồn ngủ, tôi tranh thủ lăn lộn trên giường một lúc nữa.
Sát vách truyền đến tiếng ho của cha, mẹ ở trong bếp đang bận rộn làm việc, mùi thơm của thức ăn quyện với mùi khói dầu thoang thoảng, từ từ xua tan cơn buồn ngủ của tôi. Tôi ngồi dậy, thay quần áo, bắt đầu gấp gọn mền gối.
“Chị, em cũng muốn ra chợ với chị và mẹ có được không? Chị mua kem que cho em ăn nhé!” Em trai chạy vào phòng tôi với mái tóc rối bù.
“Nghị Bảo, con không thể đi, con ở lại trong nhà đi tưới nước.” Giọng cha từ bên vách truyền đến xen lẫn vài tiếng ho khan.
Em trai có chút không cam lòng vội chạy sang nói: “Cha, thời tiết nóng như vậy, hôm qua cha còn vừa bị trúng nắng, hôm nay lại kêu con đi, không sợ con cũng bị trúng nắng luôn hay sao?”
“Người sợ nóng, hoa màu không sợ sao? Không có ai đi tưới nước, đất đai khô cằn, mạ non chết cả, gia đình ta phải uống gió Tây Bắc mà sống à?” Cha tôi tức giận lên, cơn ho lại càng dữ dội.
Em trai lè lưỡi, làm mặt quỷ với tôi, sau đó bước vào phòng cha.
Chỉ nghe thấy tiếng cha đang bắt đầu dặn dò nó cách tưới nước, nên tưới vào trong ao nào, gò đất nào nên tưới trước, chỗ nào nên đặc biệt lưu ý canh chừng người khác đến cắt nước, vv.
02.
Ăn sáng xong, em trai đi lấy cái cuốc mà cha tôi hay dùng sau đó đi ra ngoài.
Tôi và mẹ đem gạo chất vào trong thúng, sau khi chất xong hết thì cân thử một lượt, một gánh hơn 80 cân, gánh còn lại hơn 60 cân.
Tôi nói: “Mẹ, gánh nặng hơn để con.”
“Con gái vẫn đang tuổi ăn tuổi học, đôi vai non nớt, để đó mẹ gánh cho.”
Mẹ vừa nói xong liền khom người xuống, lấy gánh nặng hơn gánh lên vai.
Tôi cũng lấy gánh nhẹ vác lên vai, theo mẹ ra ngoài.
“Đi đường cẩn thận một chút, gạo nhà chúng ta là gạo tốt, đừng bán rẻ quá!” Cha đã thay quần áo đứng ở cửa lớn tiếng dặn dò.
“Tôi biết rồi, ông mau trở lại giường nằm đi.” Mẹ khó khăn quay đầu nghiêng người lách qua đòn gánh căn dặn: “Đồ ăn ở trong nồi, buổi trưa kêu Nghị Bảo hâm nóng lại rồi hẳn ăn.”
Chợ cách nhà tôi khoảng 4 cây số, tôi và mẹ gánh gạo, vừa đi vừa dừng trên con đường ruộng nhỏ hẹp, phải mất cả tiếng đồng hồ mới đến nơi.
Ngoài chợ đã có không ít người rồi, tôi và mẹ vội vã tìm một chỗ trống, đặt đòn gánh xuống đất, hai người ngồi lên trên đòn gánh, lấy mũ rơm ra quạt.
Mới sáng sớm trời đã nóng như vậy, đến trưa không biết còn kinh khủng cỡ nào, tôi không khỏi lo lắng thay cho em trai mình.
Nó đi tươi nước, phải phơi nắng ở bên ngoài cả ngày.
Tôi nhìn ngó xung quanh, phát hiện ở chợ có rất nhiều người bán gạo, chẳng lẽ mọi người đều dùng cách này kiếm tiền?
Hầu hết mọi người ở đây trông rất quen mắt, đều là người ở mấy vùng lân cận, mọi người ai cũng làm ruộng, lấy ai đến mua gạo đây?
03.
Tôi hỏi mẹ, mẹ nói: “Có những lái buôn chuyên thu mua gạo. Bọn họ sẽ đến vùng quê thu gom lúa gạo sau đó mang lên thành phố để bán, kiếm được nhiều lắm.”
Tôi nói: “Dựa vào cái gì lại để cho họ kiếm lời tốt như vậy? Chúng ta cũng mang gạo lên thành phố bán đi!” Thật ra bản thân tôi cũng biết điều đó là không thể, đây chỉ là lời nói lúc tức giận mà thôi.
Mẹ nói: “Chúng ta chỉ có chút ít gạo, lại không có xe, cho dù có thể lên được thành phố để bán, số tiền kiếm được còn không đủ chi phí đi lại đâu! Lúc trước sức khoẻ cha con còn tốt, ông ấy gánh cả trăm cân gạo lên thành phố bán, cứ cách mấy hôm lại đi một chuyến, tiết kiệm được một ít chi phí.”
Tim tôi bỗng thắt lại, không khỏi đau lòng thay cho cha mình.
Từ nhà tôi đến thành phố phải đi hơn 30 cây số đường núi, ông ấy vác theo đòn gánh nặng như vậy, làm sao không cực khổ cho được chứ. Chỉ vì gắng gượng kiếm thêm mấy đồng bạc, lại khiến bản thân mệt mỏi đến thế này, thật quá không đáng.
Nhưng còn có cách nào khác nữa? Gia đình tôi ngoại trừ làm ruộng ra cũng không có thu nhập nào khác, không bán gạo, lấy đâu ra tiền cho tôi và em trai ăn học?
Nghĩ đến những điều này, trong lòng bỗng dâng lên một nỗi buồn man mác.
Tôi nhìn sang mẹ bên cạnh, đầu tóc đã có vài sợi bạc, trên gương mặt đen sạm hằn lên rất nhiều nếp nhăn, mồ hôi lấm tấm trên trán, đôi mắt cũng có chút sưng đỏ.
“Mẹ, uống chút nước đi.” Tôi đưa ấm nước qua, lấy mũ quạt cho mẹ.
04.
Những người lái buôn cuối cùng cũng đến.
Bọn họ nhìn ngó những người bán gạo xung quanh một lượt, bước đến từng nơi xem kĩ chất lượng gạo, còn đưa tay bóc một nắm gạo nhỏ ra để nhìn kĩ hơn.
“1 đồng lẻ 5 hào.” Lái buôn ra giá.
Người bán dường như cảm thấy giá này rất rẻ, muốn mặc cả.
“Không mặc cả, chỉ một giá, muốn bán thì bán.” Thái độ của người lái buôn rất cứng rắn, dù sao thì cả chợ đều là người bán chỉ có họ là người mua, không nhân cơ hội này ép giá còn đợi đến khi nào?
Mẹ tôi chú ý đến tình hình bên đó, nói: “1 đồng lẻ 5 hào? Rẻ quá rồi. Ở chợ còn bán được 1 đồng mốt cơ mà.”
Đang lúc nói chuyện, một người lái buôn đi về phía chúng tôi.
Ông ta đưa tay vào thúng gạo, bóc ra một nắm nhỏ soi kĩ dưới ánh mặt trời.
“Gạo này tốt lắm! Hạt vừa trắng vừa đều, lại được sàng rất sạch, không lẫn một hạt cát!” Mẹ tôi cười, trong giọng nói có mấy phần tự hào.
Quả thật, gạo của nhà tôi tốt hơn so với gạo của những người khác bán ở chợ.
05.
Người đó gật gật đầu, nói: “Đúng là gạo tốt, có điều mấy ngày nay giá gạo trong thành phố đã giảm, gạo có tốt mấy cũng không bán được giá tốt. 1 đồng lẻ 5 hào, bán hay không?”
Mẹ tôi lắc đầu: “Thế này không phải quá rẻ rồi sao? Ở chợ còn bán được một đồng mốt. Hơn nữa, ông là người biết phân biệt hàng, một phân tiền một phân hàng, chỗ gạo này của tôi chắc chắn tốt hơn nhà khác.”
Người đó nhìn lại hạt gạo, do dự một lát rồi nói: “Vốn dĩ đều là một giá, không thể mặc cả, thấy gạo nhà cô tốt, tôi thêm một chút vậy, 1 đồng lẻ 8 hào, thế nào?”
Mẹ tôi vẫn lắc đầu: “Không được, chỗ gạo này của nhà tôi ít nhất cùng phải bán 1 đồng mốt. Ông trả thêm chút nữa được không?”
Người đó cười lạnh một tiếng, nói: “Hôm nay chắc chắn giá thị trường không tới 1 đồng mốt, tôi ra giá 1 đồng lẻ 8 hào cô không bán, đợi đến lúc chợ tàn cô có bán với giá 1 đồng lẻ 5 hào cũng không có ai mua.”
“Bán không được thì chúng tôi đem về nhà thôi!” Thái độ của người đó khiến mẹ tôi tức giận.
“Vậy cô chờ mà đem về nhà đi.” Người đó cười nhạt, bỏ lại một câu rồi đi mất.
Tôi đứng ở bên cạnh nghe thấy, liền nhẩm tính: “Từ 1 đồng lẻ 8 hào đến một đồng mốt, chỉ cách nhau có 2 phân tiền.”
Ở đây có tổng cộng 150 cân gạo, chênh lệch cũng chỉ 3 đồng bạc, đường xá xa xôi như vậy, hà tất phải gánh về chứ? Bả vai của tôi vẫn còn đang đau nhức đây.
Tôi khẽ nói với mẹ: “Mẹ, 1 đồng lẻ 8 hào thì 1 đồng lẻ 8 hào đi, dù sao cũng chỉ chênh lệch có 3 đồng. Hơn nữa, chúng ta còn đang đợi có tiền mua thuốc cho cha mà.”
“Chỗ nào được?” Mẹ dường như có chút tức giận rồi, “3 đồng không phải là tiền à? Hơn nữa, cũng không hẳn chỉ là chuyện chênh lệch mấy đồng bạc, làm ăn buôn bán phải có chút lương tâm, chúng ta cực khổ trồng trọt chăm bón, chất lượng làm ra cũng tốt, sao có thể bán rẻ thế được?”
Tôi không dám nói nữa, bởi vì tôi biết làm ruộng cực khổ thế nào.
Không nói đến việc mùa hè đi tưới nước khiến cha tôi ngã bệnh, em trai tôi chỉ là thằng nhóc mới 12 tuổi vẫn phải kiếm cuốc ra đồng phơi nắng cả ngày.
Suy cho cùng, đây cũng là kế sinh nhai của một gia đình.
06.
Lại có mấy người lái buôn nữa tới, bọn họ đều chỉ trả có 1 đồng lẻ 5 hào. Có một hai người đến trả 1 đồng lẻ 8 hào, không có ai trả thêm nữa.
Mẹ tôi vẫn nhất quyết không chịu bán.
Nhìn dòng người dần thưa thớt, tôi có chút sốt ruột. Tôi nghĩ chắc là mẹ tôi cũng đáng rất sốt ruột đây.
“Mẹ, mẹ qua gốc cây bên kia ngồi nghỉ xíu đi.” Tôi nói.
Mẹ tôi vừa lau mồ hôi vừa lắc đầu nói: “Không được. Mẹ đi rồi lỡ như có người đến mua gạo thì phải làm sao? Con lại không biết trả giá.”
Tôi có chút xấu hổ.
“Kẻ vô dụng nhất chính là thư sinh”, mặc dù ở trường tôi là một đứa học hành rất giỏi, nhưng những chuyện này so với mẹ thì lại kém rất xa.
Lại có thêm vài người nữa tới, bởi vì gạo của nhà tôi quả thực rất tốt, mọi người đều đến xem, nhưng ai cũng không chịu trả giá 1 đồng mốt.
Nhìn thấy mặt trời đã lên tới đỉnh đầu, tôi cảm thấy đói bụng bèn lấy đồ ăn đã mang theo ra ăn cùng với mẹ.
Mẹ tôi ăn được 2 miếng thì không ăn nữa, tôi biết bà đang lo lắng gạo bán không được, trong lòng rất sốt ruột.
Mẹ thở dài: “Không biết giờ có bán được hay không đây.”
Tôi nhân cơ hội nói: “Không thì chúng ta giảm giá một chút chắc sẽ bán được.”
Mẹ nói: “Trong lòng mẹ tự hiểu rõ.”
07.
Trời về chiều càng ít người hơn, nắng cũng độc hại, ai muốn ở đây phơi nắng đâu chứ.
Tôi nhìn mẹ, quần áo đều đã dính lại phía sau người, trên gương mặt đen sạm hằn lên những vệt đỏ.
“Mẹ, để con trông cho, mẹ đi đến khe suối ngâm chút đi.”
Mẹ tôi vẫn lắc đầu: “Không được, mẹ bị phong thấp không thể ngâm dưới nước lạnh được. Con sợ nắng nóng, đi qua gốc cây bên đó tránh một lúc đi.”
“Không cần đâu, con không sợ nắng.”
“Vậy con đi mua kem ăn đi.” Mẹ tôi nói xong lấy từ trong túi ra 2 xu tiền lẻ.
Tôi thích nhất là được ăn kem que, đặc biệt là loại có tên là “kem trái nho”, loại này không đắt, chỉ có 2 xu 1 cây.
Nhưng hôm nay đột nhiên tôi lại không muốn ăn nữa: “Mẹ, con không ăn đâu, con uống nước là được rồi.”
Thời điểm nắng nóng nhất cũng qua đi, chớp mắt chợ đã sắp tàn.
Những người bán hàng rong cũng bắt đầu bán phá giá, người bán rau, bán dưa hấu đều đồng loạt hét lớn: “Chợ tan rồi, càng bán rẻ hơn nữa đây!”
Tôi nhìn xung quanh, đã không còn mấy người bán gạo nữa, đa số mọi người đều đã bán xong và về nhà cả rồi.
08.
Mẹ tôi cũng trở nên sốt ruột hơn, càng lo lắng lại càng đổ nhiều mồ hôi.
Cuối cùng có một người lái buôn nữa tới: “Chỗ gạo này có bán không? 1 đồng lẻ 5 hào, không mặc cả.”
Mẹ tôi nói: “Ông xem chỗ gạo này, tốt biết mấy! Ở chợ còn bán được 1 đồng mốt…..”
Không đợi mẹ tôi nói hết, người đó đã thiếu kiên nhẫn nói: “Thị trường không giống nhau, muốn bán được 1 đồng mốt thì cứ đợi mà gánh về đi.”
Kì lạ là mẹ tôi lại không hề tức giận, ngược lại còn cười rồi nói: “Vậy, 1 đồng lẻ 8 hào, có muốn mua không?”
Người đó khịt mũi nói: “Cái giá này của cô, không phải từ lúc chợ mới mở đã khó bán rồi sao, bây giờ chợ tàn rồi, ai mua? Nằm mơ đi!”
Mẹ tôi mặt trắng bệch, môi khẽ mấp máy, nhưng cuối cùng lại không nói gì.
Tôi ở bên cạnh nhịn không được nói chen vào: “Không mua thì không mua, ai cần ai? Không mua thì đi chỗ khác đừng có đứng ở đây cản đường.”
“Này, em gái, đừng nóng giận như vậy chứ.” Người đó cười lạnh nói, “Giữ lại chút sức lực để lát nữa vác gạo về nhà đi.”
Đợi tên đó đi rồi, tôi nhịn không được quay sang trách móc mẹ: “Lúc mới đầu người ta trả 1 đồng 8 mẹ không bán, giờ thì hay rồi, người ta chẳng ai muốn mua nữa rồi.”
Mẹ tôi dường như có chút xấu hổ, nhưng vẫn nhất quyết không nhận sai: “Vốn dĩ là một phân tiền một phân hàng, gạo là gạo tốt, sao có thể bán rẻ được? Sáng nay lúc ra khỏi cửa chẳng phải cha con đã dặn phải bán được với giá tốt rồi sao?”
“Mẹ còn nói đến cha! Ông ấy bị bệnh ở nhà, chỉ trông được vào chỗ gạo này đổi lấy tiền mua thuốc chữa bệnh! Người quan trọng hay là tiền quan trọng đây?”
Mẹ dường như không còn lời nào để nói nữa, đợi một lúc sau mới nhỏ giọng: “Đợi lát nữa có người lại mua cứ bán 1 đồng 5 đi.”
Thế nhưng không còn ai đến mua gạo nữa cả, những người lái buôn đều đã chất số gạo đã mua được lên xe, đi mất rồi.
09.
Chợ tan, mẹ con tôi phơi nắng cả một ngày trời, một hạt gạo cũng không bán được.
“Mẹ, đi thôi, về nhà thôi, đừng đứng ngẩn ra ở đó nữa.”
Tôi thu dọn xong khăn mặt, ấm nước, cà mên cơm, sau đó giục mẹ.
Mẹ tôi chần chừ một lúc, cuối cùng đứng dậy.
“Mẹ, để con vác gánh nặng hơn cho.”
“Con còn là học sinh, đôi vai non nớt…” không đợi mẹ nói xong, tôi đã nhấc gánh nặng hơn vác lên vai.
Mẹ không nói thêm gì nữa, vác gánh nhẹ hơn đi sau tôi, cùng bước về nhà.
Đòn gánh trên vai quá nặng, tôi cứ có cảm giác như bị núi đè lên vậy.
Đột nhiên tôi bị trượt chân, suýt chút nữa té ngã.
Tôi vội vã dùng sức lực còn lại trên hai chân, cố gắng đứng vững, nhưng đòn gánh trên vai vẫn bị nghiêng, làm rất nhiều gạo bị rơi tung toé.
“A, làm sao vậy?” Mẹ tôi bỏ gánh gạo xuống chạy lại, mở miệng nói: “Ta nói con đừng gánh nặng như vậy, con lại cứ không nghe. Giờ đổ rồi, tiếc biết bao nhiêu! Đúng là đồ phá hoại mà!”
Đồ phá hoại là câu cửa miệng của mẹ tôi, hễ tôi và em trai làm hỏng việc gì là mẹ sẽ dùng câu đó để quở trách chúng tôi.
Nhưng mà hôm nay khi nghe câu này tôi lại cảm thấy cực kì uất ức, cũng không biết lí do vì sao.
“Con đợi ở đây lát đi, ta về nhà đem đồ lại hốt chỗ gạo này vào đã. Lãng phí thế này thật đáng tiếc, đem về còn có thể cho gà ăn.” Mẹ cũng không hỏi tôi có bị bong gân hay không, chỉ chăm chăm vào việc gạo bị đổ.
10.
Tôi biết tính của mẹ, bà là người “miệng như lưỡi dao, lòng như đậu hủ”, mặc dù cũng thương tôi nhưng vẫn phải chửi tôi mấy câu mới được.
Nghĩ đến điều này, tôi cũng không còn thấy ấm ức nữa.
“Mẹ, mẹ quay về nhà sau đó trở lại cũng phải đi hơn 6, 7 cây số nữa, thời gian cũng không còn sớm.” Tôi nói.
“Vậy chỗ gạo dưới đất này phải làm sao?”
Tôi nhanh trí nảy ra một ý, lấy chiếc mũ rơm đang đội trên đầu xuống: “Hốt vào trong này là được rồi.”
Mẹ cười nói: “Vẫn là não của con tốt, con gái của mẹ có học hành quả nhiên khác hẳn, lanh lợi.”
Nói xong, chúng tôi ngồi xổm xuống lấy tay nhặt hết gạo dưới đất lên bỏ vào trong mũ rơm, sau đó đem mũ rơm đặt vào trong thúng, tiếp tục gánh gạo về nhà.
Về đến nhà thì em trai tôi cũng đã trở về, mẹ liền bận rộn nấu cơm tối, còn tôi đem vụ việc bán gạo hôm nay kể lại cho cha nghe.
Cha nghe xong cũng không trách móc gì mẹ, chỉ nói: “Những tên lái buôn này thật là ép người quá đáng, ở thành phố giá gạo bán được đều là 1 đồng rưỡi, họ lại trả giá thấp như vậy! Kiếm lợi trên mồ hôi nước mắt của người làm ruộng như vậy, thật không có lương tâm mà.”
Tôi nói: “Cha, cũng không mua được thuốc cho cha, phải làm sao đây?”
Cha nói: “Vốn đã nói không cần mua thuốc rồi mà, qua 2 ngày là khỏi thôi, tiêu tiền hoang phí làm gì.”
Tôi đó, bệnh ho của cha tôi lại trở nặng.
11.
Mẹ nói với tôi: “Quỳnh Bảo, ngày mai chuyển chợ rồi, chúng ta chịu cực một chút, gánh gạo qua bên đó bán, kiếm tiền mua thuốc cho cha con.”
“Chuyển chợ? Tận mười mấy cây số, xa như vậy!” Tôi nghĩ đến đoạn đường dài dằng dặc, không khỏi có chút khiếp đảm.
“Ngày mai hai người mang ít gạo một chút, mỗi người 50 cân là đủ rồi.” Cha nói.
“Vậy ngày mai nếu không bán được thì đừng gánh quay về nữa.” Tôi nói, “Mười mấy cây số đường núi đi đi về về, còn vác thêm gánh gạo nữa, không phải là chuyện đùa đâu!”
“Sẽ không đâu, sẽ không đâu.” Mẹ nói, “Ngày mai 1 đồng lẻ 8 hào cũng được, 1 đồng lẻ 5 hào cũng không sao, đều sẽ bán hết.”
Những lời mẹ nói đều mang rất nhiều sự chua xót và bất lực, tôi nghe ra được, nhưng lại không biết làm cách nào để an ủi mẹ.
Trong lòng tôi cảm thấy rất buồn, lại rất muốn khóc.
Tôi nghĩ, không được để mẹ nhìn thấy, muốn khóc thì phải trốn vào trong chăn mà khóc.
Nhưng tôi lại quá mệt rồi, đầu vừa đụng vào gối là đã ngủ mất, ngủ một giấc vừa ngon lành vừa ngọt ngào.
END.
Tác giả Trương Bồi Tường sinh năm 1979 tại một trang trại miền núi ở Lễ Lăng, Hồ Nam, từ nhỏ gia cảnh bần hàn nhưng rất chịu khó học tập, năm 1997 thi đỗ vào Đại học Bắc Kinh chuyên ngành Luật. Năm 2001 học lên thạc sĩ Luật, nổi danh trên diễn đàn BBS của các trường cao đẳng, đại học trên cả nước lúc bấy giờ với “Đại Thoại Hồng Lâu”. Năm 2003 trong thời kỳ xảy ra dịch SARS cô mắc phải bệnh ung thư máu, 3 tháng sau, Trương Bồi Tường 24 tuổi qua đời.