SPEAKEASIES – XU HƯỚNG MỚI CỦA NGƯỜI TRẺ “DỄ (KẾT NỐI)” NHƯNG NGẠI “XÔ BỒ”

Các quán bar theo phong cách “speakeasy” thường ẩn mình sâu dưới những lớp vỏ ngụy trang bởi “ngoại hình” của một tiệm cắt tóc, hàng ăn hay cửa hàng thời trang,… Khác với sự xô bồ của đời sống về đêm (nightlife), những không gian cột mác “speakeasy” mang đến cho con người sự riêng tư với trải nghiệm cá nhân trọn vẹn.

“Cô đơn” và “riêng tư” – từ khóa khiến speakeasies nở rộ. Nếu như Millennials được coi là “thế hệ lo âu” khi đứng trước quá nhiều những thay đổi của xã hội thì Gen Z phải đối mặt với một vấn đề khác: “peer pressure”. Trách nghiệm, thành tích và những diễn tiến phức tạp trong xã hội, Millennials và Gen Z căng thẳng giữa xô bồ của cuộc sống hiện đại và muốn thu mình lại trong lớp vỏ nội tâm an toàn. Dần dần, hình ảnh về những bar, club với chất kích thích và nhạc vina house sập sình bị lu mờ đôi phần bởi sự lên ngôi của những quán bar sang trọng, nhẹ nhàng với nhạc jazz hay live music mỗi tối cuối tuần. Người trẻ tìm cho mình một chốn bình lặng, yên ả hơn để xả stress hay tâm sự bạn bè. 

“Cô đơn” và “riêng tư” là hai từ khiến cho những không gian “kín” như speakeasy bar lên ngôi. Dòng caption “tôi có một nỗi buồn thật đẹp” hay “bao tiền một mớ bình yên” như “động cơ xe” đẩy các mô hình speakeasies lan rộng. Thậm chí, đặc điểm của “speak-easy” được áp dụng vào nhiều những mô hình kinh doanh khác nhau như hiệu sách, quán cafe và được coi là lợi thế cạnh tranh. Từ đó nó thu hút những khách hàng trung thành và tăng sự thân thiết giữa khách hàng và chủ quán. 

Những người sành cafe ở Hà Nội chọn đến những coffee shop chỉ mở từ 9 giờ đến 11 giờ sáng để thưởng thức thứ cafe rang xay thủ công, rồi bàn chuyện đời cùng anh chàng pha chế kiêm chủ quán. Gác sách chỉ mở từ 4 giờ đến 6 giờ chiều vì chị chủ quán bảo “thích thế!”. Đi qua một khu chung cư cũ kĩ đầy rêu phong, bước gần đến một gian nhà cửa gỗ xanh thoảng mùi sách cũ, ta thấy thời gian như ngưng đọng trong một gian phòng yên tĩnh. Điểm chung của những mô hình mang tính từ “speak-easy” là quy tắc 3K: 

1. Không truyền thông rầm rộ, tiếp thị, câu kéo, PR; 

2. Không nhận nhiều khách trong cùng một khung giờ; 

3. Khách hàng biết về địa chỉ qua lời giới thiệu của người quen. 

Cảm giác lần đầu đến một mô hình lạ như thế là “quê” và hào hứng. Mình lần đầu đến một quán speakeasy bar tại Hàng Bún qua lời giới thiệu của người anh thân thiết. Đến đó một mình vào đêm đông năm ngoái, mình đứng trước địa chỉ quán rất lâu mà chỉ nhìn thấy một hàng lẩu hải sản. Đợi 15 phút thì hết kiên nhẫn, quyết định gọi điện hỏi lại anh bạn kia cho chắc. Năm phút sau, có một anh nhân viên quán xuống đón mình và dẫn mình lên căn gác trên tầng 2. Sau khi anh nhân viên nhập mật khẩu rồi mở cửa, mình đã há hốc mồm bởi cách bài trí của quán: các góc phòng được trang trí tỉ mỉ đến từng chi tiết (tẩu thuốc để ở đâu, chậu cây thế nào, chiếc đèn để bàn mang thiết kế cổ điển ra sao). Thậm chí, hình ảnh ấn tượng nhất mình bắt gặp phải kể đến một con ma nơ canh mặc chiếc măng tô và cài pin áo sang trọng như những quý tộc Pháp. 

Theo: Spiderum

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *