“GIẢI OAN” CHO NỖI BUỒN: NHỮNG LỢI ÍCH MÀ CẢM XÚC NÀY MANG LẠI

Khi được hỏi về lời khuyên dành cho những nhà thơ trẻ tuổi hợn, một nhà thơ nổi tiếng đã nói rằng họ cần “làm bạn với nỗi buồn cũng như sự dằn vặt trong nội tâm”.

Có lẽ không khó hiểu tại sao nỗi buồn lại giúp ích cho các nhà thơ. Nó có thể là nguyên liệu và năng lượng để hoàn thành một tác phẩm. Nói nỗi buồn là một nguyên liệu vì nó thay đổi cách chúng ta nhìn thế giới. Khi chìm đắm trong nỗi buồn, chúng ta gắn cảm xúc của mình lên mọi vật, tạo nên một góc nhìn hoàn toàn mới mẻ.

Tuy nhiên, nếu bạn không phải là nhà văn hay nhà thơ thì sao? Khi đó, nỗi buồn liệu có ích cho bạn không?

 Cơ hội để nhìn thấu nội tâm

Lần đầu tiên được mô tả bởi Hippocrates, “Melancholia” là cảm giác buồn bã xuất phát từ bên trong, trái ngược với trầm cảm xuất phát từ phản ứng với các tác nhân gây căng thẳng bên ngoài. Nó khiến chúng ta nhận thức được sự vô hạn của thời gian và sự ngắn ngủi của cuộc đời. Cảm giác này có thể xuất hiện khi bạn về nhà thăm cha mẹ và nhận ra mình không còn là một đứa trẻ vô lo nữa. Hoặc đó là khi bạn nhận ra những điều mình yêu thích một ngày nào đó cũng sẽ thay đổi hay biến mất.

Tác giả Gustave Flaubert từng mô tả trạng thái này khi chúng ta cảm giác u sầu vì phải chia tay nơi mình đã ghé thăm. Hãy thử nghĩ về điều đó: bạn luôn rất hào hứng trước khi bắt đầu chuyến du lịch, nhưng vào ngày cuối cùng, bạn lại lưu luyến không muốn rời đi. Mặc dù mục đích của việc du lịch là để khám phá, trải nghiệm và tìm kiếm niềm vui nhưng kết thúc hành trình đó lại là cảm xúc không mấy vui vẻ. Thật mâu thuẫn đúng không?

Tuy nhiên, chỉ khi ở trong trạng thái đó, chúng ta mới có thể trân trọng sự tinh tế của nó. Đời sống tình cảm của con người sẽ trở nên nghèo nàn nếu không có khả năng chiêm nghiệm những nỗi buồn. Tâm trí con người là một nhạc cụ có thể tạo ra nhiều loại trạng thái cảm xúc, giống như cách cây đàn tạo ra nhiều âm thanh du dương khác nhau. Điểm khác biệt là kể cả khi không có người đánh, cây đàn vẫn không mất đi thanh âm vốn có. Con người cần làm cho các sợi dây “cảm xúc” của mình rung lên nếu muốn duy trì đời sống nội tâm phong phú bên trong.

Theo một cách nào đó, tất cả chúng ta đều nhận thức được điều này. Đó là lý do tại sao chúng ta đọc tiểu thuyết hay xem các bộ phim. Khi chìm đắm vào nội dung, chúng ta sẽ rung động trước câu chuyện của các nhân vật, từ đó tạo nên sự thấu cảm trong đời sống hằng ngày.

Dù vậy, sự hư cấu chỉ mang lại cho chúng ta những trải nghiệm gián tiếp. Bạn có thể lựa chọn gắn bó với những điều đó vì được thể hiện cảm xúc một cách an toàn. Tuy nhiên, tiểu thuyết hay phim ảnh không thể thay thế hoàn toàn cho cuộc sống. Nếu muốn khám phá thế giới nội tâm của chính mình, bạn cần phải dũng cảm đương đầu và trải qua niềm vui cũng như nỗi buồn.

 Sự chữa lành

Tiểu thuyết gia Marcel Proust nói rằng chúng ta chỉ có thể được chữa lành khi đã trải nghiệm trọn vẹn nỗi đau. Có nhiều cách khác nhau để đối diện với sự đau khổ, buồn rầu, một trong số đó là đánh lạc hướng. Một biện pháp khác là điều trị bằng thuốc khi sự u sầu trở nên nghiêm trọng hơn, thường xuất hiện dưới dạng trầm cảm. 

Điều quan trọng trong quá trình tự chữa lành là tìm về gốc rễ của nỗi đau, suy ngẫm về các giai đoạn cũng như ý nghĩa của nó. Trên thực tế, chức năng chính của khả năng cảm thụ nỗi buồn là giúp chúng ta vượt qua nó. Đồng thời, khi đã thấu hiểu nguyên nhân, bạn có thể xử lý tốt hơn nếu việc tương tự xảy đến với mình trong tương lai.

 Nỗi buồn là một phần của cuộc sống

Nỗi buồn, ở góc độ nào đó, giúp chúng ta trở nên mạnh mẽ hơn. Sẽ không có một doanh nhân thành công nếu anh ta chưa từng nếm trải nỗi buồn thất bại. Sẽ không có một nhà văn bán được hàng triệu cuốn sách nếu những bản thảo đầu tiên không bị từ chối. 

Khi bình luận về tác phẩm Odyssey, nữ nhà văn Anh Virginia Woolf cho rằng người Hy Lạp cổ đại đã chấp nhận nỗi buồn như một phần của cuộc sống. Cuộc sống của họ vốn dĩ rất khó khăn và cách duy nhất để tiến lên phía trước là làm quen với những thách thức ấy. Dù vậy, họ vẫn nuôi niềm tin về một tương lai tươi sáng hơn thông qua ước mơ khám phá những vùng đất mới, các chiến công hay sự trợ giúp của các vị thần. 

Ngày nay, chúng ta có thể đánh giá khác đi nhưng không thể phủ nhận tác phẩm của Homer đã mang lại nhiều bài học quý giá. Việc chấp nhận những nỗi buồn mà cuộc sống mang đến thực tế lại khá khôn ngoan. Bạn không có quyền điều khiển mọi thứ. Vậy nên, thay vì tránh né, phủ nhận thì cách tốt nhất là hãy đối mặt trực tiếp. Triết lý Phật giáo còn đề cập 8 nỗi khổ mà con người phải trải qua và nhấn mạnh nỗi buồn là điều bình đẳng nhất vì bất kỳ ai trên đời cũng có.

 Tóm lại, bài viết này không khuyến khích bạn “mời gọi” nỗi buồn. Bạn đơn giản nên chấp nhận và không cần chống lại nó. Đương nhiên, chẳng ai muốn trải qua một ngày buồn bã, tăm tối cả. Nhưng khi có chuyện không vui xảy đến, hãy hít thở thật sâu, bình tĩnh ngồi xuống đánh giá vấn đề và tự nhủ rằng mọi việc rồi sẽ qua. Buồn bã cũng là một cảm xúc và nên được đối xử công bằng như bất kỳ cảm xúc nào khác.

Nguồn tham khảo: psychologytoday

Nội dung được dịch và biên tập bởi Team Trần Đăng Khoa

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *