Buonasera – Chào buổi tối. Hôm nay, mình muốn giới thiệu một cuốn sách tuyệt hay về thuật lãnh đạo : “NHÀ LÃNH ĐẠO DÁM CHO ĐI” – Bob Burg & John David Mann. Nói về việc lãnh đạo, các tác giả có đôi lời như sau : “ Ngay cả khi bạn không nắm giữ một ‘vị trí lãnh đạo ‘ truyền thống nào, không có nghĩa là bạn không ở trong một vị trí có thể ảnh hưởng tới người khác, để truyền cảm hứng và truyền sức mạnh cho người khác; để cổ vũ thành công của họ, NÂNG họ lên. Nói cách khác, là để ‘cho đi quyền lãnh đạo’, và HÍCH cho thế giới đi theo hướng tích cực.” Vậy cho nên, bất kể bạn là ai cũng nên đọc cuốn sách này.
Mặc dù là một cuốn sách chia sẻ về thuật lãnh đạo, nhưng không toàn là những lý thuyết khô khan, mà nó được lồng ghép vào một câu chuyện ấn tượng; từng lời văn đều được trau chuốt một cách công phu, với những nhân vật được xây dựng điển hình độc đáo. Chuyện kể về Ben – người được Marden Group (một công ty lớn) phân công thực hiện một cuộc sáp nhập để cứu Allen & Agustin – một công ty sản xuất ghế gỗ, huyền thoại khởi nghiệp của thành phố. Lập luận của Ben không thể bàn cãi : công ty làm ghế kia hoặc là sáp nhập và hiện đại hóa, hoặc là phá sản và xóa sổ; tuy vậy anh không thể nào thuyết phục được ai, từ CEO của công ty cho đến những người cấp dưới, chịu-sáp-nhập. Đối mặt với 4 vị lãnh đạo, anh tìm gặp Clair, người bạn từng làm việc ở công ty này, và anh gặp được dì Elle – người phụ nữ bí ẩn với cách nói chuyện sắc sảo và đầy triết lý. Bà đã là người cố vấn cho anh trong suốt quá trình lay chuyển nhân viên và các cổ đông quan trọng của công ty trước cuộc bỏ phiếu quan trọng nhất. Độc giả sẽ tò mò rằng liệu anh có làm được điều đó? Và liệu Allen & Augustine có thể sống sót mà không để mất linh hồn mình ?
Bước vào công ty Allen & Augustine, Ben mang trong mình tâm thế để nắm quyền làm chủ. “Ra tay nào, Ben, anh tự nhủ. Nắm quyền kiểm soát nào. Cầm cương nào. Nào, nào, nào.”
Và phương pháp của anh đã không thành công,mặc dù anh là người được sếp tin rằng là “một người biết nắm quyền lãnh đạo trong những tình huống khó khăn “. Anh đã bị hạ gục 4-0 khi đối mặt với 4 vị lãnh đạo ở công ty, những người tượng trưng cho 4 khía cạnh của công việc lãnh đạo : Viễn tượng – Cảm thông – Tiếp đất – Tâm hồn
Nhưng …
Chẳng thứ nào trong số đó là quan trọng. Đôi khi vấn đề không phải ở việc biết lãnh đạo, mà là biết “cho” đi quyền lãnh đạo. Để ý một chút nhé, khi ta đổi chữ L với chữ D trong Lead (lãnh đạo), ta sẽ có từ Deal (tạm dịch : ban phát). Đây là điều vẫn xảy ra với biết bao nhà lãnh đạo và người có ảnh hưởng – trở thành người trì kéo công ty, nghĩ rằng họ quan trọng, rằng họ là “kẻ ban phát”; và đó cũng chính là lúc họ bắt đầu mất khả năng gây ảnh hưởng một cách tích cực với cuộc đời kẻ khác. Tức là, mất khả năng LÃNH ĐẠO.
Còn có một bài học thú vị khác là về “tầm ảnh hưởng” trong lãnh đạo. Ta CÀNG NÓI ÍT thì CÀNG CÓ ẢNH HƯỞNG. Ảnh hưởng (influence) là một dòng chảy, giống như dòng chảy của một con sông (flow), và hai từ này đều đến từ cùng một từ gốc. Ta có thể đẩy một sợi dây thừng đi bao xa, thay vì kéo ?
“Cốt lõi của ảnh hưởng là hút. Không phải đẩy”
Mỗi lần Ben nói chuyện với dì Elle, ta lại càng học thêm được nhiều điều bổ ích, đáng suy ngẫm. Xin phép được trích một đoạn như sau :
“Đây,” dì Elle nói, và bà giơ một bàn tay hướng về phía trước, lòng bàn tay hướng về phía Ben, “Đưa tay cậu lên nào”.
Ben làm như được bảo, và dì Elle áp bàn tay bà vào tay Ben. Bà mạnh đến mức ngạc nhiên, Ben phải vận chút nỗ lực để chống lại sức đẩy của bà.
“Đó”, dì Elle nói khi hạ tay xuống lại.
“Vâng ..” Ben chờ đợi một lời giải thích
“Khi tôi đẩy”, bà nói, “sao cậu đẩy lại ?”
Ben sửng sốt nhận thấy mình đã không nhìn ra một câu trả lời. “Cháu không biết… cháu cứ thế mà làm”
“Và bằng cách nào tay chúng ta cùng chuyển động ?”
“Cùng chuyển động sao? Chúng có nhúc nhích đâu.”
Dì Elle gật đầu. “ Chính xác. Cậu sẽ gọi đó là một cuộc thương thảo thành công chứ? “
Dĩ nhiên, trả lời cho câu hỏi trên thì hẳn là ai cũng biết rồi. Và bài học rút ra : “Hãy ứng phó thay vì phản ứng”. Khi ta phản ứng hay ứng phó, người kia đều sẽ có khuynh hướng sinh ra hành vi y hệt thế. Vậy nên nếu ta phản ứng, người ta cũng sẽ phản ứng lại, điều đó chỉ thiệt thêm cho ta mà thôi !
Có câu hỏi đã khiến mình băn khoăn nhiều, chính là dòng tiêu đề phụ của cuốn sách : “Một câu chuyện nhỏ về điều quan trọng nhất trong kinh doanh”. Vậy điều quan trọng đó là gì ? Có lẽ, đó là sự DÁM cho đi, hệt như ý nghĩa của nhan đề cũ: “Trọng tâm không phải là bạn” một cái tên rất đẹp cho ý tưởng then chốt của Người dám cho đi : chuyển trọng tâm của một người từ ‘lấy’ sang ‘cho’, từ ‘mình’ sang ‘người khác’, cuối cùng là sự đền đáp thường là không ngờ tới và lớn hơn nhiều. Vì sao ? “Cho đi là còn mãi”.
“Tôi thấy rằng cách tốt nhất để khiến người khác có được một phẩm chất là gán nó cho anh ta” – Winston Churchill. Trao cho người ta thứ gì đó tốt đẹp để phấn đấu – một thứ gì đó lớn lao – và thông thường họ sẽ phấn đấu. Trên thực tế, họ còn vượt quá các kỳ vọng. Việc của người lãnh đạo là định ra tầm nhìn, TRUYỀN lửa, TRUYỀN niềm tin, sự kỳ vọng cho nhân viên, cổ vũ cho họ. Vậy mới nói, “lãnh đạo” là một bậc thầy về TRUYỀN CẢM HỨNG, còn “ông chủ” là một bậc thầy về SAI KHIẾN.
Có thể thấy rằng, “Nhà lãnh đạo dám cho đi” là một quyển sách mà bất kì ai cũng nên dành thời gian đọc. Không hề nhàm chán, những bài học đã được minh họa một cách tinh tế qua từng khoảnh khắc của câu chuyện.
“ Tất cả chúng ta đều nên thực hành thông điệp được minh họa thật tao nhã trong Nhà lãnh đạo dám cho đi : những lãnh đạo vĩ đại không cố hành xử như ‘lãnh đạo’, họ luôn phấn đấu để ‘Người’ hơn” – Simon Sinek.