Sự cố Airstan (hay Aerotan) và cuộc đào thoát ngoạn mục của máy bay Nga khỏi tay Taliban.
1/ Bối cảnh
Từ năm 1995, Afghanistan bắt đầu bước vào giai đoạn khốc liệt của cuộc nội chiến. Sau khi phong trào Taliban thành lập năm 1994 (đến giờ hy vọng đừng ai nhầm mốc thời gian này nữa, nhớ cho: Taliban thành lập sau khi Liên Xô tan rã 3 năm), các nhóm kháng chiến Mujahideen cũ (đây mới chính là các nhóm chống Liên Xô được hỗ trợ) đã thành lập một Liên minh chống Taliban, gọi là ”Liên minh phương Bắc”. Liên minh này gồm nhiều nhóm sắc tộc lớn khác nhau của Afghanistan bao gồm Pashtun, Tajik, Uzbek, Haraza,… Các chỉ huy lớn nhất của họ là Burhanuddin Rabbani (tổng thống hợp pháp của Afghanistan bấy giờ), Ahmad Shah Massoud – thủ lĩnh phe người Tajik và Abdul Rashid Dostum – thủ lĩnh phe người Uzbek.
Liên minh phương Bắc, nhận hỗ trợ trước nhất đến từ các nước Trung Á, những nước cùng dân tộc với họ. Ví dụ như tướng Dostum là một nhân vật rất thân với Tổng thống Uzbekistan là Islam Karrimov, thường xuyên lui qua lại Afghanistan và Uzbekistan để tránh bị ám sát. Riêng Ahmad Shah Massoud thì còn bị cho là thân Ấn Độ nên liên tục bị tình báo Pakistan đưa vào mục tiêu ám sát.
Sau đó chứng kiến sự gia tăng sức mạnh chóng mặt của Taliban, các nước lớn khác mới bắt đầu ra tay hỗ trợ mạnh mẽ cho Liên minh phương Bắc này. ”Nước lớn” ở đây lại không bao gồm nước Mỹ, mà nó là Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Nga,… vốn là những nước gần với Afghanistan và chịu ảnh hưởng nếu tình hình ở đây bất ổn.
Trong số này, Nga đã giúp đỡ Liên minh phương Bắc theo yêu cầu của các nước đồng minh Trung Á, bất chấp việc các nhóm Mujahideen là kẻ thù cũ của Liên Xô. Do đó từ năm 1994, ngoài thông qua quân đội Nga đang tham chiến ở Tajikistan, các công ty vũ khí và hãng hàng không tư nhân Nga cũng được tận dụng để đưa vũ khí, và cả tình nguyện viên Hồi giáo đến chiến đấu ở Afghanistan. Những người này thường có gốc ở nước Cộng hòa Tatarstan, một nước Cộng hòa Hồi giáo trong lãnh thổ Liên Bang Nga, và vì thế, máy bay họ thường sử dụng là của Công ty hàng không Aerotan, đóng ở thủ phủ Kazan của nước Cộng hòa.
2/ Sự cố
Vào ngày 3 tháng 8 năm 1995, một máy bay IL-76TD của Aerotan cất cánh từ thủ đô Tirana (thuộc nước Albania ở Đông Âu) cất cánh bay tới thủ đô Kabul của Afghanistan, trở theo đạn pháo và đạn súng trường. Số vũ khí này được trở theo hợp đồng giữa Nga và chính phủ của Tổng thống Afghanistan Burhanuddin Rabbani, với tên người nhận trên đơn hàng là Bộ trưởng Quốc phòng người Tajik – Ahmad Shah Massoud. Phi hành đoàn Nga gồm 7 người, bao gồm cả người gốc Slav và gốc Tatar:
-Cơ trưởng Vladimir Ilyich Sharpatov
-Cơ phó Gazinur Garifzyanovich Khairullin
-Hoa tiêu Alexander Viktorovich Zdor.
-Kỹ sư Askhat Minakhmetovich Abbyazov .
-Hiệu thính viên Yuri Nikolaevich Vshivtsev.
-Kỹ sư Sergey Borisovich Butuzov.
-Kỹ sư Victor Petrovich Ryazanov.
Đây đã là chuyến thứ 3 mà phi hành đoàn này thực hiện. 2 chuyến trước đã thành công mỹ mãn. Nhưng đến lần thứ 3 thì họ bị Taliban phát hiện, do Taliban đã nghi ngờ có máy bay chở vũ khí đến cho Liên minh phương Bắc. Khi máy bay Nga đến thành phố Kandahar, một tiêm kích Mig-21 của Taliban bay lên chặn máy bay Nga và bắt hạ cánh xuống mặt đất. Phi hành đoàn bị bắt giữ ngay sau đó và vũ khí, đạn dược đều bị tịch thu.
3/ Đàm phán và cuộc đào thoát.
Tổng cộng phi hành đoàn 7 người Nga đã bị Taliban giam giữ trong hơn 1 năm, cụ thể là 378 ngày đêm. Trong 378 ngày đêm đó, liên tục các nỗ lực đàm phán để giải cứu đã được tiến hành bởi các lãnh đạo cao cấp nhiều nước. Nhiều nhất trong số này, phải kể đến Timur Akulov, phó Tổng thống Cộng hòa Tatarstan – là một người Hồi giáo. Timur Akulov đã bay đến Afghanistan tổng cộng 26 lần trong hơn 1 năm để thuyết phục Taliban thả người, và được Taliban yêu cầu thuyết phục phi hành đoàn người Nga cải đạo. Tuy nhiên phi hành đoàn từ chối.
Ngoài ra, cả Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton, Phó Tổng thống Hoa Kỳ Al Gore và Thủ tướng Pakistan Benazir Bhutto đều tham gia vào quá trình đàm phán. Các đại diện của Liên Hợp quốc và Tổ chức hợp tác Hồi giáo cũng tham gia nhưng những nỗ lực đều không thể khiến Taliban chấp nhận thả người.
Trong khi những nỗ lực ngoại giao đang bế tắc, thì một nỗ lực đào thoát bất ngờ của các phi công đã thành công ngoạn mục. Số là trong khi bị bắt, các phi công Nga đã thuyết phục được Taliban cho họ ra bảo dưỡng máy bay 1 lần mỗi tháng. Mỗi lần bảo dưỡng đều có 6 tay súng Taliban trông coi Trong quá trình bảo dưỡng, họ âm thầm chuẩn bị cho cuộc chạy trốn.
Cơ hội đến với họ ngày 16 tháng 8 năm 1996, là ngày thứ 6 diễn ra lễ cầu nguyện của người Hồi giáo. Phi công lái Mig duy nhất của Taliban đi vắng khỏi sân bay Kandahar. Trong lúc bảo dưỡng máy bay, cơ trưởng Vladimir Ilyich Sharpatov đã cho máy bay cất cánh khỏi đường băng trong sự ngỡ ngàng của lính Taliban dưới mặt đất. Họ thoát khỏi nơi giam giữ sau 378 ngày. Để không bị phát hiện và đánh chặn, phi hành đoàn không bay về Nga mà mạo hiểm bay qua lãnh thổ Iran, không liên lạc với kiểm soát không lưu của Iran. Cuối cùng họ bay đến Các tiểu vương quốc Arab thống nhất, một quốc gia trước đây đã là điểm xuất phát cho máy bay Nga trong một chuyến đến Afghanistan trước đây. Các tiểu Vương quốc Arab thống nhất vui mừng chào đón các phi công Nga đào thoát, và còn nối máy đến Tổng thống Nga Boris Yeltsin để ông chúc mừng các phi công.
Ngày 18/8/1996, phi hành đoàn lái chiếc IL-76TD trở về quê hương Kazan.
4/ Khen thưởng.
Với hành động dũng cảm phi thường, Cơ trưởng Vladimir Ilyich Sharpatov và Cơ phó Gazinur Garifzyanovich Khairullin ngay sau khi trở về đã được Tổng thống Boris Yeltsin trao tặng Huân chương Anh hùng Liên Bang Nga. Các thành viên phi hành đoàn khác đã được trao tặng Huân chương Dũng cảm. Cho đến năm 2010, Cơ trưởng Vladimir Ilyich Sharpatov vẫn là người duy nhất ở vùng Tyumen của Nga được vinh dự nhận danh hiệu Anh hùng Liên bang Nga.
Tuy nhiên, có những thuyết âm mưu về việc thực chất chính phủ Nga đã trả tiền chuộc để các phi công được trở về, chứ không phải là do họ tự đào thoát.
Năm 2010, bộ phim ”Kandahar” đã được Nga thực hiện dựa theo vụ việc. Tuy nhiên, khi phát hành nó lại gây ra tranh cãi vì đã biến các thành viên gốc Tatar trong thực thế thành gốc Slav trong phim. Cơ trưởng Vladimir Ilyich Sharpatov cũng nhận định bộ phim làm khác khá xa so với thực tế câu chuyện.