TÂY VỰC CỔ QUỐC – XA SƯ QUỐC

TÂY VỰC CỔ QUỐC
XA SƯ QUỐC
Xa Sư quốc 車師 hay Cô Sư 姑師 là 1 quốc gia ốc đảo Tây Vực xưa từng tồn tại ở phía bắc của bồn địa Tarim (bồn địa Tháp Lý Mộc) tại khu vực nay là thành phố Jimsar (Cát Mộc Tát Nhĩ) hiện đại cho tới tận hồ Ngải Đinh ở phía đông rặng núi Thiên Sơn, tỉnh Tân Cương, Trung Quốc.
Không rõ thời gian lập quốc nhưng vào khoảng thế kỷ thứ 2 TCN khi sứ Hán là Bác Vọng hầu Trương Khiên đi sứ các tiểu quốc Tây Vực thì nước Xa Sư đã tồn tại bên cạnh các tiểu quốc Tây Vực khác như Lâu Lan, Tinh Tuyệt, Quy Tư…
Lãnh thổ Xa Sư nằm lọt thỏm giữa vùng Tarim với 1 số tiểu quốc láng giềng khác nằm tiếp giáp ở mạn phía bắc và đông bắc của lãnh thổ Xa Sư như Hồ Hồ 狐胡 , Bồ Loại 蒲類 , Di Chi 移支, Úc Lập Sư 郁立師 , Ti Lục 卑陸 , Kiếp 劫 , Thả Di 且彌 , Đan Hoàn 單桓 , Ô Tham Tí Li 烏貪訾離…
Đa phần các láng giềng này sau đó đều bị Xa sư hay 1 tiểu quốc Tây Vực khác là Yên Kỳ 焉耆 tiêu diệt.
Căn cứ vào địa bàn khu vực núi Kỳ Liên (Thiên sơn) xưa từng là địa bàn của tộc du mục gốc Ấn Ân là Nguyệt Chi nói riêng cũng như các xác ướp có các đặc điểm của chủng Caucasoid cùng thời được phát hiện rải rác trong khu vực bồn địa Tháp Lý Mộc thì cư dân các tiểu quốc Tây Vực xưa có lẽ là dân Ấn Âu thuộc đại chủng Caucasoid với đặc điểm nhận dạng là mũi cao, râu rậm… nói ngôn ngữ Thổ Hỏa La (Tokharia) thuộc ngữ hệ Ấn Âu xưa mà nay đã biến mất
Cư dân của nước Xa Sư theo vài nguồn tài liệu xưa thì sống trong lều. Nền kinh tế chủ yếu dựa trên việc chăn nuôi du mục các loại gia súc như cừu, ngựa, lạc đà và dê du mục theo nguồn cỏ nước cũng như sống định cư 1 chỗ và canh tác nông nghiệp.
Bên cạnh đó thì dân Xa Sư cũng được đánh giá là giỏi sử dụng các vũ khí như cung và tên.
Khi các sứ thần đầu tiên của nhà Hán như Trương Khiên đến Tây Vực thì nước Xa sư cũng như Lâu Lan và các tiểu quốc khác đều thần thuộc và phải cống nộp cho người Hung Nô.
Chính do vị trí địa chiến lược nằm trên con đường thông sang phía Tây cũng như lại là các chư hầu của Hung Nô nên Xa Sư cũng như các tiểu quốc Tây Vực khác đều nhanh chóng trở thành mục tiêu bành trướng của Hán triều.
trước tình hình này thì Xa Sư cũng như các quốc gia Tây Vực khác chọn cách liên thủ với người Hung Nô và tấn công các đồng minh của người Hán trong khu vực như nước Ô Tôn…
Năm 108 TCN , Hán tướng Triệu Phá Nô đem binh tây tiến , tấn công Xa Sư và tới năm 89 TCN thì Xa Sư trở thành chư hầu Hán triều.
Tuy vậy thì người Hung Nô lại không chịu để mất các chư hầu 1 cách dễ dàng nên khoảng thời gian sau đó thì vùng Tây Vực trở thành 1 bàn cờ thế tranh giành giữa Hán đình tại Trung Nguyên và dân Hung Nô tại Mông Cổ.
Để tăng cường hơn nữa sự thống trị cũng như ảnh hưởng của mình tại Tây Vực, Hán đình đã cử Trịnh Cát tới thiết lập đồn điền tại Cừ Lê và việc này đã thu hút dân Xa Sư tới sinh sống và canh tác nông nghiệp.
Đáp lại hành động này thì bên Hung Nô cũng đưa ứng viên của họ là Đâu Mạc lên ngôi vua Xa Sư.
Động thái tranh giành nhau giữa 2 cường quốc đã xé toạc Xa Sư ra làm 2 nước là Tiền bộ Xa Sư quốc theo phe Hán và Hậu bộ Xa Sư theo Hung Nô.
Kinh đô của Tiền Xa Sư quốc đặt tại phế tích Giao Hà (cách thành phố Thổ Lỗ Phiên 16 cây số về phía tây) trong khi Hậu Xa Sư lại đóng đô ở Yulai cách Cát Mộc Tát Nhĩ và Giao Hà lần lượt là 10 cây số và 200 cây số về phía bắc.
Năm 60 TCN, Thiền vu Nhật Trục vương của Hung Nô do bất hòa nội bộ mà ly khai với phía bắc để tự lập nên Nam Hung Nô và đầu hàng Hán triều. Tính từ thời điểm này thì Xa Sư chính thức được quản lý bởi Tây Vực đô hộ phủ của nhà Hán.
Năm 48 TCN, 1 tiền đồn được Hán đình thành lập tại lãnh thổ Tiền Xa Sư và do Mậu Kỷ hiệu úy của nhà Hán quản lý.
Cho tới thời điểm này thì dân số của 2 tiểu quốc Tiền Xa Sư và Hậu Xa Sư lần lượt là 700 và 600 hộ. Sang thời Đông Hán thì con số đó tăng lên lần lượt tương ứng là 1500 và 1400 hộ.
Tây Vực đô hộ phủ sau đó tồn tại cho tới khi Trung Nguyên xảy ra loạn Tân Mãng (Vương Mãng soán Hán để thành lập Tân triều) thì bị bãi bỏ.
Sau khi Hán đình được trung hưng bởi Hán đế Quang Vũ thì 18 xứ Tây Vực đã gửi sứ đến thỉnh cầu xin được tái lập đô hộ phủ song do bị vua Hán Quang Vũ từ chối.
Tình hình này khiến các nước Tây Vực phải tự lo cho chính bản thân họ.
Trong quãng thời gian sau đó, Tiền Xa Sư đã không ngừng bành trướng lãnh thổ ra các xứ láng giềng xung quanh dẫn đến quốc thổ không ngừng được mở mang.
Các quốc gia tàn dư còn lại như Thả Di, Ti Lục, Bồ Loại, Di Chi và 2 xứ Xa Sư được nhóm chung thành Xa Sư lục quốc (6 nước Xa Sư).
Năm 74, Hán tướng Đậu Cố và Cảnh Bỉnh đem binh buộc Xa Sư phải tái thần phục nhà Hán và 2 năm sau đó thì Xa Sư quốc được Hán đình giải phóng khỏi ách lệ thuộc của người Bắc Hung Nô.
Sau thất bại trong trận chiến núi Altai của Bắc Hung Nô năm 89 thì hung Nô tạm thời không còn là mối đe dọa về quân sự đối với Hán triều và các xứ Tây Vực.
Nhưng vào thời điểm này thì lại xảy ra lục đục nội bộ giữa 2 vua Hậu Xa Sư là Trác Đê với vua Tiền Xa Sư là Úy Ti Đại.
Tướng Hán Vương Lâm sau đó đã cho giết Trác Đê và lập em trai Trác Đê lên làm vua Hậu Xa Sư.
Năm 107, Hán tướng Tác Ban đẩy lùi cuộc tấn công của Hung Nô nhằm khôi phục lại ảnh hưởng trong vùng song tới năm 120 thì vua Hậu Xa Sư là Quân Tựu đã giết Tác Ban.
Trước tình hình hỗn loạn này, Hán tướng Ban Dũng (con trai danh tướng Ban Siêu) đã tới ủy dụ và lập vua mới cho cả 2 nước Xa Sư.
Trong khi đó thì thiền vu Bắc Hung Nô là Hô Diên lại không ngừng cho quân tới quấy phá Hậu Xa Sư cho tới khi bị đánh bại vào năm 137.
Năm 153, vua Hậu Xa Sư là A La Đa tiến hành nổi loại chống lại nhà hán song bị thất bại, phải chạy tới Yên Kỳ và sau đó được Hán đình cho ân xá cũng như cho phép quay trở lại Xa Sư.
Xa Sư quốc sau đó tiếp tục tồn tại một cách độc lập với triều đình Trung Nguyên xuyên suốt thời kỳ Tam quốc cũng như gần hết thời đại Ngũ Hồ loạn Hoa.
Các vua Xa Sư sau đó được Bắc Ngụy của tộc Thác Bạt Tiên Ty phong chức Thị trung và Đại đô úy.
Mùa đông năm 441, tàn dư thị tộc hoàng gia Thư Cừ Hung Nô của triều đình Bắc Lương do Thư Cừ An Chu lãnh đạo đã tây tiến sau khi kinh thành Bắc Lương ở Cô Tàng bị thất thủ trước quân đội Bắc Ngụy.
Năm 450, Thư Cừ An Chu sau khi chiếm được Thiện Thiện (quốc gia kế tục Lâu Lan) vào năm 442 đã quay sang tấn công Xa Sư quốc.
Vua Xa Sư quốc là Xa Y Lạc do không chống đỡ nổi nên phải lưu vong tới nước Yên Kỳ.
Xa Sư quốc sau nhiều thế kỷ tồn tại và tranh hùng trên vùng Tây Vực tới đây thì bị diệt vong
Không lâu sau khi Thư Cừ An Chu chiếm được Xa Sư, năm 460, Nhu Nhiên hãn quốc đánh diệt thị tộc Thư Cừ và lấy đất này trao lại cho các gia tộc người Hán tại địa phương để thành lập nên quốc gia Cao Xương mà sau này Đường Tam Tạng a.k.a Đường Tăng đã ghé ngang trên đường đi Tây thiên thỉnh kinh.



Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *