SỐ PHẬN CỦA TRÒ CHƠI: TỪ PHƯƠNG TIỆN GIẢ LẬP CUỘC ĐỜI ĐẾN CÔNG CỤ CỦA CHỦ NGHĨA DÂN TỘC

Lâu nay giới khoa học vẫn gọi loài người chúng ta bằng danh pháp khoa học là homo sapiens – người tinh khôn. Tuy nhiên, do nhận thấy loài người không thực sự tinh khôn như cái tên có phần tự kiêu kia, mà cũng chẳng còn tôn thờ lý trí như loài người của thế kỷ thứ mười tám nữa, các triết gia khởi xướng tên gọi mới: homo faber – người chế tạo, với ý muốn nói rằng chúng ta là loài chế tạo và sử dụng công cụ để kiểm soát số phận và môi trường sống của mình.

Nhưng trong Homo Ludens, quyển sách đầu tiên nghiên cứu hoàn chỉnh về việc vui chơi của loài người, Johan Huizinga đề ra tên gọi mới: homo ludens – người ham chơi. Huizinga cho rằng “Sự chơi lâu đời hơn văn hoá, bởi văn hoá, dù chưa có định nghĩa rõ ràng, vẫn luôn tiền giả định về xã hội loài người, nhưng sinh vật không cần đợi loài người dạy chúng cách chơi đùa.” [1]

Quả thật, ta vui chơi nhiều hơn ta tưởng, và việc chơi ảnh hưởng sâu sắc đến cách ta sống nhiều hơn ta nghĩ. Bài viết này sẽ bàn về việc chơi của loài người, từ định nghĩa và phân loại của trò chơi cho đến lúc nó trở thành phương tiện giả lập cuộc đời và công cụ của chủ nghĩa dân tộc, biết rằng đây vẫn chỉ là lát cắt nhỏ trong lịch sử dài lâu của lĩnh vực này.

1. Định nghĩa và các phân loại trò chơi.

Ở đây chúng tôi sử dụng định nghĩa của hai nhà nghiên cứu về sự chơi và trò chơi là Johan Huizinga và Roger Caillois. Trong quyển Man, Play and Games, Caillois tham khảo và bổ sung các định nghĩa Huizinga đề ra, và cuối cùng rút ra được sáu điểm sau:

Thứ nhất, trò chơi phải có tính tự nguyện và tự do. Người ta chơi trên tinh thần tự nguyện, bất cứ khi nào không muốn chơi nữa họ có thể tự do ngừng chơi mà không phải chịu bất cứ trách nhiệm gì. Việc chơi không nhất thiết phải vui, mà chỉ miễn sao người chơi tự nguyện, một người chơi cờ đang thua có lẽ họ sẽ không vui, nhưng quan trọng là họ tự nguyện, và do đó mục đích chơi vẫn thuần tuý vì trò chơi. Mặt khác, một người chơi vì bị ép buộc hay vì một nghĩa vụ đau đớn nào đó thì sẽ không phải đang chơi, mà họ đang làm việc hoặc đang làm tròn bổn phận. Và cái cốt lõi của trò chơi là tính tự nguyện sẽ bị vẩn đục vì nhiều yếu tố phi-trò chơi xen vào.

Thứ hai, trò chơi phải có một khoảng thời gian và vùng không gian nhất định để tách biệt khỏi cuộc đời. Một trận bóng đá được giới hạn trong khoảng thời gian nhất định, bên ngoài khoảng thời gian ấy, trò bóng đá không tồn tại; cũng tương tự thế với vùng không gian, trận đấu bóng ấy không có hiệu lực bên ngoài sân đá bóng đã được quy ước từ trước. Các trận bóng đá (cũng như bất kỳ sự kiện trò chơi chính quy nào khác) thường đi kèm với hệ thống quy ước và biên bản rất cụ thể, chi tiết, chúng là công việc giấy tờ khán giả hiếm khi thấy, nhưng là yếu tố cốt lõi quan trọng.

Thứ ba, trò chơi luôn phải có một kết quả không chắc chắn. Trong suốt trò chơi, người chơi sẽ chơi với tâm lý hồi hộp chờ kết quả hoặc cố gắng để đạt kết quả tốt, do đó người chơi bắt buộc phải không được biết trước kết quả. Trò chơi may rủi sẽ dừng lại ngay nếu người chơi biết trước rằng ván này chắc chắn mình sẽ thắng hay thua. Một số trò chơi đối kháng cho phép người chơi đầu hàng, tức là dừng trò chơi trước khi thời gian quy định kết thúc, xuất phát từ nguyên do người chơi biết rằng có chơi tiếp hay không thì kết quả ván đấu cũng gần như không thay đổi.

Thứ tư, trò chơi không tạo ra hàng hoá, của cải, hay những thứ vật chất có tính hữu dụng cho xã hội. Một số trò chơi giúp người chơi kiếm lợi như khi chơi cá cược hoặc đặt phần thưởng cho người chiến thắng, nhưng đây chỉ là sự trao đổi của cải chứ không phải sản xuất của cải. Thực tế, trước và sau một trò chơi, không những không có gì được tạo ra mà có nhiều thứ bị tiêu tốn. Tiêu tốn thời gian, sức lực, trí lực, và nhiều khi là tiền để chuẩn bị cho các cơ sở vật chất của trò chơi.

Thứ năm, trò chơi luôn phải có luật lệ nghiêm cẩn. Luật chơi là cái rõ rệt nhất để tách trò chơi khỏi cuộc đời. Ở trong trò chơi mọi thứ được chi phối bởi một thứ luật khác, và đôi khi tách biệt khỏi luật pháp của xã hội. Chẳng hạn như trong các môn thể thao chiến đấu (combat sport), một võ sĩ không bao giờ bị buộc tội cố ý gây thương tích khi đánh bị thương đối thủ của mình trong sới đấu, ngay cả trường hợp đối thủ bị chấn thương nặng và chết, luật pháp không thể kết tội giết người cho võ sĩ, chừng nào cuộc đấu được pháp luật cho phép và mọi hành động võ sĩ ấy làm đều thuộc phạm vi trò chơi, với mục đích thuần tuý để cống hiến cho trò chơi.

Thứ sáu, trò chơi tạo ra một thực tại khác mà người chơi phải tin vào thì mới có thể chơi. Việc tạo ra một thứ luật mới, khoảng thời gian và vùng không gian riêng biệt trong trò chơi, kết hợp với việc đòi hỏi người chơi tin vào chúng, vốn dĩ chính là việc tạo ra một thực tại khác cho người chơi. Tuy hành vi gian lận trong trò chơi trên lý thuyết khiến cho trò chơi sụp đổ – bởi trò chơi chỉ tồn tại khi có giữ được luật chơi nghiêm cẩn, một tiền đạo chơi bóng đá bằng tay thì tức là họ đang không chơi bóng đá, do đó môn bóng đá ngừng tồn tại ngay từ khoảnh khắc họ dùng tay – nhưng trên thực tế nó không sụp đổ vì người chơi gian lận thường vi phạm trong lén lút và luôn chối bỏ hành vi gian lận của mình. Nói cách khác, cho dù sau lưng muốn phá huỷ luật chơi để mong giành chiến thắng, nhưng trước mặt họ luôn thuần phục trước luật chơi, cũng như thuần phục trước khái niệm thắng-thua trong trò chơi.

Vì vậy, sự sụp đổ của trò chơi không đến từ việc phá hoại của người chơi, mà chỉ xảy ra khi người chơi không còn tin vào nó. Đó là những người thấy việc đẩy 32 bức tượng gỗ trên một mặt phẳng kẻ ô là hành động ngớ ngẩn, hay thấy việc đá một quả bóng da vào lưới nhựa là vô bổ và tuyên bố chiến thắng từ hành động đó là nực cười. Còn nếu với những trò chơi như chơi đồ hàng và đóng vai thì luật chơi của nó chính là niềm tin. Một đứa trẻ sẽ thôi chơi đồ hàng nếu cứ khăng khăng hoa quả nhựa không phải hoa quả và đứa trẻ khác sẽ thôi chơi búp bê nếu tin rằng con búp bê không phải là em bé. Nếu tất cả mọi người đều có chung cảm nhận này thì các trò chơi trên sẽ sụp đổ ngay lập tức. Rõ ràng, niềm tin là cái quan trọng bậc nhất ở một trò chơi, và nó là cái giúp người chơi nhập vào một thực tại khác.

Sau khi trình bày định nghĩa cũng là những điểm cốt lõi mà trò chơi phải có, chúng ta tiếp tục theo chân Roger Caillois để tìm hiểu về các phân loại trò chơi của ông. Trong Man, Play and Games, Caillois phân trò chơi ra làm bốn loại.

Loại thứ nhất là đối kháng (agon), nơi trò chơi được thiết kế sao cho các người chơi có xuất phát điểm và tài nguyên cân bằng nhất có thể, để từ đó người chơi giành chiến thắng hoàn toàn, hoặc gần như hoàn toàn, bằng nỗ lực của bản thân. Các loại cờ trí tuệ (để phân biệt với cờ may rủi), các trò chơi chiến đấu, các trò bóng đá, bóng chuyền, v.v. thuộc về thể loại này.

Loại thứ hai là may rủi (alea), nơi trò chơi được thiết kế để thắng thua phụ thuộc hoàn toàn vào sự ngẫu nhiên, ở đó người chơi gần như không phải làm gì ngoài phò mặc cho vận mệnh. Các loại trò đoán mặt sấp ngửa của đồng xu, các trò đánh bài đỏ đen, và xổ số thuộc về thể loại này.

Loại thứ ba là mô phỏng (mimicry), nơi trò chơi mô phỏng lại những hoạt động và hình ảnh của cuộc đời, người chơi trở thành các diễn viên. Đó là các trò đánh trận giả, đóng vai, đóng kịch, vẽ tranh, kể chuyện, có thể nói hầu hết các môn nghệ thuật thuộc về thể loại trò chơi này. Chẳng biết vô tình hay cố ý mà Caillois sử dụng từ “mô phỏng” khi mà từ thời Hy Lạp cổ triết gia Aristotle có tư tưởng nổi tiếng “Nghệ thuật mô phỏng cuộc đời.”

Loại thứ tư là cảm giác mạnh (ilinx), nơi trò chơi được thiết kế sao cho người chơi nhận về cảm giác choáng váng, giật gân, kích động. Đó là các trò như đua xe tốc độ cao, chơi cầu trượt, xích đu, nhảy bungee, đi tàu lượn siêu tốc (roller coaster), và sử dụng các chất kích thích thần kinh.

Tuy nhiên các trò chơi thường không chỉ thuộc về một thể loại. Chẳng hạn cờ cá ngựa và cờ úp là trò chơi kết hợp giữa đối kháng và may rủi, vũ kịch là kết hợp của cảm giác mạnh và mô phỏng, thậm chí các trò chơi thẻ tướng online của thời đại nay là kết hợp của ba thể loại: đối kháng (hai người dùng chiến lược để chiến thắng), may rủi (quân bài bốc lên tay theo thứ tự ngẫu nhiên), và mô phỏng (mỗi quân bài tượng trưng cho một nhân vật và đôi khi có cả cốt truyện đi kèm).

2. Trò chơi dưới tư cách phương tiện giả lập cuộc đời.

Ở phương Đông, tầng lớp quý tộc Trung Quốc xưa đề ra khái niệm Tứ nghệ bao gồm bốn môn học bắt buộc mà mọi con người thuộc tầng lớp thượng lưu đều phải học, đó là “cầm, kì, thư, hoạ”. Ở đây “cầm” có nghĩa là tài chơi nhạc, “kì” là tài đánh cờ, “thư” là tài viết thư pháp, và “hoạ” là tài vẽ tranh. Bốn môn này dựa trên định nghĩa chúng tôi nêu ở phần một thì rõ ràng chúng đều là trò chơi, thế nhưng người Trung Quốc cổ đại không dừng lại ở đó, họ cho rằng bốn trò chơi này ẩn giấu những năng lực tiềm tàng khiến cho người nào thành công ở chúng thì cũng thành công ở cuộc đời.

Cụ thể, với “cầm”, cả tư tưởng của Nho giáo lẫn Đạo giáo Trung Quốc đều cho rằng âm nhạc là mối hoà hợp giữa con người và thiên nhiên (Jin, 2011). Không những thế, âm nhạc gắn liền với tư tưởng triết học của Đạo giáo, ở đó Ngũ âm tương ứng với Ngũ hành, có nghĩa là Ngũ âm cũng góp phần tạo nên sự tồn tại của vạn vật (Chan, Clancey, & Loy, 2001). 

Với “kì”, môn cờ ở đây là cờ vây (chứ không phải cờ tướng), cờ vây được cho rằng do các nhà chiêm tinh của Trung Quốc nghĩ ra, với bàn cờ tượng trưng cho vũ trụ, điểm đánh dấu ở giữa là trung tâm vũ trụ, bốn góc bàn cờ tượng trưng cho bốn mùa, quân màu trắng và đen tượng trưng cho ngày và đêm hoặc âm và dương. Người Trung Quốc xưa cho rằng thành thạo cờ vây là có thể hiểu được Thiên đạo và Nhân đạo (Liang, 2007). 

Với “thư”, người Trung Quốc xưa cho rằng việc viết thư pháp giúp người ta bộc lộ tâm hồn và tính khí của họ, việc thành thạo nghệ thuật thư pháp giúp người ta hoàn thiện những giá trị đạo đức, tinh thần và thẩm mĩ của bản thân (Ch’en, Link, Tai, & Tang, 1994). Do đó mà tư tưởng nét chữ là nết người hình thành, cũng như ảnh hưởng đến nhiều nước khác, trong đó có cả Việt Nam.

Cuối cùng, “hoạ” có khá nhiều tương đồng với “thư”, bức tranh một người vẽ ra không có mục đích chính phản ánh sự vật ở thế giới thực mà phản ánh quan điểm và thái độ của người vẽ với thế giới bên ngoài. (Dillon, 1998). Khi nhìn vào bức tranh, ta có thể thấy được tâm tư tình cảm của người vẽ, cũng giống như khi nhìn nét chữ ta có thể biết được nết người. [2]

Ở phương Tây, tuy không định danh chúng là Tứ nghệ như người Trung Quốc, nhưng giới thượng lưu ở đó cũng có những môn học bắt buộc tương tự như vậy. Từ nhỏ, trẻ em thuộc giới quý tộc phải học đánh đàn (thường là dương cầm), khiêu vũ, vẽ tranh, cờ vua, ngoại ngữ (tiếng Latin và đôi khi cả tiếng Hy Lạp), đi săn và đấu kiếm. Những môn học này về cơ bản mang tính chất của trò chơi hơn là tính hữu dụng với cuộc đời. Đặc biệt khi ở thế kỉ thứ mười sáu, các hiệp sĩ không còn vị trí trong quân đội nhưng trẻ em quý tộc vẫn cứ tiếp tục học đấu kiếm; còn cờ vua thì trong một thời gian dài dùng để giáo dục về tài quân sự [3] và thậm chí ở thế kỉ thứ mười ba cờ vua còn được dùng để giáo dục về đạo đức cho xã hội [4].

Không chỉ bó hẹp trong các trò chơi của quý tộc kể trên, nghiên cứu cho thấy rất nhiều trò chơi, ngay cả các trò của con trẻ, cũng là những phương tiện giả lập của cuộc đời. Trò nhảy lò cò ban đầu vốn mang ý nghĩa tôn giáo với viên đá trong trò chơi tượng trưng cho linh hồn, hình vẽ trên sân chơi tượng trưng cho mê cung, mục đích của trò chơi là giúp linh hồn thoát khỏi mê cung. Khi du nhập vào cộng đồng Công giáo, hình vẽ trên sân chơi có thể được sửa từ vuông vức thành thon tròn để mô phỏng lại hình chiếu bằng của vương cung thánh đường (basilica) [5]. Trước thế kỉ thứ mười tám, con diều ở các nước Viễn Đông tượng trưng cho linh hồn của người đã khuất yên nghỉ trên bầu trời nhưng vẫn gắn kết với trần gian một cách mong manh qua sợi dây; còn ở Hàn Quốc con diều được cho là vật tiếp nhận mọi xui xẻo của con người và hành động thả diều nhằm tiễn những xui xẻo ấy đi xa [6]. Ở Ấn Độ thời Vệ Đà, người tế lễ đẩy một cái xích đu với quan niệm rằng xích đu là thứ giúp cho mặt trời mọc, và chiếc xích đu của vũ trụ là thứ giúp cho vạn vật trên đời được vận hành một cách ổn định [7]. 

Như chúng tôi đã trình bày ở phần một, hầu hết các môn nghệ thuật là trò chơi. Kể chuyện, một hình thức của môn nghệ thuật văn chương, không phải là ngoại lệ. Kể chuyện là một phương tiện giả lập cuộc đời khi ở đó người ta không cần thật sự trải nghiệm sự kiện nhưng vẫn có thể nhận về cảm xúc của sự kiện một cách hoàn toàn chân thực. Trải nghiệm là giả nhưng cảm xúc là thật. Qua những cảm xúc đó, loài người dựa vào nó để tìm cách ứng phó nếu lỡ như những sự kiện tưởng tượng kia một ngày nào đó thật sự xảy đến với họ. Đã có nhiều nghiên cứu cho thấy những người hay đọc sách thể loại hư cấu có khả năng đồng cảm và những kỹ năng xã hội tốt hơn người không đọc sách hư cấu hoặc chỉ đọc sách phi-hư cấu [8].

Và cuối cùng, trò chơi được nhiều người công nhận là giả lập cuộc đời nhất có lẽ là cờ vua (cùng những họ hàng của nó như cờ tướng, shogi, janggi), trò chơi này giả lập một trận chiến và người chơi là một nhà quân sự chiến lược.

Tuy nhiên, ngày nay loài người đã tìm ra những điểm cốt lõi của trò chơi, và vì đặc điểm ngày càng chuyên biệt hoá của xã hội nay, trò chơi bắt buộc phải càng lúc càng tách xa dần khỏi cuộc đời thì mới có thể phát triển theo đúng hướng đi của nó. Tư tưởng trò chơi là giả lập của đời và do đó cuộc chơi cũng là cuộc đời là thứ tư tưởng đang ngày càng rệu rã và đang trên bờ vực biến mất. 

Những trò chơi liên quan đến tôn giáo như nhảy lò cò, thả diều đến nay vẫn còn người chơi, nhưng có lẽ không một ai còn tin vào mục đích tín ngưỡng của chúng nữa, do chúng đã bớt hấp dẫn bên trong một thế giới ngày càng lý tính được phủ bởi khoa học hiện đại. Còn những trò chơi như cờ vua hiện chỉ còn tồn tại tư tưởng “cuộc cờ là cuộc đời” ở những người nghiệp dư, giới chuyên nghiệp đã thôi tin điều đó từ lâu, và giới chuyên nghiệp ở lĩnh vực quân sự sẽ không bao giờ tuyển đặc cách một đại kiện tướng về để giải quyết vấn đề chuyên môn quân sự cả. Còn những người thật sự làm nghệ thuật sẽ hiểu rằng công việc này  không quyết định đạo đức của nghệ sĩ, càng không giúp họ tinh thông quy luật ngũ hành, âm dương của trời đất, trong khi giới quần chúng lác đác đâu đó vẫn có người sử dụng các sáo ngữ như “Văn cũng là người” hay “Nét chữ là nết người”.  

Điều này cho thấy vì yếu tố lịch sử mà tư duy coi trò chơi là giả lập cuộc đời đã ăn quá sâu vào tâm thức nhiều thế hệ, nhưng lịch sử cũng đang cho thấy rằng tư duy ấy là sai và đâu mới là những cái cốt lõi, những cái phụng sự trò chơi một cách tốt nhất.

3. Trò chơi dưới tư cách công cụ của chủ nghĩa dân tộc.

Một số trò chơi đối kháng khi được chuyên nghiệp hoá, tức là được pháp luật thừa nhận và có chế độ đào tạo bài bản, sẽ trở thành thể thao. Việc thể thao gắn liền với chủ nghĩa dân tộc ngày nay đã được nhiều người thừa nhận đến mức không cần đặt câu hỏi vì sao lại như thế, và nếu thế thì do đâu. Lịch sử thể thao có thể rọi sáng những câu hỏi này cho chúng ta.

Mặc dù thể thao đã tồn tại từ rất lâu trước đó, nhưng năm 776 Trước Công nguyên là dấu mốc đánh dấu lần đầu tiên con người tổ chức bài bản một đại hội thể thao lớn và nhiều môn – Olympic. Bấy giờ Olympic chỉ bó hẹp trong phạm vi các thành quốc của Hy Lạp. Như chúng ta đã biết, Hy Lạp cổ đại là một quốc gia không quá lớn nhưng lúc nào cũng trong tình trạng chia năm xẻ bảy làm nhiều thành quốc, và những thành quốc này không bao giờ chịu ngừng đánh nhau. Thế nhưng năm 776 TCN họ lại làm được một điều kỳ diệu là quy tụ các người chơi từ tất cả thành quốc về một thành phố nhỏ tên là Olympia để cùng chơi với nhau, phần thưởng cho người chơi chiến thắng là một thứ thấm đẫm tính chất trò chơi, vì nó hết sức vô dụng – chiếc vòng đội đầu làm từ lá ô-liu.

Nhưng đại hội thể thao Olympic chứa nhiều ẩn nghĩa hơn ta thoạt tưởng. Bằng việc cử những vận động viên giỏi nhất đi làm đại diện của thành quốc để thi đấu với những đại diện của thành quốc khác. Olympic chính là nơi để các thành quốc ẩn dụ cuộc chiến tranh của mình vào, một cách bớt bạo lực và có luật lệ hơn. Trong ba tháng Olympic diễn ra, tất cả thành quốc cùng cam kết một hiệp định đình chiến (Olympic Truce) và họ đã tuân thủ một cách trung thực. Chúng ta dễ thấy Olympic vừa là nơi ẩn dụ chiến tranh vừa là nơi thể hiện mong ước hoà bình, khi mà mọi cuộc chiến có thể thu nhỏ vào một cuộc đấu thể thao, thắng thua thường không lấy mạng người nhưng sự tôn trọng và vinh quang của người chiến thắng đều rất chân thật và được tất cả công nhận. Càng dễ thấy hơn khi chúng ta biết rằng phần thưởng cho người chiến thắng là vòng đội đầu ô-liu, mà cành ô-liu là biểu tượng của hòa bình ở Hy Lạp.

Một mặt ẩn dụ cho chiến tranh, mặt khác vận động viên thể thao là kết tinh của công sức đào tạo và đại diện cho quốc gia đi thi đấu, nên không khó hiểu khi thể thao thường gắn liền với chủ nghĩa dân tộc, và khi thắng một trận thể thao những người theo chủ nghĩa dân tộc vui mừng như cả dân tộc mình chiến thắng. Tuy nhiên, những yếu tố cốt lõi của trò chơi như chúng tôi trình bày ở phần một không bao hàm chủ nghĩa dân tộc ở trong đó, điều này có nghĩa là chủ nghĩa dân tộc không phải cốt lõi của trò chơi, và phàm đã không phải cốt lõi thì nó dễ khiến người ta đi xa khỏi trò chơi nếu cứ quan tâm một cách cực đoan đến chủ nghĩa dân tộc.

Lịch sử một số môn thể thao cho thấy chủ nghĩa dân tộc cực đoan không những đi ngược với cốt lõi trò chơi, mà còn đi ngược với cả mong muốn hoà bình mà những người tổ chức đại hội thể thao lần đầu tiên từng mong. Thay vì thu nhỏ chiến tranh vào một cuộc đấu thể thao, tức là thu nhỏ cuộc đời vào cuộc chơi, những người cực đoan dân tộc cố ý đảo ngược hành động trên, tức là lôi cuộc đời vào cuộc chơi để làm ô nhiễm trò chơi. 

Ví dụ điển hình có thể kể đến năm 1972, thời kỳ căng thẳng của Chiến tranh Lạnh, kì thủ Liên Xô Boris Spassky đấu với kỳ thủ Mỹ Robert Fischer để tranh ngôi vô địch cờ vua thế giới. Cuộc đấu ấy bị tạp nhiễm bởi cuộc đời đến nỗi khi Spassky thua Fischer, một làn sóng phẫn nộ nổi lên cáo buộc Spassky bán độ cùng những đe doạ đến mức sau này Spassky phải sang Pháp sống, cuối cùng thì lịch sử cũng cho thấy những cáo buộc ấy vô căn cứ và là chỉ là sản phẩm của chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Fischer cũng không khá hơn, vài năm sau đó vì chán những tạp nhiễm của cuộc đời, ông bỏ hẳn kỳ đài lui về ở ẩn, tuy nhiên bỏ kỳ đài không có nghĩa là bỏ cờ, ông vẫn yêu và chơi trò chơi này giỏi đến mức năm 1992 tái đấu với Spassky ông thắng, dù Spassky suốt ngần ấy năm vẫn tham dự các giải đấu cờ. Ví dụ này cho chúng ta thấy chủ nghĩa dân tộc cực đoan không hề phụng sự trò chơi và sự phát triển của người chơi.

Ví dụ tiếp theo cho thấy chủ nghĩa dân tộc cực đoan trong thể thao không phụng sự cho hoà bình. Đó là những hành động kỳ thị chủng tộc và tôn giáo mà cổ động viên bóng đá Việt Nam ném vào trọng tài sau một trận đấu bóng thua, hay là hành động hả hê trước cái chết của cha của huấn luyện viên đội bạn. Ở bán kết World Cup 2002, người Hàn trù úm thủ môn và tiền đạo của đội Đức bằng cách ghép ảnh họ vào di ảnh, tất cả chỉ vì họ là đối thủ trong một trò chơi. 

Bằng việc lôi cuộc đời vào cuộc chơi, chủ nghĩa dân tộc cực đoan khiến người ta sinh ra tâm lý phải chiến thắng bằng mọi cách, những tuyên bố như “Thua ở cuộc chơi nhưng thắng trong lòng người hâm mộ” là dấu hiệu của việc lôi cuộc đời vào cuộc chơi để miễn sao có lý do để tuyên bố một chiến thắng nào đó, dù không liên quan. Nhưng “chiến thắng bằng mọi cách” là tư tưởng sai từ cốt lõi của trò chơi, bởi vì những cách để thắng trong một trò chơi đã được giới hạn trong phạm vi của luật chơi, chỉ có ở cuộc đời, hay cụ thể ở chiến tranh, mới có chuyện “chiến thắng bằng mọi cách”, mọi cách, tức là gồm cả những cách độc ác và nguy hiểm nhất.

Cuối cùng, như Huizinga nhận định rằng sự chơi lâu đời hơn văn hoá, và nó bám rễ vào loài người sâu rộng đến mức chúng ta xứng đáng mang tên gọi mới, homo ludens, vậy thì việc trò chơi bị tạp nhiễm bởi cuộc đời và ác tâm của con người là điều không tránh khỏi. Và cũng tất yếu là trò chơi không bao giờ cứ được thuần tuý là trò chơi, mà nó sẽ luôn bị đem ra làm công cụ cho cái gì đó khác. Bài viết này không nhằm thực hiện cái lý tưởng đến không tưởng ấy, mà chỉ chỉ rõ ra rằng đâu là cốt lõi của trò chơi, và khi con người không hướng đến cái cốt lõi ấy họ nên hiểu rằng họ không đang phụng sự trò chơi, họ đang thúc đẩy cái gì đó khác, ngưỡng mộ cái gì đó khác, dành tình yêu cho cái gì đó khác, chứ không phải cho trò chơi, tuyệt không phải cho trò chơi.

Nguồn: MonsterBox

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *