Về chủ đề LX, TT Nga V. Putin từng có vài phát biểu, tuy khác nhau nhưng cùng mang ngữ nghĩa nào đó, ví dụ:
– LX sụp đổ là thảm họa địa chính trị lớn nhất thế kỷ XX. Vì nó mà 25 triệu công dân LX mất Tổ quốc; và
– Ai không luyến tiếc LX, kẻ đó không có trái tim. Ai muốn quay lại LX, kẻ đó không có trí óc.
Còn dưới này là 1 phát biểu khác nữa, trong cuộc Trực tuyến ngày 20 tháng 12 năm 2018. Mọi hoạt động lớn của Putin đều được lưu tại website Kremlin.ru, khá dễ để tìm kiếm và cũng khá tốt trong việc đối phó với giới truyền thông hay hiểu sai lạc, hoặc xuyên tạc.
http://www.kremlin.ru/events/president/news/59455
“Câu hỏi: Vladimir Vladimirovich, trong xã hội hiện nay có đòi hỏi rất cao về công bằng xã hội. Và, theo Trung tâm Levada, theo tôi, 66% hoài niệm về LX. Và, thực ra, câu hỏi là: Theo ý kiến của ông, khôi phục CNXH ở Nga liệu có khả năng hay không?
V. Putin: Tôi nghĩ, điều này là không thể.
Tôi hình dung rằng, những thay đổi xã hội sâu sắc như, khôi phục CNXH theo nghĩa, như bạn đầu tư vào nó, theo tôi là không thể.
Những yếu tố xã hội hóa nền kinh tế, lĩnh vực xã hội là có thể, nhưng điều này luôn gắn liền với việc chi tiêu thu nhập lớn hơn, và cuối cùng, đến ngõ cụt trong nền kinh tế. Đó là những gì liên quan với nó.
Nhưng phân phối công bằng các nguồn lực, đối xử công bằng với những người sống dưới mức nghèo khổ, xây dựng chính sách của nhà nước để giảm thiểu số người sống dưới mức nghèo khổ này, cung cấp cho đại đa số người dân các dịch vụ y tế, giáo dục theo điều kiện thực hiện được – nếu chúng ta nói về xã hội hóa theo nghĩa này, tôi muốn cam đoan với các vị rằng chúng tôi đang thực hiện chính sách như vậy ngay lúc này. Đó là một phần lớn các dự án quốc gia của chúng tôi, mà chúng tôi đã đề cập vào lúc bắt đầu cuộc họp báo, hướng đến điều này.”
***
Đầu tiên, 66% hoài niệm LX là gì? Đó là khi đối mặt với khó khăn hiện tại, bộ phận lớn dân chúng lại luyến tiếc quá khứ bởi dễ có sự so sánh. Nhưng cũng chính họ, lại là những kẻ trong đoàn quân đông đảo từng xuống đường biểu tình phản đối LX và ủng hộ cải tổ Gorbachev. Cho rằng Trung tâm Levada đúng, thì số dân chúng này phản ánh mong muốn lợi ích của bản thân họ. Đây là quan điểm vị kỷ của dân chúng;
Thứ hai, trả lời của Putin làm người ta liên tưởng đến CNXH phúc lợi, như thường được nhắc đến như “mô hình Bắc Âu”. Ở đó, người dân được hưởng hầu hết mọi phúc lợi xã hội miễn phí, trợ cấp cao. Tuy nhiên gần đây, qua khủng hoảng kinh tế thế giới, mô hình này cũng đã bộc lộ điểm yếu. Thậm chí như lập luận của tác giả Antony P. Mueller, phúc lợi xã hội thậm chí có thể là 1 cái bẫy, trong bài viết “Các nước đã rơi vào bẫy phúc lợi như thế nào” – 1 đoạn trong đó viết:
“Dân chúng ai cũng thích nhà nước phúc lợi vì cho rằng họ được hưởng nhiều lợi ích và miễn phí. Nhưng nếu biết hưởng thụ hiện tại dẫn đến sự thịnh vượng tương lai kém đi, sẽ xuất hiện thái độ phê phán đối với nhà nước phúc lợi và các chính trị gia sẽ khó có thể gian lận hơn. Giống như một xã hội ưu tiên an ninh hơn tự do sẽ mất cả hai, xã hội đặt giá trị lợi ích xã hội cao hơn việc tạo ra thịnh vượng sẽ kết thúc với không cả thịnh vượng lẫn lợi ích.
Trong nền dân chủ hiện tại, chính phủ được điều hành không phải bởi người dân mà bởi các đảng phái chính trị. Hệ thống chính trị như vậy thúc đẩy phân phối lại chiếc bánh phúc lợi và bỏ qua việc hàng hóa phải được sản xuất ra trước khi có thể tiêu thụ chúng. Không có sản xuất, dĩ nhiên, không thể có phân phối. Ảo tưởng lan rộng và được truyền bá bởi bộ máy chính trị rằng sản xuất độc lập với phân phối để có thể phân phối lại mà không làm suy yếu sản xuất. Tuy nhiên, cách hay phương thức phân phối sản phẩm tác động đến việc tạo ra nó trong tương lai.”
Là kẻ trong cuộc xưa, một cựu KGB, Putin thừa biết, quá hiểu nội tình thối nát lủng củng, đấu đá bên trong. Ông cũng thừa hiểu kỳ vọng dân chúng chỉ là mong mỏi lợi ích cá nhân, hưởng thụ. Cũng chính những con người ấy, cách đây vài chục năm, họ có lý do chính đáng để coi chế độ CNXH không đáng để tồn tại. Đó là một nghịch lý mà kẻ cầm quyền lão luyện như Putin chẳng lạ gì.
Ở đây có vấn đề. Ở LX, mọi tài sản là thuộc về nhà nước, mọi công dân cho đến quan chức chỉ hưởng lương. Nhưng thời 1982-84, Andropov cho mở cuộc điều tra tình hình kinh tế tài chính ngầm. Ông ta là trùm KGB nên làm được việc này. Điều tra của Andropov cho thấy, lượng tiền gửi của “dân chúng” rất lớn, lớn hơn tổng doanh thu hàng hóa 1 năm của LX, tương đương 220-260 tỷ đô 1 năm và khoảng 1 nửa là trong các tài khoản không thể xác định danh tính.
Ở Liên xô, nếu có tiền cũng chẳng thể đầu tư, cổ phần cổ phiếu, mua bất động sản, hay thậm chí là mua vàng chôn chân giường cũng không dễ. Vẫn có thể ăn chơi, nhưng phải kín đáo! Vì thế, cách tốt nhất là gửi tiết kiệm vào ngân hàng. Sau khi xem xét kỹ lưỡng, người ta thấy, có đến 80% chủ nhân số tiền tiết kiệm này thuộc về chỉ 3-5% một nhóm người, số còn lại là các khoản nhỏ lẻ của dân chúng thực sự. Rõ ràng 80% của số 220-260 tỷ đô này là tài sản bất minh, đến từ biển thủ, gian lận và tham nhũng hay những đặc quyền đặc lợi của giới quan chức.
Nói cách khác, khoảng cách giàu nghèo ở LX là cực lớn! Do đó, khẩu hiệu công bằng, bình đẳng, không có người bóc lột người, dân chủ văn minh tiến bộ, cho đến CNCS là tương lai tất yếu của nhân loại, v, v… Nó rất là sáo rỗng và giả dối, được cố ý tuyên truyền để ru ngủ dân chúng ngây thơ nhẹ dạ, để đảm bảo địa vị ăn trên ngồi chốc của giới cầm quyền gian dối và tham nhũng.
Điều này cũng không đánh lừa được người dân LX khi đó. Dân chúng LX họ biết cả, họ chán ghét chế độ CS, họ không muốn nó tồn tại. Vì thế khi Gorbachev hô hào cải cách cải tổ dân chủ, bãi bỏ Điều 6 Hiến pháp qui định Đảng CS là lãnh đạo, đông đảo dân chúng đã ủng hộ.
Putin hiểu cả, ông cũng đã muốn khác đi, nhưng có những chuyện là vô cùng tế nhị mà trên cương vị Tổng thống ông không thể nói thẳng ra. Ông hiểu câu hỏi của phóng viên về khôi phục CNXH là tương đồng quay lại LX xưa cũ đã không còn và không thể tồn tại như một tất yếu lịch sử.
Liên xô đã ngủ yên trong mồ 30 năm. Giờ đây 1 số lớn dân chúng Nga lại muốn LX sống dậy. Chính họ đã lãng quên những gì họ muốn loại bỏ ngày hôm qua. Những bằng chứng về một LX thối nát, không đáng tồn tại cũng đã bị lãng quên, người ta chỉ tình cờ thấy lại nó khi lục lọi trong đống hồ sơ lưu trữ.
Cũng vì thế ở VN, từ những kẻ to đầu cho đến đám thấp cổ bé họng vẫn ngước nhìn LX thối nát như hình mẫu đáng để học tập, để hướng đến. Họ đang hướng thẳng đến nấm mồ xưa cũ, nơi chôn vùi tất cả mọi thứ.
Chỉ có 1 vinh dự, trên nấm mồ đó khắc dòng chữ: “Nơi đây chôn vùi CNCS, tương lai tươi sáng của nhân loại!”
Muốn xây dựng một đất nước thịnh vượng, ngày nay cần phải đi con đường khác.