MỘT VÀI THÔNG TIN VỀ ĐẠI DỊCH CÁI CHẾT ĐEN

(Lược dịch từ Historyextra.com)

Covid làm những thông tin về đại dịch Cái Chết Đen thời Trung Cổ bỗng nhiên được đặc biệt quan tâm. Đây được coi là đại dịch chết chóc nhất lịch sử nhân loại khi giết hơn 50 triệu người. Con số này lớn hơn nhiều so với 50 triệu sinh mạng của Cúm Tây Ban Nha, vì vào thời này dân số thế giới chỉ nằm tầm 200 triệu.
Nhưng căn bệnh này từ đâu mà ra? Bùng phát từ chỗ nào? Triệu chứng là gì? Đây vẫn là những câu hỏi mà giới nghiên cứu không ngừng tìm tòi làm sáng tỏ. Dưới đây là những câu trả lời 'mới nhất'.

Người thời đó quy cho 'phương đông' là nơi khởi nguồn dịch bệnh . Từ đó Cái Chết Đen cập bến Đông Âu vào năm 1347 đánh gục vùng Địa Trung Hải, Ý, Tây Ban Nha, và Pháp. Rồi nó chu du lên phương bắc và phương tây. Năm 1948 nó tràn vào Anh càn qua hai vùng Dorset và Hampshire miền duyên hải. Tiếp theo Cái Chết Đen đi sang phía đông, gieo rắc tai ương lên vùng Scandinavia và nước Nga. Mãi đến những năm 1350 nó mới biến mất, bỏ lại sau lưng 50 triệu linh hồn cùng các thành phố làng mạc hoang tàn.
Dịch bệnh này đã giết chết 60% dân số tại các vùng thành thị và nông thôn. Có những nơi chết tới 70%, như một số ngôi làng tại vùng Cambridgeshire chỉ trong vài tháng. Con số tử vong thật sự mà Cái Chết Đen gây ra vẫn là một ví ẩn. Người thời đó hoàn toàn không biết bao nhiêu phần trăm đã chết, bao nhiêu phần trăm còn sống. Họ cho rằng hầu hết mọi người đều chết.
Người nhiễm bệnh thường bị sưng phồng, chủ yếu nơi háng, nách và cổ; trên cơ thể xuất hiện các mảng đen, kèm theo ho ra máu. Nhân chứng đương thời nhận thấy rằng bệnh thường kéo dài năm ngày là nạn nhân chết.
Họ tin rằng tai họa là do Chúa giáng xuống, nên đọc kinh và lễ bái là cách tốt nhất. Nhưng cũng có nhiều người nhận ra là thuốc men mới cứu vãn được. Nhưng không có phương thuốc đặc trị nào. Chaucer nhận xét rằng bệnh dịch đã đổ đầy túi cánh thầy lang.
Rất nhiều công trình nghiên cứu kết án chuột và bọ chét là hung thủ lây truyền Cái Chết Đen, và các đợt dư chấn của nó kéo dài sang thế kỷ thứ 19 tại châu Âu. Nhưng có bằng chứng gì không?
Châu Âu đương thời không hề có ý tưởng về chuột hay bọ chét trước, trong, và cả sau Cái Chết Đen, và trong cả những dư chấn của nó trong thế kỷ 19. Nhưng những khu vực cận nhiệt đới như châu Phi và châu Á thì từ thế kỷ 18 đã có những mô tả về “những bầy lũ chuột cống” mang theo bệnh của con người, với những khối u hạch thâm đen.
Còn về bọ chét thì tới cuối thế kỷ 19 người ta mới phát hiện những mối liên hệ giữa sự bùng phát dịch với chu kỳ sinh sản của loài bọ chét ký sinh trên chuột này.
Ai dễ bị dịch hạch? Có phải chủ yếu là người nghèo?
Nam nữ gái trai, già trẻ lớn bé, nông dân, thầy tu, ni cô lẫn giám mục, tất cả không chừa một đối tượng nào đều là nạn nhân của Cái Chết Đen.
Nhiều cuốn gia phả nhắc tới cái chết của những hiệp sĩ, quý tộc, thương nhân do đại dịch. Tu viện, chủng viện khắp châu Âu chết quá nửa, nhiều dòng tu tuyệt chủng.
Giới nghệ nhân và nghệ sĩ cũng chết te tua, từ những kiến trúc sư xây điện đài nhà thờ tại Ý cho đến thợ làm đồ gốm tại Anh. Những họa sĩ nổi tiếng như anh em nhà Lorinzetti xứ Siena cũng chết, nhưng kiến trúc sư cung đình tại Anh cũng chết. Đất đai không người canh tác, gia súc không ai chăn nuôi.
Cho đến những đợt dịch thứ ba, thứ tư của những thập niên cuối cùng thế kỷ 14 thì các hồ sơ khai thuế và mai táng ghi nhận rằng người nghèo trở thành nạn nhân chính của bệnh dịch.
Tại các vùng nói tiếng Đức, tại Pháp dọc sông Rhine, và một vài nơi tại Tây Ban Nha, chính quyền, giáo quyền kết tội người Do Thái đã lan truyền Cái Chết Đen bằng cách đầu độc đồ ăn và nguồn nước. Việc này dẫn đến nạn thảm sát các cộng đồng người Do Thái, bất kể già trẻ lớn bé gái trai. Tuy nhiên nạn thảm sát này có tính cục bộ chứ không phổ biến.
Cụm từ 'cách ly' (tức tách biệt một khu vực nhiễm bệnh, các cá thể nhiễm bệnh) được phát minh tại Venice, đầu thế kỷ 15, với tiêu chuẩn cách ly là 40 ngày. Đầu thời cận đại, 'cách ly' dã được rút ngắn tiêu chuẩn xuống. Như tại Milan, trong khoảng 1557-1575 thời gian cách ly các đối tượng nghi nhiễm bệnh rút xuống còn 8 ngày.
Các thành phố cố gắng ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập bằng cách biện pháp cách ly: kiểm soát các ngõ vào, đường thủy, đường bộ; áp dụng 'hộ chiếu sức khỏe' (do cơ quan địa phương có thẩm quyền cấp), và các biện pháp khác như do thám để nắm được tình hình dịch bệnh.
Ragusa là nơi tiên phong trong việc phòng bệnh, áp dụng biện pháp cách ly sớm nhất, và tăng cường các hình thức kiểm soát khắc nghiệt khác. Đợt dịch bệnh cuối cùng xảy ra tại nơi này là vào năm 1533, trong khi tại Anh kéo dài tới tận 1665, vùng Baltic là 1709, Bắc Phi và Trung Đông tới mãi thế kỷ 19. Nhiều khu vực tại Ý cũng noi theo tấm gương Ragusa, tiếp theo là nhiều vùng khác tại tây và trung Âu.
Từ tháng 10/1347 tại Sicily và xa hơn lên phương bắc đến đầu thập niên 1350, các nhà sử học đương thời chỉ trích việc bỏ mặc các thành viên gia đình nhiễm bệnh, và lên án giới tăng lữ và bác sĩ đã 'hèn nhát' trong trách nhiệm của mình khi bỏ chạy khỏi những nơi nhiễm bệnh. Tuy nhiên, nhiều tác giả đương thời cũng ca ngợi nhiều người đã hy sinh mạng sống của mình để cứu vớt các bệnh nhân.
Kỳ lạ là Giáo hội Công giáo chưa công nhận bất kỳ ai tử đạo trong thời gian diễn ra Cái Chết Đen.
Cái Chết Đen được cho lây lan với tốc độ lên tới 8 dặm một ngày, nhanh hơn các loại dịch hạch khác của thế kỷ 20 tới 30 đến 100 lần khi các nhà khoa học đã có kinh nghiệm ngăn chặn lây lan dịch bệnh. Nhưng với các phương tiên di chuyển hiện đại hiện nay như máy bay thì có lẽ tốc độ lây lan như vậy hoàn toàn vô nghĩa.





Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *