ĐINH LỄ

Đinh Lễ là công thần khai quốc của Lam Sơn, ông là một đại tướng uy dũng lập nhiều công trạng mang tính quyết định thắng bại then chốt của nghĩa quân. Sử gia Ngô Sĩ Liên từng có lời bình rằng ông cùng với Lý Triện là hai vị mãnh tướng giỏi nhất của Lam Sơn.

Đinh Lễ là cháu của Lê Lợi, gọi Bình Định Vương bằng cậu, đi theo Lam Sơn từ ngày đầu khởi nghĩa, tương truyền ông dũng cảm, mưu lược, võ nghệ hơn người, giai đoạn ban đầu thì làm cận vệ cho Lê Lợi sau dần nắm giữ binh tướng, trổ tài thao lược.

Trong trận ở ải Khả Lưu Nghệ An năm 1424, Đinh Lễ và Lê Sát là hai người luôn xung phong đi đầu, làm gương cho tướng sĩ, nhờ sự dũng mãnh và xông xáo của hai người mà binh lính lấy lại sĩ khí cùng tiến thoái đánh bại được quân Minh ép Trần Trí, Phương Chính phải rút quân vào thành cố thủ để lại sau lưng một đống xác chết ngổn ngang, nghẹn cả dòng sông, nghĩa quân thu được thuyền, quân lương và khí giới quân Minh bỏ lại.

Trận vây Lý An, đô ty Trương Hùng dẫn 300 thuyền lương tới tiếp viện bị Đinh Lễ phục kích tiêu diệt, thiên đô Tưởng bị chém tại trận, quân Lam Sơn thu được thuyền lương, đuổi quân Minh chạy đến tận Tây Đô.

Sau khi nghe lời Nguyễn Chích chiếm lấy Nghệ An, có hai vùng Thanh Hóa – Nghệ An làm bàn đạp, nuôi quân dưỡng sức, Lam Sơn bắt đầu tiến quân ra Bắc, chia quân làm ba cánh. Phạm Văn Xảo, Đỗ Bí, Trịnh Khả, Lý Triện ra phía Tây bắc, Lưu Nhân Chú, Bùi Bị ra phía Đông bắc; Đinh Lễ cùng Nguyễn Xí ra đánh Đông Quan.

Lúc đó, miền Bắc vẫn còn sợ thanh thế và sự tàn nhẫn của quân Minh và cũng không biết Lam Sơn là ai, công tác dân vận thất bại, không ai dám đi theo nghĩa quân chống giặc. Các tướng Lam Sơn buộc phải tự thân vận động, chống địch trong tình thế cực kỳ hiểm nghèo, có thể nói là liều mạng lấy một địch mười: Quân Lam Sơn đánh trận Tốt Động – Chúc Động chỉ với 6000 quân và 3 thớt voi đối trọng với 10 vạn quân Minh của Vương Thông, và 5 vạn kỵ mã, trong tình trạng thua kém về quân nhu và hỏa khí. (Theo nguồn từ ĐVSKTT, nguồn từ Minh sử có nhiều mâu thuẫn cần khảo cứu, nhưng việc chênh lệch quân số và vũ khí là sự thật, con số 10 vạn quân là nghe từ chính Vương Thông phao tin)

Đinh Lễ, Lý Triện, Nguyễn Xí bày mưu phục kích quân địch tại Tốt Động, bao vây đánh cả hai mặt, quân Minh thảm bại, Trần Hiệp, Lý Lượng cùng 5 vạn quân chôn thây tại đây, bắt sống một vạn, số còn lại tan tác tháo chạy.

Chiến thắng này được xem là một trong những chiến thắng mang tính quyết định của nghĩa quân Lam Sơn, chúng ta thu thập được rất nhiều quân nhu, hỏa khí để trang bị và tăng cường sức mạnh, quân dân các nơi nghe tin đại thắng nô nức về với nghĩa quân, tăng sổ binh lên đến 35 vạn, từ đó trong vòng một năm có thể bình định được cả nước dẫn tới toàn thắng, gây dựng lại nền độc lập của nước nhà.

Đáng tiếc, ở trận My Động, Đinh Lễ vì quá liều lĩnh và hăng máu dẫn quân truy kích quân Minh, tách rời quân thiết đột với hậu quân quá xa, bị quân Vương Thông vây lại, voi chiến sa lầy ở My Động, bị giặc bắt và sau đó hành hình. (Cái này cũng tương tự vụ của tướng địch Liễu Thăng) Lê Lợi hay tin vô cùng thương xót.

Trước đó, Lê Lợi vì lo lắng từng nhiều lần cảnh cáo Đinh Lễ về thói khinh địch, khi đại thắng Tốt Động – Chúc Động, người người đều khen ngợi là tướng quân giỏi xưa nay khó có, duy có Bình Định Vương lúc ấy nói rằng: “Trăm trận thắng được cả trăm không phải là tốt đâu, nó cậy lanh giỏi quen mùi được luôn, thất bại có thể đứng trông thấy ngay”, và sau này quả đúng là như vậy.

Đinh Lễ mất, Lê Lợi truy phong em của ông là Đinh Liệt làm Nhập nội thiếu úy, tước Á Hầu, bản thân Đinh Lễ được gia phong làm Nhập nổi kiểm hiệu tư đồ, sau này tấn phong đến Hiển Khánh Vương.

Mình chỉ gói gọn lại trong vài dòng chữ, không thể tương xứng với công ơn, khổ lao của các bậc hào kiệt anh hùng, nhưng chắc các bạn cũng có thể hình dung được phần nào sự khó khăn khốc liệt trong những tháng năm chinh chiến đầy gian khổ của Lam Sơn và chiến thắng của họ là vĩ đại đến thế nào. Thắng lợi huy hoàng của cuộc khởi nghĩa phải trả giá bởi rất nhiều mất mát hy sinh của những con người tài giỏi và can đảm nhất.

Sĩ khí người anh hùng – Sáng mãi đến ngàn năm. Hy vọng tên tuổi và chiến tích của những hào kiệt Lam Sơn sẽ mãi không rơi vào quên lãng.
=====================================
Nguồn: Lam Sơn Thực Lục
Đại Việt Sử Ký toàn thư
Đại Việt Thông Sử

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *