USB – VÍ DỤ KINH ĐIỂN CỦA MỘT THIẾT KẾ TỆ

Việc không cắm được USB vào ổ trong lần thử đầu tiên diễn ra khá thường xuyên với khá nhiều người. Việc này phổ biến đến nỗi nó đã trở thành một vấn đề mỗi khi cần cắm USB vào máy tính, thậm chí trở thành một trò đùa dùng đi dùng lại trên Internet. 

Không chỉ vậy, vấn đề này còn trở nên nực cười hơn, khi số lần thử thông thường cần để cắm thành công USB là 3 lần hoặc hơn, trong khi chiếc USB chỉ có 2 mặt để thử. Vấn đề này thường được nhắc đến với cái tên “USB PARADOX” – NGHỊCH LÝ USB.

Tất cả những điều này có thể khiến bạn phải hỏi, tại sao USB lại khó để cắm vào đến vậy? Và tại sao chỉ có USB mà không phải là tất cả các loại ổ khác, có vấn đề này?

*Loại Universal Serial Bus (USB) đang nói tới ở đây là phiên bản Type A, tương thích với phần lớn các loại máy tính hiện nay. Tuy đã qua nhiều lần cải tiến (USB 1.1, USB 2.0, USB 3.0, and USB 3.1), hình dáng của ổ cắm vẫn được giữ nguyên, và loại này vẫn được sử dụng rộng rãi với các loại laptop hiện nay.

TIÊU CHUẨN CỦA MỘT THIẾT KẾ TỐT

Khi thiết kế một công cụ nào đó, một yếu tố có thể nói là quan trọng nhất đó là sự thân thiện với người dùng. Đây là kết luận của Don Norman, một giáo sư tâm lý học, giáo sư khoa học nhận thức, giáo sư khoa học máy tính, và phó giám đốc bộ phận công nghệ tiên tiến (Advanced Technology) của Apple. Ông đã dành ra 25 năm cuộc đời mình để nghiên cứu thiết kế của những vật dụng hằng ngày và cách để cải thiện chúng.

Theo Norman, một thiết kế tốt là một thiết kế luôn đặt người dùng làm trung tâm. Đó là một thiết kế mà khi bạn nhìn vào, bạn sẽ biết ngay công dụng của nó là gì và làm thế nào để sử dụng nó đúng cách. Thậm chí bạn sẽ không hề nhớ rằng bạn đã sử dụng nó để có thể làm việc bạn cần, vì nó quá hiệu nghiệm.

Thử tưởng tượng một chiếc cửa nhé. Một chiếc cửa tốt sẽ khiến bạn không nhớ rằng bạn đã phải đi qua nó để tiếp tục tiến tới. Và một dấu hiệu để biết làm thế nào để mở chiếc cửa đó chính là nhìn vào nơi có tay nắm của nó. Tay nắm nằm ngang gợi ý bạn kéo nó hướng xuống để mở, không có tay nắm gợi ý bạn áp tay lên và đẩy nó để mở,… Chính thiết kế của chiếc cửa sẽ gợi ý cho bạn cách để mở nó. Nhưng nếu bạn để ý, cũng có những chiếc cửa được thiết kế vô cùng tệ. Đó là những chiếc cửa cần phải thử mọi hướng để mở, hay cần một bảng hướng dẫn kế bên để sử dụng.

MẶT NÀO MỚI LÀ MẶT ĐÚNG?

Nếu bạn để ý, chính thiết kế của USB Type A đã khiến cho vấn đề “cắm nhiều lần mới vào” CẦN PHẢI xảy ra. Đó là điển hình của một thiết kế tệ. 

Không như đầu HDMI với hình dáng nhỏ ở trên và bè ra ở dưới, hình dáng vuông vức của các cạnh và thiết kế chỗ cắm hình chữ nhật của USB khiến người dùng có cảm giác rằng chiếc USB có thể cắm vào khi nó ở bất cứ mặt nào, úp lên hay úp xuống. Nhưng không, khi nhìn vào bên trong của nó, bạn mới thấy ràng thiết kế này không hề đối xứng, và nó chỉ có thể cắm vào khi ở một mặt cụ thể.

Và cũng không có một gợi ý nào để biết mặt nào mới là mặt đúng. Một số USB có logo “cắm vào”, như một hướng dẫn rằng mặt này là mặt đúng (một biểu hiện của thiết kế không tốt). Nhưng ý nghĩ của biểu tượng này không hề rõ ràng chút nào nếu bạn chưa từng bắt gặp nó hay biết về nó, và không phải USB nào cũng có logo này.

Chính người phát minh ra USB, Ajay Bhatt, cũng thừa nhận rằng họ biết vấn đề này sẽ xảy ra, nhưng vì những lý do thực tế, đặc biệt là giá thành sản xuất, mà anh và đội của anh đã không thể xử lý nó ngay từ giai đoạn thiết kế. Khi anh đang thiết kế chiếc USB đầu tiên vào năm 1996, việc có thể có được một chiếc USB cắm vào được ở cả 2 mặt, giá thành sản xuất ước tính sẽ phải tăng lên gấp đôi. Chính vì thế nên Ajay đã chọn cách sản xuất chiếc USB Type A chỉ có 1 mặt cắm đúng.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *