TẠI SAO AI CŨNG BIẾT THUỐC LÁ GÂY NGHIỆN VÀ CÓ HẠI NHƯNG VẪN CÓ NHỮNG NGƯỜI MUỐN HÚT THUỐC?

1. Hình ảnh của thuốc lá
Vào ngày 30 tháng 9 năm 1950, hai nhà khoa học Richard Doll và Austin Bradford Hill công khai những phát hiện sơ bộ về sự liên quan giữa hút thuốc lá và ung thư phổi. Việc này đã khiến nhu cầu tiêu thụ thuốc lá sụt giảm nghiêm trọng. Và 1 hãng thuốc lá lớn, có tên là Malrboro, đã bắt đầu 1 chiến dịch quảng cáo nhằm thay đổi quan niệm “sợ thuốc lá” này.
Marlboro biến điếu thuốc của mình từ một trò tiêu khiển trở nên gắn liền với hình tượng những người đàn ông bảnh bao, hiên ngang, tuỳ thích làm bất kỳ điều gì mình muốn. Điều đáng nói ở đây là quảng cáo thuốc lá của Marlboro đã xây dựng nên một lối suy nghĩ cho phần đông mọi người sau này rằng: “Hút thuốc lá đại diện cho sự nam tính và cuốn hút”. Những quảng cáo này đã tạo nên ấn tượng sâu đậm tới nỗi trong các bộ phim, quảng cáo của thế kỉ XX, khi muốn xây dựng hình tượng người đàn ông lịch lãm, bản lĩnh, họ đều sử dụng mô-tip người đàn ông trầm tư cầm điếu thuốc [2].
Nhưng ở thời điểm hiện tại, khi mà quảng cáo thuốc lá đã lép vế hoàn toàn so với những tuyên truyền bài trừ nó, tại sao chúng ta vẫn phần nào bị nó thu hút? Vì hình ảnh mà Malboro để lại quá khó phai nhạt hay là vì một thứ gì đó sâu xa hơn? Để trả lời câu hỏi này, chúng ta sẽ tìm hiểu một chủ nghĩa đã và đang định hình khát vọng của chúng ta:
2. Chủ nghĩa lãng mạn
Chủ nghĩa lãng mạn nói với chúng ta rằng, để có thể phát triển tối đa năng lực của mình, chúng ta phải có càng nhiều trải nghiệm càng tốt. Chúng ta phải cởi mở mình trước những trạng thái cảm xúc đa đạng; chúng ta phải thử nghiệm nhiều loại mối quan hệ; chúng ta phải thử nghiệm nhiều nền ẩm thực khác nhau; chúng ta phải thưởng thức những phong cách âm nhạc khác nhau.
Hầu hết chúng ta hiện nay đều hưởng ứng với chủ nghĩa lãng mạn, tức ai nhiều trải nghiệm hơn thì người đó có sức hút hơn + Hầu hết chúng ta đều muốn thể hiện mình ——> Hầu hết chúng ta đều muốn chia sẻ trải nghiệm của mình với người khác.
Chúng ta có thể tự hào khi kể về một chuyến phượt xa, một mối tình kỳ quặc, một món ăn lạ lẫm,… Nhưng đặc biệt hơn cả là những trải nghiệm đau khổ. Bởi vì nó thể hiện sự kiên cường và nỗ lực bất thường để vượt qua. Vậy là nếu một người trải qua bi kịch, phần nào đó trong họ khao khát được kể điều đó với người khác. Nhưng có một vấn đề đó là nếu chúng ta kể bi kịch đó khi không ai tò mò thì nó sẽ không còn hay nữa, còn chúng ta thì mang danh “kẻ kể khổ” (Điều này mình cũng không hiểu tại sao). Vì vậy nên chúng ta cần tìm một thứ gì đó để khơi gợi sự tò mò của người khác. Và nhu cầu đó hoàn toàn tương thích với hình ảnh “một người đàn ông (phụ nữ) trầm tư đặt điếu thuốc trên môi bất chấp cả nguy hại sức khỏe.”
Tóm lại, chủ nghĩa lãng mạn thôi thúc chúng ta kể về những bi kịch đã trải qua, thứ mà rất khó có thể kể một cách trực tiếp. Và thuốc lá, thứ gắn liền với hình ảnh trầm tư, là một công cụ tuyệt vời để chúng ta gián tiếp kể câu chuyện đó.
Nếu chúng ta muốn một xã hội không khói thuốc, chúng ta nên giải thích với thế hệ trẻ về sự hấp dẫn của thuốc lá như trên và bảo với chúng rằng “Con biết không? Giờ chẳng ai còn cảm thấy tò mò về quá khứ của người hút thuốc nữa cả. Họ chỉ là những người thừa tiền bạc và thời gian cho những điếu thuốc vô bổ. Nếu con có những trải nghiệm đau khổ trong cuộc đời, hãy dùng ‘A’ để thể hiện điều đó, thay vì 1 điếu thuốc”
(‘A’ là một vật nào đó có công dụng như thuốc lá nhưng tốt cho sức khỏe cộng đồng.)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *